Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu: Căng thẳng đã đến mức cực điểm!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nền kinh tế thế giới phải gánh chịu cùng một lúc 3 sự gián đoạn - trong vận chuyển hàng hóa, trong sản xuất chip máy tính và các sản phẩm nhựa. Mà các hàng hóa, dịch vụ này đều là những nền tảng quan trọng nhất của nền kinh tế hiện đại. Cuộc khảo sát toàn cầu gần đây nhất của IHS Markit về các nhà sản xuất đã cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm ngoái đã kéo dài thời gian giao hàng lên mức “vượt trội hơn so với 20 năm trở lại đây”.

Nếu bạn đang thắc mắc tại sao hàng hóa cồng kềnh bạn đặt mua ở nước ngoài phải mất 3 hoặc 4 tháng để đến nơi chứ không phải chỉ vài tuần như trước, thì lý do rất đơn giản: Bạn đang ở mắt xích cuối của chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị “lệch pha”.

Không chỉ bạn, những gã khổng lồ ô tô như GM và Ford cũng đang phải giảm tốc độ sản xuất, tạm thời đóng cửa các nhà máy và sa thải công nhân hàng loạt.

Nền kinh tế thế giới đang gượng đứng dậy sau ảnh hưởng của đại dịch, để phục hồi, nó cần dựa vào sự vận hành đồng bộ, nhịp nhàng của các chuỗi cung ứng toàn cầu, mà các chuỗi này hiện đang bị gián đoạn.

Có phải vì âm hưởng của vụ việc con tàu container Ever Given khổng lồ bị tắc ở kênh đào Suez? Không phải, tàu Ever Given chỉ tăng thêm gánh nặng cho chuỗi cung ứng vốn đã rất căng thẳng, chứ không phải nút thắt của toàn bộ vấn đề.

Ở thời điểm hiện tại, khi các chính phủ tung ra một loạt các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng, khi nền kinh tế thế giới tăng tốc để bù đắp lại quãng thời gian “bỏ trống” vì đại dịch, thì áp lực lên chuỗi cung ứng sẽ ngày càng tăng và sự gián đoạn theo đó cũng trầm trọng hơn.

Điều gì đang xảy ra với chuỗi cung ứng?

Sự thịnh vượng toàn cầu trong vài thập kỷ qua được xây dựng dựa trên hệ thống chuỗi cung ứng thống nhất. Đây là một hệ thống phức tạp có vai trò gắn kết các nhà cung cấp nguyên liệu thô, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng lại với nhau. Các nhà cung cấp, nhà vận chuyển, ngân hàng, nhà bán buôn, bán lẻ... là các mắt xích nhịp nhàng cùng vận hành với nhau trong hệ thống này, và một khi một mắt xích bị xô lệch, cả hệ thống sẽ dừng lại, sẽ hỗn loạn.

Gần đây các nhà kinh tế học hay nhắc đến khái niệm “kéo dài chuỗi cung ứng”. Thế nào là kéo dài chuỗi cung ứng? Nói một cách đơn giản, đó là khi thời gian chờ để sản xuất một loại hàng hóa hay dịch vụ thiết yếu trong chuỗi cung ứng kéo dài hơn so với bình thường, nó sẽ khiến cho thời gian cung ứng, vận chuyển của toàn bộ chuỗi bị kéo dài ra theo.

Ông Daniel Yergin, phó chủ tịch IHS Markit, là một tác giả đoạt giải Pulitzer chỉ ra rằng, nền kinh tế thế giới phải gánh chịu cùng một lúc 3 sự gián đoạn - trong vận chuyển hàng hóa, trong sản xuất chip máy tính và các sản phẩm nhựa. Mà các hàng hóa, dịch vụ này đều là những nền tảng quan trọng nhất của nền kinh tế hiện đại. Cuộc khảo sát toàn cầu gần đây nhất của IHS Markit về các nhà sản xuất đã cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm ngoái đã kéo dài thời gian giao hàng lên mức “vượt trội hơn so với 20 năm trở lại đây”.

Dưới đây là chi tiết về 3 sự gián đoạn mà ông Yergin đã chỉ ra:

Dịch vụ vận tải: Nút thắt cổ chai của chuỗi cung ứng

Khi bạn muốn vận chuyển hàng hóa với số lượng lớn, bạn sẽ chọn dịch vụ vận tải qua con đường nào: đường bộ, đường hàng không, đường sắt hay đường biển? Hiển nhiên, đường biển là thuận tiện, nhanh chóng và rẻ tiền nhất. Vì vậy, không phải tự nhiên mà ngành công nghiệp vận tải thế giới đang dựa vào các tuyến đường biển và các tàu container. Hàng ngày, có khoảng 5.400 tàu container khổng lồ lướt khắp các đại dương, chở hàng hóa đến tất cả các thị trường trên thế giới vào bất kỳ thời điểm nào. Hiện thế giới ước chừng có khoảng 20 triệu container như vậy, chứa đầy đủ mọi thứ từ giày tennis và mặt nạ chống vi-rút đến máy tính xách tay, phụ tùng ô tô và tấm pin mặt trời.

Hiện tại, châu Á là nguồn cung cấp hàng hóa lớn nhất cho thế giới, trong đó phải kể đến Trung Quốc, nơi chiếm đến 7 trong số 10 cảng container lớn nhất thế giới.

Khi đại dịch Covid-19 xảy đến, các cảng biển Trung Quốc buộc phải ngừng hoạt động trong 2 tháng. Điều đó có nghĩa là các chuyến hàng dự kiến ​​đến phần còn lại của thế giới phải dừng lại. Còn khi khi Trung Quốc mở cửa trở lại, thì lại đến lượt Bắc Mỹ và Châu Âu đóng cửa.

Các container được nhìn thấy tại cảng nước sâu Dương Sơn, Thượng Hải vào ngày 9/4/2018.
Hiện tại, châu Á là nguồn cung cấp hàng hóa lớn nhất cho thế giới, trong đó phải kể đến Trung Quốc, nơi chiếm đến 7 trong số 10 cảng container lớn nhất thế giới. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)

Với những người mắc kẹt trong nhà trong thời gian phong tỏa, chi tiêu của họ cho các dịch vụ như du lịch giảm mạnh, ngược lại, chi tiêu cho đồ điện tử, thiết bị giải trí, nội thất gia đình và nhiều hàng hóa khác tăng vọt. Bên cạnh đó là nhu cầu cấp thiết về vật tư y tế và đồ bảo hộ để chống lại đại dịch, đồng nghĩa với việc một đội tàu container khổng lồ ngày ngày tiến về phía Hoa Kỳ.

Các cảng liền kề Los Angeles và Long Beach, nơi xử lý một nửa tổng lượng hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ từ châu Á, đã bị quá tải, không còn thời gian để giải quyết công việc tồn đọng. Tình trạng tắc nghẽn trở nên tồi tệ hơn do tình trạng giãn cách xã hội trong thời gian đại dịch.

Các tàu container khổng lồ tiếp tục chất đống bên ngoài các cảng đó, không thể cập bến, đồng nghĩa với việc hàng hóa không được cập cảng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao.

Một Ủy viên Hàng hải Liên bang đã mô tả tình trạng này ở Bờ Tây là "điều tồi tệ nhất mà chúng tôi từng thấy".

Khi cầu tăng mà cung thấp, thì một kết quả hiển nhiên, giá hàng hóa thương mại và chi phí vận chuyển cũng tăng theo.

Giá dịch vụ vận chuyển container đến Bờ Tây vào tháng 2 năm 2021 cao hơn 30% so hơn năm 2020, giá vận chuyển từ Châu Á đến Bờ Đông, bao gồm cả phụ phí, tăng gấp 5 lần so với năm ngoái.

Các chi phí thuê bến bãi đợi hàng hóa được thông quan, khai thác cũng tăng lên theo, và sự gián đoạn vận chuyển cũng trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết.

Câu chuyện kiến giết voi: Khi chip 1USD cũng có thể ‘đánh sập’ cả nền kinh tế thế giới

Sự gián đoạn lớn thứ hai là về chip máy tính, vốn đang ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô. Điều này càng trở nên tồi tệ hơn do tình trạng vận chuyển rối ren. Con chip màn hình với giá chỉ 1USD, nhưng các ngành công nghiệp sản xuất thiết bị tích hợp màn hình phục vụ nhu cầu người dân trong đại dịch lại phát triển quá “nóng”, khiến ngành sản xuất chip hụt hơi. Cùng lúc đó, một nhà máy sản xuất chip máy tính lớn ở Nhật Bản đã bốc cháy, đồng thời, hạn hán kéo dài ở Đài Loan, nguồn cung cấp 60% chip của thế giới, đã bồi thêm cú đấm khiến cho gã khổng lồ ngành bán dẫn ngã gục, tạo ra một vết nứt khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Nạn đói chip” tiếp tục tàn phá ngành sản xuất ô tô. Ô tô ngày nay cũng là thiết bị điện tử chạy trên chip máy tính. Do tình trạng thiếu chip, các nhà sản xuất ô tô lớn ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc đã phải tạm dừng một số hoạt động sản xuất. Ford Motor Co. , Nissan Motor Co. và Volkswagen AG đã buộc phải giảm quy mô sản xuất, dẫn đến doanh thu của ngành ước tính sẽ thiệt hại hơn 60 tỷ USD trong năm nay.

Ông Jordan Wu, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Himax Technologies Co., nhà cung cấp hàng đầu về trình điều khiển màn hình, cho biết: “Tôi chưa từng chứng kiến điều gì như thế này trong 20 năm qua, kể từ khi thành lập công ty”. “Mọi ứng dụng đều thiếu chip".

Mặc dù các nhà sản xuất chip đã công bố đầu tư mới vào công suất, điều này sẽ mất thời gian; IHS Markit ước tính rằng sự thiếu hụt này, ít nhất là đối với ngành công nghiệp ô tô, sẽ kéo dài sang năm tới.

Sự gián đoạn thứ 3: Thời tiết Texas

Đầu năm nay, một cơn bão mùa đông hiếm hoi xảy ra tại bang Texas đã đánh sập hàng loạt dây chuyền sản xuất của Mỹ. Một đợt đóng băng sâu đã khiến bang này trở tay không kịp, các giếng khí đốt tự nhiên chảy qua đã bị cắt, khiến các nhà máy điện không thể vận hành. Texas chìm trong bóng tối.

Các nhà máy hóa dầu ở Texas, vốn là nơi sản xuất một phần lớn chất dẻo cho thế giới, đã phải ngừng hoạt động khẩn cấp để tránh tai nạn hoặc thiệt hại lâu dài cho các cơ sở. Kết quả là các vật liệu nhựa được sử dụng để sản xuất bàn ghế, nệm và ghế xe hơi...bị thiếu hụt trầm trọng. Các nguồn cung ứng thay thế được vận chuyển từ châu Á thì vừa hay lại bị kẹt do tình trạng tắc đường hàng hải ở Thái Bình Dương. Không có bọt dẻo có nghĩa là các nhà máy ô tô sẽ ngừng hoạt động kéo dài.

Tai ương nối tiếp tai ương, ngay lúc đó, tàu container Ever Given khổng lồ đã bị mắc kẹt ở kênh đào Suez, chặn ngay lối đường biển huyết mạch nhất, giúp tiết kiệm 6000 dặm đường di chuyển giữa châu Á và châu Âu. Mức độ gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng bị đẩy lên đến mức cực điểm, ước tính, cứ mỗi giờ kênh đào Suez gặp tắc nghẽn, lại có thêm khoảng 400 triệu USD hàng hóa bị mắc kẹt.

"Mỗi ngày tàu Ever Given đứng chắn kênh Suez đều khiến cho dòng chảy hàng hóa bị trì trệ", ông Jon Gold Phó Giám đốc phụ trách chuỗi cung ứng và chính sách hải quan tại Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) cho biết. (Ảnh: Flickr)
"Mỗi ngày tàu Ever Given đứng chắn kênh Suez đều khiến cho dòng chảy hàng hóa bị trì trệ", ông Jon Gold Phó Giám đốc phụ trách chuỗi cung ứng và chính sách hải quan tại Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) cho biết. (Ảnh: Flickr)

Áp lực liên kết lên các chuỗi cung ứng ngày càng tăng khi tốc độ phục hồi kinh tế đang tăng lên. Việc sản xuất các loại sẽ bị cản trở do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào trong những tháng tới. Sự tắc nghẽn hàng hóa tại các đầu mối trung chuyển, thêm vào đó, lại gia tăng sức ép lên chuỗi cung ứng vốn đã vô cùng quá tải.

“Tôi chưa bao giờ thấy tình huống mà mọi lĩnh vực của ngành giao thông vận tải đều bị ảnh hưởng như thế này”, một nhà điều hành vận tải đường bộ Mỹ cho biết. Trong khi đó, tình trạng thiếu chip máy tính, quay ngược trở lại, đang cản trở việc sản xuất xe tải mới.

Các chuỗi cung ứng toàn cầu đã căng lên như sợi dây đàn!

Các nhà kinh tế, các nhà kinh doanh, nhà vận tải loay hoay tìm giải pháp:

1) Các nhà vận tải bắt đầu đầu tư mới vào công suất và cảng, nhưng điều này sẽ mất thời gian.

2) Các công ty sản xuất bắt đầu xem xét lại các chiến lược tìm nguồn cung ứng của họ, đa dạng hóa nguồn cung để giảm nguy cơ gián đoạn, nhưng điều đó sẽ làm tăng thêm sự phức tạp cho quy trình sản xuất và tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.

3) Một số dây chuyền cung ứng sẽ được rút ngắn khi một số hoạt động sản xuất được thiết lập lại gần hơn với các nhà sản xuất và người tiêu dùng cuối cùng, nhưng điều đó sẽ liên quan đến sự cân bằng giữa chi phí và khả năng phục hồi.

4) Xuất khẩu từ Trung Quốc sang châu Âu đang bắt đầu được chuyển từ tàu sang hệ thống đường sắt Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nhưng điều đó chỉ làm tăng thêm gánh nặng do năng lực hạn chế của hệ thống này.

Trong khi đó, các dòng tiền kích cầu lại liên tục được bơm vào thị trường, khi khối sản xuất không thể hấp thụ hết, nó sẽ chảy sang đầu cơ hoặc tiêu dùng cá nhân. Nghĩa là, khi người tiêu dùng thoát ra khỏi tình trạng nhu cầu bị dồn nén, đồng thời họ lại có nhiều tiền hơn để chi tiêu, thì áp lực lên chuỗi cung ứng cũng tăng lên theo, đó không phải là căng thẳng chỉ trong một nhóm nhỏ các quốc gia, mà là căng thẳng đối với toàn bộ các mắt xích liên kết gắn kết thế giới với nhau trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nói cách khác, đừng mong đợi hàng hóa cồng kềnh đặt mua ở nước ngoài sớm đến tay bạn.

Mộc Trà

NGUỒN THAM KHẢO

https://www.ntdvn.net/kinh-te-the-gioi-gap-khung-hoang-chi-vi-thieu-hut-chip-1-usd-163536.html

https://www.cnbc.com/2021/04/15/supply-chain-slowdown-hits-at-key-pillars-of-economy-and-will-likely-get-worse-dan-yergin.html

https://www.linkedin.com/pulse/supply-chain-slowdown-hits-key-pillars-economy-likely-daniel-yergin

https://www.ntdvn.net/cu-moi-gio-kenh-dao-suez-gap-su-co-co-them-khoang-400-trieu-usd-hang-hoa-bi-mac-ket-159506.html



BÀI CHỌN LỌC

Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu: Căng thẳng đã đến mức cực điểm!