Để giải cứu ngân hàng, Trung Quốc chi 344 tỷ USD cứu trợ thanh khoản và cho vay các quốc gia BRI

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong 3 năm (2019 -2022), Trung Quốc đã cứu trợ thanh khoản các quốc gia mắc nợ 'Vành đai - Con đường' 240 tỷ USD, trong khi cho vay cứu trợ thêm 104 tỷ USD; bằng khoảng 40% IMF. Tuy nhiên, khoản vay của Trung Quốc có lãi suất cao gấp 2,5 lần và điều kiện kinh tế - chính trị mặc cả đằng sau các khoản vay mới là điều thế giới lo ngại.

Trung Quốc đã mở rộng đáng kể hoạt động cho vay cứu trợ thanh khoản trong suốt 3 năm đại dịch khi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nước này dẫn tới hàng loạt vụ vỡ nợ chính phủ, các dự án đầy tai tiếng và cáo buộc tham nhũng.

Một nghiên cứu được phối hợp giữa AidData, Ngân hàng Thế giới, Trường Harvard Kennedy và Viện Kinh tế Thế giới Kiel, công bố hôm nay (28/3), cho thấy Trung Quốc cứu trợ 240 tỷ USD các quốc gia vay nợ BRI về thanh khoản qua hoán đổi ngoại tệ tiếp tục cho vay ra thêm 104 tỷ USD; con số tương đương với khoản cho vay cứu trợ của Trung Quốc suốt hai thập kỷ trước.

Việc Trung Quốc trở thành người cho vay cuối cùng có ảnh hưởng và tạo ra thách thức quan trọng với các tổ chức do phương Tây lãnh đạo như IMF.

Brad Parks, giám đốc điều hành của AidData tại Đại học William và Mary ở Hoa Kỳ cho biết: “Cấu trúc tài chính toàn cầu đang trở nên ít mạch lạc hơn, ít thể chế hóa hơn và kém minh bạch hơn". “Bắc Kinh đã tạo ra một hệ thống toàn cầu mới để cho vay cứu trợ xuyên biên giới. Nhưng Bắc Kinh đã cho vay một cách không rõ ràng và không có sự phối hợp".

Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe tuần trước đã kêu gọi Trung Quốc và các chủ nợ khác nhanh chóng đạt được thỏa hiệp về tái cơ cấu nợ sau khi IMF thông qua chương trình cho vay 3 tỷ USD trong 4 năm dành cho quốc gia chìm ngập trong nợ công này.

Trung Quốc đã từ chối tham gia các chương trình giải quyết nợ đa phương mặc dù nước này là thành viên của IMF. Ghana, Pakistan và các con nợ gặp khó khăn khác, những nền kinh tế rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, với một số tiền lớn, đang theo dõi sát sao trường hợp Sri Lanka.

Một số trong số 22 quốc gia mà Trung Quốc đã cho vay cứu trợ — bao gồm Argentina, Belarus, Ecuador, Ai Cập, Lào, Mông Cổ, Pakistan, Suriname, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Venezuela — cũng là những nước nhận hỗ trợ của IMF.

Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa các chương trình của IMF và các gói cứu trợ của Trung Quốc. Tiền cho vay của Trung Quốc đắt gấp 2,5 lần lãi vay của IMF. Ngoài ra, những điều kiện ngầm khác về chính trị, ngoại giao và tài nguyên đi kèm với các khoản cho vay hào phóng từ Trung Quốc là điều chắc chắn. Theo nghiên cứu này, lãi suất cho vay bình quân của IMF là 2% trong khi Trung Quốc là 5%/năm.

Theo nghiên cứu, Bắc Kinh cũng không cung cấp gói cứu trợ cho tất cả những người vay tiền trong Vành đai và Con đường đang gặp khó khăn. Bắc Kinh ưu tiên cho các con nợ lớn trong BRI, những kẻ không thể trả được nợ có thể khiến các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc sụp đổ.

Có vẻ như, ẩn sau chương trình hoán đổi ngoại tệ, cung cấp thanh khoản cho các nền kinh tế mắc nợ của Bắc Kinh, cung cấp thêm khoản vay cho các chính quyền này, Bắc Kinh chính là đang muốn giải cứu ngân hàng của họ; những trung gian tài chính đứng ra cho vay vào các dự án BRI đầy tham nhũng khắp toàn cầu.

“Bắc Kinh cuối cùng đang cố gắng giải cứu các ngân hàng của chính họ. Đó là lý do tại sao nước này đã dấn thân vào lĩnh vực rủi ro là cho vay cứu trợ quốc tế”, GS. Carmen Reinhart, Trường Harvard Kennedy và cựu kinh tế gia trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới, cho biết, theo Financial Times.

Trung Quốc cứu trợ thanh khoản (240 tỷ USD) dưới hai hình thức. Đầu tiên là thông qua cơ sở “hoán đổi ngoại tệ dự trữ”, trong đó nhân dân tệ được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, giải ngân để đổi lấy nội tệ của quốc gia đối tác. Khoảng 170 tỷ USD đã được giải ngân theo cách này. Thứ hai là thông qua hỗ trợ cán cân thanh toán trực tiếp, với 70 tỷ USD được cam kết, chủ yếu từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc.

Sáng kiến BRI là chương trình cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới. Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ, tổng tiền đổ vào BIR từ 2013-2021 là 838 tỷ USD.

Trung Quốc đã xuất khẩu mô hình quản trị của Trung Quốc, ảnh hưởng và lôi kéo bè phái trên chính trường quốc tế qua sáng kiến BRI. Không chỉ trải bẫy nợ nơi BRI đi qua, Trung Quốc thành công bịt miệng thế giới về các vấn đề đàn áp tín ngưỡng, nhân quyền, che giấu tội ác bằng cách tham nhũng hoá các đối tác vay nợ của họ.

Nhưng cái gì cũng có hai mặt, tuy Trung Quốc có thể tạo bẫy nợ khổng lồ khắp toàn cầu, có thể thay thế các tổ chức tài chính của phương Tây cũng như nâng tầm ảnh hưởng, nhưng Trung Quốc cũng không thu hồi được rất nhiều nợ; điều này đẩy các ngân hàng lớn của Trung Quốc vào tình thế nguy nan về thanh khoản và chất lượng tài sản xấu đi.

Không còn cách nào khác, Trung Quốc buộc phải tiếp tục cho vay ra, tiếp tục cứu trợ các con nợ của mình. Một giải pháp để cứu trợ các ngân hàng trong nước, đang có nguy cơ rơi vào bẫy nợ của chính mình.

Quang Nhật tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Để giải cứu ngân hàng, Trung Quốc chi 344 tỷ USD cứu trợ thanh khoản và cho vay các quốc gia BRI