Giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ sẽ hối hận vì tìm cách giải cứu Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đây là thời điểm mà Mỹ có thể giáng những đòn nặng nề lên các đối thủ. Tuy nhiên, có vẻ các doanh nghiệp khổng lồ của Mỹ lại đang muốn giải cứu Trung Quốc.

Một năm trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/09, ông James M. Lindsay đang là thành viên cao cấp tại Viện Brookings; hiện giờ ông đang là giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Ông Lindsay tại thời điểm đó đã than thở về những diễn biến sau Chiến tranh Lạnh rằng, “ngay đúng vào thời điểm mà Mỹ có nhiều ảnh hưởng hơn bao giờ hết đối với các vấn đề quốc tế, người Mỹ đã mất đi nhiều hứng thú với thế giới xung quanh họ”. Ông khẳng định rằng, “thách thức chính sách đối ngoại quan trọng nhất… không phải là khuyến khích dân chủ ở Nga, đối phó với một Trung Quốc đang lên, hoặc thúc đẩy một trật tự kinh tế tự do. Thay vào đó, nó là việc thuyết phục người dân Mỹ làm nhiều hơn là việc chỉ nói suông cho niềm tin về chủ nghĩa quốc tế của họ”.

Việc Tòa tháp đôi bị phá hủy và Lầu năm góc bị tấn công đã tác động tới sự thờ ơ của người Mỹ đối với thế giới. Nhưng vấn đề đáng lo ngại ngày nay là công chúng Mỹ lại không tập trung đúng mức về các mối đe dọa quốc tế - chính là Trung Quốc và Nga, hai đối tượng bị ông Lindsay hạ thấp tầm quan trọng. Nằm trong số những người không tập trung đó là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp được cho là thông minh, hoạt động trên phạm vi toàn cầu của nước Mỹ. Như ông Lindsay đã lưu ý, trích dẫn cuộc thăm dò gần một thập kỷ rưỡi sau khi bày tỏ mối quan ngại của mình trước ngày 11/09, “Ngay cả những người muốn Mỹ 'đứng ngoài' các vấn đề thế giới cũng nghĩ rằng sự lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ là 'rất đáng mong đợi' hoặc 'đáng mong đợi ở mức độ nào đó'”.

Chúc may mắn cho nước Mỹ nếu muốn phát huy vai trò lãnh đạo trên thế giới trong khi lại “đứng ngoài” nó. Nhưng những diễn biến gần đây mang đến cho Mỹ cơ hội hiếm có để hạ bệ cả Trung Quốc và Nga về mặt quyền lực và ảnh hưởng. Tuy nhiên, các CEO lớn của Mỹ, cũng giống như Tổng thống Joe Biden, đang lãng phí cơ hội.

Doanh nghiệp Mỹ cứu nguy cho Trung Quốc

Chẳng hạn, vừa rồi, ông Elon Musk của Tesla và Twitter, ông Jamie Dimon của JPMorgan và ông Laxman Narasimhan của Starbucks nằm trong số những ông trùm kinh doanh ở Trung Quốc đại lục tiến hành đi lại giao dịch với các quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chuyến thăm của họ diễn ra ngay sau khi các giám đốc điều hành hàng đầu của Apple, siêu ngân hàng HSBC, gã khổng lồ thời trang Kering, Samsung và Volkswagen trực tiếp bày tỏ lòng kính trọng đối với các nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ sẽ hối hận vì tìm cách giải cứu Trung Quốc
Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk (áo trắng) lên máy bay riêng trước khi khởi hành từ Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh vào ngày 31/05/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Ông Musk nói chuyện có vẻ ngây thơ một cách khác thường khi nhận xét rằng “lợi ích của Mỹ và Trung Quốc gắn liền với nhau như cặp song sinh dính liền”. Đáng thất vọng không kém là tuyên bố của ông Dimon, được đưa ra khi ông gặp Bí thư Thượng Hải, rằng JPMorgan sẽ tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư vào thành phố và hỗ trợ việc tìm hiểu về Thượng Hải, khu vực mà cùng với các vùng lân cận là nơi sinh sống của hơn 39 triệu người. Ông Dimon thừa nhận rằng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng với Trung Quốc là trung tâm đồng nghĩa với việc giờ đây “sẽ có ít thương mại hơn” giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng “điều này không phải là sự tách rời; đây là biện pháp giảm thiểu rủi ro”.

Tất nhiên, rủi ro mà ông Dimon đề cập đến chính là điểm yếu mà đại dịch COVID đã phơi bày cho Mỹ và các quốc gia công nghiệp phát triển khác. Họ đã tự cho phép mình trở nên phụ thuộc vào nguồn cung và nguồn sản xuất giá rẻ của Trung Quốc - và Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng rút phích cắm và tàn phá nền kinh tế của họ khi ĐCSTQ chọn làm như vậy. Lẽ ra, không cần phải trải qua đại dịch toàn cầu thì các tập đoàn quyền lực nhất thế giới mới có thể nhận ra điều này. Và để chống lại khía cạnh kinh tế của mối đe dọa đa hướng từ Bắc Kinh đối với thế giới tự do, sẽ cần nhiều hơn là việc khai trương các cửa hàng Apple ở Mumbai và New Delhi cũng như “hoạt động phát triển và đầu tư trên khắp” Ấn Độ, như ông Tim Cook (CEO Apple) đã quảng cáo.

Các công ty ngoại quốc kinh doanh tại Trung Quốc không được ĐCSTQ bảo vệ. Điều này đúng với các thông tin độc quyền của họ hoặc thậm chí là nhân viên của chính họ, người Trung Quốc hoặc ngoại quốc, như các cuộc đột kích vào các doanh nghiệp tư vấn công nghệ trong những tuần gần đây đã chứng minh. Và Trung Quốc đã trải qua sự sụt giảm nhu cầu, thứ có thể là điểm báo trước cho các vấn đề kinh tế nghiêm trọng của Trung Quốc trong những tháng tới.

Vậy thì tại sao các công ty khổng lồ của một siêu cường như Mỹ, quốc gia mà Bắc Kinh cam kết hạ gục, lại muốn giải cứu kẻ thù nghiêm trọng nhất của Mỹ? Giám đốc điều hành Nike, ông John Donahoe, thậm chí còn tuyên bố vào tháng trước, một cách buồn cười, về mối quan hệ kinh tế đang diễn ra ở mức cao nhất với chính quyền Bắc Kinh: “Thành thật mà nói, điều đó gần như có thể giúp thúc đẩy hòa bình và hiểu biết”. Đây thực tế là một đoạn trích từ các tài liệu tuyên truyền của ĐCSTQ.

Chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt trong lịch sử mà trong đó, Mỹ, không cần nổ một phát súng nào, có thể giáng những đòn nặng nề vào cả Trung Quốc và Nga. Việc “tách rời” kinh tế chính xác là điều mà các doanh nghiệp tham gia tích cực trên trường quốc tế của Mỹ nên làm đối với Bắc Kinh, bất chấp việc ông Dimon mong muốn áp dụng các biện pháp nhẹ nhàng hơn. Và tại Ukraine, Mỹ đã từ chối cung cấp các hệ thống tên lửa chiến thuật, thứ có thể tạo ra một thất bại lớn đối với ông Vladimir Putin, đè bẹp khả năng phô diễn sức mạnh của Moscow.

Mỹ đang không lãnh đạo thế giới

Giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ sẽ hối hận vì tìm cách giải cứu Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) làm chứng trước Ủy ban Ngân sách Thượng viện vào ngày 16/05/2023 tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Chính quyền Biden thường dùng những lời nói bóng bẩy nhưng không có thực chất khi nói đến ông Putin và nhà độc tài (dường như là suốt đời) của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình. Ông Anthony Blinken đã lưu ý trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên với tư cách ngoại trưởng vào tháng 03/2021: Nga và Trung Quốc “tận dụng mọi cơ hội để gieo rắc nghi ngờ về sức mạnh của nền dân chủ của chúng ta”. "Chúng ta không nên làm công việc của họ trở nên dễ dàng hơn". Nhưng ngay sau đó, ông hứa rằng “chúng ta sẽ không thúc đẩy dân chủ thông qua các can thiệp quân sự tốn kém hoặc bằng cách cố gắng lật đổ các chế độ độc tài bằng vũ lực” - bởi vì, theo chính quyền Biden, Mỹ không thể thành công khi tập trung vào việc đó. Ông Blinken nói: “Chúng ta đã từng thử những chiến thuật này trong quá khứ". “Tuy nhiên dù có ý định tốt, chúng đã không hiệu quả”.

Ngoại trưởng Mỹ trên thực tế đã thừa nhận và quảng cáo cho sự bất lực của Mỹ.

“Chúng ta luôn luôn nên ngồi tại bàn đàm phán chứ không phải ra bên ngoài”, ông nói thêm, đồng thời vứt bỏ con át chủ bài vô giá của nhà ngoại giao là sẵn sàng bước ra khỏi, hoặc thậm chí từ chối bước vào phòng đàm phán. Một chính sách như vậy khiến cho lời đảm bảo sau này của ông Blinken rằng Mỹ sẽ là “đối thủ khi cần thiết” trở nên thiếu độ tin cậy.

So với các mối đe dọa từ Bắc Kinh, Moscow và Tehran, toàn bộ bài phát biểu thực sự liên quan nhiều hơn về các vấn đề giới tính, khuynh hướng giới tính và thành phần chủng tộc của các nhân viên Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo ông Blinken, “Khi chúng ta không có một đội nhóm đa dạng, điều này cũng giống như việc chúng ta đang tiến hành hoạt động ngoại giao với một cánh tay bị trói sau lưng vậy”.

Sự lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ trên thế giới mà công chúng mong muốn chính là biện pháp có thể ngăn chặn các hành động chiến tranh chống lại Mỹ. Nhưng khi bộ trưởng ngoại giao các giám đốc doanh nghiệp quốc tế của Mỹ không thể nhận ra kẻ thù của nước Mỹ ngay cả khi kẻ thù đang nhìn thẳng vào mặt họ, thì rõ ràng sự lãnh đạo đó đang không tồn tại.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Thomas McArdle từng là người viết bài phát biểu tại Tòa Bạch Ốc cho Tổng thống George W. Bush. Ông hiện đang viết bài cho IssuesInsights.com.



BÀI CHỌN LỌC

Giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ sẽ hối hận vì tìm cách giải cứu Trung Quốc