EU không thể cắt nguồn cung năng lượng từ Nga: Thủ tướng Hà Lan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau những tuyên bố của Mỹ và Anh về việc cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang chịu những áp lực tương tự. Tuy nhiên, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng EU cần nguồn cung từ Nga tại thời điểm hiện tại.

Thủ tướng Hà Lan không ủng hộ cắt nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã bác bỏ khả năng EU cấm nhập khẩu các nguồn cung năng lượng từ Nga sau việc Moscow xâm lược Ukraine.

Ông Rutte nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: “Chúng ta phải thảo luận về những điểm yếu do sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga. Tôi sẽ không ủng hộ việc cắt nguồn cung dầu và khí đốt của chúng ta từ Nga tại thời điểm hiện tại. Điều đó là không thể bởi vì chúng ta cần nguồn cung đó và đó là một sự thật không mấy dễ chịu”.

Ông Rutte lưu ý rằng EU phải làm được nhiều hơn nữa cho "chương trình nghị sự xanh" và việc khử cacbon cho nền kinh tế của các quốc gia thành viên.

Phát biểu của ông Rutte được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu công bố kế hoạch đưa châu Âu độc lập khỏi nhiên liệu hóa thạch trước năm 2030. Khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU là từ Nga, cùng với 45% lượng than nhập khẩu của EU và 25% lượng dầu nhập khẩu của EU.

EU cần giảm bớt sự phụ thuộc năng lượng vào Nga

Theo kế hoạch REPowerEU, sức chịu đựng của hệ thống năng lượng toàn EU sẽ được tăng cường nhờ một số yếu tố - thúc đẩy nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng và qua các đường ống từ các nhà cung cấp không thuộc Nga, tăng sản xuất và nhập khẩu biomethane và hydro tái tạo, cắt giảm lượng nhiên liệu hóa thạch, đảm bảo hiệu suất năng lượng cao hơn, v.v.

Ủy ban ước tính rằng việc thực hiện các đề xuất của Ủy ban sẽ cắt giảm 30% lượng nhiên liệu hóa thạch tiêu thụ hàng năm vào năm 2030.

Dần dần, kế hoạch có thể loại bỏ việc sử dụng 155 tỷ mét khối khí hóa thạch, tương đương với lượng khí đốt mà EU nhập khẩu từ Nga vào năm 2021. Hai phần ba mức giảm có thể đạt được trong vòng một năm, do đó giúp khu vực này nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc năng lượng vào một nhà cung cấp duy nhất.

Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen cho biết trong một phát biểu: “Chúng ta đơn giản là không thể dựa vào một nhà cung cấp đang đe dọa chúng ta một cách rõ ràng. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ để giảm thiểu tác động của việc tăng giá năng lượng, đa dạng hóa nguồn cung khí đốt cho mùa đông tới và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Chúng ta càng nhanh chóng chuyển sang năng lượng tái tạo và hydro, kết hợp với hiệu suất năng lượng cao hơn, chúng ta sẽ càng nhanh chóng trở nên thực sự độc lập và làm chủ hệ thống năng lượng của mình”.

Bà Kadri Simson, Cao ủy Châu Âu về Năng lượng, chỉ ra rằng cuộc xâm lược của Nga đã đẩy giá năng lượng lên "mức chưa từng có" và làm trầm trọng thêm vấn đề an ninh của các nguồn cung năng lượng.

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã công bố lệnh cấm đối với dầu mỏ, khí đốt và năng lượng của Nga, khẳng định rằng điều đó sẽ giáng một “đòn mạnh” vào Tổng thống Nga Vladimir Putin. Vương quốc Anh tuyên bố sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022.

Các nhà kinh tế tại JPMorgan cho biết vào hôm thứ Ba (08/03), việc loại bỏ nguồn cung năng lượng từ Nga sẽ tiêu tốn của các chính phủ châu Âu một khoản chi phí ngang với chi phí đã dùng đối phó đại dịch Covid-19. Nợ chính phủ trong EU đã tăng lên 1,5 nghìn tỷ USD do đại dịch.

Châu Âu cần bổ sung kho dự trữ một cách khẩn cấp cho năm tới

Mặc dù châu Âu có đủ khí đốt để đáp ứng nhu cầu cho những tuần còn lại của mùa đông, nhưng khu vực này cần phải bổ sung kho dự trữ “một cách khẩn cấp” cho năm tới. Để thực hiện việc này, Ủy ban có kế hoạch yêu cầu các nước thành viên EU lấp đầy kho nhiên liệu lên mức 90% trước ngày 01/10.

Các nước châu Âu thường dự trữ khí nhiên liệu tự nhiên vào mùa hè và mùa thu sau đó sử dụng cũng như mua thêm nguồn cung vào mùa đông. Mức dự trữ 90% sẽ tương đương với khoảng 1000 terawatt giờ điện, có thể sẽ đủ cho EU sử dụng vào mùa đông mà không cần tới nguồn cung từ Nga. Theo ông Georg Zachmann, nhân viên cấp cao của tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brusses, EU vẫn sẽ phải cần nhập khẩu nhiên liệu và khí tự nhiên hóa lỏng từ các nguồn không thuộc Nga trong mùa đông.

EU đang chịu áp lực phải chuẩn bị cho mùa đông tới trong trường hợp không có nguồn cung từ Nga, có thể là do chính quyền Nga hoặc do các đường ống tại Ukraine bị phá hủy.

Theo dữ liệu từ Gas Infrastructure Europe, châu Âu đã bắt đầu mùa lạnh vào năm ngoái với lượng dự trữ khoảng 75%, mức được coi là đã khiến khu vực này gặp khó khăn.

Bảo Nguyên

 



BÀI CHỌN LỌC

EU không thể cắt nguồn cung năng lượng từ Nga: Thủ tướng Hà Lan