Mỹ cần nhiều doanh nhân khởi nghiệp hơn để cạnh tranh với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Môi trường khởi nghiệp tại Mỹ được cho là tốt hơn hẳn Trung Quốc. Tuy nhiên, tinh thần khởi nghiệp của Mỹ đã suy giảm trong nhiều thập kỷ. Trong khi đó, kinh doanh khởi nghiệp ở Trung Quốc đã bùng nổ trong thập kỷ qua, dù gần đây có gặp nhiều khó khăn. Có vô số vấn đề đang ngăn cản nước Mỹ hồi sinh tinh thần khởi nghiệp.

Các doanh nhân khởi nghiệp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Họ tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới. Họ tạo ra việc làm mới. Doanh nhân khởi nghiệp là chính là mạch máu nuôi dưỡng các nền kinh tế. Và tất nhiên, chúng ta không thể thảo luận về các nền kinh tế mà không nói về Mỹ và Trung Quốc.

Tinh thần khởi nghiệp phát triển mạnh ở Trung Quốc

Rõ ràng, Mỹ cung cấp một môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nhân khởi nghiệp so với Trung Quốc - quốc gia nổi tiếng về giám sát và kiểm duyệt. Hoặc là chúng ta đã được tuyên truyền như vậy.

Edward Tse, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Gao Feng Advisory Company, một công ty tư vấn quản lý và chiến lược toàn cầu, nói với tôi rằng Trung Quốc là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng giới doanh nhân của họ. Mặt khác, Mỹ chỉ phục vụ lợi ích của một số ít người được chọn. Tôi đã yêu cầu Tse nói chi tiết hơn về điểm này.

Ông nói: “Tinh thần khởi nghiệp phát triển mạnh ở Trung Quốc, nhưng biểu hiện của nó có sự biến đổi”. Ông tiếp tục: “Tinh thần khởi nghiệp của Trung Quốc xuất hiện cách đây khoảng 40 năm khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng cải cách và mở cửa của Trung Quốc”. Ban đầu, theo ông Tse, “tinh thần khởi nghiệp còn thô sơ".

Tuy nhiên, “nó nhanh chóng phát triển về cách thức và lĩnh vực quan tâm. Bước đột phá lớn đến vào khoảng cuối những năm 2000 khi các doanh nhân Trung Quốc sử dụng Internet không dây như một công cụ để tạo ra đổi mới”.

Trong thập kỷ qua, “một số lượng đáng kinh ngạc các công ty khởi nghiệp đã xuất hiện và nhiều công ty rất thành công”, ông nói thêm. Ông Tse dự đoán: "Các doanh nhân Trung Quốc sẽ tiếp tục thể hiện mình trong tương lai".

Lĩnh vực kinh doanh khởi nghiệp đã phát triển theo cấp số nhân ở Trung Quốc trong nửa thế kỷ qua. Một thập kỷ trước, có 10 triệu doanh nghiệp tư nhân được đăng ký ở Trung Quốc. Đến năm 2018 là 15,6 triệu. Ngày nay, cả nước có hơn 20 triệu doanh nghiệp tư nhân đã đăng ký.

Ông Tse vẽ nên một bức tranh khá tươi sáng cho các doanh nhân ở Trung Quốc. Tuy nhiên, năm ngoái là một năm vô cùng khó khăn, đặc biệt là đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ. Năm nay có thể còn tồi tệ hơn. Trên thực tế, ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu và Thượng Hải, tình hình đang trở thành một “thảm họa toàn diện”. Nỗi ám ảnh “zero-COVID” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể là nguyên nhân gây hủy hoại đất nước.

Môi trường cho khởi nghiệp không còn tồn tại ở nhiều nơi trên nước Mỹ

Tôi đã hỏi ông Tse về tình trạng khởi nghiệp ở Mỹ.

Ông trả lời: “Đối với Mỹ, cảm nhận của tôi là tinh thần khởi nghiệp hoạt động khá tích cực ở bờ biển phía tây và trong những vùng của bờ biển phía đông, nhưng không mạnh mẽ ở phần còn lại của đất nước”.

Ông nói thêm, khởi nghiệp “đòi hỏi một môi trường hỗ trợ trong đó các cơ hội xuất hiện. Môi trường đó là một hệ sinh thái với những thành phần tham gia cần thiết. Ở hầu hết các vùng của Mỹ, những điều kiện đó không còn tồn tại nữa".

Quan điểm của ông Tse là có cơ sở. Theo nghiên cứu do Christopher Wink và các đồng nghiệp thực hiện, tỷ lệ khởi nghiệp ở Mỹ đã giảm trong nhiều thập kỷ. Năm 1980, 15% tổng số các công ty Mỹ được thành lập vào năm trước đó. Vào năm 2011, tỷ lệ đó đã giảm một nửa. Trong thập kỷ sau đó, mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Tôi đã hỏi ông Tse rằng liệu những công ty như Amazon, một công ty nổi tiếng với việc chèn ép các doanh nghiệp nhỏ, có đóng vai trò quan trọng trong việc giết chết Giấc mơ Mỹ của nhiều người hay không.

“Ở một số khía cạnh, Amazon sẽ dập tắt tinh thần khởi nghiệp. Ở một số khía cạnh khác, điều đó lại không đúng”, ông Tse trả lời. “Trong lĩnh vực cốt lõi là thương mại điện tử, Amazon hạn chế tinh thần khởi nghiệp, vì về cơ bản, nó đã tiêu diệt tất cả những đối tượng mà nó gặp phải”.

Tuy nhiên, ông nói thêm: “Nếu bạn là một thương gia hoạt động trên nền tảng của Amazon, bạn vẫn có cơ hội xây dựng một doanh nghiệp của riêng mình. Tất nhiên, số phận của bạn sẽ phụ thuộc vào hệ sinh thái của Amazon”.

Ông Tse tin rằng việc đổ lỗi cho các công ty như Amazon về sự lụi bại của tinh thần khởi nghiệp Mỹ khiến chúng ta bị sao nhãng trước một bức tranh chung lớn hơn. Tinh thần khởi nghiệp đã suy giảm rất lâu trước khi Jeff Bezos trở nên nổi tiếng.

Vô số vấn đề cản trở tinh thần khởi nghiệp tại Mỹ

Tôi đã liên hệ với Richard Cooper, một doanh nhân khởi nghiệp và tác giả nhiều cuốn sách bán chạy nhất, để hỏi về tình trạng khởi nghiệp ở Mỹ.

“Mỹ vẫn là 1 trong 5 môi trường tốt nhất trên thế giới cho khởi nghiệp về các khía cạnh như mạng lưới, hỗ trợ, hệ thống và đổi mới”, ông Cooper nói. “Rào cản để khởi nghiệp là rất thấp; ai cũng có thể khởi nghiệp”. Tất cả những gì bạn cần là một chút nỗ lực, một khoản tiền tiết kiệm, "một chiếc máy tính, Internet và một ý tưởng hay".

Hơn nữa, ông nhấn mạnh, “USD là đồng tiền chủ đạo” và “mức thuế sẽ rất thấp nếu bạn có một cơ cấu tốt và một kế toán hỗ trợ”.

Tuy nhiên, ngay cả ông Cooper, một người vốn dĩ lạc quan, cũng thừa nhận rằng có tồn tại vô số nhược điểm. Ông nói, tại Mỹ, “hoàn toàn thiếu sự giáo dục về những gì tạo nên một mô hình kinh doanh tốt”. Có quá nhiều người xây dựng “những doanh nghiệp mà họ ghét và không mang lại nhiều lợi nhuận”.

Không có gì ngạc nhiên khi Mỹ mang đến cho các doanh nhân khởi nghiệp một “môi trường tranh tụng” ở mức cao. Ở Mỹ, theo ông Cooper, "mọi người kiện nhau để cho vui".

Ông Cooper đã nói đúng. Có tới hơn 40 triệu vụ kiện vào năm ngoái. Con số đó tính ra khoảng 110.000 vụ kiện mỗi ngày. Cooper tin rằng “các nhân viên ngày nay nhìn chung là quá đắt đỏ, kém hiệu quả và ảo tưởng về quyền lợi của bản thân. Luật pháp hoàn toàn đứng về phía người lao động và không có lợi cho người sử dụng lao động. Nhân viên nhìn chung là một món nợ”.

Đáng buồn thay, theo ông Cooper, “phong trào thức tỉnh, văn hóa tẩy chay và ra tín hiệu đức hạnh (nói lên quan điểm để thể hiện sự đức hạnh của bản thân) hiện đã ăn sâu vào nội bộ các doanh nghiệp Mỹ. Nếu bạn là một doanh nghiệp với doanh thu 8 hoặc 9 con số, bạn sẽ chịu áp lực phải tuân thủ theo các phong trào trên”.

Các doanh nhân khởi nghiệp, từng được người dân Mỹ ca tụng, giờ đây bị phỉ báng. Doanh nghiệp của họ trở thành mục tiêu, "đặc biệt là trong các cuộc bạo động", ông nói. Một lần nữa, ông Cooper đã đúng.

Đối với nhiều người Mỹ, cướp bóc đã trở thành một hoạt động giải trí. Một số người lập luận, một cách khá thiếu thuyết phục, rằng cướp bóc là một hình thức đền bù cho tình trạng nô lệ. Khi các kệ hàng trở nên trống trơn, và cửa sổ bị vỡ, chỉ còn lại các chủ doanh nghiệp nhỏ dọn dẹp đống lộn xộn.

Khi người ta nói về việc làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, không thể bỏ qua việc vực dậy tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, nói về việc hồi sinh tinh thần khởi nghiệp hoàn toàn khác với việc thực sự hồi sinh nó.

Để cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ phải tìm cách hỗ trợ các doanh nhân khởi nghiệp trên toàn quốc, không chỉ tại các khu vực của giới tinh hoa.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Bài viết của ông được đăng trên nhiều tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo uy tín khác. Ông cũng là một chuyên gia tâm lý xã hội, rất quan tâm đến các rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ cần nhiều doanh nhân khởi nghiệp hơn để cạnh tranh với Trung Quốc