Evergrande vỡ nợ giới hạn: Fitch Ratings

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thứ 5 (09/12), China Evergrande đã chính thức bị coi là vỡ nợ, theo xếp hạng tín dụng của Fitch. Một nhà phát triển bất động sản khác ở Trung Quốc là Kaisa Group cũng bị Fitch đánh giá là vỡ nợ. Nguyên nhân đến từ việc cả hai tập đoàn này đều mất khả năng thanh toán trái phiếu nước ngoài.

Xếp hạng tín dụng của Evergrande và Kaisa cùng bị hạ xuống mức vỡ nợ giới hạn

Fitch Ratings đã hạ xếp hạng của Evergrande từ mức C xuống mức RD (vỡ nợ giới hạn) do tập đoàn này không thể chi trả 2 khoản lãi trái phiếu vào cuối thời gian ân hạn hôm thứ 2 (06/12). Đây là cột mốc đánh dấu bước ngoặt trong kế hoạch tái cơ cấu của nhà phát triển bất động sản (BĐS) mắc nợ nhiều nhất thế giới.

Cùng ngày, Fitch cũng hạ xếp hạng một doanh nghiệp BĐS Trung Quốc khác là Kaisa Group Holdings Ltd. xuống mức ‘vỡ nợ giới hạn’. Kaisa đã không thể trả được lô trái phiếu trị giá 400 triệu USD đến hạn vào thứ 3 (07/12). Tổng cộng, Evergrande và Kaisa chiếm khoảng 15% dư nợ trái phiếu USD phát hành bởi các công ty BĐS Trung Quốc.

“Vỡ nợ giới hạn’ là bậc tín dụng được Fitch dùng để chỉ một tổ chức phát hành đã vỡ nợ một lần, hoặc đã trải qua một cuộc hoán đổi nợ đầy khó khăn; nhưng vẫn hoạt động và chưa bắt đầu làm hồ sơ phá sản.

Hai gã khổng lồ nhà đất Trung Quốc này chưa chính thức công bố các vụ vỡ nợ. Evergrande đã không lập tức trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về quyết định của Fitch, trong khi Kaisa từ chối bình luận.

Evergrande vỡ nợ giới hạn, Kaisa Group vỡ nợ giới hạn, Fitch Ratings hạ xếp hạng tín dụng của Evergrande và Kaisa xuống vỡ nợ giới hạn, số phận của các trái chủ khi Evergrande vỡ nợ, kế hoạch tái cấu trúc khi Evergrande vỡ nợ
Thứ 5 (09/12), Fitch Ratings đã hạ bậc tín dụng của Evergrande và Kaisa xuống mức vỡ nợ giới hạn do 2 tập đoàn này mất khả năng thanh toán trái phiếu nước ngoài. (Ảnh: Getty Images)

Trên thực tế, Fitch đã phải vật lộn tìm hiểu nhưng vẫn không có đủ thông tin từ Evergrande. Fitch cho hay, vào hôm thứ 5, Evergrande đã không trả lời yêu cầu xác nhận của họ về các khoản thanh toán lãi trái phiếu đáo hạn trong tuần này. Các nhà phân tích của Fitch viết trong một tuyên bố: “Do đó, chúng tôi cho rằng các khoản nợ chưa được thanh toán. Bloomberg đã lên tiếng vào đầu tuần này rằng các trái chủ vẫn chưa nhận được tiền”.

Kế hoạch tái cấu trúc khi Evergrande vỡ nợ

Evergrande từng được cho là một doanh nghiệp ‘quá lớn để đổ vỡ’. Tuy nhiên, tập đoàn này hiện nay đã trở thành mục tiêu nhắm đến của chiến dịch kiểm soát thị trường BĐS đang phát triển quá nóng tại Trung Quốc. Tuần trước, các doanh nghiệp Trung Quốc đã mất khả năng thanh toán 10,2 tỷ USD trái phiếu nước ngoài, và các công ty BĐS chiếm 36% tổng số, theo dữ liệu của Bloomberg.

Trong những tuần gần đây, Bắc Kinh đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong các ngân hàng thương mại. Đây là dấu hiệu nới lỏng các hạn chế đối với lĩnh vực BĐS. Các doanh nghiệp BĐS có mức xếp hạng tín dụng cao sẽ có thể tiếp cận nguồn vốn. Chính quyền Trung Quốc cũng đang đóng vai trò hàng đầu trong quá trình tái cấu trúc Evergrande thông qua việc bổ nhiệm các quan chức tỉnh Quảng Đông giám sát quá trình này.

Mặc dù Bắc Kinh có thể giúp ngăn chặn sự sụp đổ không kiểm soát của Evergrande nhưng họ đã tuyên bố không giải cứu đế chế BĐS do tỷ phú Hứa Gia Ấn xây dựng cách đây 25 năm. Trong thông điệp tại một hội thảo ở Hong Kong vào thứ 5 (09/12), Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Yi Gang đã mô tả Evergrande là một sự kiện thị trường và cần được xử lý theo hướng thị trường.

Evergrande vỡ nợ giới hạn, Kaisa Group vỡ nợ giới hạn, Fitch Ratings hạ xếp hạng tín dụng của Evergrande và Kaisa xuống vỡ nợ giới hạn, số phận của các trái chủ khi Evergrande vỡ nợ, kế hoạch tái cấu trúc khi Evergrande vỡ nợ
Sẽ rất thú vị khi xem xét vai trò của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong việc tái cơ cấu Evergrande sau vỡ nợ, và mức độ kiểm soát của Bắc Kinh bằng cái gọi là 'cách tiếp cận theo định hướng thị trường'. (Ảnh: Jessica Yang / AFP qua Getty Images)

Ông Robin Usson, nhà phân tích tín dụng tại Federated Hermes, cho biết: “Các vụ vỡ nợ của Evergrande và Kaisa chuyển chúng ta sang bước thứ hai của quá trình suy thoái BĐS ở Trung Quốc, với việc rủi ro hệ thống dần được thay thế bằng rủi ro đặc trưng (hay còn gọi là rủi ro phi hệ thống)”.

“Sẽ rất thú vị khi xem xét vai trò của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong quá trình tái cơ cấu, và mức độ kiểm soát của Bắc Kinh bằng cái gọi là 'cách tiếp cận theo định hướng thị trường' này", ông Usson nói thêm.

Số phận của các trái chủ khi Evergrande vỡ nợ

Ngày 03/12, đại diện Evergrande thông báo họ sẽ tích cực làm việc với các chủ nợ nước ngoài để bàn về phương án tái cấu trúc. Nhưng với việc giới chức trách Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát tình hình, Evergrande hầu như chỉ biết giữ im lặng về các chi tiết của kế hoạch tái cấu trúc.

Ông Brock Silvers, Giám đốc đầu tư tại Kaiyuan Capital ở Hong Kong, đánh giá: “Việc hạ mức tín dụng có thể không tác động ngay lập tức đến quy trình làm việc của phía Trung Quốc. Tuy vậy, điều này lại gia tăng áp lực lên công ty (và các cơ quan quản lý), khiến họ nhanh chóng tiết lộ các đề xuất tái cơ cấu”.

Trái chủ của Evergrande, bao gồm Marathon Asset Management, dự đoán rằng chủ nợ nước ngoài sẽ là những bên cuối cùng được trả nợ. Động lực chủ yếu của chính quyền Trung Quốc là duy trì ổn định xã hội. Do vậy, những người mua nhà của Evergrande, nhân viên công ty, và các nhà đầu tư cá nhân đã mua sản phẩm quản lý tài sản là những bên được ưu tiên trả nợ.

Evergrande vỡ nợ giới hạn, Kaisa Group vỡ nợ giới hạn, Fitch Ratings hạ xếp hạng tín dụng của Evergrande và Kaisa xuống vỡ nợ giới hạn, số phận của các trái chủ khi Evergrande vỡ nợ, kế hoạch tái cấu trúc khi Evergrande vỡ nợ
Người dân tập trung trước trụ sở của Evergrande đòi quyền lợi, hôm 16/9/2021. (Ảnh: NOEL CELIS/AFP qua Getty Images)

Trong thông điệp hôm thứ 5, thống đốc PBOC Yi Gang đã lên tiếng rằng “quyền và lợi ích của chủ nợ và cổ đông sẽ được tôn trọng đầy đủ theo thứ bậc quy định trong pháp luật”.

Một số trái chủ nước ngoài cho rằng họ sẽ không nhận được ích lợi gì trong việc khởi kiện Evergrande tại các tòa án Trung Quốc. Lý do là chính quyền Trung Quốc đang tham gia vào việc tái cấu trúc. Một thách thức nữa là, nhiều khoản nợ đã được phát hành bởi các công ty con của Evergrande đăng ký kinh doanh ở nhiều nước và vùng lãnh thổ khác nhau. Do vậy, các trái chủ khó có thể hợp thành một lực lượng thống nhất để thúc đẩy vụ kiện.

Tuy nhiên, một số chủ nợ nước ngoài vẫn tham khảo ý kiến ​​của các cố vấn tài chính và pháp lý. Nhiều trái chủ là các công ty đầu tư lớn nhất thế giới mà Trung Quốc dường như không muốn mất đi quan hệ hợp tác. Trong những tháng gần đây, Ashmore Group, BlackRock Inc., FIL Ltd., UBS Group AG, và Allianz SE đã báo cáo về việc nắm giữ các khoản nợ của Evergrande và có khả năng vỡ nợ, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Chi Anh



BÀI CHỌN LỌC

Evergrande vỡ nợ giới hạn: Fitch Ratings