Tổng thống Erdogan có đang ‘bức tử’ kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đồng tiền mất giá và lạm phát tăng vọt, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, tổng thống Erdogan vẫn kiên trì với chính sách giảm lãi suất dù vấp phải rất nhiều phản đối. Các biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã mang đến tác dụng ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, đồng Lira vẫn sẽ rơi vào vòng xoáy mất giá.

Tổng thống Erdogan can thiệp Ngân hàng Trung Ương để tiếp tục giảm lãi suất

Một người thợ săn đối mặt với một con hổ đang lao tới trong lúc chỉ còn một viên đạn có thể là bài học cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính. Nếu người thợ săn bắn trượt, chuyến đi săn này có thể trở thành chuyến đi cuối cùng của anh ta.

Hiện tại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đang phải đối mặt với một con hổ kinh tế đang lao tới. Đó là sự lao dốc của đồng Lira cùng với đợt bùng phát lạm phát mới. Bất chấp sự phục hồi gần đây, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một trong những đồng tiền yếu nhất năm 2021. Điều này đã thúc đẩy lạm phát tăng lên trên 20%; đồng thời khiến các nhà đầu tư trong nước chuyển sang tìm kiếm sự an toàn từ đồng USD.

Nguyên nhân sâu xa của thực trạng kinh tế khó khăn tại Thổ Nhĩ Kỳ là việc ông Erdogan liên tục tránh né các chính sách kinh tế chính thống. Trong khi đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ đang suy yếu nghiêm trọng và lạm phát gia tăng, ông Erdogan nhiều lần phá hoại sự độc lập của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách thay thế các Thống đốc của ngân hàng này. Ông Erdogan làm vậy với mong muốn Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cắt giảm lãi suất. Trong khi điều này không chỉ làm giảm sức hấp dẫn của đồng Lira, mà còn đổ thêm dầu vào ngọn lửa lạm phát.

Gần đây, ông Erdogan đã một lần nữa đưa ra biện pháp kinh tế không chính thống, với hy vọng nhỏ nhoi có thể cứu vãn đồng Lira đang rơi tự do. Ông Erdogan kêu gọi người dân phối hợp với chính phủ để vượt qua khó khăn kinh tế. Kiên trì với chính sách cắt giảm lãi suất của mình, ông cho rằng chính sách này sẽ tăng cường xuất khẩu, việc làm, đầu tư, và phát triển kinh tế, theo The Epoch Times.

Trong khi khẳng định sẽ không từ bỏ chính sách liên tiếp cắt giảm lãi suất, ông Erdogan cam kết bảo lãnh tỷ giá hối đoái đối với các khoản tiền gửi ngân hàng mới, với điều kiện các khoản tiền gửi này có kỳ hạn ít nhất 3 tháng. Đáng chú ý hơn là, ông đã chỉ thị cho Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp mạnh mẽ vào thị trường ngoại hối bằng cách bán đồng USD. Sự can thiệp này được ước tính đã vượt quá 5 tỷ USD và đã hoàn toàn xóa sổ lượng ngoại hối dự trữ của đất nước.

Tất nhiên, sự can thiệp ngoại hối ấy đã đảo ngược, ít nhất là trong tạm thời, một phần đáng kể sự mất giá của đồng Lira trong năm nay. Từ mức thấp nhất mọi thời đại - trên 18 Lira đổi 1 USD, đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ đã phục hồi lên khoảng 11 lira đổi 1 USD. Mức này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 7 lira đổi 1 USD vào đầu năm nay. Tuy nhiên, có lý do chính đáng để tin rằng sự phục hồi này sẽ chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lại tiếp tục rơi vào vòng xoáy đi xuống của một đồng tiền bị mất giá và lạm phát gia tăng.

Đồng Lira và nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục vòng xoáy đi xuống

Một lý do cho thấy đồng Lira sẽ nhanh chóng tiếp tục vòng xoáy đi xuống là: Tại thời điểm mà điều kiện thanh khoản toàn cầu sắp thắt chặt, Thổ Nhĩ Kỳ đang trong hoàn cảnh tệ nhất để chịu đựng áp lực tiền tệ. Không chỉ là vì Ngân hàng Trung ương nước này có dự trữ quốc tế âm. Các Ngân hàng Thương mại có khoảng 2/3 số tiền gửi của họ bằng USD; và các ngân hàng này cũng đang vay rất nhiều bằng USD từ thị trường vốn thế giới. Nếu những người gửi nước ngoài rút các khoản gửi bằng USD sắp đáo hạn vào năm tới tại các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta sẽ chứng kiến một đợt rút tiền hàng loạt. Những người gửi tiền bằng USD, vốn đang lo sợ về khả năng mất thanh toán bằng đồng USD của các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ, có thể sẽ tìm cách gửi tiền ra nước ngoài.

Một lý do khác khiến chúng ta lo lắng cho tỷ giá hối đoái và lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ là việc chính phủ của ông Erdogan không có một chính sách nhất quán nào để xử lý sự bùng phát lạm phát - điều hiển nhiên sẽ xảy ra do chính sách tiền tệ yếu kém.

Ông Erdogan dường như không học được gì từ quá khứ. Thay vì áp dụng một kế hoạch ổn định kinh tế chính thống, ông Erdogan tiếp tục theo đuổi chương trình giảm lãi suất. Mức độ tín nhiệm của vị Tổng thống đương nhiệm này, vốn đã ở mức thấp bởi các chính sách kinh tế, sẽ xuống thấp hơn nữa.

Vào ngày 18/12, tổ chức kinh doanh lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ TUSIAD đã kêu gọi chính phủ ngừng áp dụng chính sách giảm lãi suất và trở lại với các quy luật kinh tế. Các đảng phái khác đang kêu gọi bầu cử ngay lập tức. Hàng nghìn người đã biểu tình tại Istanbul và thành phố Diyarbakir do chi phí sinh hoạt tăng cao. Chính sách tăng lương tối thiểu 50% của ông Erdogan bị cho là sẽ gia tăng lạm phát và không hiệu quả. Các nhà kinh tế dự đoán lạm phát sẽ tăng trên 30% vào năm tới.

Chẳng bao lâu nữa, ông Erdogan sẽ lại phải đối mặt với con hổ kinh tế đang lao tới, khi mà đồng Lira lại bị suy yếu và lạm phát gia tăng. Khi điều đó xảy ra, người thợ săn này sẽ nhận ra, sự yếu kém về các quyết sách kinh tế khiến ông ta không còn đạn để đáp trả.

Bài viết có sử dụng lập luận của ông Desmond Lachman đăng trên 19fortyfive. Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Chi Anh



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Erdogan có đang ‘bức tử’ kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ?