Nga phớt lờ phương Tây, bán dầu với giá cao hơn 30% giá trần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nga vẫn đang bán dầu với giá cao hơn khoảng 30% so với mức giá trần phương Tây mới áp đặt, đồng thời tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt ngược lại sẽ làm hại các nước châu Âu.

Hỗn hợp dầu ESPO của Nga từ cảng Kozmino được bán với giá khoảng 79 USD một thùng vào thứ 2 (05/12), cao hơn gần 32% so với mức giá trần 60 USD do liên minh các quốc gia phương Tây áp đặt. Việc áp mức giá trần là một biện pháp trả đũa nhằm hạn chế khả năng tài trợ cho cuộc chiến xâm lược của Moscow ở Ukraine.

Theo dữ liệu của Refinitiv từ Reuters, hỗn hợp ESPO đang được giao dịch tại các thị trường châu Á ở mức giá trên, vượt qua giới hạn giá trần của phương Tây. Nga xuất khẩu tới 65 triệu tấn hỗn hợp thông qua đường ống Đông Siberia-Thái Bình Dương (ESPO), bao gồm tới 35 triệu tấn qua Kozmino, theo hãng tin này. Nga, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới, đã từ chối tuân thủ các quy định giá trần và đe dọa cắt giảm sản lượng.

Dựa trên các điều khoản của quy định - được áp đặt bởi các quốc gia G7, Liên minh châu Âu (EU) và Úc - dầu của Nga được vận chuyển đến các nước bên thứ ba thông qua các tàu chở dầu của G7 và EU chỉ có thể được bán ở mức giá 60 USD.

Châu Âu coi mức trần giá là một biện pháp kiên quyết để hạn chế tài chính của Moscow khi mà các tổ chức tín dụng và công ty bảo hiểm lớn, quan trọng đối với ngành dầu mỏ, đều đặt trụ sở tại khu vực châu Âu. Tuy nhiên, Moscow vẫn tỏ thái độ bất chấp các biện pháp trừng phạt, thay vào đó tuyên bố rằng các hạn chế tiếp tục được đưa ra ngược lại sẽ có hại cho khối các nước châu Âu.

“Chúng tôi đang nghiên cứu các cơ chế để ngăn chặn việc sử dụng công cụ trần giá, bất kể mức nào được đặt ra, bởi vì sự can thiệp như vậy có thể gây bất ổn hơn nữa cho thị trường”, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết hôm Chủ nhật (04/12), theo Reuters.

“Chúng tôi sẽ chỉ bán dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho những quốc gia hợp tác với chúng tôi dưới các điều kiện của thị trường, ngay cả khi chúng tôi phải giảm sản lượng một chút”, đồng thời ông cũng cho biết thêm rằng tác động của việc áp giá trần có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác ngoài Nga.

Nga phớt lờ phương Tây, bán dầu với giá cao hơn 30% giá trần
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đến tham dự hội nghị của Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng lần thứ 45 và Hội nghị cấp bộ trưởng OPEC và ngoài OPEC lần thứ 33 tại Vienna, Áo, vào ngày 05/10/2022. (Ảnh: VLADIMIR SIMICEK / AFP qua Getty Images)

Thiệt hại từ đòn trừng phạt, hậu quả khi vi phạm giá trần

Nga đang giữ vững quan điểm rằng châu Âu sẽ bị ảnh hưởng sau khi kéo dài các biện pháp trừng phạt năng lượng. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Có lẽ sẽ là không chuyên nghiệp nếu che giấu thiệt hại mà các lệnh trừng phạt đang gây ra cho các nước châu Âu, ý tôi là, liên quan đến các lệnh trừng phạt mà người châu Âu đã áp đặt đối với chúng tôi”.

“Thiệt hại này là hiển nhiên - giống như thiệt hại của các biện pháp trừng phạt đó đối với nền kinh tế Đức, tất cả các chuyên gia của chúng tôi, các chuyên gia ở Brussels và các chuyên gia ở Berlin đều nhận thức hoàn toàn rõ điều đó”.

Biện pháp áp trần giá đối với dầu thô sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 05/12/2022 và đối với các sản phẩm dầu mỏ là vào ngày 05/12/2023.

Nếu một tàu của nước thứ ba vi phạm quy định, “các nhà điều hành của EU sẽ bị cấm bảo hiểm, tài trợ và cung cấp dịch vụ cho tàu này” trong thời gian 90 ngày sau khi dỡ hàng. Nếu đó là tàu của EU, quốc gia thành viên sẽ phải chịu hậu quả, theo Ủy ban châu Âu.

Biện pháp trần giá sẽ được EU và G7 xem xét hai tháng một lần. “Việc đánh giá này sẽ tính đến… hiệu quả của biện pháp, việc thực hiện nó, sự tuân thủ và đồng thuận quốc tế, tác động tiềm ẩn đối với các thành viên và đối tác của liên minh, cũng như sự phát triển của thị trường”, Ủy ban cho biết trong tuyên bố.

Bảo Nguyên

Theo Naveen Athrappully - The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Nga phớt lờ phương Tây, bán dầu với giá cao hơn 30% giá trần