EU vẫn chia rẽ về các lệnh trừng phạt lên năng lượng của Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liên minh châu Âu (EU) vẫn chia rẽ vào hôm thứ Hai (21/03) về việc có nên trừng phạt ngành năng lượng của Nga vì cuộc xâm lược của họ vào Ukraine hay không. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp châu Âu tỏ ý muốn tiếp tục hoạt động tại Nga.

Cho đến nay, EU đã áp đặt 4 đợt trừng phạt chống lại Nga nhắm vào các ngân hàng và giới tài phiệt, đồng thời cấm máy bay Nga bay vào không phận EU và ngừng xuất khẩu công nghệ. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực năng lượng của Nga, Đức và Hà Lan đang bày tỏ sự phản đối các lệnh trừng phạt.

Hôm thứ Hai, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói rằng lệnh cấm vận ngắn hạn năng lượng của Nga là điều không thực tế. Ông Rutte nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda tại Vilnius: “Có rất nhiều nhà máy lọc dầu ở khu vực phía đông và phía tây châu Âu vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga, và tình hình với khí đốt còn tồi tệ hơn”.

“Chúng ta phải xóa bỏ sự phụ thuộc đó. Chúng ta cần làm điều đó càng nhanh càng tốt, nhưng chúng ta không thể làm điều đó vào ngày mai”, ông nói thêm.

Các cuộc thảo luận trước đó của EU đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi trong việc loại bỏ dần sự phụ thuộc của khối vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trong vòng 5 năm.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với các phóng viên tại Brussels hôm thứ Hai rằng EU nên giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga nhưng phản đối việc cắt giảm đột ngột.

Bà Baerbock nói: “Vấn đề trong lệnh cấm vận dầu mỏ không phải là việc chúng ta muốn hay không muốn, mà là về mức độ phụ thuộc của chúng ta vào dầu mỏ”.

Nga cung cấp hơn 40% lượng khí đốt và than nhập khẩu của EU và khoảng 25% lượng dầu của khu vực này.

Nhiều doanh nghiệp châu Âu muốn tiếp tục hoạt động tại Nga

Trong một diễn biến khác, tổ chức vận động hành lang Hội doanh nghiệp Đông Đức - đại diện cho các doanh nghiệp Đức có lợi ích ở Đông Âu - đã lên tiếng bảo vệ các hoạt động kinh doanh của các công ty thành viên ở Nga.

Chủ tịch tổ chức Oliver Hermes cho biết: “Nga, cũng như Ukraine, cung cấp cho thị trường thế giới các sản phẩm nông nghiệp rất cần thiết như ngũ cốc”. “Các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực này sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng và tăng giá hơn nữa, đặc biệt ở các nước nghèo nhất”. Ngoài ra còn có vấn đề về trách nhiệm của các công ty Đức đối với 280.000 nhân viên của họ ở Nga.

Ông Hermes nói: “Việc bán các cơ sở sản xuất là khó có thể thực hiện vào thời điểm hiện tại và sẽ rơi vào tay các bên tham gia thị trường đến từ các quốc gia không thực hiện các biện pháp trừng phạt chống lại Nga”.

Ông Hermes cho biết thêm có nhiều mối đe dọa - từ các hình phạt theo hợp đồng đến việc mất toàn bộ tài sản và các hậu quả pháp lý đối với nhân viên cấp cao. “Do đó, chúng tôi kiên quyết bác bỏ sự lên án đối với các công ty vẫn đang hoạt động tại thị trường Nga”.

Doanh nghiệp phương Tây đang chịu áp lực rời khỏi Nga; nhưng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bao gồm hãng Bayer của Đức, vẫn chưa rút lui hoàn toàn vì thuốc và các thiết bị, dụng cụ y tế được coi là cần thiết bởi lý do nhân đạo; và do đó được loại trừ khỏi các lệnh trừng phạt.

Chi Anh

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

EU vẫn chia rẽ về các lệnh trừng phạt lên năng lượng của Nga