Những hậu quả kinh tế từ vấn đề dân số của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xu hướng dân số của Trung Quốc được cho là sẽ có các tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế của đất nước này. Trong khi đó, không có nhiều điều Bắc Kinh có thể làm để giảm thiểu những tác động không mong muốn.

Số liệu công bố thống kê mới nhất của Trung Quốc dường như đã gây xôn xao dư luận. Theo thông báo của Bắc Kinh, dân số quốc gia này đã suy giảm rõ rệt - khoảng 850.000 người - kể từ cuộc điều tra dân số trước đó.

Đáng chú ý hơn nữa, các nhà nhân khẩu học của Liên Hợp Quốc nhận thấy dân số quốc gia này sẽ tiếp tục giảm từ 1,4 tỷ hiện nay xuống còn 1,3 tỷ vào năm 2050, xuống còn khoảng 800 triệu vào cuối thế kỷ này. Chắc chắn là, theo như các phương tiện truyền thông, xu hướng đáng chú ý này sẽ có tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế của đất nước.

Tác động tiêu cực

Suy nghĩ này là chính xác. Thực tế nhân khẩu học của quốc gia sẽ có tác động xấu đến nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng ý nghĩa kinh tế nằm trong số liệu tổng thể về dân số không lớn bằng ý nghĩa kinh tế của quy mô tương đối của dân số lao động của Trung Quốc. Nó đang giảm nhanh hơn dân số nói chung, điều này sẽ hạn chế nghiêm trọng triển vọng tăng trưởng của quốc gia - không phải ngay lập tức nhưng cường độ ngày càng tăng trong những năm tới. Những xu hướng nhân khẩu học này sẽ làm trầm trọng thêm các tác động xấu về kinh tế bằng cách tăng mức nợ trong nền kinh tế vốn đã nợ nần chồng chất này. Hơn nữa, có rất ít thứ mà Bắc Kinh có thể thực hiện để giảm thiểu những tác động không mong muốn này.

Câu hỏi kinh tế quan trọng là Trung Quốc có bao nhiêu người trong độ tuổi lao động để có thể hỗ trợ dân số phụ thuộc đã về hưu. Do Bắc Kinh áp đặt chính sách một con đối với các gia đình Trung Quốc từ năm 1980 đến năm 2015, quốc gia này hiện phải đối mặt với tình trạng tương đối ít công nhân để thay thế thế hệ đông đúc hiện đang nghỉ hưu. Số người trong độ tuổi lao động – theo quy ước, từ 15 đến 64 tuổi – hầu như không tăng kể từ năm 2010.

Nhưng dân số Trung Quốc trong độ tuổi nghỉ hưu lớn tuổi đã tăng tới 53%, tăng từ 9% tổng dân số năm 2010 lên 13% ở lần điều tra cuối cùng. Do đó, ngày nay, chỉ có 3,5 người trong độ tuổi lao động sẵn sàng để hỗ trợ mỗi người về hưu, giảm từ khoảng 6,5 năm 2000 xuống còn 5,5 năm 2010. Và con số đó dự kiến sẽ giảm xuống dưới 2,3 lao động trên mỗi người về hưu vào năm 2030 và thậm chí còn thấp hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Những hậu quả kinh tế từ vấn đề dân số của Trung Quốc
Một nhóm người cao tuổi về hưu tổ chức một cuộc biểu tình trong khi ngồi bên ngoài Bộ Tư pháp Trung Quốc về khoản lương hưu không được trả của họ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 08/11/2011. (Ảnh: Goh Chai Hin/AFP qua Getty Images)

Tình trạng này mang ý nghĩa kinh tế sâu sắc. Không có ba người lao động nào ở bất cứ đâu có năng suất trung bình đủ để nuôi sống bản thân họ, những người phụ thuộc vào họ và cung cấp mọi thứ mà mỗi người về hưu cần. Sự căng thẳng sẽ lớn hơn nhiều so với những gì con số thống kê chỉ ra bởi vì dân số già đông đảo sẽ chắc chắn hút công nhân từ hoạt động sản xuất hàng ngày sang các dịch vụ y tế và chăm sóc khác mà người già cần. Căng thẳng này sẽ để lại ít sản lượng dư thừa cho các khoản đầu tư cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các dự án lớn mà nhờ đó Trung Quốc đã trở nên nổi tiếng và góp phần vào tốc độ tăng trưởng ấn tượng trước đây của đất nước.

Nếu những vấn đề kinh tế trước mắt này không đủ nghiêm trọng, thì hãy xem xét tới những tác động tài chính đáng kể và bất lợi từ tình hình nhân khẩu học Trung Quốc. Nhu cầu lương hưu của những người về hưu này sẽ buộc chính quyền địa phương cũng như Bắc Kinh phải vay nợ đáng kể. Trung Quốc vốn đã mang gánh nặng nợ lớn hơn hầu hết các quốc gia, kể cả Mỹ. Tất cả các khoản nợ công và nợ tư nhân lên tới khoảng 52 nghìn tỷ USD, gần gấp ba lần quy mô của nền kinh tế.

Theo số liệu, Washington gánh gánh nặng nợ lớn hơn Bắc Kinh, nhưng đó là do Bắc Kinh san sẻ bớt nhu cầu đi vay để hỗ trợ chi tiêu cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như cho các chính quyền địa phương. Nhu cầu lương hưu sẽ làm tăng gánh nặng này hơn nữa và không thể tránh khỏi việc lấn át các dự án thúc đẩy tăng trưởng mà trong quá khứ đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của Trung Quốc.

Giải pháp nào cho Bắc Kinh?

Và không có nhiều điều Bắc Kinh có thể làm để bù đắp những tác động xấu này. Vài năm trước, các nhà chức trách cuối cùng đã nhận ra những thiệt hại kinh tế tiềm tàng của chính sách một con. Họ hủy bỏ luật và cho phép các gia đình trở nên lớn hơn. Nhưng ngay cả khi người Trung Quốc ngay lập tức tận dụng điều đó, thì cũng phải mất 15 - 20 năm để sự thay đổi có tác động đến quy mô tương đối của dân số trong độ tuổi lao động của đất nước. Trong hoàn cảnh hiện tại, tỷ lệ sinh của quốc gia này đã không tăng cùng với luật mới. Trung Quốc cũng khó có khả năng chứng kiến làn sóng nhập cư để mở rộng hàng ngũ lao động.

Con đường duy nhất khác mở ra để cứu giúp Trung Quốc là tăng năng suất của người lao động. Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh đã nhấn mạnh đến việc phát triển và áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy. Thật vậy, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia đi đầu thế giới trong các lĩnh vực này. Theo thời gian, những xu hướng này chắc chắn sẽ thay thế sức lao động bằng các thuật toán, máy tính và máy móc và làm cho lực lượng lao động tương đối hạn chế của đất nước trở nên năng suất hơn so với hiện nay. Trí tuệ nhân tạo và người máy cũng có thể giúp hạn chế nhu cầu lao động chân tay, cho phép người Trung Quốc làm việc ở độ tuổi lớn hơn so với trước đây. Nhưng những điều này cũng có hạn chế. Cho dù phần lớn những nỗ lực này có thể giảm thiểu căng thẳng do thực tế nhân khẩu học gây ra, nhưng chúng không thể khắc phục hoàn toàn, khiến Trung Quốc đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm hơn và có ít dư địa cho các dự án đầu tư lớn hơn so với trước đây.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Những hậu quả kinh tế từ vấn đề dân số của Trung Quốc