Bất động sản Trung Quốc: Càng giải quyết càng rối

Giúp NTDVN sửa lỗi

Rủi ro pháp lý đang khiến các công ty kiểm toán phải từ bỏ nhiều khách hàng quan trọng lâu đời trong ngành bất động sản của Trung Quốc. Tình hình càng thêm tồi tệ khi chính quyền địa phương đang thúc đẩy các tổ chức tín dụng ngoài ngân hàng mua lại các dự án bất động sản đang gặp khó khăn, trong khi họ không có kinh nghiệm quản lý bất động sản.

Các nhà phát triển bất động sản lớn của Trung Quốc đang ngày càng suy yếu, và thông qua áp lực của các quan chức địa phương, rủi ro đang bị chuyển sang hệ thống tài chính của nước này.

Tin tức về kinh doanh của các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc vào ngày 29/03 cho thấy nhiều vết nứt và rủi ro mới trong nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Trung Quốc.

Các nhà kiểm toán quốc tế từ bỏ nhiều khách hàng lâu đời trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc

Tờ Financial Times tiết lộ rằng các công ty kế toán nằm trong nhóm Big Four của phương Tây đang từ bỏ nhiều khách hàng quan trọng lâu đời là các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc do các công ty này không nộp báo cáo kết quả tài chính hàng năm đã được kiểm toán đúng thời hạn. Vào tháng 3, nhà phát triển bất động sản đang chìm trong rắc rối China Evergrande là một trong những công ty thông báo rằng sẽ bỏ lỡ thời hạn nộp báo cáo ở Hong Kong.

“Các nhà kiểm toán quốc tế đang từ bỏ các nhà phát triển bất động sản đang mắc nợ nặng nề của Trung Quốc khi làn sóng trì hoãn báo cáo kết quả tài chính đã làm gia tăng sự không chắc chắn trước cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay của ngành và làm tăng mối đe dọa của các khoản nợ tiềm ẩn", theo bài báo của Thomas Hale và Tabby Kinder.

PwC, một công ty kế toán thuộc nhóm Big Four, hiện đang bị chính quyền Hong Kong điều tra về việc kiểm toán Evergrande. PwC và Deloitte, cả hai công ty đều có trụ sở chính tại London, trong 3 tháng qua đã từ bỏ tư cách là nhà kiểm toán đối với ít nhất năm nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc.

“Các nhà kiểm toán đang đối mặt với nguy cơ kiện tụng gia tăng liên quan đến tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc".

Hỗn loạn trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc

Bloomberg lưu ý rằng các "ngân hàng ngầm" (tổ chức thực hiện các hoạt động tín dụng ngoài ngân hàng) của Trung Quốc đang mua cổ phần kiểm soát của các dự án từ các nhà phát triển gặp khó khăn, có thể là do áp lực từ các quan chức địa phương. Một giám đốc điều hành quỹ tín thác giải thích rằng các giao dịch này đang cản trở các kế hoạch tái cơ cấu, khiến việc thanh toán nợ và các thỏa thuận giải quyết nợ trở nên khó khăn hơn.

Một trường hợp khác là việc một công ty Mỹ, Oaktree Capital, thu giữ một tài sản lớn của Evergrande ở Hong Kong, khu nhà ở “biệt thự Versailles” rộng 2,2 triệu foot vuông vào tháng 1, khiến chính quyền Bắc Kinh phải lúng túng. Bắc Kinh có thể đã phản ứng bằng cách buộc các chủ nợ hoán đổi nợ để lấy vốn chủ sở hữu của Evergrande.

Vào tháng 12, Evergrande vỡ nợ và sẽ sớm tái cơ cấu khoản nợ lớn hơn bất cứ một khoản nợ nào đã từng được một công ty ở Trung Quốc tái cơ cấu trước đây. Theo Bloomberg, trái phiếu Evergrande sắp đáo hạn vào năm 2025 hiện đang được giao dịch ở mức chỉ 13 xu đổi 1 USD.

“Các nhà đầu tư quốc tế đang tiến gần hơn đến việc khởi kiện chống lại Evergrande, công ty đã vay khoảng 20 tỷ USD trên thị trường trái phiếu quốc tế, sau khi công ty này cho biết vào tuần trước rằng một bên cho vay bí ẩn đã thu giữ 2 tỷ USD tiền mặt tại một chi nhánh dịch vụ bất động sản của họ", theo Financial Times.

Các quỹ tín thác không có kinh nghiệm về bất động sản đang gánh chịu rủi ro thay các nhà phát triển

Nguồn tin của Bloomberg đã chỉ rõ rằng các ngân hàng ngầm của Trung Quốc có thể đã không tự nguyện mua cổ phần trong các dự án phát triển bất động sản thất bại. “Chính quyền địa phương đang thúc đẩy các bên cho vay, bao gồm cả các quỹ tín thác, giúp các nhà phát triển gặp khó khăn như Evergrande giảm bớt cổ phần trong các dự án và tìm các nhà đầu tư chiến lược để huy động tiền mặt”.

Các quan chức có vẻ đang thực hiện việc này không phải vì hiệu quả kinh tế của các dự án, mà do chỉ đạo của nhà nước. “Mối quan tâm cấp bách nhất đối với các nhà chức trách là đảm bảo việc xây dựng nhà ở, và nhiều quỹ tín thác đang xem xét mua thêm cổ phần từ các dự án của Evergrande", theo nguồn tin của Bloomberg.

Việc bán các cổ phần này có thể trợ giúp Evergrande và các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn khác trong ngắn hạn, nhưng sẽ chỉ cung cấp cho các công ty này đủ lượng thanh khoản để xử lý một phần trong số khoản nợ 3,4 nghìn tỷ USD, đồng thời lại chuyển rủi ro sang các tổ chức tài chính mua cổ phần dự án.

Các tổ chức tài chính này có ít kinh nghiệm hơn với tư cách là nhà phát triển bất động sản và đang chịu áp lực từ chính quyền, ở cấp địa phương, trong việc duy trì dòng chảy tài chính và hoạt động xây dựng để duy trì việc làm trong lĩnh vực xây dựng và ảo tưởng về tăng trưởng kinh tế.

Rốt cuộc, các ngân hàng ngầm này có thể thất bại, và sẽ cần chính quyền cứu trợ.

Bloomberg cho biết: “Các ngân hàng ngầm của Trung Quốc đang nổi lên như vị cứu tinh đối với các công ty bất động sản bằng cách biến bản thân thành các nhà phát triển nhỏ. Các công ty ủy thác bao gồm MinMetals Trust Co. và Zhongrong Trust Co. đã mua cổ phần trong ít nhất 10 dự án bất động sản trong năm nay".

Các dự án nhà ở chưa hoàn thành mà họ đã mua có thể có hoặc không “mang lại tiền mặt để đóng góp vào 280 tỷ USD tiền quỹ được bảo đảm bằng tài sản được các quỹ ủy thác bán cho các nhà đầu tư”, theo Bloomberg.

Theo Reuters, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nợ nần là China Evergrande. Công ty đã thông báo vào ngày 29/03 rằng giao dịch cổ phiếu của họ sẽ vẫn bị đình chỉ.

Tin tốt cho Evergrande là gần đây công ty đã bán được ít nhất 7 dự án nhà ở, thu hồi 300 triệu USD vốn góp ban đầu và xử lý khoản nợ khoảng 1,1 tỷ USD. Tin xấu là những giao dịch này được thực hiện với các tổ chức chủ nợ của Evergrande chứ không phải đối với những khách hàng thực sự sẽ sống trong các ngôi nhà.

AVIC Trust, một công ty tài chính liên kết với nhà sản xuất phục vụ hàng không và quốc phòng chính của Trung Quốc, là người cho vay lớn thứ hai của Evergrande trong số các công ty ủy thác tính đến giữa năm 2020. Thay vì nhận các khoản thanh toán cho khoản nợ, công ty tài chính có liên kết với hàng không và quốc phòng đã có quyền sở hữu hai dự án khu dân cư vào tháng 3, bao gồm một dự án 5.000 căn hộ ở Quảng Châu và một dự án ở Nam Kinh.

Evergrande đã bán các dự án ở Trùng Khánh và Đông Quan cho China Everbright Trust, thuộc sở hữu của Tập đoàn China Everbright. Bản thân tập đoàn China Everbright lại thuộc sở hữu của Bộ tài chính Trung Quốc và một công ty đầu tư nhà nước.

MinMetals Trust, công ty đã mua 100% cổ phần của dự án khu dân cư thành phố Côn Minh từ Evergrande, cũng như cổ phần của Evergrande trong các dự án Phật Sơn và Quảng Châu, cho biết rằng việc mua cổ phần trong các dự án là một “lựa chọn tối ưu” để giải quyết rủi ro nợ từ Evergrande, đồng thời khiến các dự án hoạt động trở lại, theo Bloomberg.

MinMetals Trust là một phần của China MinMetals, một doanh nghiệp nhà nước liên quan đến kinh doanh kim loại và khoáng sản. Công ty này có tương đối ít kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển bất động sản.

Vấn đề là rủi ro nợ của Evergrande vẫn chưa được giải quyết, như MinMetals Trust tuyên bố. Rủi ro nợ chỉ được chuyển sang các chủ nợ của Evergrande, những người không giỏi phát triển bất động sản. Hoặc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ ra lệnh bơm tiền vào một cách vô ích, rót vốn vào việc xây dựng các thành phố ma với ít cư dân.

Hậu quả đau lòng của nền kinh tế được chỉ huy bởi ĐCSTQ

Những thất bại kinh tế của việc kế hoạch hóa nền kinh tế của nhà nước có ảnh hưởng thực sự lớn. Công ty gia đình của tỷ phú Hong Kong Joseph Lau đã mất khoảng 1 tỷ USD vào cổ phiếu và trái phiếu của China Evergrande vào năm 2021.

Có lẽ vì vậy, ông đang bán các tài sản nghệ thuật, bao gồm cả đồ sứ Trung Quốc thời nhà Minh và nhà Thanh trị giá lên tới 19 triệu USD. Chúng sẽ được bán bởi Sotheby’s ở Hong Kong vào ngày 29/04.

Trong khi ông Lau mất các bảo vật của mình, những người dân Trung Quốc bình thường còn mất nhiều hơn thế: khoản tiết kiệm khi nghỉ hưu và những ngôi nhà mà họ đã mua, nhưng chưa bao giờ được hưởng quyền sống trong đó.

Đây là những hậu quả đau lòng của việc hoạch định nền kinh tế bởi nhà nước của Bắc Kinh, điều ĐCSTQ đang tăng cường thông qua việc buộc các nhà quản lý mua lại các dự án phát triển bất động sản thất bại của Evergrande. Các nhà quản lý này thậm chí còn ít có năng lực điều hành thành công các dự án kể trên.

Đây là hệ thống kinh tế mà chính quyền này đang tìm cách xuất khẩu ra thế giới thông qua các kế hoạch bá chủ toàn cầu.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power (Tập trung quyền lực) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bất động sản Trung Quốc: Càng giải quyết càng rối