SenseTime của Trung Quốc hoãn IPO sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen về đầu tư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công ty trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, SenseTime Group, đã hoãn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 767 triệu đô la Hong Kong vào thứ 2 (13/12) sau khi Washington thêm công ty này vào danh sách đen về đầu tư.

Có tên trong danh sách đen của Mỹ, SenseTime quyết định hoãn IPO tại Hong Kong

SenseTime đã lên kế hoạch bán 1,5 tỷ cổ phiếu với mức giá từ 3,85-3,99 đô la Hong Kong, theo hồ sơ pháp lý của công ty. Qua đó, công ty sẽ huy động được khoảng 767 triệu đô la Hong Kong.

Tuy nhiên, thay vì đưa ra mức giá niêm yết vào thứ 6 (10/12) như đã định, SenseTime lại tiến hành các cuộc đàm phán khẩn cấp với Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong và các luật sư của mình sau khi Mỹ đưa tập đoàn này vào danh sách đen về đầu tư.

Trong hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong vào ngày hôm nay, SenseTime đã không cung cấp thời gian biểu cho đợt IPO sửa đổi. Tuy nhiên, công ty vẫn cam kết sẽ hoàn thành đợt chào bán, hoàn thiện bản cáo bạch bổ sung, và cập nhật thời gian biểu niêm yết. SenseTime cho biết họ sẽ hoàn lại toàn bộ số tiền, không tính lãi suất, cho tất cả những nhà đầu tư đã đăng ký cổ phiếu của công ty trong quá trình chào bán.

"Ngay cả khi công ty đưa ra bản cáo bạch cập nhật với nhiều yếu tố rủi ro hơn và tiến hành niêm yết công khai, chúng tôi dự đoán tâm lý nhà đầu tư sẽ ở mức thấp. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong tương lai và hoạt động của tập đoàn sau IPO", bà Shifara Samsudeen, một nhà phân tích của LightStream, nói với Reuters.

Bà Samsudeen đánh giá, vẫn còn rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp, chẳng hạn như tác động của danh sách đen, tác động của việc gián đoạn hoạt động, cũng như tác động đến kế hoạch theo đuổi việc mở rộng toàn cầu của SenseTime là như thế nào.

Nguyên nhân SenseTime có tên trong danh sách đen của Mỹ

Thành lập năm 2014, SenseTime được biết đến nhiều nhất với công nghệ nhận dạng khuôn mặt được sử dụng rộng rãi trong mạng lưới giám sát của Trung Quốc. Doanh thu của tập đoàn này chủ yếu đến từ phí bản quyền phần mềm, phần cứng kèm phần mềm, dịch vụ nghiên cứu và phát triển, các sản phẩm cài đặt sẵn bán cho các nhà sản xuất ô tô, và các dịch vụ đám mây.

Bộ Tài chính Mỹ đã thêm SenseTime vào danh sách các công ty có quan hệ với quân đội Trung Quốc; cáo buộc công ty này phát triển các chương trình nhận dạng khuôn mặt để xác định chủng tộc, đặc biệt tập trung vào việc xác định người Duy Ngô Nhĩ.

Các chuyên gia và các nhóm nhân quyền của Liên hợp quốc ước tính hơn một triệu người, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, trong những năm gần đây đã bị giam giữ bất hợp pháp trong hệ thống trại tập trung ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc.

Một số nhà lập pháp và nghị viện nước ngoài, cũng như Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ trong cả chính quyền Biden và Trump, coi việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ là tội ác diệt chủng. Đã có nhiều bằng chứng về việc ĐCSTQ cưỡng bức triệt sản và giết hại người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung. Trung Quốc luôn phủ nhận những cáo buộc này và nói rằng tỷ lệ gia tăng dân số của người Duy Ngô Nhĩ cao hơn mức trung bình của cả nước.

Các nhà đầu tư Mỹ bị cấm mua chứng khoán giao dịch công khai của bất kỳ công ty nào trong danh sách đen và bị yêu cầu thoái vốn khỏi bất kỳ công ty nào họ nắm giữ trước tháng 6 tới.

Các công ty khác trong danh sách các công ty có quan hệ quân sự với ĐCSTQ của Bộ Tài chính Mỹ bao gồm: Nhà sản xuất chip Semiconductor Manufacturing International Corp., nhà sản xuất camera giám sát Hangzhou Hikvision Digital Technology, ba nhà khai thác viễn thông lớn của Trung quốc, và Huawei Technologies.

Trong một tuyên bố hôm thứ 7, SenseTime cho biết họ phản đối mạnh mẽ việc bị đưa tên vào danh sách đen cùng các cáo buộc liên quan. Tập đoàn này gọi các cáo buộc là "vô căn cứ".

SenseTime đã làm việc với các cố vấn về kế hoạch IPO kể từ năm 2019. Vòng trừng phạt trước đó của Mỹ đã cản trở nỗ lực niêm yết khi đó của tập đoàn này. Tuy nhiên, SenseTime vẫn đăng ký IPO trên sàn giao dịch Hong Kong vào đầu năm nay.

Các nhà đầu tư của doanh nghiệp có tên trong danh sách đen của Mỹ

Những tập đoàn Mỹ đã đầu tư vào SenseTime bao gồm: Nhà sản xuất chip Qualcomm, Silver Lake Partners, IDG Capital, và quỹ tương hỗ Fidelity International.

Các nhà đầu tư quốc tế khác có tên trong bản cáo bạch của SenseTime bao gồm tập đoàn SoftBank của Nhật Bản và nhà quản lý quỹ Mirae Asset Financial Group của Hàn Quốc.

SenseTime của Trung Quốc hoãn IPO sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen về đầu tư, công ty trí tuệ nhân tạo SenseTime đã hoãn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 767 triệu đô la Hong Kong sau khi Mỹ thêm công ty này vào danh sách đen về đầu tư, Có tên trong danh sách đen của Mỹ SenseTime quyết định hoãn IPO tại Hong Kong, nguyên nhân SenseTime có tên trong danh sách đen của Mỹ
Bảng hiệu Alibaba đặt bên ngoài tòa nhà của tập đoàn này ở Bắc Kinh, ngày 13/4/2021. Alibaba là một trong những nhà đầu tư của SenseTime - doanh nghiệp hiện đang nằm trong danh sách đen về đầu tư của Mỹ. (Ảnh: GREG BAKER / AFP qua Getty Images)

Tại Trung Quốc, SenseTime được đầu tư bởi Alibaba Group Holding, nhà phát triển trí tuệ nhân tạo iFlytek, nhà bán lẻ điện tử Gme Retail Holdings, ngân hàng đầu tư China International Capital, Dajia Insurance, CDH Investments, Primavera Capital Group, và một số quỹ thuộc nhà nước.

Chín nhà đầu tư cốt lõi, chủ yếu là các quỹ nhà nước, đã cam kết mua tới 450 triệu USD cổ phiếu IPO của SenseTime, chiếm phần lớn đợt chào bán.

Kể từ vòng trừng phạt đầu tiên của Mỹ, hầu hết nguồn vốn mới của SenseTime đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, Mirae Asset và SoftBank cũng đã tăng các khoản đầu tư.

Trong nửa đầu năm 2021, SenseTime ghi nhận khoản lỗ 3,71 tỷ NDT (583 triệu USD) trên doanh thu 1,65 tỷ NDT. Sau khi hoãn IPO vì bị Mỹ đưa vào danh sách đen về đầu tư, tình hình kinh doanh sắp tới của SenseTime có thể còn gặp nhiều khó khăn hơn.

Chi Anh



BÀI CHỌN LỌC

SenseTime của Trung Quốc hoãn IPO sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen về đầu tư