Liên tiếp hai trường hợp vỡ túi độn ngực sau nhiều năm làm phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh nhân sửng sốt: Tôi không hề hay biết!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bác sĩ Hoàng Hồng, phụ trách Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết cơ sở này vừa tiếp nhận hai trường hợp bị vỡ túi độn ngực sau nhiều năm làm phẫu thuật nâng ngực. Điều đáng nói, cả hai bệnh nhân đều không hề hay biết túi độn bị vỡ.

Trường hợp đầu tiên là một phụ nữ 55 tuổi (ở Hà Nội), đã đặt túi ngực cách đây 14 năm.

Ngày 22/4, bệnh nhân tới khám tổng quát tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Kết quả chụp MRI và hình ảnh siêu âm cho thấy túi ngực trái của chị bị vỡ.

Người phụ nữ cho biết chị không cảm thấy có dấu hiệu bất thường nào liên quan đến túi ngực, nên không nhận thức được tình trạng này. Do đó, khi nghe thông báo từ bác sĩ, chị rất bất ngờ. Chị cho biết vào thời điểm đặt túi độn ngực, chị được tư vấn rằng túi được “bảo hành vĩnh viễn”, khiến chị có phần chủ quan và không kiểm tra lại kể từ đó.

Trường hợp thứ hai là nữ bệnh nhân 31 tuổi (ở Hà Nam). Sau 4 năm đặt túi độn, người phụ nữ cảm thấy căng tức vùng ngực trái, hình dạng có phần biến đổi so với bên phải. Đi khám, siêu âm và chụp MRI, bác sĩ cho biết túi ngực bên trái của chị bị vỡ, vùng khoang ngực xung quanh có nhiều dịch (dày khoảng 2cm).

Bác sĩ Hồng cho biết cả hai bệnh nhân nói trên đều đã được phẫu thuật để lấy túi độn ngực ra ngoài, làm sạch dịch tiết cũng như gel silicon tràn ra xung quanh, đồng thời làm sạch khoang túi rồi đặt túi mới trở lại.

Nhìn chung, có nhiều nguyên nhân khiến túi độn ngực bị vỡ, chẳng hạn như các vật sắc nhọn (kim khâu vải, kim tiêm, dao kéo) hoặc ngoại lực tác động. Bên cạnh đó, túi độn cũng có thể bị vỡ nếu chất lượng sản xuất kém hoặc sử dụng trong thời gian dài khiến màng túi bị hao mòn, dễ rách hơn so với trước.

Nếu tình trạng vỡ túi ngực không được xử lý sớm, theo thời gian, dịch tích tụ có thể gây viêm và nhiễm trùng lan rộng, nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới biến dạng ngực. Lúc này, nếu ngực bị viêm nhiễm, việc đặt túi độn trở lại sẽ làm tăng nguy cơ bị co, xơ dính, theo bác sĩ Hồng.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo phụ nữ nên chủ động thay túi ngực sau 10 năm, tránh để quá 15 năm.

Bác sĩ Hồng cho biết nhiều bệnh nhân vỡ túi ngực do thời điểm làm phẫu thuật đã quá lâu, hơn 10 năm. Đa số các cơ sở thẩm mỹ đều sẽ thuyết phục khách hàng rằng túi độn ngực có thể “bảo hành trọn đời”, cũng không giải thích kỹ nên nhiều phụ nữ chủ quan, không nghĩ tới việc phải tái khám hoặc thay lại túi ngực.

“Không túi ngực nào có thể bảo hành trọn đời”, bác sĩ Hồng khuyến cáo chị em phụ nữ nên chủ động khám ngay khi có các dấu hiệu sưng đau bất thường, căng tức hoặc biến dạng ngực. Nếu không có vấn đề gì, sau khoảng 7-8 năm nên làm siêu âm, chụp chiếu một lần để kiểm tra và thay túi sau 10 năm.

Những hậu quả khôn lường của phẫu thuật nâng ngực

Phẫu thuật nâng ngực cách cải thiện thể tích vòng một. Để đặt túi độn, bác sĩ sẽ rạch và nâng cơ ngực lên để tạo một khoang rỗng bên dưới.

Các loại túi độn được cấu tạo bằng lớp vỏ silicon, bên trong có thể chứa nước muối sinh lý, gel silicon hoặc hydrogen. Thông thường, các túi này có một ống nối nhỏ, cho phép bác sĩ có thể tuỳ ý điều chỉnh kích cỡ của túi độn bằng cách tiêm dung dịch vào túi (hoặc hút ra ngoài).

Nhiều chuyên gia cho rằng silicon có thể tiềm ẩn một số biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ nhiễm khuẩn cao. Chi phí để đặt túi độn chất lượng tốt thường tiêu tốn khoảng 60-100 triệu đồng, vì quá đắt đỏ, nên nhiều người chấp nhận làm túi độn giá rẻ và chất lượng thấp. Điều này có thể dẫn đến tác hại khôn lường.

Việc bơm ngực bằng silicon có thể gây viêm nhiễm, viêm khớp, sốt mạn tính… Ngoài ra, phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực có thể để lại các vết sẹo quanh ngực, chảy máu trong, nhiễm khuẩn và nhiều vấn đề khác.

Bệnh nhân cũng có thể bị tụ máu, rối loạn cảm giác sau khi đặt túi. Trong trường hợp nghiêm trọng, cơ thể sẽ tự sinh ra một chất để bọc lại trước “vật lạ” (túi độn), làm ngực biến dạng.

Cuối cùng, các chuyên gia thẩm mỹ hàng đầu nhấn mạnh rằng bất kể túi độn ngực được làm từ silicon, túi nước biển hay vật liệu nào khác cũng đều có thể bị rò rỉ, bẹp hoặc vỡ. Hơn nữa, việc can thiệp thẩm mỹ lên vòng một sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến quá trình khám chữa bệnh liên quan đến ngực sau này, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ gây ra các khối u ở ngực và tác động xấu đến quá trình phát hiện và điều trị ung thư vú.

Chấn Hưng (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Liên tiếp hai trường hợp vỡ túi độn ngực sau nhiều năm làm phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh nhân sửng sốt: Tôi không hề hay biết!