Mật ong hoàng gia Maya 3000 năm tuổi, trở thành thực phẩm quý hiếm cho sức khỏe

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong những năm gần đây, nhiều "siêu thực phẩm" có nguồn gốc từ các nền văn minh cổ đại đã lần lượt được các nhà khoa học hiện đại tiết lộ, được người tiêu dùng quan tâm đến sức khoẻ ưa chuộng. Trong số đó, có siêu mật ong có nguồn gốc từ nền văn minh Maya.

Trên Bán đảo Yucatan ở Trung Mỹ, một loại mật ong cổ xưa được chiết xuất từ loài ong hoàng gia Maya (Melipona beecheii, hay còn gọi là ong hoàng gia) từ lâu đã là một loại thuốc quý được người Maya ưa chuộng, dùng để chữa loét da, các bệnh về mắt, viêm phổi và còn có thể giúp chữa lành vết thương.

Ong hoàng gia Maya là loài ong không có nọc độc, tính tình hiền lành, tương truyền nó đã được nuôi ở địa phương đã 3.000 năm. Trong lịch sử Maya, ong chúa Maya là loài côn trùng linh thiêng, được coi là mối liên kết giữa con người và thế giới tâm linh, đồng thời là biểu tượng của Ah Muzen Cab là vị thần của loài ong. Tầm quan trọng của ong hoàng gia Maya trong tôn giáo cũng được ghi lại trong Madrid Codex, bản thảo cổ nhất còn tồn tại của người Maya.

Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra rằng mật ong chúa Maya có nhiều chất chống oxy hóa và chất chống viêm hơn mật ong thông thường. Mật ong màu óng ánh mượt mà và hương hoa hơi chua, ngọt cũng đã thu hút sự chú ý của nhiều đầu bếp quốc tế.

Tuy nhiên, loài ong hoàng gia Maya từng đứng trước bờ vực tuyệt chủng do nạn khai thác gỗ bùng nổ, lạm dụng thuốc trừ sâu, sự cạnh tranh từ những loài ong ngoại và các yếu tố từ thiên nhiên như mưa bão. Theo một cuộc khảo sát những người nuôi ong trong cộng đồng Maya của học giả Rogel Villanueva Gutiérrez, trong số hàng ngàn tổ ong được biết đến vào năm 1981, chỉ còn lại 90 tổ vào năm 2004. Tức là chỉ còn lại 7% số lượng tổ ong.

Villanueva, người đã nỗ lực phục hồi loài ong chúa Maya trong nhiều năm, cho biết: "Phải bảo vệ rừng, để có thể bảo vệ đàn ong. Không có rừng, ong không thể tồn tại. Không có ong, rừng cũng không thể tồn tại".

Trên thực tế, Villanueva còn phát hiện ra rằng ong hoàng gia Maya khác với ong châu Âu và ong châu Phi, chúng không chỉ kiếm ăn trong rừng và trên đồng cỏ mà còn có thể thụ phấn cho những cây có tán cao hơn, vì vậy chúng còn là chìa khóa của rừng nhiệt đới Yucatan.

Giờ đây, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, kỹ thuật nuôi ong cổ xưa này đang dần dần được phục hồi. Mọi người cũng bắt đầu nhận ra siêu thực phẩm mới “Mật ong Maya” (mật ong Melipona).

Mật ong Maya (Ảnh: shutterstock)

Vào tháng 11 năm nay, 18 đầu bếp hàng đầu thế giới đã đến Santa Rosa Estate ở Yucatan, Mexico để tham dự "Hokol Vuh", một bữa tiệc dành cho người sành ăn nhằm tôn vinh văn hóa Maya. Mật ong Maya không dễ kết tinh và giàu hương thơm đặc biệt, thu hút sự chú ý của nhiều đầu bếp. René Redzepi, một đầu bếp nổi tiếng người Đan Mạch và là đồng sở hữu của nhà hàng hai sao Michelin Noma, không chỉ ca ngợi hương vị của mật ong Maya mà còn thử nhỏ mật ong vào mắt để loại bỏ cảm giác ngứa ngáy trong mắt.

Hiện nay, do môi trường sống của ong bị phá hủy và số lượng mật ong do ong chúa Maya sản xuất ra rất ít nên mật ong của người Maya vẫn chưa được nhiều người biết đến. Các chuyên gia hy vọng rằng sự chú ý nhiều hơn từ khắp nơi trên thế giới sẽ giúp người dân địa phương bảo vệ mật ong Maya, cũng như hệ sinh thái, lịch sử và văn hóa đằng sau nó.

Theo Mạt Lệ - Epochtimes tiếng Trung
Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mật ong hoàng gia Maya 3000 năm tuổi, trở thành thực phẩm quý hiếm cho sức khỏe