Reuters: Sự lây nhiễm suy giảm kinh tế lan rộng ra khỏi Trung Quốc sang các nền kinh tế châu Á khác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các tác động của sự bùng phát virus corona có thể vượt ra ngoài Trung Quốc khi hầu hết các nền kinh tế lớn trong khu vực dự kiến ​​sẽ chậm lại đáng kể, tạm dừng hoặc thu hẹp hoàn toàn trong quý 1/2020, theo kết quả khảo sát của Reuters.

Chưa hết thương chiến Mỹ-Trung lại chồng thêm bệnh dịch

Nhiều nền kinh tế châu Á, vốn chỉ đang ì ạch tăng trưởng trở lại sau tác động lan tỏa của tranh chấp thương mại Mỹ-Trung kéo dài 18 tháng, lại một lần nữa bị giáng một đòn mạnh bởi dịch bệnh khiến cho các nhà máy phải đóng cửa và các thành phố bị phong tỏa.

Lây nhiễm đại dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu mà hầu hết các quốc gia phụ thuộc vào để buôn bán giao thương. Hoạt động kinh tế chậm lại ở hầu hết các nền kinh tế với mức độ khác nhau.

Thu thập dự báo của các nhà kinh tế học trong khoảng thời gian 19/2 - 25/2 cho thấy: Úc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Thái Lan đều dự kiến ​hiệu suất kinh tế trong quý I sẽ tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Chỉ Indonesia được dự kiến ​​là sẽ không bị tổn thương.

Dự báo này được đưa ra ngay sau khi một cuộc thăm dò tương tự của Reuters được công bố cách đây một tuần, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm nhất trong quý này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, với kịch bản tồi tệ nhất là tăng trưởng sẽ chỉ ở mức 3,5% - khoảng một nửa so với con số 6,0% được báo cáo trong quý IV năm 2019.

“Kịch bản dự kiến đang nhanh chóng chuyển từ mức 'Tệ', nghĩa là chỉ có Trung Quốc bị ảnh hưởng, thành 'Cực kỳ tệ', nghĩa là cả nền kinh tế mới nổi của châu Á lẫn các nền kinh tế phát triển đều thấy tỷ lệ lây nhiễm và tử vong tăng cao”, ông Michael Every, người đứng đầu nghiên cứu thị trường tài chính châu Á - Thái Bình Dương tại Rabobank ở Hồng Kông, cho hay.

“Những tác động của nó có thể sẽ giống với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 nhiều hơn so với sự bùng phát SARS năm 2003”, ông nói, đề cập đến tác động kinh tế của dịch bệnh.

Nỗi sợ hãi đó đã thể hiện rõ ràng trên thị trường tài chính tuần qua, khi mà chứng khoán thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua do sự gia tăng các ca nhiễm virus bên ngoài Trung Quốc đại lục làm dấy lên lo ngại về một đại dịch toàn cầu.

Sự gần gũi với các cường quốc kinh tế trong khu vực và quan hệ thương mại giữa các nước có nghĩa là bất kỳ tác động nào từ sự chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng có thể được cảm nhận trên toàn khu vực.

Mặc dù hầu hết các nền kinh tế lớn của châu Á được thăm dò đều dự kiến sẽ phục hồi trong quý tới, nhưng tăng trưởng năm nay có thể sẽ thấp hơn kết quả dự báo tháng trước, cho thấy một số hoạt động kinh tế sẽ bị mất vĩnh viễn.

Hơn ba phần tư các nhà kinh tế, 57 trong số 77 người, đã trả lời một câu hỏi bổ sung cũng dự đoán rằng các nền kinh tế châu Á khác sẽ tăng trưởng trong quý II.

Trong khi Hàn Quốc là quốc gia bên ngoài Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của virus, thì tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế nước này cho đến nay có vẻ vẫn khiêm tốn, các nhà dự báo cho rằng quốc gia này sẽ tăng trưởng 2,1% trong quý đầu tiên, chỉ giảm 0,4 điểm phần trăm so với kết quả cuộc thăm dò của Reuters vào tháng 1.

Singapore, một thành phố cảng và là đối tác thương mại lớn với Trung Quốc, dự kiến ​​sẽ suy giảm 0,6% trong quý này, lần suy giảm đầu tiên kể từ cuộc suy thoái năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Du lịch, khách sạn, sân bay, bán lẻ bị ảnh hưởng trầm trọng tại hầu hết các nền kinh tế châu Á ngoài Trung Quốc

“Tác động của virus corona đối với các nền kinh tế ở châu Á là rất lớn, vì du lịch trong khu vực đang bị ảnh hưởng. Từ những khách sạn vắng vẻ đến những sân bay trống rỗng, tác động của con virus nhỏ bé này đối với các nền kinh tế trong khu vực là rất lớn”, Robert Carnell, nhà kinh tế trưởng và người đứng đầu nghiên cứu về châu Á-Thái Bình Dương tại ING ở Singapore, cho biết.

“Nếu điều này nghe có vẻ không đáng sợ, thì hãy nhớ rằng du lịch chỉ là một trong những kênh mà virus corona có thể làm suy yếu sự tăng trưởng GDP của các quốc gia châu Á đang vật lộn với dịch bệnh này”.

Các nền kinh tế của Thái Lan và Đài Loan được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 0,2% và 1,3% trong quý hiện tại, mức thấp nhất trong gần nửa thập kỷ.

Nền kinh tế Úc được dự báo sẽ dừng lại trong quý hiện tại, chấm dứt gần ba thập kỷ tăng trưởng bắt đầu từ năm 1991 của đất nước này.

“Điều này (sự bùng phát virus) có thể gây tổn hại cho sự tăng trưởng ở một số quốc gia ngoài Trung Quốc. Sự gia tăng mạnh mẽ các ca nhiễm bệnh được báo cáo ở một số quốc gia làm tăng mối lo ngại về sự tác động sâu sắc của sự bùng phát virus đến các quốc gia này nói riêng, và sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung”, Johanna Chua, chuyên gia kinh tế về các thị trường châu Á mới nổi tại Citi ở Hồng Kông, cho biết.

Nếu triển vọng tồi tệ này không được cải thiện, thì trong trường hợp xấu nhất, các nhà kinh tế dự đoán mức tăng trưởng ở tất cả các quốc gia được thăm dò sẽ giảm thêm 0,5 điểm phần trăm thành 1 điểm phần trăm.

Singapore được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức tăng trưởng năm 2020 sẽ giảm hơn 1 điểm phần trăm. Chịu tác động ít nhất sẽ là Indonesia, quốc gia này dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm nay.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Reuters: Sự lây nhiễm suy giảm kinh tế lan rộng ra khỏi Trung Quốc sang các nền kinh tế châu Á khác