Cuộc chiến kinh tế chưa có tiền lệ của phương Tây đối với Nga sẽ dẫn tới những hậu quả tiêu cực khó đoán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thế giới đang chứng kiến hai cuộc khủng hoảng nguồn cung liên tiếp. Một trong số đó là do cuộc chiến kinh tế của phương Tây đối với Nga nhằm đáp trả cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Đây là một cuộc chiến kinh tế khổng lồ chưa có tiền lệ và sẽ dẫn tới những hậu quả khó đoán định.

Những cú sốc về nguồn cung toàn cầu là những sự kiện hiếm có trong lịch sử. Càng khác thường hơn khi có hai cú sốc như vậy liên tiếp xảy ra — cú sốc thứ hai xảy ra ngay cả trước khi cú sốc thứ nhất hoàn toàn lắng xuống. Đây là những gì thế giới hiện đang trải qua khi cuộc khủng hoảng do Đại dịch được nối tiếp bởi cuộc chiến tranh kinh tế khổng lồ giữa Nga và phương Tây. Biểu hiện dễ thấy nhất của sự gián đoạn nguồn cung là mức giá tăng cao ngất ngưởng của năng lượng và một loạt các mặt hàng khác.

Các lệnh trừng phạt tạo nên một cuộc chiến kinh tế không có tiền lệ

Việc tiến hành một cuộc chiến tranh quân sự kéo dài và toàn lực thường, nếu không phải là luôn luôn, gây ra thiệt hại khi làm giá cả tăng vọt. Nhưng còn về chiến tranh kinh tế được tiến hành thông qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây bởi các quốc gia không đồng thời tham gia vào xung đột quân sự trực tiếp thì sao? Lịch sử không có nhiều những cuộc chiến như vậy. Thật vậy, lịch sử không có trường hợp nào để có thể so sánh một cách hữu ích với cuộc chiến kinh tế của phương Tây chống lại Nga trong thời điểm hiện tại. Có cơ sở để cho rằng những nước bắt đầu cuộc chiến kinh tế sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng do lạm phát giá cả trong dài hạn. (Hậu quả của việc giá cả gia tăng đối với đất nước phải hứng chịu các lệnh trừng phạt sẽ là chủ đề của một bài báo khác.)

Hãy xét xem bản chất của cuộc chiến kinh tế này có gì mới.

Đầu tiên, cuộc chiến bắt đầu như một sự đe dọa rõ ràng từ phía Mỹ và các đồng minh châu Âu chính của Mỹ, tạo nên bởi tất cả các chi tiết đầy hăm dọa, dù khởi đầu có hơi mơ hồ, nhằm mục đích ngăn chặn một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Nó đã thất bại trong mục tiêu đầu tiên đó. Cả cuộc chiến kinh tế và chiến tranh quân sự hiện đang trong giai đoạn “đào sâu”. Quan điểm chủ đạo hiện nay có thể nhận thấy trên thị trường là chiến dịch quân sự của Nga sẽ đạt đến “giai đoạn ngừng bắn vĩnh viễn” rất lâu trước khi chiến tranh kinh tế thực sự kết thúc.

Phạm vi rộng lớn của cuộc chiến kinh tế

Thứ hai, phạm vi của cuộc chiến kinh tế này là khổng lồ. Kế hoạch của chiến dịch trong giai đoạn đào sâu hiện tại dường như là để "đóng cửa" sự hoạt động của một phần lớn nền kinh tế lớn thứ bảy hoặc thứ tám trên thế giới (bằng quy mô với Canada). Trong lịch sử chưa từng có tiền lệ như vậy. Đúng là vào giữa và cuối những năm 1930, các biện pháp trừng phạt khác nhau đã được áp đặt đối với Ý, Nhật Bản và Đức bởi các cường quốc phương Tây hành động riêng rẽ. Nhưng những lệnh trừng phạt này đã không ngăn cản được điều quân đội Ba Lan phát hiện ra từ cuộc tấn công dữ dội của Đức vào tháng 09/1939 rằng hầu hết các phương tiện vận tải cơ giới của Đức đều do GM và Ford chế tạo; và chúng cũng không ngăn được Ngân hàng Anh bàn giao lượng vàng nắm giữ của Séc ở Luân Đôn cho Ngân hàng Reichsbank (Ngân hàng Trung ương của Đức, đang là “người bảo vệ” của Praha thủ đô của Séc) vào cuối mùa xuân năm 1939.

Phần lớn thế giới là trung lập trước cuộc chiến kinh tế

Tuy nhiên, khi xem xét phạm vi, chúng ta nên nhận ra rằng trong cuộc chiến kinh tế của phương Tây chống lại Nga, phần lớn thế giới là trung lập — bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ Latinh và các quốc gia Trung Đông. Vì vậy, những gì xuất hiện ban đầu như một sự cắt đứt các trung gian thương mại và tài chính có thể nhanh chóng trở thành một điều gì đó giống như sự phân tách về địa lý trên quy mô lớn. Dễ hiểu là trên các phương tiện truyền thông xuất hiện đầy các cách giải quyết mà Nga có thể tìm ra, cho dù đó là các công ty bình phong trong thế giới trung lập; các tổ chức tài chính ở khu vực trung lập có thể che giấu hoạt động hoặc không thể bị các cơ quan quản lý và công tố Mỹ động tới; hoặc bằng cách sử dụng vàng, tiền điện tử hoặc nhân dân tệ cho thanh toán quốc tế.

Không có tuyên bố nào về mục tiêu đặt ra cho chiến tranh kinh tế — cho dù đó là sự thay đổi chế độ ở Moscow hay sự rút quân của Nga khỏi Ukraine. Nhưng chúng ta có thể phỏng đoán rằng một hiệp định đình chiến trong đó Nga tiếp quản các khu vực rộng lớn trên lãnh thổ Ukraine ở phía Đông và phía Nam sẽ không dẫn đến sự kết thúc của chiến tranh kinh tế.

Trong khi đó, chúng ta nên lưu ý rằng việc Nga di dời các mối quan hệ thương mại và kinh doanh quốc tế từ Bắc Mỹ và Tây Âu sang thế giới trung lập sẽ dẫn đến một cú sốc tiêu cực về nhu cầu đáng kể đối với châu Âu (đối với hầu hết nước Đức và các nước Đông Âu). Điều đó sẽ tới ngay sau những tác động tiêu cực từ cú sốc năng lượng (điều mà thế giới trung lập sẽ tránh được ở một mức độ nào đó, nhờ các nguồn cung năng lượng từ Nga được chuyển hướng sang các nước này với mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường phương Tây).

Những tác động kinh tế tiêu cực của cuộc chiến đối với phương Tây

Để đánh giá hệ quả tăng giá của cuộc chiến kinh tế đang ở giai đoạn đào sâu và đang biến đổi, cơ sở để bắt đầu là nỗ lực của các chính quyền (cùng với cơ quan quản lý tiền tệ của các chính quyền này) nhằm chống lại tác động tiêu cực về kinh tế đối với phần lớn cử tri. Sức ép lên thu nhập thực tế do giá năng lượng và hàng hóa nói chung tăng cao, và việc mất thu nhập và việc làm (như ở châu Âu) trực tiếp gây ra bởi sự mất mát trong kinh doanh xuất khẩu và các hoạt động kinh tế liên kết khác bắt nguồn từ Nga, sẽ ảnh hưởng đến sự thịnh vượng chung. Và có khả năng cuộc chiến tranh kinh tế sẽ trở thành chất xúc tác dẫn đến chấm dứt thời kì lạm phát giá tài sản. Điều đó có thể làm gia tăng những khó khăn kinh tế đang được nhận thấy trong hiện tại. Do đó, các cơ quan quản lý tiền tệ ở phương Tây có thể sẽ né tránh việc “bình thường hóa chính sách”.

Có thể nói rằng ảnh hưởng có tính suy thoái của các sự kiện được mô tả sẽ dẫn đến trì hoãn việc bình thường hóa chính sách. Trong thời kì phục hồi kinh tế sau cú sốc, chúng ta có thể phỏng đoán rằng sự suy thoái xen kẽ đồng nghĩa với việc các cơ quan quản lý tiền tệ thậm chí còn có xu hướng trì hoãn và thận trọng hơn đối với việc bình thường hóa. Rất có khả năng các nhà chức trách sẽ phản ứng thái quá trước suy thoái kinh tế và giảm phát giá tài sản.

Cuộc chiến tranh kinh tế, thông qua việc làm giá cả tăng cao, sẽ tạo ra nhiều nguy cơ. Việc tiến hành chiến tranh kinh tế củng cố việc đồng tiền phương Tây phụ thuộc vào sự quản lý của nhà nước.

Trong nỗ lực ngăn chặn và thực tế là vô hiệu hóa các giao dịch tài chính của Nga, các chính quyền phương Tây và các nhà quản lý của họ thậm chí còn xâm nhập sâu hơn vào mọi khía cạnh của quy trình thanh toán và giao dịch tài chính. Chủ nghĩa tư bản giám sát sẽ phát triển mạnh (chủ nghĩa tư bản giám sát tập trung vào việc thương mại hóa dữ liệu cá nhân nhằm kiếm lợi nhuận). Lời biện minh bề ngoài là để đảm bảo rằng sẽ không có các hoạt động bí mật diễn ra với các đối tác bị cấm của Nga. Việc tăng cường các hành vi xâm nhập này đi ngược lại quyền riêng tư và kìm hãm sự cạnh tranh bao gồm cả sự đổi mới sáng tạo.

Vai trò của vàng và tiền điện tử

Bất cứ ai lạc quan trước chiến tranh về sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới về cạnh tranh tiền tệ, điều sẽ hạn chế những người theo chủ nghĩa lạm phát tiền tệ, có thể phải suy nghĩ lại. Một nhân tố lớn có vẻ sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh, sự phổ biến của công nghệ blockchain (chẳng hạn như việc các tổ chức tài chính phát hành tiền kỹ thuật số của riêng họ, cho dù bằng USD hoặc vàng), hiện đang bị cản trở bởi chiến tranh kinh tế. Chắc chắn, những đối tượng trốn tránh lệnh trừng phạt của Nga sẽ được lợi từ công nghệ này; do đó, nó bị cấm.

Một bài học rút ra từ cuộc chiến kinh tế đang xảy ra, chắc chắn là không mới, và đã được Moscow biết đến trước khi xung đột xảy ra, có thể sẽ được các nhà đầu tư thấy rõ. Bên ngoài hệ thống ngân hàng quốc tế, vàng miếng và tiền điện tử, các giao dịch mua bán bằng tiền điện tử có thể trợ giúp việc thực hiện các giao dịch, là an toàn hơn so với trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Do đó, chúng ta có thể dự đoán nhu cầu toàn cầu đối với trái phiếu Kho bạc Mỹ, cho đến nay được coi là tài sản dự trữ hàng đầu, sẽ trở nên kém mạnh mẽ hơn nhiều, ít nhất là đối với những người đang nắm giữ dự trữ USD lớn hiện nay. Lợi tức cao hơn trên trái phiếu Kho bạc sẽ ảnh hưởng đến tài chính công của Mỹ. Chi phí nợ ngày càng tăng sẽ có nghĩa là tình hình chính trị thậm chí sẽ gia tăng ủng hộ việc Fed giảm chi phí vay nợ thực tế bằng cách kích thích lạm phát tiền tệ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Brendan Brown tới từ Viện Mises. Viện Mises, được thành lập vào năm 1982, thúc đẩy việc giảng dạy và nghiên cứu trong trường kinh tế của Áo, tập trung vào các lĩnh vực như tự do cá nhân, lịch sử chân thực và hòa bình quốc tế, kế thừa truyền thống của Ludwig von Mises và Murray N. Rothbard. Viện Mises tìm kiếm sự thay đổi căn bản trong môi trường học vấn, thoát khỏi chủ nghĩa nhà nước quản lý và hướng tới trật tự đề cao sở hữu tư nhân.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc chiến kinh tế chưa có tiền lệ của phương Tây đối với Nga sẽ dẫn tới những hậu quả tiêu cực khó đoán