Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ hết khủng hoảng vào năm 2022?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không thể phủ nhận rằng năm 2021 là một năm vô cùng xáo trộn, với sự xuất hiện một loạt biến thể mới của virus corona. Các chính phủ áp đặt rồi lại bãi bỏ các đợt phong tỏa. Kinh tế thế giới biến động bởi khủng hoảng chuỗi cung ứng. Cho đến nay, chuyên gia đến từ nhiều thị trường khác nhau đã đưa ra nhiều nhận định về những gì sẽ xảy ra đối với chuỗi cung ứng toàn cầu năm 2022.

Nhìn chung, môi trường kinh tế và kinh doanh năm 2022 được dự báo là sẽ tồn tại nhiều khó khăn. Dưới đây là những dự đoán liên quan đến chuỗi cung ứng năm 2022 từ 3 nguồn thông tin: Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Bloomberg, một công ty bảo hiểm tín dụng thương mại, và một tạp chí quốc tế hàng đầu trong cộng đồng tài chính.

Đối với ông Chris Rogers của Flexport, một nền tảng công nghệ giao nhận hàng hóa có trụ sở tại San Francisco, California, dự đoán của ông được đưa ra dựa trên thói quen của người tiêu dùng và đại dịch COVID-19.

Ông Rogers nói với Bloomberg: “Nếu đại dịch [COVID] trở nên giống như dịch cúm, và chi tiêu của người tiêu dùng (hiện đang tập trung vào hàng hóa) dần chuyển sang lĩnh vực dịch vụ, thì vẫn sẽ mất vài tháng để các nút thắt hiện tại trong chuỗi cung ứng tan biến. Nếu dịch bệnh diễn biến tương tự hoặc tồi tệ hơn hiện nay, kết hợp với việc tiếp tục thực thi các chính sách kích thích tài chính và tiền tệ, thì người dân vẫn sẽ chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa, từ đó mà những thách thức đối với chuỗi cung ứng có thể kéo dài đến năm 2023”.

Những dự đoán tích cực về chuỗi cung ứng toàn cầu 2022

Công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Euler Hermes cho rằng, chính sách “Zero COVID (không COVID)” của Trung Quốc - gồm việc đóng cửa toàn bộ các khu vực khi chỉ phát hiện ra một vài trường hợp nhiễm COVID, cùng với biến động thương mại trong dịp Tết Nguyên đán, là những tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngắn hạn.

Công ty bảo hiểm này chỉ ra 3 yếu tố có thể làm ổn định thương mại và đưa chuỗi cung ứng trở lại trạng thái bình thường trước khi năm 2022 kết thúc. Yếu tố đầu tiên là nhu cầu của người tiêu dùng đã hạ nhiệt.

Công ty Euler Hermes cho biết trong một báo cáo gần đây rằng, “trong bối cảnh thực thi các lệnh giới nghiêm và các đợt phong tỏa, xu hướng các hộ gia đình chi nhiều tiền cho hàng hóa lâu bền thay vì cho dịch vụ sẽ trở nên mờ nhạt trong tương lai, ngay cả khi xảy ra tình huống xấu với các đợt bùng phát COVID-19 mới”.

Yếu tố thứ hai là các kho hàng của doanh nghiệp đã được lấp đầy trở lại, tương đương với mức trước đại dịch. Tại Mỹ, chi tiêu đầu tư tài sản cố định (số tiền mà doanh nghiệp dùng để mua mới tài sản hoặc để kéo dài tuổi thọ của cơ sở vật chất hiện có) đã tăng lên, cùng với đó là yêu cầu phải nhanh chóng tái dự trữ hàng hóa trong kho, đã khiến hàng hóa trong các kho hàng thuộc hầu hết các lĩnh vực chạm mức cao hơn so với mức trung bình trước khủng hoảng”.

Yếu tố cuối cùng là sự ùn tắc trong khâu vận chuyển đã dịu bớt. Khi các chính phủ thực hiện cam kết đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng cảng và tăng công suất cảng, thì chi phí vận chuyển dự kiến ​​sẽ giảm từ quý IV/2021. Số lượng đặt tàu container mới trên toàn cầu đã đạt mức kỷ lục; từ đó cho thấy tình trạng tắc nghẽn hàng hóa hiện đã được giải quyết phần nào.

Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ hết khủng hoảng vào năm 2022?
Các tàu vận tải đang cập cảng tại California, hôm 12/01/2021. (Ảnh: John Fredricks / The Epoch Times)

Một trong những dự đoán của tạp chí tài chính Global Banking and Finance Review là: Các nhà sản xuất sẽ ưu tiên sản xuất các linh kiện, hàng hóa quan trọng trong nước, đồng thời chuyển chuỗi cung ứng - vốn đang phụ thuộc vào ngoại quốc - trở về gần nhà hơn.

Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến, tạo ra sự khác biệt với tình hình hiện tại. Hiện tại, sự gián đoạn sản xuất ở các ‘công xưởng thế giới’ như Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến hoạt động sản xuất tại Mỹ.

Một dự đoán khác là: Số lượng container sẵn sàng hoạt động sẽ trở nên dồi dào hơn. Nguyên nhân là các đơn hàng tồn đọng đang dần được xử lý.

Nếu Fed tăng lãi suất vào đầu mùa xuân, nhu cầu tiêu dùng dự kiến ​​sẽ hạ nhiệt. Điều này có thể giảm tải áp lực cho các nhà sản xuất và các nhà cung ứng. Khủng hoảng chuỗi cung ứng vì thế sẽ được xoa dịu phần nào.

Những dự đoán không sáng sủa về khủng hoảng chuỗi cung ứng

Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia tỏ ra bi quan về triển vọng của chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2022. Những chuyên gia này cho rằng sẽ không có bất kỳ sự giải tỏa nào cho chuỗi cung ứng, ít nhất là trong tương lai gần.

Ông Alan Murphy của Sea-Intelligence chia sẻ với Bloomberg: “Dữ liệu mới nhất của Cục Điều tra Dân số Mỹ cho thấy, không có bất kỳ dấu hiệu sụt giảm nào trong chi tiêu cho hàng hóa lâu bền của người tiêu dùng Mỹ. Vì vậy, chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm rằng nguồn cung hàng vẫn sẽ thiếu hụt trong suốt năm 2022; và một giải pháp khả thi chỉ có thể có vào năm 2023”.

Nhiều người khác lại lo lắng về việc biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng, hiện đã lan ra hơn 100 quốc gia. Ông Simon Heaney, quản lý cao cấp của Drewry - một công ty tư vấn nghiên cứu hàng hải, cho biết: “Thật đáng tiếc, năm 2022 sẽ tiếp tục là một năm đầy những gián đoạn nghiêm trọng, nguồn cung sẽ thiếu hụt và chi phí vận chuyển sẽ tăng cao”.

“Một lần nữa virus đang cho thấy nó tác động đến mọi thứ, và tất cả các dự đoán liên quan đến virus đều có vẻ không chính xác. Tuy nhiên, không quá táo bạo khi dự đoán rằng, sự phát triển của dịch bệnh sẽ tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi chuỗi cung ứng bằng cách làm cạn kiệt hơn nữa nguồn cung lao động vốn đã ít ỏi. Cùng với đó, việc áp dụng nhiều thủ tục hành chính liên quan đến y tế sẽ làm các hoạt động bị chậm lại”.

Một quan điểm chung trên thị trường cho thấy, nhiều chiến lược đang được đưa ra để giải quyết khủng hoảng chuỗi cung ứng hiện nay. Tuy nhiên, sẽ mất thời gian để chúng mang đến một sự thay đổi có thể nhìn thấy được. Trong khi đó, các tình huống gây xáo trộn như việc phát hiện ra những biến thể mới của virus sẽ đưa nền kinh tế thế giới trở lại điểm xuất phát; trừ khi các nền kinh tế trên toàn cầu trở nên bền bỉ hơn và học được cách ứng phó hiệu quả hơn trước khó khăn.

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ hết khủng hoảng vào năm 2022?