Chống biến đổi khí hậu làm méo mó thị trường năng lượng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, người dân toàn thế giới như bị thúc ép phải tham gia vào ‘cuộc chiến’ chống biến đổi khí hậu. Tuy vậy, ít người nhận ra rằng các biện pháp chống biến đổi khí hậu đang làm méo mó thị trường năng lượng.

Phong trào chống biến đổi khí hậu có lịch sử hàng thập kỷ

Năm 1989, một quan chức cấp cao của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã cảnh báo "tất cả các quốc gia trên trái đất có thể bị xóa sổ bởi mực nước biển dâng cao nếu tình trạng trái đất ấm lên không được đảo ngược vào năm 2000".

Tiếp đó, một nghiên cứu từ chương trình này cho biết khí hậu thay đổi sẽ khiến những vùng trồng lúa mì ở Mỹ và Canada chìm trong bão cát như những năm 1930.

Năm 2006, trong bộ phim “Một sự thật phũ phàng”, diễn viên Al Gore - cựu Phó Tổng thống Mỹ - đã tuyên bố rõ ràng rằng chúng ta chỉ còn 10 năm nữa trước khi chạm đến điểm không thể quay đầu lại.

Có vẻ như thế giới đang đi trên con đường tự hủy diệt mãi mãi bởi các vấn đề về khí hậu.

Một giải pháp đã được đưa ra là ý tưởng về đền bù carbon (giảm lượng carbon để bù cho lượng khí thải phát sinh) hoặc thuế carbon. Theo Ngân hàng Thế giới, 40 quốc gia và 20 thành phố trên thế giới đã sử dụng một số hình thức của thuế carbon hoặc mua bán phát thải carbon để hạn chế phát thải khí nhà kính.

Tại Mỹ, giải pháp trên đã được thảo luận và tranh cãi rất nhiều, nhưng chưa bao giờ thực sự được thực hiện.

Dưới đây là lý do tại sao.

Bầu nhiệt huyết chống biến đổi khí hậu đã lắng xuống

Tại Hội nghị thượng đỉnh về hành động vì khí hậu năm 2019 — hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu mà Liên hợp quốc đã đăng cai tổ chức từ năm 1995, còn được gọi là COP25 — 77 quốc gia và hơn 100 thành phố đã hứa hẹn đạt được không phát thải ròng vào năm 2050. Hàng tỷ đô la đã được các chính phủ trên khắp thế giới cam kết dành cho các sáng kiến ​​xanh khác nhau. Hội nghị đã đạt được thành công lớn.

Phát thải ròng bằng không không có nghĩa là tuyệt đối không phát thải. Thuật ngữ này có nghĩa là nếu bạn có một công việc kinh doanh thải ra CO2, bạn sẽ cần bù đắp cho lượng khí thải đó bằng cách loại bỏ một lượng khí nhà kính tương đương và “lưu trữ nó vĩnh viễn trong đất, thực vật hoặc các vật liệu”.

Đến COP26 năm ngoái (nơi xuất hiện một tình huống trớ trêu khi những chiếc xe Tesla mà người tham dự thuê dùng lại được sạc bằng máy phát điện chạy dầu), kết quả có hơi khác một chút.

CNBC đưa tin rằng “hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc đã kết thúc với lời kêu gọi các chính phủ sẽ có những cam kết cứng rắn hơn để cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm tới”. Và, “các nhà khoa học về khí hậu, chuyên gia pháp lý và các chính trị gia cho rằng thỏa thuận cuối cùng ở Glasgow đưa đến những tiến bộ nhưng vẫn không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu”.

Có vẻ như lòng nhiệt tình đối với phong trào chống biến đổi khí hậu đã suy giảm.

Các nền kinh tế lớn trên thế giới đang rất khó để có thể đạt được những mục tiêu biến đổi khí hậu như đã tuyên bố. Sự bế tắc chính trị tại Mỹ, giá cả năng lượng và hàng hóa toàn cầu tăng cao là những rào cản để các nước thực hiện cam kết của mình. Tại Mỹ, dự luật 2 nghìn tỷ USD với các sáng kiến chống biến đổi khí hậu đã gặp phải sự phản đối của đảng viên đảng Dân chủ, thượng nghị sĩ Joe Manchin, do nỗi lo về tình hình lạm phát. Trong khi đó, các dự án đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch vẫn được phát triển; đặc biệt ở Trung Quốc với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào than đá. Ngoài ra, các hình thức mua bán phát thải carbon cũng đang tạo ra nhiều bối rối.

Tác giả bài viết, ông Bob Byrne, không có ý định phủ định hoàn toàn những nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Làm trái đất sạch hơn chắc chắn là một mục tiêu cao cả. Ông ấy rất muốn tin rằng nỗ lực toàn cầu khổng lồ này xuất phát từ thiện chí. Nhưng không khó để hiểu tại sao các quốc gia trên thế giới lại dè chừng trước vấn đề khí hậu.

Chống biến đổi khí hậu - một nỗ lực làm lệch lạc thị trường năng lượng

Năng lượng là một mặt hàng đặc biệt và không dễ thay thế. Quý vị có thể mua thịt gà nếu việc thuế đánh lên thịt bò khiến bít tết trở nên quá đắt đỏ. Nhưng quý vị không thể đơn giản xây một nhà máy điện gió để thay thế một nhà máy điện than khi mà chi phí vận hành quá cao.

Năng lượng giúp thế giới vận hành. Nó làm ấm và làm mát ngôi nhà của chúng ta. Nó cung cấp nhiên liệu cho ô tô của chúng ta. Năng lượng cung cấp động lực cơ bản cho cuộc sống của chúng ta. Và đây là một sự thật không mấy dễ chịu khác: Nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu năng lượng của thế giới.

Cố gắng thúc ép một sự thay đổi thông qua các biện pháp kinh tế (ví dụ như thuế) sẽ dẫn đến thảm họa.

Trước hết, khái niệm về thuế chống biến đổi khí hậu tự nó có vấn đề. Đó là một loại thuế "tự triệt tiêu". Các loại thuế này được thiết kế để buộc doanh nghiệp sử dụng loại hình năng lượng bền vững hơn. Nhưng khi doanh nghiệp sử dụng năng lượng bền vững hơn, nguồn thu từ thuế sẽ giảm xuống. Và các chính phủ không bao giờ chấp nhận điều đó.

Vấn đề kế tiếp là những tác động tới người tiêu dùng cuối cùng. Các loại thuế được tạo ra để thay đổi hành vi thường khá khắc nghiệt (Liên hợp quốc đã đề xuất mức thuế từ 135 - 5.500 USD cho một tấn carbon). Đó là vì họ muốn hướng người nộp thuế đến một lựa chọn ít được mong muốn hơn, chẳng hạn như chi 10 triệu USD nâng cấp một nhà máy sao cho nhà máy ấy chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời hoặc gió. Những chi phí này cuối cùng sẽ được đánh lên người dùng cuối cùng, kéo dài chuỗi ảnh hưởng của những loại thuế của chính phủ (giả dụ những loại thuế này thực sự hiệu quả).

Một khoản thuế như vậy làm tăng chi phí kinh doanh, và nó không khuyến khích đổi mới sáng tạo vốn chỉ được thúc đẩy bởi lợi nhuận.

Tiền là động lực của thế giới, và thị trường tự do với lợi nhuận được tạo ra sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Những nỗ lực lệch lạc về chống biến đổi khí hậu này phần lớn được thúc đẩy bởi các chính phủ và tổ chức tư vấn.

Vấn đề là các chính phủ và tổ chức tư vấn này chủ yếu được tài trợ bởi nguồn tiền công miễn phí. Họ không phải cố gắng tạo ra các thành quả có giá trị để được trả tiền, như tất cả các doanh nghiệp khác. Và dù có những nhân viên với bằng tiến sĩ, họ không hiểu được những bất lợi thực sự do thuế mang lại.

Vậy là, trong khi thế giới đang cố gắng cứu lấy chính mình bằng năng lượng xanh, thì có một sự thật: Giá dầu đã quay trở lại trên mức 80 USD mỗi thùng và nó có khả năng hướng tới mức 100 USD. Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất dầu tổng hợp như Exxon và BP - cũng như các nhà thăm dò dầu khí độc lập như EOG Resources - đều đang làm ăn rất tốt.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Bob Byrne được biết đến rộng rãi với tư cách là người viết bài thường xuyên cho TheStreet.com. Ông có kinh nghiệm giao dịch hàng tỷ USD trong hơn hai thập kỷ trên thị trường tài chính. Ông Byrne hiện là đồng tác giả của bản tin đầu tư Streetlight Confidential, một chương trình tập trung vào các công ty ít được chú ý và các cơ hội đầu tư thường bị phố Wall bỏ qua.

Bảo Nguyên

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Chống biến đổi khí hậu làm méo mó thị trường năng lượng