3 lỗ hổng kinh tế thúc đẩy lạm phát trong dài hạn và làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Biện pháp ổn định lạm phát bằng thắt chặt tiền tệ của Fed chỉ là một giải pháp định kỳ mang tính ngắn hạn. Với tầm nhìn xa hơn, để ổn định lạm phát, các nhà hoạch định chính sách cần vá những lỗ hổng dài hạn trong kinh tế Mỹ, đặc biệt là khi những lỗ hổng này đang làm suy yếu an ninh kinh tế của Mỹ.

Trong bài viết trên 19fortyfive.com, chuyên gia Brian J. Cavanaugh đã nhìn nhận vấn đề lạm phát của kinh tế Mỹ dưới lăng kính an ninh quốc gia, với hiểu biết sâu sắc và tầm nhìn dài hạn. Ông Cavanaugh là một chuyên gia từng làm việc trong chính quyền Trump về vấn đề ổn định và an ninh quốc gia Mỹ.

3 rủi ro kinh tế dài hạn đang ảnh hưởng đến lạm phát tại Mỹ

Ông Cavanaugh cho biết, chủ đề lạm phát đang rất nóng, không chỉ ở Mỹ, mà trên khắp Liên minh châu Âu và toàn thế giới. Lạm phát của Mỹ trong một năm qua ở mức 8,5% vào tháng 3, mức cao nhất trong 40 năm. Trên toàn cầu, hơn 60% các nền kinh tế 'tiên tiến' có tỷ lệ lạm phát trên 5%, với EU lên tới 7,8%.

Thế giới bước vào năm 2022 với những dấu hiệu lạc quan của một nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi với thương mại phần lớn được khôi phục ở mức trước đại dịch và các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đang mở rộng với tốc độ vừa phải. Thật không may, sau bốn tháng đầu năm 2022, thế giới đang phải đối mặt với lạm phát kỷ lục. Ở Mỹ, với GDP giảm 1,4% so với 1 năm trước, người Mỹ đang tìm kiếm những người lãnh đạo có thể giải quyết những vấn đề đã nhanh chóng trở thành mối quan tâm hàng đầu của họ.

Tác động của lạm phát đối với các cử tri Mỹ thuộc tầng lớp lao động là rất rõ ràng; các cuộc thăm dò gần đây cho thấy một số lượng lớn người Mỹ coi lạm phát là mối quan tâm hàng đầu. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ tập trung vào việc ổn định lạm phát thông qua chính sách tiền tệ, đối với các nhà hoạch định chính sách, đã đến lúc giải quyết những rủi ro dài hạn đang ảnh hưởng đến lạm phát.

Đối với Mỹ, có ba rủi ro góp phần vào lạm phát cần có giải pháp chính sách với các mục tiêu rõ ràng và tinh thần trách nhiệm trong thực thi. Người Mỹ cần sự lãnh đạo thích hợp để giải quyết những rủi ro này: giá năng lượng tăng cao kỷ lục, chi phí vận chuyển tăng vọt và việc lạm dụng chính sách thương mại - tất cả đều góp phần làm tăng chi phí cho người Mỹ, làm suy yếu an ninh kinh tế của Mỹ và cần được giải quyết một cách tổng thể .

An ninh quốc gia và kinh tế cần được đảm bảo trong lĩnh vực năng lượng

Ông Cavanaugh cho hay, một trong các nguyên nhân chính của sự gia tăng lạm phát ở các nền kinh tế tiên tiến là chi phí năng lượng tăng cao. Điều này diễn ra rõ ràng nhất trên khắp châu Âu, nơi chi phí năng lượng đang đóng góp 3 điểm % vào tỷ lệ lạm phát hàng năm. Chi phí này đã đóng góp 2 điểm % vào tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Mỹ. Những gì chúng ta đang chứng kiến ở châu Âu là hậu quả của sự phụ thuộc năng lượng vào một chế độ độc tài và sự chuyển đổi liều lĩnh sang các nguồn năng lượng không hóa thạch để đạt được các mục tiêu về khí hậu. Các chính quyền đang cố gắng thúc đẩy sự phát triển năng lượng sạch, tuy nhiên sự thay đổi sẽ không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Mỹ cần chú ý tới an ninh quốc gia và kinh tế, bằng cách đảm bảo độc lập năng lượng, và tránh bị các chế độ độc tài thao túng.

Vận tải biển: Lĩnh vực đáng lo ngại của kinh tế Mỹ

Ông Cavanaugh cũng đề cập đến một nguyên nhân quan trọng khác của lạm phát và là một nguyên nhân thường bị bỏ qua là chi phí vận chuyển hàng hóa hàng ngày. Do nhu cầu gia tăng và vấn đề của chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển xuyên Thái Bình Dương từ Tây sang Đông đã tăng 150% trong năm qua và hơn 350% so với thời kỳ trước COVID-19. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, lạm phát sẽ tăng khoảng 0,7% khi giá cước vận chuyển tăng gấp đôi và ảnh hưởng thường kéo dài trong 18 tháng. Tác động đến lạm phát năm nay ước tính là 1,5%.

Từ góc độ an ninh quốc gia của Mỹ, hãy xem xét số liệu thống kê thương mại hàng hải sau: Trong 1 năm, lĩnh vực này tạo ra 23 triệu việc làm cho Mỹ, 4,6 nghìn tỷ USD hoạt động kinh tế và hơn 90% hàng hóa nhập khẩu của Mỹ xuất nhập cảnh bằng tàu biển. Không có gì ngạc nhiên khi khả năng phục hồi kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ gắn liền với tình trạng hoạt động của các cảng của nước này, Hải quân và Cảnh sát Biển Mỹ, và đội thương thuyền của Mỹ. Với tầm quan trọng của vận tải biển đối với nền kinh tế và an ninh Mỹ, điều đáng lo ngại là chưa đến 2% hàng hóa xuất nhập khẩu đường thủy của quốc gia được vận chuyển trên các con tàu treo cờ Mỹ và có ít hơn 200 trong số hơn 44.000 tàu chở hàng vượt biển hiện nay là tàu Mỹ. Trong khi đó, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có lực lượng quân đội lớn nhất và cả đội tàu chở hàng vượt biển lớn nhất.

3 lỗ hổng kinh tế gia tăng lạm phát trong dài hạn và làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Mỹ Pete Buttigieg phát biểu với giới truyền thông sau khi đi tham quan các cảng Los Angeles và Long Beach vào ngày 11/01/2022 tại Long Beach, California. Ông Buttigieg đã đi tham quan các cảng nhằm nêu bật thành quả của Lực lượng Đặc nhiệm Xử lý Gián đoạn Chuỗi cung ứng của Tổng thống Biden và tiến độ của nỗ lực giảm lượng tàu container tồn đọng ở ngoài khơi. (Ảnh: Mario Tama / Getty Images)

Để đảm bảo các tuyến đường thương mại có thể hoạt động thì cần có Hải quân vững mạnh, một hạm đội tàu thương mại và thương thuyền. Đạo luật Jones (đạo luật về hàng hải Mỹ), Chương trình An ninh Hàng hải hay Luật Ưu tiên Vận chuyển - là những luật và chính sách nhằm đảm bảo cho sự tồn tại của vận tải biển Mỹ; vấn đề là chúng cần được áp dụng ra sao trong tương lai. Một cách tiếp cận để giải quyết những rủi ro của người Mỹ trong việc vận chuyển hàng hóa trong nền kinh tế toàn cầu là thay đổi quy định vận chuyển theo từng giai đoạn. Ban đầu, nước Mỹ nên yêu cầu tất cả hàng hóa của Chính quyền Mỹ phải được vận chuyển trên các tàu do Mỹ sở hữu và được vận hành bởi người Mỹ. Theo thời gian, nước Mỹ cần mở rộng ra áp dụng quy định đó đối với một tỷ lệ nhất định thương mại Mỹ. Điều này sẽ khuyến khích sự tăng trưởng bền vững của đội tàu thương mại của Mỹ và thủy thủ tàu thương mại Mỹ, làm giảm gián đoạn trong vận chuyển và giảm thiểu biến động trên thị trường vận tải biển quốc tế.

Lĩnh vực chống bán phá giá cần sự thay đổi

Vấn đề lạm dụng chính sách thương mại, cụ thể là việc bán phá giá, có thể là yếu tố ít được nhận thấy nhất góp phần vào lạm phát, ông Cavanaugh cho biết. Tuy nhiên, những vấn đề này không chỉ góp phần vào lạm phát mà còn làm suy yếu cạnh tranh trong nước và làm xói mòn các mối quan hệ quốc tế với các đồng minh và các quốc gia đối tác. Mỗi năm, hệ thống tư pháp Mỹ tạo ra hàng chục văn bản hướng dẫn Bộ Thương mại Mỹ về vấn đề này. Những điều này là bằng chứng về việc thường xuyên lạm dụng quyền quyết định của Bộ Thương mại Mỹ. Bộ này thực hiện vai trò thẩm phán, bồi thẩm đoàn và người thi hành - đồng thời đóng vai trò tư vấn cho các kiến nghị của những ngành công nghiệp trong nước.

Theo luật chống bán phá giá, bán phá giá được định nghĩa là việc bán hàng hóa của một công ty nước ngoài tại Mỹ với giá thấp hơn giá trị thị trường để giành được hợp đồng, tạo ra sự phụ thuộc vào nhà cung cấp hoặc thậm chí đẩy đối thủ cạnh tranh ra khỏi hoạt động kinh doanh. Nguồn gốc của các luật và thỏa thuận chống bán phá giá hiện đại có thể bắt nguồn từ các cuộc đàm phán thời hậu Thế chiến thứ hai và trong Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại. Các nhà đàm phán Mỹ đã nhấn mạnh rằng các quy định chống bán phá giá phải được áp dụng để khuyến khích tự do hóa thương mại một cách toàn diện hơn. Trong những năm qua, chính sách chống bán phá giá của Mỹ đã phát triển để cố gắng trở nên dễ tiếp cận hơn và tạo nhiều điều kiện hơn cho các ngành có cạnh tranh nhập khẩu của Mỹ.

Đối với vấn đề chống bán phá giá, bản thân luật pháp đã tạo ra một sân chơi không bình đẳng. Luật này đã trở thành một vũ khí thương mại được các công ty Mỹ sử dụng để chống lại các công ty Mỹ khác và có một phần trách nhiệm đối với việc tăng giá. Chờ đợi hành động của cơ quan tư pháp đã được chứng minh là vô ích do sự cản trở từ các tiêu chuẩn hành chính của cơ quan này. Quốc hội cần đưa ra các quy định nhằm kiểm soát hoạt động của Bộ Thương mại Mỹ trong lĩnh vực này. Nếu không, quỹ đạo hiện tại sẽ chỉ dẫn đến sự xói mòn cạnh tranh trong nước, làm tổn hại đến nền kinh tế tổng thể và làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ.

Ông Cavanaugh cho rằng, giải quyết lạm phát thông qua chính sách tiền tệ là một giải pháp ngắn hạn đòi hỏi những điều chỉnh định kỳ. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không giải quyết được các lỗ hổng ẩn giấu trong nền kinh tế Mỹ. Việc giải quyết những thách thức an ninh quốc gia này ngay hôm nay sẽ tạo nền tảng cho một nền kinh tế mạnh mẽ hơn vào ngày mai. Nền hòa bình được củng cố bằng sức mạnh kinh tế cần phải bao gồm một kế hoạch nhằm tăng cường sự ổn định kinh tế.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

3 lỗ hổng kinh tế thúc đẩy lạm phát trong dài hạn và làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ