Mỹ đang bắt chước Trung Quốc khi đánh giá tín nhiệm xã hội công dân? (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà phân tích đang cảnh báo rằng, Mỹ có thể sẽ theo chân Trung Quốc áp đặt đánh giá tín nhiệm xã hội đối với người dân của mình. Các công ty tài chính được cho là sắp sửa áp dụng hệ thống điểm tín nhiệm xã hội theo ESG để kiểm soát khách hàng. Cùng lúc đó, chính quyền Biden cũng đang đẩy mạnh chương trình nghị sự ESG.

Mỹ sẽ theo chân Trung Quốc đánh giá hành vi công dân?

Khi các công nghệ mới được phát triển để theo dõi hành vi của người dân và hình thành điểm tín nhiệm về môi trường và xã hội, một số nhà lập pháp tiểu bang đang lên tiếng cảnh báo rằng Mỹ có thể đang theo chân Trung Quốc trong việc áp đặt đánh giá hành vi đối với công dân của mình.

Từ năm 2014, Trung Quốc đã làm việc để áp đặt một hệ thống tín nhiệm xã hội đối với người dân của mình. Hệ thống này có thể giám sát, khen thưởng và trừng phạt người dân tùy theo mức độ mà hành vi của họ phù hợp với các mệnh lệnh của chính quyền. Trái ngược với Trung Quốc, chính quyền Mỹ hạn chế áp đặt các tiêu chí tín nhiệm xã hội đối với người dân Mỹ do truyền thống về quyền tự do theo hiến pháp và hệ thống lập pháp có tính đại diện.

Nhưng một số nhà phân tích đang cảnh báo rằng việc chấm điểm tín nhiệm xã hội có thể xuất hiện ở Mỹ, không phải thông qua các mệnh lệnh từ chính quyền, mà thông qua khu vực tư nhân - chủ yếu là các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty công nghệ. Các nhà phân tích đã chỉ ra những dấu hiệu đáng ngại rằng điều tồi tệ đó đã bắt đầu xảy ra.

Công cụ theo dõi phát thải carbon cá nhân

Vào ngày 24/05, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ông J. Michael Evans, chủ tịch của công ty công nghệ Trung Quốc Alibaba, đã thông báo rằng công ty đang phát triển một “thiết bị theo dõi phát thải carbon cá nhân”.

“Chúng tôi đang phát triển, thông qua công nghệ, một khả năng để người tiêu dùng có thể đo lượng khí thải carbon của chính họ", ông Evans nói. "Chương trình này sẽ thu thập dữ liệu của các cá nhân về việc "họ đang đi du lịch ở đâu, họ đi du lịch như thế nào, họ đang ăn gì, họ đang tiêu thụ những gì". WEF tổ chức cuộc họp thường niên tại Thụy Sĩ, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính quyền và công ty quyền lực nhất thế giới. Những người tham dự thường đến bằng máy bay riêng.

Mỹ đang bắt chước Trung Quốc khi đánh giá tín nhiệm xã hội công dân?
Người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab tại thời điểm khai mạc các phiên họp ảo của Chương trình nghị sự WEF Davos tại trụ sở của WEF ở Cologny gần Geneva vào ngày 17/01/2022. (Ảnh: FABRICE COFFRINI / AFP qua Getty Images)

WEF cũng đã quảng cáo cho các công ty như công ty công nghệ Doconomy. Đây là một công ty đã hợp tác với MasterCard để phát triển một thẻ tín dụng có thể theo dõi lượng phát thải carbon trong tất cả các giao dịch mua của bạn, bao gồm cả thực phẩm và du lịch, đồng thời dừng chi tiêu của bạn khi bạn đạt đến một giới hạn khí thải cá nhân nhất định. Đối với những người không muốn mang theo điện thoại di động hoặc ví ở mọi nơi họ đi, một công ty có tên Walletmor đã phát triển một con chip, được cấy vào tay bạn, mang thông tin cá nhân của bạn và có thể chỉ cần vẫy tay qua cảm biến để thực hiện thanh toán.

Điểm tín nhiệm cá nhân theo ESG sẽ sớm xuất hiện tại Mỹ?

Hệ tư tưởng tiến bộ với tên gọi “môi trường, xã hội và quản trị” (ESG) bao gồm nhiều thứ khác nhau, từ biến đổi khí hậu đến công bằng xã hội. Các tiêu chí ESG đã được ngành tài chính áp đặt lên các tập đoàn trong nhiều năm. Các bên ủng hộ ESG trong ngành tài chính bao gồm các nhà quản lý tài sản theo hướng nhà hoạt động (chỉ các nhà quản lý tài sản có xu hướng tham gia ảnh hưởng tới hoạt động của công ty có cổ phần được mua), ngân hàng, cơ quan xếp hạng, đại lý ủy quyền và các câu lạc bộ tinh hoa toàn cầu như Hành động Khí hậu 100+, Phát biểu của các Nhà đầu tư Toàn cầu dành cho các Chính quyền về Biến đổi Khí hậu, Sáng kiến ​​Nhà quản lý Tài sản Không Phát thải ròng và Liên minh Tài chính Glasgow vì Không Phát thải ròng. Cùng với nhau, các tổ chức này đã thành công trong việc bắt buộc các Giám đốc điều hành công ty tuân theo một chương trình nghị sự cánh tả.

Vào tháng 3, Standard & Poors, một trong những cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới, đã thông báo rằng điểm số ESG sẽ được mở rộng ra ngoài việc xếp hạng công ty và giờ đây bao gồm cả các tiểu bang của Mỹ. Và vào tháng 12, FICO, cơ quan xếp hạng tín dụng tiêu dùng, đã dự đoán rằng điểm số ESG cá nhân sẽ sớm xuất hiện, nói rằng “một ví dụ sẽ là việc đưa dữ liệu xếp hạng năng lượng tài sản vào định giá và quyết định thế chấp”. Điểm số FICO xác định khả năng một người có thể có được một khoản thế chấp, khoản vay mua ô tô, khoản vay ngân hàng hoặc thẻ tín dụng.

“Tôi nghĩ rằng rất có thể trong vòng hai năm tới, bạn sẽ thấy các tổ chức tài chính bắt đầu sử dụng một loại hình điểm tín nhiệm xã hội được cá nhân hóa để đưa ra quyết định về những thứ như khả năng tiếp cận các khoản vay, lãi suất của bạn hoặc liệu bạn đủ điều kiện để được bảo hiểm”, ông Justin Haskins, giám đốc Viện Heartland, một tổ chức tư vấn thị trường tự do, cho biết. "Tất cả các dấu hiệu chỉ ra rằng điều đó sẽ xảy ra rất sớm".

Ông Jonathan Williams, nhà kinh tế trưởng tại Hội đồng Trao đổi Lập pháp Mỹ, một tổ chức đăng ký thành viên dành cho các nhà lập pháp tiểu bang, cho biết: “Chúng ta nên rất biết ơn vì chính quyền của chúng ta không có quyền bắt buộc điều đó". Nhưng sự kiểm soát của phe cấp tiến đối với hệ thống tài chính có thể đồng nghĩa với việc “quyền tự do của mọi người bị xói mòn mà không cần bất kỳ đạo luật nào được thông qua, đó có thể là các công ty áp dụng theo hướng cấp tiến đối với điểm tín nhiệm cá nhân ESG hay FICO”.

“Họ không thể thông qua Thỏa thuận Mới Xanh tại Quốc hội Mỹ,” Dân biểu bang New Hampshire J.D. Bernardy cho biết, “nhưng các ngân hàng chắc chắn có thể thực hiện nó. Trên thực tế, các ngân hàng và công ty quản lý tài chính và công ty bảo hiểm lớn đang quyết định chúng ta sẽ có thể sống như thế nào. Họ đang trở thành cơ quan lập pháp mới của chúng ta ”. Ông Bernardy đã đề xuất một dự luật ở New Hampshire để cấm các tổ chức tài chính sử dụng điểm tín nhiệm xã hội cá nhân.

Khả năng kiểm soát người dân của các ngân hàng

Quyền lực mà các ngân hàng có đối với người dân đã được thể hiện vào tháng 2 khi các ngân hàng Canada đóng băng tài khoản cá nhân của những người biểu tình và các nhà tài trợ vốn cộng đồng (vốn được tài trợ từ rất nhiều người) của họ, ngay lập tức khiến họ không tiếp cận được tiền, tiết kiệm và thu nhập của chính họ. Trong khi các công ty tài chính Mỹ gần như chưa thực hiện điều gì trơ tráo như vậy, họ đã bắt đầu từ chối cung cấp một cách có chọn lọc các dịch vụ ngân hàng và thanh toán cho các nhóm và cá nhân mà họ coi là không phù hợp về mặt chính trị.

Quỹ Di sản báo cáo rằng Ngân hàng Chase đã đóng tài khoản của cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, Trung tướng Michael Flynn vào năm 2021 vì “lý do danh tiếng” và ngân hàng Wells Fargo đã đưa ra một “quyết định kinh doanh” là loại bỏ tài khoản của ứng cử viên Thượng viện Lauren Witzke của Đảng Cộng hòa. Vào năm 2019, PayPal tiết lộ rằng họ đang làm việc với Trung tâm Luật Chính sách phía Nam (SPLC), một nhóm cánh tả, để xác định xem ai sẽ không được sử dụng các dịch vụ thanh toán của công ty này.

Mỹ đang bắt chước Trung Quốc khi đánh giá tín nhiệm xã hội công dân?
Khách hàng của Wells Fargo sử dụng máy ATM bên ngoài chi nhánh ngân hàng Wells Fargo ngày 03/10/2008 tại Berkeley, California. (Ảnh: Justin Sullivan / Getty Images)

Vào tháng 11, công ty con WePay của JPMorgan đã hủy bỏ các dịch vụ thanh toán đối với một sự kiện gây quỹ bảo thủ. Đáp lại, Thống đốc Ngân khố bang Missouri Scott Fitzpatrick thông báo với ngân hàng này rằng bang của ông “sẽ không làm ăn với họ chừng nào họ tiếp tục phân biệt đối xử với khách hàng dựa trên quan điểm chính trị chủ đạo của họ”.

Vào tháng 1, Bank of America, không cần thủ tục hợp lệ hoặc lệnh, đã khai thác dữ liệu của hàng trăm tài khoản cá nhân để xem ai đã đến Washington D.C. hoặc mua súng vào khoảng thời gian xảy ra vụ việc tại đồi Capitol ngày 06/01/2021. Ngay sau đó, chính quyền Biden đã có một nỗ lực không thành công trong việc buộc tất cả các ngân hàng báo cáo với IRS (Sở Thuế vụ Mỹ) bất kỳ giao dịch nào lớn hơn 600 USD. Dưới thời chính quyền Obama, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã thực hiện một chương trình bất hợp pháp có tên là “Điểm thắt chặt Vận hành”. Chương trình này gây áp lực lên các ngân hàng phải dừng cho các nhà bán lẻ vũ khí vay, nói với các ngân hàng rằng những khoản cho vay như vậy sẽ được coi là “mối rủi ro cao” bởi các cơ quan quản lý.

Chính quyền Biden đẩy mạnh chương trình nghị sự ESG

Trong tuần đầu tiên cầm quyền, chính quyền Biden đã hủy bỏ một quy định do chính quyền Trump ban hành. Quy định này cấm các ngân hàng thực hiện việc phân biệt đối xử theo kiểu Điểm thắt chặt (đã nói ở phần trên) đối với khách hàng trên cơ sở ý thức hệ. Sự đảo ngược chính sách này hiện cung cấp vỏ bọc pháp lý cho việc cho vay dựa trên ý thức hệ, chẳng hạn như các ngân hàng giảm tín dụng cho các công ty nhiên liệu hóa thạch hay như chính sách của Citibank. Theo chính sách này, Citibank sẽ không tiến hành kinh doanh với các nhà sản xuất súng hoặc các nhà bán lẻ nhỏ kinh doanh súng cho người dưới 21 tuổi hoặc những người bán “băng đạn dung lượng cao”, được coi là băng đạn có hơn 10 viên. Mặc dù Citibank tuyên bố rằng họ không thực hiện “sứ mệnh có tính ý thức hệ để xóa bỏ súng ống trên thế giới”, độ tuổi sử dụng hợp pháp của liên bang đối với súng trường và súng ngắn hiện là 18 và hầu hết súng ngắn và súng trường bán tự động đều đi kèm với băng tiêu chuẩn được phát với hơn 10 viên đạn. Điều này có nghĩa trên thực tế hầu hết ngành công nghiệp súng bị loại khỏi các dịch vụ của Citibank, bất kể mức độ đánh giá tín dụng của họ.

Mỹ đang bắt chước Trung Quốc khi đánh giá tín nhiệm xã hội công dân?
Tổng thống Mỹ Joe Biden, cùng với Cố vấn Khí hậu Mỹ John Kerry, đến tham dự cuộc họp tập trung vào hành động và đoàn kết tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow vào ngày 01/11/2021. (Ảnh: Kevin Lamarque / POOL / AFP qua Getty Images)

Chính quyền Biden đã có hành động tương tự với các hiệp hội tín dụng (một tổ chức tài chính do thành viên sở hữu hoạt động phục vụ các thành viên và không có mục đích kiếm lợi nhuận). Vào tháng 03/2021, ông Todd Harper, chủ tịch của Hiệp hội Liên minh Tín dụng Quốc gia (NCUA), một cơ quan quản lý, tuyên bố rằng, “đối tượng thành viên của một hiệp hội tín dụng thường gắn liền với một doanh nghiệp như nhà máy lọc dầu hoặc một cộng đồng liên kết chặt chẽ với nông nghiệp… các hiệp hội tín dụng như vậy sẽ cần phải xem xét điều chỉnh đối tượng thành viên hoặc thay đổi danh mục cho vay” để giảm “tác động của biến đổi khí hậu”. Điều này khiến Thống đốc bang North Dakota Doug Burgum lên tiếng phản đối rằng mặc dù “chúng tôi đánh giá cao mối quan tâm của NCUA đối với biến đổi khí hậu”, chương trình nghị sự của cơ quan này có thể gây tổn hại cho các gia đình nông dân và chủ trang trại, những người thường bị chỉ trích là phát thải carbon và có thể phải ngừng kinh doanh nếu họ không thể được tiếp cận với tín dụng.

Sự ủng hộ của chính quyền đối với ESG đã được thể hiện rõ ràng hơn qua thông báo của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch vào tháng 3 rằng tất cả các công ty niêm yết phải sớm gửi báo cáo đã được kiểm toán về mức phát thải khí nhà kính và rủi ro khí hậu của họ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gần đây đã tham gia vào tổ chức toàn cầu có tên Mạng lưới các Ngân hàng Trung ương và Giám sát nhằm Xanh hóa Hệ thống Tài chính. Bộ Lao động đã đảo ngược quy định của chính quyền Trump cấm các nhà quản lý hưu trí tư nhân đầu tư tiền của người hưu trí theo các tiêu chí phi tài chính, bao gồm cả ESG. Và Bộ Tư pháp đã thông báo vào tháng 5 rằng họ đã thành lập Văn phòng Công lý Môi trường “sẽ thúc đẩy tất cả các phòng ban, bộ phận và văn phòng của Bộ Tư pháp cùng theo đuổi công lý về môi trường”.

Mời độc giả đọc: Mỹ đang bắt chước Trung Quốc khi đánh giá tín nhiệm xã hội công dân? (Phần 2)

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Kevin Stocklin là một nhà văn, nhà sản xuất phim và cựu giám đốc ngân hàng đầu tư. Ông đã viết kịch bản và sản xuất Tất cả chúng ta đang ngã xuống: Khủng hoảng Thế chấp Mỹ (We All Fall Down: The American Mortgage Crisis), một bộ phim tài liệu năm 2008 về sự sụp đổ của hệ thống tài chính thế chấp của Mỹ.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ đang bắt chước Trung Quốc khi đánh giá tín nhiệm xã hội công dân? (Phần 1)