Lạm phát tháng 3 ở Mỹ lập đỉnh mới trong hơn 40 năm, người dân không dám đi ăn tiệm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tốc độ gia tăng giá cả ở Mỹ tiếp tục lập thêm một đỉnh cao mới trong vòng hơn 40 năm qua. Người dân ở quốc gia giàu có vào hàng bậc nhất thế giới cảm thấy chóng mặt khi đối phó với lạm phát.

Theo dữ liệu mới nhất của Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tại Mỹ đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981.

Tỷ lệ lạm phát lõi trong tháng 3 (không bao gồm các lĩnh vực thực phẩm và năng lượng) tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Thực phẩm tăng 8,8%, năng lượng tăng 32%, ô tô và xe tải cũ tăng 35,3%, xe mới tăng 12,5%, hàng may mặc tăng 6,8%, dịch vụ vận tải tăng 7,7% và dịch vụ chăm sóc y tế tăng 2,9%.

Lạm phát thực tế cao hơn nhiều so với số liệu công bố

Nhiều người tiêu dùng ở Mỹ cho biết lạm phát thực tế lớn hơn nhiều so với số liệu chính thức của chính phủ.

Ông Kelvin Stewart, chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ USBadCreditLoans.com, cảm thấy lo lắng khi chi phí nhà ở, chăm sóc sức khỏe, điện và đồ dùng tạp hóa đều tăng cao. Chẳng hạn, chỉ trong vòng 4 tháng, các thiết bị nhà bếp đã tăng hơn 160%.

Ông Stewart nói: “Vào tháng 12/2021, tôi đã trả 1.800 USD để mua một bộ thiết bị nhà bếp gồm 4 món, bao gồm cả giao hàng và lắp đặt”. Nhưng đến đầu tháng 4, anh trai của ông Stewart mua một bộ y hệt từ cùng một nơi và đã phải trả 2.700 USD, không bao gồm giao hàng.

Theo ông John Frigo, Giám đốc mảng thương mại điện tử tại Bestprice Nutrition.com, tỷ lệ lạm phát thực tế ở vào khoảng 24-30%. “Tôi phát hiện ra thùng nước khoáng có ga mà tôi mua hàng tuần vẫn giữ nguyên giá, nhưng chỉ có 8 lon/thùng thay vì 12 lon/thùng”, ông Frigo cho biết.

Giá cả tăng cao đã thay đổi cách sống và tiêu tiền của người dân Mỹ. Anh Kevin Nguyen, một blogger, cho biết: “Với việc giá cả liên tục tăng cao trong khi lương vẫn giữ nguyên, hơn bao giờ hết, tôi thấy mình cần phải lập kế hoạch chi tiêu”. Thay vì đi ăn tiệm với bạn bè, anh và hội bạn tự chuẩn bị đồ ăn tại nhà vì cách này ít tốn kém hơn nhiều, anh nói với The Epoch Times.

Lạm phát tháng 3 ở Mỹ lập đỉnh mới trong hơn 40 năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tại Mỹ đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái
Bảng hiệu cho biết giá mỗi gallon nhiên liệu, tháng 3/2022. (Ảnh: Joe Raedle / Getty Images)

Lạm phát tại Mỹ là lỗi của ông Putin?

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki từng nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ngày 11/04 rằng tỷ lệ lạm phát tháng 3 tại Mỹ dự kiến ​​sẽ “tăng cao bất thường”.

Bà Psaki mô tả đây là “sự tăng giá do ông Putin”. “Kể từ khi Tổng thống [Vladimir] Putin tăng tốc xây dựng quân đội vào tháng 1, giá khí đốt trung bình đã tăng hơn 80 xu; phần lớn sự gia tăng [trong giá khí đốt] xảy ra vào tháng 3”, bà Psaki nói.

Một số nhà kinh tế đã phản ứng lại việc Tòa Bạch Ốc đổ lỗi cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là nguyên nhân dẫn đến lạm phát ở Mỹ. Họ giải thích rằng lạm phát vốn đã tăng cao trước khi Nga tiến quân vào Ukraine.

“Đôi lời gửi Jen: Không ai ở Mỹ tin rằng lạm phát có liên quan gì đến Putin. Nó đã ở đây trước chiến tranh và sẽ vẫn tồn tại sau khi chiến tranh kết thúc. Hãy ngừng đối xử với mọi người như thể họ là đồ ngốc”, nhà kinh tế học Jim Rickards viết trên Twitter để phản ứng lại phát biểu của bà Psaki.

Đảng Cộng hòa và các nhóm theo quan điểm truyền thống ở Mỹ cho rằng nguyên nhân của lạm phát cao đến từ các chính sách của Tổng thống Joe Biden.

Tổ chức Americans For Prosperity gần đây đã phát động một chiến dịch truyền thông nói rằng lạm phát phi mã ở Mỹ là do “hàng nghìn tỷ USD trong dự luật chi tiêu mới mà các thành viên của cả hai đảng đã thông qua trong những năm gần đây - cùng với các quy định kìm hãm cung cấp năng lượng và tăng trưởng kinh tế”.

Nhiều nhà phân tích thị trường tin rằng cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga đã làm gia tăng áp lực lạm phát - đặc biệt là đối với lương thực và năng lượng; nhưng nguyên nhân sâu xa liên quan nhiều hơn đến việc mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ của Washington.

Theo ông Luke Tilley, nhà kinh tế trưởng tại Wilmington Trust, lạm phát đang ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ là do các gói kích thích "lớn" của chính phủ, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed), và các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Ông nói với The Epoch Times rằng thế giới đang ở một thời kỳ chưa từng có trong lịch sử. Những số liệu trong quá khứ không hữu ích lắm, bởi vì “trong những ví dụ lịch sử đó, chúng ta không có một đại dịch nào mà chuỗi cung ứng và sản xuất phải ngừng hoạt động hoàn toàn. Chúng ta [Mỹ] cũng chưa từng sử dụng gói kích thích tài chính khổng lồ, đưa trực tiếp vào ví của người tiêu dùng giống như năm 2020 và 2021”.

Fed sẽ chấm dứt được lạm phát?

Thị trường kỳ vọng rằng Fed sẽ nâng lãi suất chuẩn lên 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tháng tới.

Nhiều quan chức trong Fed thừa nhận đã đến lúc thể chế này phải mạnh tay hơn khi thắt chặt chính sách tiền tệ. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, Charles Evans, cho biết vào hôm thứ Hai (11/04) rằng việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 5 là “rất có thể xảy ra”. James Bullard, chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, muốn thấy lãi suất cơ bản ở mức 3,25% vào cuối năm nay.

Nhưng liệu điều này có đủ để kiềm chế lạm phát?

William Stack, cố vấn tài chính và nhà sáng lập của Stack Financial Services, nói với The Epoch Times: “Có rất nhiều yếu tố dẫn đến lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang khó có thể giải quyết. Những yếu tố này không thể bị phá vỡ bởi các công cụ truyền thống như tăng lãi suất”.

“Fed sẽ gặp khó khăn khi quản lý lạm phát trong môi trường này. Điều trớ trêu là họ đã giúp tạo ra môi trường hiện tại bằng cách mua quá nhiều nợ Kho bạc Mỹ mà không ai khác sẽ mua, làm thị trường ngập lụt tiền”.

Chi Anh



BÀI CHỌN LỌC

Lạm phát tháng 3 ở Mỹ lập đỉnh mới trong hơn 40 năm, người dân không dám đi ăn tiệm