LHQ: Fed tăng lãi suất khiến khủng hoảng tiền tệ xảy ra ở hơn 30 nền kinh tế khắp toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa công bố báo cáo thường niên, một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Báo cáo cũng kêu gọi các ngân hàng trung ương thế giới ngừng tăng lãi suất để tránh suy thoái kinh tế toàn cầu, nếu không kinh tế thế giới có thể rơi vào tình trạng trì trệ lâu dài.

Ngày 3/10, trang web chính thức của UNCTAD đã công bố “Báo cáo Thương mại và Phát triển 2022” (Trade and Development Report 2022). Báo cáo cho rằng, các biện pháp chính sách tài khóa và tiền tệ hiện hành của các nước phát triển có khả năng đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái toàn cầu và trì trệ lâu dài. Nó sẽ mang lại nhiều tác động nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát toàn cầu năm 2020.

UNCTAD kêu gọi NHTW các nước ngừng tăng lãi suất

Báo cáo cho hay, hiện thế giới đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng chồng chất như đại dịch toàn cầu COVID-19, khủng hoảng năng lượng do chiến tranh Nga - Ukraine gây ra, v.v. Thêm vào đó là chính sách tăng lãi suất nhanh chóng và tài khóa thắt chặt ở các nước phát triển. Các tác động trên đã khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào trạng thái ảm đạm.

Nền kinh tế thế giới đang mong đợi một cú “hạ cánh mềm”, nhưng hiện nay về cơ bản khó mà thực hiện được. Trong suốt 10 năm lãi suất cực thấp vừa qua, các ngân hàng trung ương (NHTW) trên khắp toàn cầu đã liên tục không đạt được mục tiêu lạm phát của mình, cũng không thực hiện được tăng trưởng kinh tế lành mạnh. Vì vậy, các ý tưởng dựa vào lãi suất cao để giữ lạm phát thấp mà không gây ra suy thoái đều là canh bạc vô trách nhiệm.

Trong bối cảnh các nước cắt giảm tiền lương thực tế, thắt chặt tài khóa, bất ổn tài chính, không đủ hỗ trợ và phối hợp kinh tế với nhau, việc thắt chặt quá mức chính sách tiền tệ có thể đưa nhiều nước đang phát triển và một số nước phát triển vào tình trạng tăng trưởng trì trệ và bất ổn.

Báo cáo của UNCTAD cảnh báo rằng, các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) năm nay sẽ làm giảm khoảng 360 tỷ USD doanh thu tài khóa trong tương lai của các nước đang phát triển (không bao gồm Trung Quốc).

Tại một cuộc họp báo, Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho biết: “Hiện vẫn còn thời gian để thế giới lùi lại một bước trước bờ vực suy thoái. Chúng ta có các công cụ để dập tắt lạm phát và hỗ trợ tất cả các nhóm yếu thế, đây là vấn đề lựa chọn chính sách và nguyện vọng chính trị. Nhưng các chính sách và sáng kiến được áp dụng hiện nay lại đang làm tổn thương các nhóm yếu thế nhất, đặc biệt là các nước đang phát triển, và có nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái”.

UNCTAD kêu gọi chính phủ các nước tăng cường Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), sử dụng Quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) một cách bền vững hơn, công bằng hơn và trên quy mô lớn hơn để thiết lập cơ chế phòng hộ chống lại biến động tỷ giá hối đoái, và sử dụng nhiều nguồn vốn đa phương hơn để hỗ trợ các nước đang phát triển.

UNCTAD cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu

Vào tháng 3 năm nay, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của năm 2022, từ 3,6% xuống 2,6%. Trong "Báo cáo Thương mại và Phát triển 2022", dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm nay lại một lần nữa bị hạ xuống 2,5%, còn dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2023 bị hạ xuống 2,2%.

Trong năm nay, đồng tiền của khoảng 90 quốc gia đang phát triển đã mất giá so với đồng USD, hơn 1/3 trong số đó đã giảm tới 10%.

Theo tiêu chuẩn được khuyến nghị bởi IMF, mức mất giá đồng nội tệ lên tới 10% (trong giai đoạn dưới 12 tháng) được xem là đã chạm ngưỡng của khủng hoảng tiền tệ. Như vậy, có tới hơn 30 nền kinh tế đã chạm vào ngưỡng cửa khủng hoảng tiền tệ.

Điều này đã thúc đẩy các nền kinh tế phải bán dự trữ ngoại hối để chống đỡ cho đà mất giá của đồng nội tệ. Thực tế, chênh lệch trái phiếu chính phủ giữa các nền kinh tế mà Mỹ ngày một mở rộng, ngày càng nhiều trái phiếu có lợi tức cao hơn 10% so với trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ. Lợi tức trái phiếu cao hơn biểu hiện rủi ro tiền tệ và ổn định kinh tế đang cao hơn so với Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn có 46 nước đang phát triển phải đối mặt với nhiều cú sốc kinh tế chồng chất, 48 quốc gia chịu cú sốc nghiêm trọng, cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu tiếp tục gia tăng.

Báo cáo của UNCTAD kết luận: G20 và các diễn đàn tài chính quốc tế khác đã thừa nhận tình hình [không mấy lạc quan] của mình, nhưng so với họ thì hiện trạng của các nước đang phát triển còn mong manh hơn nhiều. Trong năm nay, các nước đang phát triển đã chi khoảng 379 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng tiền của mình, họ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng vốn tháo chạy. Con số trên gần như gấp đôi số tiền Quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới phân bổ gần đây.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ duy trì ở mức 3% trong năm 2022 và sẽ giảm xuống 2,2% vào năm 2023. Còn IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 là 3,2%, năm 2023 giảm xuống 2,9%.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

LHQ: Fed tăng lãi suất khiến khủng hoảng tiền tệ xảy ra ở hơn 30 nền kinh tế khắp toàn cầu