Bất chấp tỷ giá CNY lao dốc, xuất khẩu Trung Quốc vẫn suy giảm mạnh, ngoại hối cạn kiệt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc, trong nhiều thập kỷ, luôn thao túng tiền tệ, phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) để đảm bảo hàng hoá sản xuất ở Trung Quốc rẻ đến mức quốc gia khác không thể cạnh tranh, nhờ đó thống trị xuất khẩu, mang lượng lớn ngoại tệ về quốc gia. Nhưng chiêu bài này đã bị hoàn toàn vô hiệu: đồng CNY mất giá, dòng tiền tháo chạy khỏi Trung Quốc, xuất khẩu suy giảm, dự trữ ngoại hối cạn kiệt…

Đồng nhân dân tệ (CNY) rớt giá thảm hại so với USD. Tỷ giá CNY/USD đã chạm mốc 6,90 sau 2 năm, và thậm chí có khả năng phá vỡ mức 7. Về lý thuyết và thực tiễn 4 thập kỷ thao túng tiền tệ, CNY mất giá có lợi cho các công ty xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng chính sách phòng chống dịch bệnh Zero Covid đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm, việc dòng vốn tiếp tục tháo chạy cũng khiến dự trữ ngoại hối đáng lo ngại.

Vào ngày 29/8, tỷ giá CNY/USD ở Trung Quốc và nước ngoài lần lượt giảm xuống mức 6,9207 và 6,9282, đây là con số thấp nhất trong hai năm qua. Nó đã mất giá khoảng 7,5% so với giữa tháng Tư. Cùng lúc đó, chỉ số USD lại không ngừng tăng, lên mức cao mới là 109,20 kể từ giữa tháng 7 năm nay.

Trong hai tuần qua, tỷ giá CNY so với USD đã giảm gần 1.500 điểm.

Thị trường cho rằng, CNY có thể tiếp tục rớt giá, phá vỡ mức 7 trong tương lai. Nguyên nhân là do trên bình diện quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ áp dụng chính sách tăng lãi suất quyết liệt hơn, cộng với việc đồng euro tiếp tục giảm giá sẽ khiến chỉ số USD tiếp tục mạnh lên. Tại Trung Quốc, do chịu ảnh hưởng của các yếu tố như dịch bệnh bùng phát trở lại, xuất hiện các rủi ro tài chính và phục hồi kinh tế chậm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương) sẽ không thể áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt và đồng CNY sẽ tiếp tục suy yếu.

Theo tạp chí Caijing của Trung Quốc, ông Nguyên Đào (Yuan Tao), nhà phân tích ngoại hối cấp cao tại Dongzheng Futures, cho rằng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Trung Quốc và các yếu tố cơ bản của nền kinh tế trong nước sẽ trở thành những nhân tố quyết định ảnh hưởng đến tỷ giá CNY. "Nhưng vào thời điểm nhu cầu vay yếu và dữ liệu kinh tế ảm đạm, động lực thắt chặt thanh khoản của ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ không mạnh".

Bank of America dự báo rằng, tới cuối năm nay, có thể 7 đồng CNY ở nội địa Trung Quốc mới bằng 1 đồng USD.

Nghịch lý: CNY mất giá, xuất khẩu suy giảm

Về lý thuyết và thực tiễn, việc CNY mất giá sẽ có lợi cho xuất khẩu ngoại thương của Trung Quốc, nhưng tình hình thực tế lại không lý tưởng.

Ngày 30/8, theo tờ Tài chính Kinh tế Thời đại Trung Quốc (tfcaijing), ông Trương (Zhang), người đang kinh doanh xuất khẩu đồ dùng nhà bếp bằng thép không gỉ ở Sán Đầu, Quảng Đông, cho biết dù đồng CNY mất giá nhưng ông cũng không mấy phấn khởi vì đơn đặt hàng ít hơn trước. Theo như ông biết, trong một tháng trở lại đây, đơn đặt hàng trong ngành của ông đã giảm 40% so với năm ngoái, xuất khẩu và nhu cầu nội địa cũng kém hơn nhiều.

Bà Đàm Nhã Linh (Tan Yaling), Giám đốc kiêm Nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Đầu tư Ngoại hối Trung Quốc, cho rằng việc đồng CNY mất giá không đủ để giải quyết những khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu ngoại thương. Bà cho hay, “Trước khi CNY tăng lên 6,3, nó đã vượt quá mức chi phí mà công ty có thể tạo ra lợi nhuận. Ngoài ra, trong hai năm trở lại đây, cùng với việc giá nguyên liệu hàng hóa liên tục tăng, giá vận chuyển và giá nhân công tăng cao, đơn hàng giảm mạnh, nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ vô cùng khó khăn”.

Ông Tôn Hiểu (Sun Xiao) là người phát ngôn của Ủy ban Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCPIT) kiêm Tổng thư ký Phòng Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCOIC). Tại cuộc họp báo thường kỳ hàng tháng hôm 29/8, ông cho biết gần đây CCPIT đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 500 doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, khó khăn chính mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay là logistics chậm, chi phí cao và đơn hàng ít. Theo khảo sát, 56% công ty cho hay giá nguyên liệu và chi phí logistics cao; 62,5% doanh nghiệp cho biết đơn đặt hàng không ổn định, các đơn đặt hàng nhỏ và ngắn hạn nhiều, còn đơn lớn và dài hạn ít.

Soochow Securities ước tính, điểm uốn [thời điểm thay đổi xu thế] của xuất khẩu ròng có thể xuất hiện trong quý IV năm nay hoặc đầu năm sau, chủ yếu phụ thuộc vào mức cung cầu trong và ngoài Trung Quốc cũng như những thay đổi trong chính sách phòng, chống dịch bệnh của nước này.

Dòng vốn tiếp tục tháo chạy khỏi Trung Quốc, dự trữ ngoại hối đáng lo ngại

Đằng sau việc đồng CNY mất giá cũng ẩn chứa nguy cơ về dự trữ ngoại hối.

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed, đã đưa ra một thông điệp diều hâu tại cuộc họp thường niên của các ngân hàng trung ương toàn cầu tổ chức ở Jackson Hole, tiểu bang Wyoming, Mỹ vào ngày 26/8. Ông nói rằng sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát ở Mỹ.

Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết: "Đây là một tin xấu đối với Trung Quốc, vì nó thu hẹp không gian cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương Trung Quốc, đặc biệt là vào thời điểm Trung Quốc cần cắt giảm lãi suất nhất. Thay vào đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc cần phải thắt chặt kiểm soát vốn để ngăn chặn dòng vốn tiếp tục tháo chạy”.

Do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt, thị trường bất động sản rơi rớt, nước này lại đang rơi vào tình trạng thiếu điện ở một số địa phương do nhiệt độ cao và hạn hán, cho nên nền kinh tế của Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Hồi đầu tháng 8 vừa qua, Standard Chartered, Goldman Sachs và Natixis đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc.

Đầu tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm 10 điểm cơ bản của công cụ cho vay trung hạn (Medium-term lending facility – MLF), từ 2,85% xuống 2,75%. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ hai kể từ tháng 1 năm nay, với hy vọng sử dụng các công cụ tài chính để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Khoảng cách chính sách tiền tệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng lớn. Trung Quốc đang cố kích thích nền kinh tế bằng cách cắt giảm lãi suất, trong khi hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đã theo chân Fed tăng lãi suất. Nếu Fed đẩy nhanh việc tăng lãi suất, dòng vốn sẽ rời Trung Quốc và quay trở lại Hoa Kỳ để được mức lãi cao hơn. Ông Trương Trí Uy (Zhang Zhiwei), nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management cho biết: “Dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc có thể sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nay”.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Bất chấp tỷ giá CNY lao dốc, xuất khẩu Trung Quốc vẫn suy giảm mạnh, ngoại hối cạn kiệt