Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể mất sạch tiền dự trữ do nợ xấu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tính toán của nhóm chuyên gia kinh tế NTDVN cho thấy nếu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hạch toán nợ theo chuẩn kế toán quốc tế, nợ xấu sẽ lên tới 5.600 tỷ USD, chiếm tới 39,4% GDP. Khoản nợ xấu này sẽ khiến PBoC mất toàn bộ khoản dự trữ bắt buộc mà ngân hàng thương mại (NHTM) gửi, kèm theo 42,28% khối lượng ngoại hối dự trữ. PBoC không còn dư địa chính sách tiền tệ như họ tuyên truyền…

Từ số liệu thống kê mà PBoC công bố, dựa trên thực trạng nợ, cách hạch toán nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại của Trung Quốc, ước tính tỷ lệ nợ xấu theo chuẩn quốc tế của Fitch Ratings, kết quả tính toán của nhóm chuyên gia phân tích kinh tế NTDVN cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đang đối diện với tình trạng khô kiệt tài chính nếu hạch toán đúng và đủ nợ xấu theo tiêu chuẩn quốc tế. Thực trạng này chưa tính tới làn sóng vỡ nợ tiềm ẩn do phá sản doanh nghiệp, nợ xấu từ hệ thống ngân hàng ngầm lên tới hàng ngàn tỷ đô la Mỹ và nợ xấu từ dự án Vành đai - Con đường (BRI) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Trung Quốc tuyên truyền về dư địa chính sách tiền tệ dồi dào và mạnh mẽ nhất thế giới

Theo Investing, vào ngày 22/3, một quan chức ngân hàng trung ương Trung Quốc đã kêu gọi tăng cường phối hợp chính sách toàn cầu nhằm quản lý các tác động kinh tế do sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán. Quan chức này cho biết các biện pháp chính sách gần đây của Bắc Kinh đã đạt được “sức hút” và họ có đủ khả năng để tiến hành các hành động tiếp theo. Hàng loạt hãng tin quốc tế đã đăng tải tin tức này kèm theo các ca ngợi ít nhiều về tiềm năng tài chính của Trung Quốc và dư địa chính sách tiền tệ mà Mỹ và phương Tây không thể so sánh - nếu chỉ dựa trên số liệu báo cáo.

Theo số liệu công bố, PBoC có lý do để thổi phồng năng lực chính sách của họ vì họ nắm trong tay 3 công cụ chính sách tiền tệ mạnh nhất với dư địa rộng nhất thế giới hiện nay, đó là: (i) tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại tại PBoC là 12,5% (trước thương chiến với Mỹ tỷ lệ này là 20%), hiện vẫn là mức cao nhất thế giới. Ngân hàng trung ương (NHTW) một số nước thậm chí không có tỷ lệ dự dữ bắt buộc này từ hệ thống NHTM của họ như Thụy Sỹ, Anh quốc… Tại Việt Nam, tỷ lệ dự trữ bắt buộc các NHTM phải gửi ở Ngân hàng Nhà nước là 3% đối với tiền gửi VND không có kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 12 tháng và 1% với tiền gửi VND có kỳ hạn trên 12 tháng ; (ii) lãi suất điều hành hiện vẫn đang ở mức 4,15% trong khi NHTW các nước EU, Nhật, Hàn, Fed đều gần về 0% hoặc đã áp dụng mức lãi suất điều hành âm; (iii) dự trữ ngoại hối 3.060 tỷ đô la Mỹ.

PBoC có thể mất hết dự trữ bắt buộc và kèm theo 42,28% dự trữ ngoại hối nếu NHTM hạch toán nợ xấu giống Mỹ và phương Tây

Các chuyên gia ước tính nợ xấu thực của Trung Quốc cao gấp 15-20 lần số liệu công bố bởi PBoC. Nếu NHTM hạch toán đúng và đủ nợ xấu hiện có theo thông lệ và chuẩn mực an toàn tài chính quốc tế thì tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại PBoC sẽ là 0% và PBoC còn mất thêm 42,28% dự trữ ngoại hối hiện tại để bù đắp vào nợ xấu chưa được hạch toán.

Theo công bố của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của hệ thống NHTM nước này tăng mạnh kể từ đầu năm 2018 đến nay: từ 1,74% lên 2,08% vào tháng 2/2020 vừa qua. Đây là mức tăng cao nhất trong 16 năm qua của Trung Quốc. Ngay cả năm 2010, khi cả thế giới lao đao vì nợ xấu quá cao thì nợ xấu/tổng dư nợ của Trung Quốc chỉ ở mức dưới 1,8%. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức nợ xấu đáng mơ ước của mọi hệ thống tài chính hiện nay. Theo chuẩn mực an toàn tài chính quốc tế, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới 3% được xem là ở mức an toàn và hoạt động của hệ thống NHTM là lành mạnh.

Tuy nhiên, ngay từ năm 2016, hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings đã đánh giá tỷ lệ nợ xấu thực sự của Trung Quốc ở mức 21%, cao gấp 13 lần so với tỷ lệ nợ xấu mà PBoC công bố là 1,6% tại thời điểm đó .

Thực tế, với cách phân loại nợ, quản lý và xử lý nợ xấu mang "màu sắc Trung Quốc” độc đáo và duy nhất, đánh giá của Fitch Ratings là hoàn toàn có cơ sở. Đặc biệt hiện nay, nền kinh tế này chưa kịp hàn các lỗ hổng rủi ro đã phải đối mặt với thương chiến với Mỹ và giờ là đại dịch viêm phổi Vũ Hán khiến tăng trưởng suy giảm, dòng đầu tư tháo chạy khỏi Trung Quốc, vỡ nợ khu vực kinh tế tư nhân, vỡ nợ hệ thống ngân hàng ngầm… nợ xấu thực tế hiện này chắc chắn cao hơn con số công bố 15-20 lần - chứ không còn là 13 lần như thời điểm 2016 khi Fitch Ratings ước tính.

Vào năm 2016, HSBC đã công bố một báo cáo về cách Trung Quốc phân loại nợ xấu (nợ loại 3, 4 và 5). Nợ xấu được ghi nhận theo thông lệ nếu quá hạn trả nợ 90 ngày (đối với cả nợ lãi và/hoặc nợ gốc) và khi đó ngân hàng thương mại (NHTM) phải trích dự phòng rủi ro cho khoản vay khó thu hồi này. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, nợ quá hạn hơn 90 ngày được coi là “bình thường” và chưa được phân loại thành nợ xấu nếu NHTM tin tưởng rằng có thể thu hồi nợ. Nợ xấu chỉ được ghi nhận tại các NHTM ở Trung Quốc khi ngân hàng thấy rằng khách hàng không thể trả được nợ (thậm chí không hoàn trả được ngay cả sau khi đã xem xét tài sản đảm bảo cho khoản vay).

Trong báo cáo này, một ví dụ về phân loại nợ xấu của NHTM Trung Quốc được đưa ra như sau: Công ty TNHH Thương mại Shenzhen gặp khó khăn trong kinh doanh, đã quá thời hạn 90 ngày nhưng không thể trả khoản vay 100 triệu nhân dân tệ (CNY) tại NHTM của mình. Tuy nhiên, NHTM này lại đang nắm giữ cổ phần của Shenzhen; và ngân hàng này cho rằng tài sản đảm bảo của Shenzhen tại thời điểm đó có giá thị trường lớn hơn nhiều so với khoản vay. Do tự tin có thể thu hồi nợ, nên khoản vay quá hạn hơn 90 ngày của Shenzhen không được NHTM này phân loại thành nợ xấu.

Như vậy, mức nợ xấu chiếm tới 21% tổng dư nợ năm 2016 mà các hãng xếp hạng tín nhiệm, Bloomberg hay các chuyên gia ước tính cho nền kinh tế Trung Quốc là hoàn toàn có cơ sở xác thực và đáng tin cậy.

STT CHỈ TIÊU Tỷ USD, % NGUỒN DỮ LIỆU NGÀY CẬP NHẬT
1 GDP 14,200.00 Trading Economics 19/12/2019
2 Tổng dư nợ ngân hàng 22,401.03 Trading Economics 19/12/2019
3 Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của PBoC 2.1% PBoC 20/2/2020
4 Dự trữ ngoại hối 3,060.60 Trading Economics 20/3/2020
5 Tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) hiện nay của các NHTM Trung Quốc 73% PBoC 10/12/2019
6 Tỷ lệ dự trữ bắt buộc của NHTM tại PBoC 12.5% PBoC 20/3/2020
7 Dự trữ bắt buộc của NHTM tại PBoC 3,835.79 NTDVN tính toán
8 Tổng huy động vào hệ thống ngân hàng (tính toán dựa trên LDR) 30,686.34 NTDVN tính toán
9 Tổng nợ xấu theo báo cáo 470 NTDVN tính toán
10 Nợ xấu nếu hạch toán theo chuẩn kế toán quốc tế (tỷ lệ nợ xấu 25%) 5,600.26 NTDVN tính toán

Tính toán của NTDVN về nợ xấu thực của Trung Quốc nếu hạch toán theo thông lệ quốc tế (nguồn: Trading Economics, PBoC và tính toán của NTDVN)

NTDVN giả định tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ lạc quan nhất mà Trung Quốc hiện có thể đối mặt là 25%, khi đó tổng nợ xấu trong hệ thống NHTM của Trung Quốc là 5.600 tỷ đô la Mỹ, tương đương với 39,4% GDP.

Nợ xấu khi đã hạch toán đủ thì cần bỏ tiền ra xử lý. Toàn bộ khoản nợ xấu chưa hạch toán đúng và đủ là 5.130 tỷ đô la Mỹ hiện không có dự phòng rủi ro tại NHTM. Để ổn định hệ thống của mình, PBoC phải dùng tiền dự trữ bắt buộc mà NHTM gửi tại PBoC để xử lý là 3.835,79 tỷ USD. Hiển nhiên số tiền này không đủ, PBoC cần phải dùng tới 1.294 tỷ đô la Mỹ từ khoản dự trữ ngoại hối của mình để xử lý nợ xấu, khoản tiền này tương đương với 42,28% khối lượng tiền dự trữ ngoại hối hiện tại của Trung Quốc.

Đây là kịch bản tỷ lệ nợ xấu lạc quan nhất cho Trung Quốc. Trong một kịch bản tệ hơn với tỷ lệ nợ xấu lên tới 30% - 35% tổng dư nợ thì PBoC có thể không còn đồng dự trữ ngoại hối nào. Đây cũng là cảnh báo rủi ro rất có ý nghĩa cho NHTW các nước đã ký hợp đồng hoán đổi đồng CNY lấy đồng USD với PBoC do tin tưởng vào năng lực chính sách và khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ mà PBoC công bố.

Chính sách tiền tệ không thể hiệu quả khi nợ xấu quá lớn trong khi làn sóng vỡ nợ tư nhân và vỡ nợ ngân hàng ngầm đang ập đến

Gần đây, PBoC tuyên truyền về chính sách tiền tệ của họ hiện đang rất hiệu quả, thậm chí gấp 10 lần so với Mỹ (!)

Theo PBoC, mỗi 1 đồng nhân dân tệ (CNY) bơm vào hệ thống tài chính tạo ra khoản vay ngân hàng gấp 3,5 lần để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình (trong khi Mỹ đã bơm 1,6 nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính nhưng chỉ tạo ra 500 tỷ USD khoản vay mới). Các khoản vay ngân hàng mới trong quý I/2020 đạt tổng cộng 7,1 nghìn tỷ CNY (tương đương 1,01 nghìn tỷ USD), tăng mạnh từ mức 5,81 nghìn tỷ CNY cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu thống kê của PBOC. Tính đến cuối tháng 3, tổng cung tiền trong nền kinh tế tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 1,3% so với tháng 2 và vượt qua dự báo tăng 8,8% của thị trường.

Nhưng mọi việc không thuận lợi như thông tin tuyên truyền của PBoC nếu nhìn vào nợ xấu hiện tại chưa tính tới làn sóng vỡ nợ tư nhân, vỡ nợ ngân hàng ngầm vỡ nợ từ dự án vành đai con đường đang ập tới (!)

Có một sự thật mà tất cả NHTW các nước, chính phủ đều sợ đó là khi khi nợ xấu nằm trong hệ thống không được hạch toán đúng và đủ, không được khoanh vùng và xử lý kịp thời thì toàn bộ tiền mà NHTW hay chính phủ bơm ra sẽ trở nên vô nghĩa: dư nợ tăng thực chất là con nợ được vay khoản tiền mới để trả cho khoản nợ xấu của chính họ trước đó trong ngân hàng (!) Tiền không hấp thụ vào sản xuất, tiêu dùng, tiền bơm ra chỉ để bù đắp cho khoản nợ xấu đang che giấu kia mà thôi.

Nếu chỉ nhìn vào số liệu thống kê của Trung Quốc, bạn sẽ luôn bị hấp dẫn và thuyết phục. Nhưng nếu nhìn sâu hơn vào bản chất quản trị và triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh của nền kinh tế này, bạn sẽ nhìn thấy một câu chuyện khác. Thông tin đầy đủ giúp chúng ta có nhận thức chân chính và bởi thế có quyết định tốt hơn cho công việc và tương lai của chính mình.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể mất sạch tiền dự trữ do nợ xấu