Chuyên gia: Tai ương của Credit Suisse có thể dẫn đến những can thiệp sai lầm từ chính quyền như năm 2008

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số nhà kinh tế tin rằng tình hình của Credit Suisse còn tồi tệ hơn vẻ bề ngoài. Khủng hoảng của ngân hàng này càng ngày càng gia tăng khi ngày càng có nhiều nhân sự quan trọng rời đi, và chính quyền Thụy Sĩ được cho là đang chuẩn bị các biện pháp cứu trợ. Theo một chuyên gia, biện pháp xử lý với ít can thiệp từ giới quản lý sẽ là hiệu quả nhất. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã minh chứng rằng sự can thiệp quá mức sẽ làm tồi tệ thêm tình hình.

Khó khăn của Credit Suisse

Thông tin về ngân hàng đang gặp khó khăn Credit Suisse, với những rắc rối tài chính và tương lai bất ổn, đã thống trị các trang báo trong những ngày gần đây. Ngân hàng này có thể chứng kiến tai ương của nó trầm trọng hơn trong vài tuần tới khi ngày càng nhiều Giám đốc điều hành rời ngân hàng, có khả năng tạo ra một kịch bản mà các nhà quản lý sẽ can thiệp và áp dụng nặng tay các biện pháp cứu trợ, tương tự như các biện pháp được áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các chuyên gia kinh tế nói với The Epoch Times.

Chuyên gia: Tai ương của Credit Suisse có thể dẫn đến những can thiệp sai lầm từ chính quyền như năm 2008
Ngân hàng Credit Suisse tại khu kinh doanh Canary Wharf vào ngày 03/10/2022 tại London, Anh. (Ảnh: Dan Kitwood / Getty Images)

Giá cổ phiếu của ngân hàng đã giảm mạnh 11,5% vào thứ 2 (03/10) trước khi xu hướng được đảo ngược một cách khiêm tốn. Sự sụt giảm nghiêm trọng của giá cố phiếu là một phần của sự sụt giảm dài hạn, với giá cổ phiếu của Credit Suisse giảm 56,2% kể từ đầu năm xuống còn 3,98 USD vào hôm thứ 2.

Niềm tin của nhà đầu tư đối với ngân hàng sụt giảm mạnh xuất phát từ hai thất bại nổi tiếng liên quan đến bộ phận ngân hàng đầu tư của Credit Suisse. Đó là việc phân bổ 10 tỷ USD vốn khách hàng cho một công ty cho vay Anh Quốc Greensill, đây là công ty đã nộp đơn phá sản vào tháng 03/2021; và sự sụp đổ gần như đồng thời của văn phòng gia đình Archegos Capital Management do nhà đầu tư Bill Hwang thành lập, văn phòng này đã được Credit Suisse trao cho 30 tỷ USD để đầu tư vào ViacomCBS. Khi cổ phiếu của công ty thứ 2 giảm mạnh, bộ phận môi giới chính của Credit Suisse đã mất 5,5 tỷ USD và phải cầu cạnh các nhà đầu tư trong nỗ lực tuyệt vọng để huy động vốn mới.

Vận may đi xuống của ngân hàng đã khiến Giám đốc điều hành của Credit Suisse, ông Ulrich Kömer, đang phải đối mặt với áp lực nặng nề trong việc đưa ra một kế hoạch tổ chức lại công ty, thứ mà ông Kömer dự kiến ​​sẽ công bố vào cuối tháng này. Ngân hàng được cho là đang tìm kiếm một đối tượng để mua lại nhánh ngân hàng đầu tư đã được tách rời của mình. Nhưng những nỗ lực này đã đối mặt với sự thất vọng khi mục tiêu mua lại tiềm năng ngày càng có vẻ trở nên độc hại. Vào thứ 4 (05/10), đã xuất hiện các thông tin rằng một liên doanh được đề xuất giữa KB Securities và IGIS để mua trụ sở Zurich của Credit Suisse đã gặp phải thất bại.

Một số nhà kinh tế tin rằng tình hình của ngân hàng có thể còn tồi tệ hơn so với bề ngoài. Theo Vermaelen, một giáo sư thỉnh giảng tại Trường Tài chính Booth thuộc Đại học Chicago, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tính đến các lực lượng thị trường ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng, thứ đi ngược lại các thông tin từ hệ số vốn xuất phát đơn giản từ “giá trị sổ sách”, được định nghĩa là sự khác biệt giữa tài sản và nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán của công ty. Ông lưu ý rằng việc không làm được như vậy trong trường hợp của Lehman Brothers là một nguyên nhân góp phần dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

“Rõ ràng, thị trường đã lường trước được rắc rối từ năm 2007, nhưng tín hiệu cảnh báo này đã bị bỏ qua cho đến ngày Lehman vỡ nợ. Tôi đã hy vọng rằng ít nhất một bài học đã được rút ra ở đây: ngừng tập trung vào các biện pháp kế toán để đo lường sức khỏe tài chính, mà hãy kết hợp thông tin thị trường. Thông tin thị trường đôi khi có thể kém hiệu quả nhưng nhìn chung, đó là một chỉ số báo hiệu tốt hơn giá trị sổ sách”, ông Vermaelen nói với The Epoch Times.

Ông cho biết: “Hiện nay, Credit Suisse giao dịch ở mức 25% giá trị sổ sách, do đó, hệ số vốn theo quy định của nó hạ thấp thấp khả năng Credit Suisse gặp khó khăn về tài chính”, ông nói.

Tuy nhiên, mọi thứ không hoàn toàn tồi tệ như năm 2008, ông Vermaelen thừa nhận, vì sự liên kết rộng rãi mà các ngân hàng khác có với Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng đó không được áp dụng ở đây.

Các nhân viên quan trọng rời đi

Trong khi đó, đã xuất hiện các thông tin rằng ngân hàng có thể đang có kế hoạch sa thải 5.000 nhân viên của mình. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng cạn kiệt nhân tài đã gây hại cho ngân hàng trong những năm gần đây, khi các chiến lược đầu tư được đánh giá một cách sai lầm của họ đã gây thiệt hại về danh tiếng, làm lung lay niềm tin của thị trường vào ngân hàng, và dẫn đến việc ngân hàng được so sánh với sự sụp đổ của Lehman Brothers vào năm 2008, thứ châm ngòi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ông Christopher Chua, Phó giám đốc phụ trách mua bán và sáp nhập khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ông Jens Welter, đồng Giám đốc ngân hàng toàn cầu và ông Daniel McCarthy, Giám đốc sản phẩm tín dụng toàn cầu, chỉ là một vài trong số hàng chục Giám đốc điều hành của Credit Suisse đã nhảy việc trong những tháng gần đây.

Theo quan điểm của ông Mark Egan, giáo sư quản trị kinh doanh tại Trường Kinh doanh Harvard, người đã thực hiện nghiên cứu sâu rộng về tác động của vỡ nợ tín dụng của ngân hàng, sự rời đi của các nhân sự có thể có hiệu ứng quả cầu tuyết giữa lúc cảnh báo và sự không chắc chắn lan tràn.

“Họ đã đưa ra cảnh báo cho nhân viên của mình vào tuần trước. Chúng ta biết rằng ngay cả khi một ngân hàng hầu như ổn, một ngày nào đó, đột nhiên, tất cả những người gửi tiền và chủ nợ thức dậy và tin rằng ngân hàng đang gặp khó khăn, thì điều đó có thể biến thành sự thật”, ông Egan nói với The Epoch Times.

“Nếu Credit Suisse hoạt động không tốt, và nhân viên của họ lo lắng về sự tồn vong của ngân hàng, bạn có thể thấy một đợt tháo chạy khỏi ngân hàng, nơi những nhân viên giỏi với các lựa chọn tốt hơn sẽ rời bỏ Credit Suisse”, ông nói thêm.

Các nhà quan sát cho rằng ngày càng nhiều nhân viên rời đi với số lượng lớn có thể hạn chế nghiêm trọng nguồn nhân lực phục vụ việc chốt thỏa thuận và đầu tư tại ngân hàng, đồng thời làm xói mòn vị thế trên thị trường của ngân hàng. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng, Credit Suisse đã thu hút sự chú ý lớn từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, và chính phủ Thụy Sĩ được cho là đang tích cực soạn thảo một đạo luật mới sẽ bơm vốn vào các ngân hàng đang gặp khó khăn được coi là trung tâm cho hoạt động của nền kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia: Tai ương của Credit Suisse có thể dẫn đến những can thiệp sai lầm từ chính quyền như năm 2008
Tòa nhà Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB BNS) vào ngày 25/04/2019 tại Bern, Thụy Sĩ. (Ảnh: FABRICE COFFRINI / AFP qua Getty Images)

Những gì học được từ năm 2008

Ông ​​Brian Domitrovic, giáo sư lịch sử tại Đại học bang Sam Houston và là học giả Richard S. Strong tại Trung tâm Laffer, tin rằng những động thái mới đây gợi nhớ đến một số bước mà các cơ quan quản lý thực hiện khi đối mặt với cuộc khủng hoảng năm 2008. Theo quan điểm của ông Domitrovic, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đưa ra một mô hình lịch sử minh họa việc các quy định đi quá giới hạn có thể làm tồi tệ hơn thay vì khắc phục các vấn đề kinh tế, nhưng nhiều người đã bỏ qua hoặc không nắm bắt được khía cạnh này của cuộc khủng hoảng đó.

“Nếu chúng ta bắt đầu so sánh với năm 2008 và Lehman Brothers, chúng ta nên tự hỏi bản thân rằng chúng ta thực sự biết gì về năm 2008, và tôi nghĩ nói chung trí nhớ và hiểu biết của chúng ta về nó rất kém”, ông Domitrovic nói.

“Khi có sự sụt giảm trên thị trường, hẳn là các công ty tài chính sẽ gặp khó khăn, đặc biệt nếu có sự sụt giảm nghiêm trọng, với mức giảm 20 hoặc 25 điểm trên thị trường chứng khoán. Sẽ có những sản phẩm dựa trên giá trị cổ phiếu, chúng sẽ trở nên có vấn đề và mất giá trị. Chúng có thể nằm trong đòn bẩy”, ông nói thêm.

Ông Domitrovic lập luận rằng, chuyện các ngân hàng phải chịu đòn là bình thường, dù là do các tác động vĩ mô hay do sai lầm của chính họ, và phương pháp tiếp cận với ít can thiệp từ giới quản lý, không phải các phương pháp điều tiết quá mức và can thiệp quá mức vào nền kinh tế, là những phương tiện hiệu quả nhất để giúp các ngân hàng quay trở lại vững mạnh và cải thiện tình hình.

Trong lịch sử, sự hoảng loạn đã giảm bớt khi các trung tâm thanh toán bù trừ và các ngân hàng đã có khả năng cho nhau vay, ông nói. Việc chính phủ áp đặt các quy định mới về ngân hàng và ngân hàng đầu tư, và cung cấp khoản tiền cứu trợ khổng lồ, khiến thị trường rơi vào cảnh hỗn loạn, và thậm chí tạo động lực khiến một số ngân hàng hoạt động không tốt. Họ sẽ nhận được tiền miễn phí và các đối thủ cạnh tranh của họ đột nhiên bị ràng buộc bởi các quy tắc và những hạn chế không nhất thiết cần phải áp dụng cho các chiến lược và mô hình kinh doanh của các đối thủ đó.

Ông Domitrovic đã đi xa hơn khi đưa ra những động cơ ẩn dấu đằng sau hành động của các nhà quản lý trong đợt khủng hoảng trước đó.

Ông nói: “Cuộc khủng hoảng năm 2008 có thể rất khác so với những gì chúng ta đã tưởng tượng, nó có thể được tạo ra bởi sự thông đồng giữa chính phủ và ngân hàng lớn".

Chuyên gia: Tai ương của Credit Suisse có thể dẫn đến những can thiệp sai lầm từ chính quyền như năm 2008
Tên của Lehman Brothers được chiếu sáng tại trụ sở chính của Lehman Brothers Holdings Inc. vào ngày 15/09/2008 tại Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Mario Tama / Getty Images)

Những động lực xấu

Ông lập luận rằng, cho dù các vấn đề của Credit Suisse có thể có vẻ nghiêm trọng đến mức nào, sẽ là không khôn ngoan nếu theo đuổi các biện pháp tương tự như trong kịch bản hiện tại.

“Vào năm 2008, có một đợt chính phủ đưa ra thông báo rằng, 'Chúng tôi sẽ bước vào và làm tất cả những điều này'. Và đột nhiên, giá trị bị suy yếu. Đó là một tình huống rất kỳ lạ, và tôi hy vọng rằng trong trường hợp của Credit Suisse, các đối thủ cạnh tranh của nó trong kinh doanh có thể giúp đỡ” và tránh việc can thiệp quá mức, ông Domitrovic nói.

Ông Domitrovic đã chỉ trích các chính sách được áp dụng trong Chương trình Cứu trợ Tài sản Gặp Rắc rối (TARP) được tiến hành vào tháng 10/2008. Chương trình này đã mang lại cho Bộ Tài chính Mỹ tới 700 tỷ USD để mua cổ phần trong các ngân hàng và chuyển tài sản độc hại của họ ra khỏi sổ sách. Domitrovic lập luận rằng, con số này chính là tiền miễn phí dành cho các tổ chức tài chính cho dù họ có quyền được nhận nó hay không.

“Đưa khoản dự trữ của bạn cho Fed và đột nhiên, bạn nhận được tiền lãi từ khoản đó [chỉ việc Fed trả lãi cho khoản dự trữ mà các ngân hàng gửi tại Fed], cộng với việc họ mua tất cả những thứ được gọi là tài sản xấu của bạn, bao gồm cả các khoản thế chấp. Bạn có thể dỡ bỏ chúng để lấy tiền thật từ Fed”, ông nói.

Những nỗ lực của chính phủ nhằm cứu trợ các ngân hàng bằng các chính sách can thiệp mạnh mẽ của mình, trên thực tế, đã dẫn đến mối quan hệ đối tác đáng ngờ giữa chính phủ và các ngân hàng. Điều này làm suy yếu mô hình doanh nghiệp tự do mà dựa vào đó các ngân hàng vẫn đang hoạt động, xét trên mặt lý thuyết.

“Có TARP, có Cục Dự trữ Liên bang [Fed] trả lãi cho các khoản dự trữ của bạn và mua tài sản của bạn, và thứ ba, môi trường pháp lý dễ chịu. Bởi vì bạn đã hợp tác, bạn nhận được các điều khoản hợp lý từ chính phủ và ngân hàng của bạn có vị trí thống lĩnh thị trường hơn”, ông Domitrovic nói.

Các phương pháp đã được kiểm nghiệm

Ông lập luận, thay vì lặp lại những sai lầm trong quá khứ, sẽ là khôn ngoan nếu để thị trường tự giải quyết căn bệnh của mình thông qua các phương pháp đã được kiểm nghiệm qua thời gian.

“Nếu có một vấn đề mang tính hệ thống nào đó, thì rõ ràng, các bên cho vay nên họp lại với nhau và cho Credit Suisse vay một số chứng chỉ (scrip - nhằm tăng cường tài sản của ngân hàng này), và khi thị trường phục hồi, cuối cùng nó sẽ được hoàn trả. Đó là quy trình hoạt động tiêu chuẩn. Nhưng chúng ta đã không làm điều đó vào năm 2008, và kết quả là bị thiệt hại. Nếu các chủ ngân hàng không có khả năng làm điều đó, thì chúng ta không có một hệ thống ngân hàng thực sự tốt”, ông Domitrovic nói.

Chuyên gia: Tai ương của Credit Suisse có thể dẫn đến những can thiệp sai lầm từ chính quyền như năm 2008
Tên của ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ Credit Suisse trên tòa nhà của một chi nhánh ở trung tâm thành phố Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 04/11/2020. (Ảnh: FABRICE COFFRINI / AFP qua Getty Images)

Cách tiếp cận như vậy đã hoạt động trong quá khứ và là quá đủ để giải quyết tình trạng suy thoái trên thị trường như thời điểm hiện tại, ông gợi ý.

Ông nói: “Vào năm 1921, có một cuộc khủng hoảng, các chủ ngân hàng tự giải quyết nó và các nhà chức trách gần như không làm gì cả, và sau đó bạn có Những năm 20 gầm vang [thời kỳ bắt đầu từ năm 1920 khi kinh tế Mỹ phát triển mạnh mẽ]”, ông nói.

Ông Domitrovic đã chỉ ra sự đối lập của cách tiếp cận đó với các chính sách nặng tay của chính phủ liên bang vào cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930.

Ông nói: “Đây là nguyên nhân dẫn đến cuộc Đại khủng hoảng, chính phủ liên bang phải đóng vai trò là người trôm nom nhiều ngân hàng của quốc gia từ năm 1929 đến năm 1933. Sự can thiệp đó đã gây ra cuộc Đại khủng hoảng”.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Michael Washburn - The Epoch Times

Tác giả Michael Washburn là một phóng viên ở New York chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Mỹ và Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp lý và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, anh ấy còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe (Đọc Trái đất). Các cuốn sách của ông bao gồm “Những câu chuyện đã được nhổ bật gốc rễ và những câu chuyện khác” (The Uprooted and Other Stories), “Khi chúng ta trưởng thành” (When We're Grownups) và “Người lạ, người lạ” (Stranger, Stranger).



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Tai ương của Credit Suisse có thể dẫn đến những can thiệp sai lầm từ chính quyền như năm 2008