OPEC cắt giảm sản lượng dầu chỉ vài tuần sau cú cụng tay của TT Biden với Thái tử Ảrập Xêút

Giúp NTDVN sửa lỗi

OPEC+ có kế hoạch cắt giảm khoảng 100.000 thùng dầu/ngày bắt đầu từ tháng 10. Theo chuyên gia, vào thời điểm thế giới đang phải vật lộn với khủng hoảng năng lượng và lạm phát tăng cao, động thái cắt giảm của OPEC là tin tức hết sức tiêu cực.

Hôm 05/09, giá dầu thô tương lai đã tăng ngay sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cùng các đồng minh (OPEC+) nhất trí cắt giảm sản lượng trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về suy thoái toàn cầu.

OPEC+ dự định cắt giảm khoảng 100.000 thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 10.

Tổ chức này nói rằng cần phải ổn định thị trường và tạo điều kiện để "hoạt động hiệu quả" trong bối cảnh có nhiều "tác động tiêu cực từ các biến động và từ suy giảm thanh khoản trên thị trường dầu hiện tại". OPEC lưu ý các yếu tố không chắc chắn sẽ buộc tổ chức này phải “liên tục đánh giá các điều kiện thị trường” và tổ chức các cuộc họp bất cứ lúc nào.

Cuộc họp tiếp theo đã được chính thức lên lịch vào ngày 05/10.

Theo bà Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao của Ngân hàng Swissquote, vào thời điểm mà thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng và lạm phát tăng cao, động thái cắt giảm của OPEC là “tin tức tồi tệ”.

Quyết định của OPEC+ được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman có cú cụng tay trước thềm hội nghị thượng đỉnh được mong đợi giữa hai nhà lãnh đạo. Sau cuộc họp, Riyadh đã ‘hờ hững’ đồng ý nâng công suất lên 100.000 thùng/ngày; đây là một trong những mức tăng sản lượng nhỏ nhất trong lịch sử Ảrập Xêút. Quyết định của OPEC đã đảo ngược động thái của Ảrập Xêút hồi mùa hè này.

OPEC cắt giảm sản lượng dầu chỉ vài tuần sau cú cụng tay của TT Biden với Thái tử Ảrập Xêút
Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman tham gia buổi làm việc với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Cung điện Hoàng gia Al Salam ở thành phố biển Jeddah của Ảrập Xêút, vào ngày 15/07/2022. (Ảnh: MANDEL NGAN / AFP qua Getty Images)

Nhu cầu toàn cầu suy giảm

Kể từ cuộc họp tháng 7 giữa ông Biden và Thái tử, triển vọng về nhu cầu năng lượng theo đánh giá của OPEC đã giảm xuống. Báo cáo hàng tháng xuất bản vào tháng 8 cho thấy OPEC dự báo tiêu thụ dầu năm 2022 sẽ tăng 3,1 triệu thùng/ngày, tương đương 3,2%. Con số này giảm 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Họ cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và 2023 xuống 3,1%.

OPEC cho biết trong báo cáo: “Các yếu tố cơ bản của thị trường dầu mỏ toàn cầu tiếp tục phục hồi mạnh mẽ lên mức trước COVID -19 trong hầu hết nửa đầu năm 2022, mặc dù vậy, các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới và của nhu cầu dầu đã xuất hiện. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng vững chắc khi so sánh với mức tăng trưởng trước đại dịch”.

Điều này trái ngược với dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Cơ quan này đã tăng triển vọng nhu cầu về dầu lên 380.000 thùng/ngày trong tháng 8.

Bộ trưởng Năng lượng Ảrập Xêút, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman Al Saud, nói với Bloomberg vào tháng trước rằng ngày càng có sự mất kết nối giữa thị trường dầu thô trên giấy (paper market) - thị trường với các giao dịch hợp đồng tương lai trên sàn giao dịch - và thị trường dầu thô thực tế (physical market). Ông mô tả thị trường dầu mỏ quốc tế đang ở trong “trạng thái trái ngược”.

Bộ trưởng Năng lượng Salman Al Saud cho biết thêm: Điều này tạo ra loại thị trường vô cùng biến động và gửi đi nhiều tín hiệu sai. Nó diễn ra vào thời điểm mà chúng ta rất cần một thị trường hoạt động tốt và minh bạch để người tham gia có thể giảm thiểu rủi ro, quản lý rủi ro và những yếu tố không chắc chắn khác một cách hiệu quả.

Còn Iran thì sao?

Mùa hè năm nay, giá dầu thô đã giảm một cách nhanh chóng và đột ngột, một phần do suy đoán rằng Iran và phương Tây có thể sắp đạt được một thỏa thuận hạt nhân, qua đó cho phép Tehran đóng góp khoảng 1 triệu thùng/ngày vào các thị trường dầu trên toàn thế giới.

Ông Brian Kessens, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao và Giám đốc điều hành tại Tortoise, cho biết trong một podcast gần đây rằng giá dầu giảm là do xuất hiện nguồn tin Mỹ và Iran “gần chạm đến một thỏa thuận hơn bất kỳ thời điểm nào khác dưới thời chính phủ ông Biden”.

Ông Kessens nói: “Trong khi thỏa thuận có thể giúp tăng thêm 1 triệu thùng/ngày vào thị trường dầu toàn cầu, Ảrập Xêút và các quốc gia thành viên OPEC khác đã nhanh chóng nhắc nhở mọi người rằng họ mới là bên có tiếng nói cuối cùng; họ nói rằng họ sẽ xem xét giảm sản lượng dầu để ổn định thị trường. Ngụ ý là việc cắt giảm sản lượng sẽ xảy ra đồng thời với việc dầu Iran quay trở lại thị trường toàn cầu. Đây thực sự là địa chính trị ở mức cao nhất”.

Còn theo bà Ozkardeskaya, nếu phương Tây muốn làm cân bằng tình hình sau động thái mới nhất của OPEC, Washington và châu Âu sẽ cần sớm đạt được thỏa thuận hạt nhân.

Bà Ozkardeskaya nói với The Epoch Times: “Những gì Mỹ có thể làm là đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran. Thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran có thể sẽ kiềm chế việc dầu thô tăng giá. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, quyết định của OPEC có thể sẽ làm nghiêng cán cân thị trường theo chiều ngược lại, gây áp lực đẩy giá dầu lên mức 100 USD/thùng”.

Các cuộc thảo luận giữa Washington và Tehran chứng kiến nhiều biến động. Chính phủ Iran đã phản bác nhận xét của ​​các quan chức Mỹ và châu Âu giấu tên rằng các cuộc đàm phán có chiều hướng "tiêu cực".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani nói với các phóng viên hôm 05/09: Nước này muốn đạt được một kết quả thuận lợi cho cuộc thảo luận hạt nhân kéo dài.

Ông Kanani nói: “Chúng tôi tin rằng phản ứng của Iran mang đầy tính xây dựng, minh bạch và hợp pháp, và có thể tạo cơ sở cho việc kết thúc các cuộc đàm phán và cho việc đạt được một thỏa thuận trong thời gian ngắn nếu cả hai cùng chia sẻ mong muốn chính trị chung. Dù bằng cách nào, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và [cung cấp] lợi ích kinh tế cho quốc gia [Iran] ... là những mục tiêu hàng đầu của chúng tôi”.

Giá dầu sẽ tăng trở lại?

Wall Street có kỳ vọng trái chiều đối với giá dầu thô.

Vào tháng 8, ngân hàng Barclays của Anh đã giảm 8 USD/thùng đối với dự báo giá dầu Brent cho các năm 2022 và 2023. Tổ chức tài chính này nhận định giá dầu Brent, tiêu chuẩn quốc tế cho giá dầu, sẽ ở mức trung bình là 103 USD trong năm nay và năm tới. Các nhà phân tích cũng cho rằng giá dầu ngọt nhẹ WTI sẽ ở mức trung bình khoảng 99 USD trong cả 2 năm.

Trong khi đó, Goldman Sachs cho rằng dầu thô sẽ tăng giá với việc ông Damien Courvalin, trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng, nói với Bloomberg rằng dầu Brent có thể tăng vọt lên 130 USD vào cuối năm nay.

Ông Courvalin cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng đó là mức mà chúng ta cần phải duy trì để giải quyết thâm hụt thị trường. Chúng ta vẫn đang thâm hụt. Mặc dù tăng trưởng đã chậm lại, vẫn còn nhiều việc phải làm với giá cả, và từ đây con số đó sẽ cao hơn”.

Trong một nghiên cứu, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cũng dự báo rằng giá xăng bán lẻ của Mỹ có thể phục hồi lên mức 4,35 USD/gallon vào cuối năm nay.

Goldman Sachs viết trong một ghi chú: “Chúng tôi dự báo giá nhiên liệu bán lẻ tại Mỹ sẽ tăng vào cuối năm, sau đó sẽ giảm từ quý II/2023 trở đi, do biên lợi nhuận bán hàng và lọc dầu bắt đầu bình thường hóa”.

Kể từ khi đạt đỉnh hơn 5 USD vào đầu tháng 6, mức giá trung bình trên toàn nước Mỹ cho một gallon xăng đã giảm khoảng 25% - xuống còn 3,78 USD, theo AAA. Một gallon dầu diesel vẫn ở mức hơn 5 USD.

Cát Duyên

Theo Andrew Moran - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

OPEC cắt giảm sản lượng dầu chỉ vài tuần sau cú cụng tay của TT Biden với Thái tử Ảrập Xêút