Khám phá công dụng tuyệt vời của cây tía tô

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tía tô đã quá quen thuộc với mỗi người dân Việt và thường được sử dụng trong nấu ăn, làm đẹp. Không những vậy, đây còn là loại thảo dược quý trong nền y học cổ truyền phương Đông. Hãy cùng tìm hiểu những công dụng tuyệt vời của tía tô.

Từ xa xưa, tía tô đã được dùng như một loại gia vị, rau ăn kèm trong ẩm thực của người Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… Đặc biệt là trong các món gỏi hải sản, nộm,… đều không thể thiếu loại rau này. Ngày nay, người Nhật còn bổ sung tía tô trong một số loại sữa dành cho trẻ em. Phụ nữ Nhật Bản dùng tía tô làm trà uống thanh lọc cơ thể từ bên trong, hay sử dụng như một loại mỹ phẩm thiên nhiên giúp dưỡng da, tắm trắng, giảm cân hiệu quả và an toàn.

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, lá tía tô có hàm lượng dầu khoảng 40%. Trong đó có một lượng lớn axit béo chưa bão hòa chủ yếu là axit alpha-linoleic. Không những vậy, tía tô còn chứa 0,2% tinh dầu nguyên chất và các hydrocarbon, aldehyde, xeton, furan,…

Mọi bộ phận trên cây tía tô đều có thể sử dụng làm thuốc. Lá cây có vị cay ấm nên thường được sử dụng để chữa cảm mạo, sốt, ho, làm cho ra mồ hôi. Quả cây tía tô điều trị ho, làm long đờm. Thậm chí cành cây còn có tác dụng an thai.

Theo một số nghiên cứu, dịch chiết từ lá tía tô làm tăng nhu động của dạ dày, ruột, giãn cơ phế quản; do đó, vị thuốc có tác dụng kiện vị, chỉ ho. Tía tô còn có tác dụng kháng khuẩn, ức chế một số vi khuẩn đường ruột.

Trong Đông y, tía tô vị cay, tính ấm được xếp vào nhóm thuốc tân ôn giải biểu có công dụng giải cảm mạo, chống dị ứng, giải độc cua cá, chống ho hen và an thai. Các bộ phận dùng làm thuốc bao gồm: tô diệp (lá tía tô), tô ngạnh (cành tía tô) và tô tử (hạt tía tô).

Một số bài thuốc trị bệnh từ tía tô

1. Giải cảm hàn

Trường hợp bị cảm hàn nên dùng lá tía tô, có tác dụng làm ra mồ hôi hạ nhiệt, cơ thể có sốt nhức đầu và đau răng… Dùng Tô diệp và Sinh khương (Gừng sống) mỗi thứ 6g. Nếu có ho thêm Hạnh nhân, Trần bì mỗi thứ 6g.

Có thể dùng lá tía tô, hành lá cho vào cháo nóng ăn, đắp chăn cho mồ hôi ra râm rấp, lấy khăn khô lau sạch.

2. Giúp hạ sốt

Lá tía tô vô cùng nổi tiếng trong đông y, có tác dụng chữa cảm mạo, giúp ra mồ hôi, đào thải chất độc rất tốt. Tía tô là loại cây chứa nhiều tinh dầu có lợi cho sức khỏe, có khả năng giảm đau nhức, hạ sốt, ho khan …

Khi sốt, hãy xông lá tía tô cùng sả, hương lưu và trùm kín mền 10 – 15 phút cho ra mồ hôi độc. Ngoài ra, bạn có thể dùng lá tía tô nấu cháo giải cảm. Cũng giống như cách nấu thông thường, bạn thái nhỏ lá và trộn đều với thịt băm để người bệnh ăn lấy sức.

3. Khứ đờm chỉ ho

Người bị ngoại cảm phong hàn (đau đầu, sốt, sợ lạnh, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…) mà ho có nhiều đờm dùng Tô diệp, Sinh khương mỗi thứ 8g; Hạnh nhân, Bán hạ chế mỗi thứ 12g sắc với 500ml còn 250ml uống sau ăn.

Đối với bệnh nhân viêm phế quản mạn tính, ho có nhiều đờm dùng phương Tam tử thang: Tô tử, Lai phục tử, Đình lịch tử mỗi thứ 8g sắc với 500ml, còn 250ml uống sau ăn. Bài thuốc này đặc biệt tốt với bệnh nhân cao tuổi.

4. Hỗ trợ chữa bệnh gút

Người mắc bệnh gút chỉ cần thêm tía tô sống rửa sạch vào bữa ăn hằng ngày là được. Có hai cách để tận dụng loại lá cây này:

– Mỗi khi thấy khớp xương có dấu hiệu sưng tấy lên thì hãy lấy lá cây tía tô nhai và nuốt để ngăn chặn cơn đau.

– Lấy khoảng 6-12g lá cây cho vào nồi đun sôi rồi chắt lấy nước uống. Không nên đun quá 15 phút vì sẽ làm mất tinh dầu trong lá.

5. Hành khí an thai

Dùng khi can khí uất kết dẫn đến động thai (tinh thần u uất, căng thẳng, hay lo nghĩ, có lúc cáu gắt, ợ hơi, kém ăn…), dùng Tô ngạnh, Chư ma căn (củ gai), Ngải diệp, mỗi thứ 8g, sắc uống.

Trường hợp có thai nôn dùng Tô ngạnh, Khương bán hạ (Bán hạ đã qua bào chế) mỗi thứ 12g, Trần bì 6g, sắc với 500ml, còn 250ml, uống sau ăn.

6. Giải độc sát khuẩn

Dùng Tô ngạnh và Tô diệp đốt xông khói hoặc nấu nước xông hơi để làm sạch môi trường trong nhà có bệnh sởi, đậu. Lấy lá tía tô xát vào mụn cơm, một thời gian mụn cơm sẽ mất. Ngoài ra, lá tía tô còn có công dụng giải độc cua cá, dị ứng thức ăn gây nôn mửa. Vậy nên, người Nhật hay ăn kèm lá tía tô cùng với hải sản, không những khử được mùi tanh, mà còn giảm bớt tính hàn lạnh và độc tính nếu có của cua cá…

Bài thuốc Tử tô giải độc thang dùng để giải độc cua cá gồm Tô diệp 10g, Sinh khương 8g, Sinh Cam thảo, sắc với nước 600ml, còn 200ml uống nóng chia 3 lần trong ngày.

Phụ nữ Nhật Bản dùng tía tô làm đẹp như thế nào?

1. Tía tô tẩy tế bào chết, làm sáng da

Dùng lá và cành tía tô vò nát, nấu làm nước xông và tắm là phương pháp hiệu quả giúp tẩy tế bào chết và giúp làn da sáng lên.

  • Nấu nước tắm: Vò một nắm cả lá và cành tía tô (lượng dùng tuỳ ý), cho vào 2 lít nước, đun sôi lên khoảng 10 phút, để cho đủ ấm. Sau đó dùng hỗn hợp này làm ướt người, bã tía tô để chà lên người.
  • Nấu nước xông: Lá tía tô 150g (có thể dùng bột lá tía tô 15g) cho vào chậu nhỏ, chế với 500ml nước sôi, trùm khăn hoặc vải mềm lên xông da mặt từ 10 – 15 phút. Dùng 2 – 3 lần/tuần. Kiên trì làm trong vòng 3 – 4 tuần. Việc xông hơi giúp giãn mạch máu dưới da, mở rộng lỗ chân lông, đào thải chất cặn bã. Tinh dầu và hoạt chất trong tía tô giúp sát khuẩn, tẩy tế bào chết. Từ đó, da trở nên mềm mịn, trắng sáng hơn. Ngoài ra cách này còn làm giảm các triệu chứng viêm mũi họng, phòng trị cảm mạo rất hiệu quả.

2. Lá tía tô cải thiện da khô, trị viêm miệng, giúp hơi thở thơm mát

  • Cách 1: Vắt lá tía tô uống hàng ngày. Uống sống tía tô có thể hơi khó khăn lúc đầu, do vị cay, mùi hơi nồng. Bạn có thể bắt đầu với 1 – 2 ngụm, sau khi quen rồi có thể tăng dần lên.
  • Cách 2: Dùng bột tía tô đã được làm sẵn trên thị trường. Với 10 – 15g bột tía tô hãm đặc với 200 – 250ml nước sôi, để nóng vừa uống, khi uống cố gắng dùng cả bã sẽ cho hiệu quả tốt hơn.
  • Cách 3: Bạn có thể chặt cành và lá tía tô khoảng 1cm, đem phơi ở nơi thoáng khí, râm mát. Sau đó cất kín, dùng dần hàng ngày như pha trà.

3. Giúp gót chân mềm mại, hồng hào

Người có gót chân thô ráp có thể dùng một nắm lá tía tô vò nát (hoặc 15g bột tía tô) pha với 1 lít nước sôi, thêm một chút muối, để nhiệt độ đủ nóng (40 – 50°C) ngâm chân trong 15 phút trước khi đi ngủ. Mùi hương dễ chịu của nước tía tô cũng giúp bạn ngủ ngon hơn.

Chú ý: Những người ra mồ hôi nhiều, mồ hôi trộm không nên dùng. Chất dầu trong hạt tía tô (Tô tử) có thể gây đại tiện lỏng, do vậy người rối loạn tiêu hoá, đại tiện lỏng không nên dùng.

Tố Như

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Khám phá công dụng tuyệt vời của cây tía tô