Morgan Stanley bị điều tra vì nghi ngờ 'làm giá' cổ phiếu để thu lợi từ bán khống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chỗ nào có 'tay to', chỗ đó sẽ có thao túng giá cổ phiếu; đây là vấn nạn trên thị trường tài chính lớn nhỏ khắp thế giới. Ở Mỹ, một trong những định chế tài chính lớn nhất Phố Wall đang bị điều tra vì nghi ngờ 'làm giá cổ phiếu', không phải làm cho giá tăng lên như CEO của FLC, mà là bán tháo khối lượng lớn để giảm giá nhằm thu lợi lớn hơn từ hoạt động 'bán khống'.

Morgan Stanley là một trong những định chế tài chính lớn nhất toàn cầu; tập đoàn này nổi tiếng với ngân hàng đầu tư và công ty chứng khoán ở Phố Wall.

Theo tin từ Financial Times, Morgan Stanley xác nhận rằng họ đang phải đối mặt với các khiếu nại về việc bán tháo khối lượng lớn cổ phiếu khiến giá cổ phiếu suy giảm nhằm kiếm lời từ hoạt động bán khống. Vì các khiếu nại này, Morgan Stanley đang bị các cơ quan quản lý, giám sát tài chính của Mỹ thanh tra.

Bán khống trong tài chính là một cách kiếm lợi nhuận từ sự tụt giảm giá của một loại chứng khoán như cổ phiếu hay trái phiếu. Phần lớn các nhà đầu tư theo một khoản đầu tư dài hạn, hy vọng rằng giá của loại chứng khoán đó sẽ lên. Để thu lợi từ việc giá cổ phiếu đi xuống, người bán khống có thể mượn một lượng chứng khoán và bán nó đi, mong muốn rằng nó sẽ giảm giá trong tương lai để người bán khống có thể mua nó lại với mức giá thấp hơn và hưởng lợi nhuận từ sự chênh lệch giá bán và mua. Bán khống có thể gây ra tình trạng giảm giá chứng khoán trong ngắn hạn và tăng giá trong dài hạn vì khi đến hạn, nhà đầu tư phải mua chứng khoán để hoàn trả số chứng khoán đã bán khống trước đó (theo Wikipedia).

Là một nhà bán buôn về chứng khoán trên Phố Wall, nắm trong tay các lượng cổ phiếu lớn, có uỷ thác bán khối lượng lớn, Morgan Stanley, về lý thuyết, có thể tạo nên sự sụt giá của một vài mã cổ phiếu theo ý họ. Tuy nhiên, trên thị trường tài chính Mỹ, nghiệp vụ bán khống - tìm kiếm lợi nhuận tự sự sụt giảm giá của sản phẩm tài chính - là được phép. Điều này có thể thúc đẩy các ông lớn Phố Wall tìm kiếm lợi nhuận bằng cách thao túng giá đi xuống rồi kiếm lời bằng bán khống.

Không chỉ xác nhận bị điều tra, Morgan Stanley cảnh báo rằng ngân hàng này có thể phải đối mặt với trách nhiệm dân sự bởi cáo buộc này. Tức là các cáo buộc 'thao túng giá' được xác nhận là sự thật và bị trừng phạt theo luật pháp Hoa Kỳ.

Thông tin Morgan Stanley thừa nhận có thể phải đối mặt với 'trách nhiệm dân sự' được tiết lộ trong một báo cáo hàng quý nộp phát hành hôm thứ Tư (4/5/2022). Hồi tháng 2/2022 ngân hàng này thừa nhận rằng Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ đã kiểm tra hoạt động kinh doanh giao dịch bán lô lớn của họ kể từ năm 2019 và Bộ Tư pháp gần đây đã mở cuộc điều tra của riêng mình.

Morgan Stanley cho biết trong báo cáo rằng họ phải đối mặt với trách nhiệm dân sự tiềm ẩn từ “các tuyên bố đã được hoặc có thể được khẳng định bởi những người tham gia giao dịch bán lô lớn hoặc những người khác”, những người có thể cho rằng họ “bị tổn hại hoặc thiệt thòi” do sự giảm giá cổ phiếu bị gây ra bởi hành bán bán lô lớn của Morgan Stanley.

Tháng trước, tờ Wall Street Journal đưa tin Disruptive đã cáo buộc rằng Morgan Stanley đã làm rò rỉ thông tin trước khi quỹ bán hơn 300 triệu đô la cổ phiếu Palantir vào tháng 2/2021, dẫn đến việc công ty này thiệt hại hàng triệu USD.

Trong giao dịch lô lớn, các ngân hàng như Morgan Stanley được thuê để bán một số lượng lớn cổ phiếu, bởi công ty phát hành hoặc một nhà đầu tư lớn. Việc bán một lượng lớn cổ phiếu như vậy thường có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của một công ty.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà quản lý Hoa Kỳ đã lo ngại rằng quá trình một số ngân hàng đánh tiếng người mua để bán một lô lớn cổ phiếu có thể mang lại cho các quỹ đầu cơ và các khách hàng khác một cơ hội không công bằng để đặt cược rằng giá cổ phiếu sẽ giảm bằng cách “bán khống” cổ phiếu.

Ngân hàng đầu tư đối thủ Goldman Sachs đã báo cáo Morgan Stanley với cơ quan quản lý tài chính của Hồng Kông về một loạt các giao dịch bán lô lớn (theo Financial Times).

Bộ tư pháp và các cuộc điều tra của Uỷ ban Giao dịch chứng khoán Mỹ đã phủ bóng đen lên quyền kinh doanh cổ phiếu của Morgan Stanley, từ năm 2018 đến năm 2021; hoạt động bán lô lớn của Morgan Stanley thu được nhiều phí hơn bất kỳ ngân hàng nào khác.

Thanh Đoàn

(Theo Financial Times)



BÀI CHỌN LỌC

Morgan Stanley bị điều tra vì nghi ngờ 'làm giá' cổ phiếu để thu lợi từ bán khống