Lạm phát EU đạt kỷ lục mới trong bối cảnh cú sốc năng lượng tồi tệ hơn thập kỷ 70 của thế kỷ trước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lạm phát Châu Âu (so cùng kỳ) không chỉ thiết lập kỷ lục mới mà còn cao hơn nhiều so với mức dự báo của thị trường. Sau thoả thuận cấm nhập khẩu dầu từ Moscow, bóng ma khủng hoảng năng lượng và lạm phát đang đè nặng lên lục địa già.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Khu vực đồng Euro đã tăng lên 8,1% vào tháng 5/2022, mức cao kỷ lục mới, từ mức 7,4% trong hai tháng trước đó và cao hơn nhiều so với dự báo của thị trường là 7,7%.

Ước tính sơ bộ cho thấy giá năng lượng tiếp tục đóng góp lớn nhất vào lạm phát cũng đồng thời ghi nhận mức tăng lớn nhất (39,2% so với 37,5% trong tháng 4). Bên cạnh giá năng lượng, xuất hiện mức tăng giá trên diện rộng, bao gồm thực phẩm, rượu và thuốc lá (7,5% so với 6,3%), hàng công nghiệp phi năng lượng (4,2 % so với 3,8%) và dịch vụ (3,5% so với 3,3%).

Ngay cả khi loại trừ năng lượng trong rổ tính toán lạm phát, lạm phát đã tăng tốc từ 4,1% lên 4,6%, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% của ECB. Dấu hiệu cho thấy lạm phát giá năng lượng đã ngấm vào giá cả hàng hoá tiêu dùng khác. Đây là dấu hiệu cho thấy áp lực giá cả ở châu Âu vẫn ở mức cao và chưa đạt đỉnh. Điều này có thể thúc đẩy Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) nhanh hơn nữa tăng lãi suất điều hành đồng EUR.

Vào tháng 5/2022, lạm phát của khu vực đồng tiền chung Châu Âu không chỉ thiết lập kỷ lục mới mà còn cao hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường (Ảnh chụp màn hình từ trang Trading Economics ngày 1/6/2022 bởi NTDVN).

Trong khi đó, tác nhân lớn nhất tạo ra lạm phát của Châu Âu và khắp toàn cầu chưa có dấu hiệu tích cực. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu ngày nay còn tồi tệ hơn cả cú sốc năng lượng kép xảy ra hồi những năm 1970 khiến Mỹ và Châu Âu phải trả giá đắt bằng lạm phát và khủng hoảng tài chính đi kèm sau đó.

Giá dầu Brent giao tháng 7 tăng trên 122 USD / thùng vào thứ Ba (31/5), đạt mức cao nhất kể từ ngày 9/3, sau khi các nhà lãnh đạo EU đạt được thỏa thuận cấm 90% dầu thô của Nga vào cuối năm 2022, làm dấy lên lo ngại về thị trường toàn cầu thậm chí còn thắt chặt hơn.

Giá dầu Brent tăng vọt sau lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga của khối EU (Ảnh chụp màn hình từ trang Trading Economics bởi NTDVN ngày 1/6/2022).

Thỏa thuận của EU hôm qua đã giải quyết bế tắc với Hungary về lệnh trừng phạt cứng rắn nhất của khối đối với Moscow và sẽ dọn đường cho các yếu tố khác của gói trừng phạt thứ sáu nhắm vào Nga, bao gồm loại bỏ ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi hệ thống nhắn tin SWIFT.

Giá dầu có thể tồi tệ hơn vì cả thế giới (dẫn đầu là Mỹ và EU) đang kiên định theo đuổi chính sách chống biến đổi khí hậu và đánh thuế cao hoặc ngừng sản xuất năng lượng hoá thạch. Điều này khiến giá năng lượng hoá thạch tăng vọt trước chiến tranh Nga - Ukraine. Nguồn cung năng lượng hoá thạch lớn thứ hai thế giới là Nga đang bị trừng phạt bởi Mỹ và phương Tây khiến năng lượng hoá thạch càng trở nên khan hiếm hơn trên toàn cầu trong khi các nguồn năng lượng khác chưa thể thay thế.

Về mặt sản xuất, khối OPEC + (trong đó có Nga) sẽ tuân theo chính sách tăng sản lượng khiêm tốn tại cuộc họp vào thứ Năm, từ chối lời kêu gọi của phương Tây về việc sản xuất nhanh hơn để giảm giá.

Thêm vào đó, căng thẳng địa chính trị và khả năng Trung Quốc leo thang căng thẳng Đài Loan, Biển Đông khiến cả Trung Quốc và mọi quốc gia khác đều cố gắng tăng cường dự trữ năng lượng, nhiên liệu, thực phẩm... Tất cả làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về giá năng lượng, thực phẩm toàn cầu. Lạm phát vốn âm ỉ như than hồng trong đám củi khô, giờ gặp làn gió độc về giá năng lượng đã bùng phát thành đám cháy lớn, khó lòng dập tắt bởi các chính sách tiền tệ thắt chặt.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Lạm phát EU đạt kỷ lục mới trong bối cảnh cú sốc năng lượng tồi tệ hơn thập kỷ 70 của thế kỷ trước