‘Mâu thuẫn' đằng sau dữ liệu kinh tế tháng 3 quá tốt của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đã gần 5 tháng kể từ khi chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero Covid và hy vọng rằng nền kinh tế sẽ phục hồi. Dữ liệu kinh tế Quý 1/2023 về tăng trưởng còn tốt hơn kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, có quá nhiều mâu thuẫn trong dữ liệu được công bố.

Các chuyên gia cho rằng ngay cả khi không có trường hợp gian lận hay làm giả, những dữ liệu này cũng phản ánh các vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc, như di dời dây chuyền công nghiệp, chảy máu dòng vốn ngành sản xuất, v.v.

Hôm 13/4, dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Ba năm nay đã tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ tháng 9/2022 tới nay, đây là lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc có sự tăng trưởng phục hồi so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó hôm 11/4, Cục Thống kê Trung Quốc đã công bố dữ liệu CPI (Chỉ số giá tiêu dùng) và PPI (Chỉ số giá sản xuất công nghiệp) quốc gia trong tháng Ba. So với tháng trước đó, CPI giảm 0,3% và PPI đi ngang. Ngoài ra, trong tháng Ba, PMI (Chỉ số nhà quản trị mua hàng) trong ngành sản xuất là 51,9%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với tháng Hai.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, vào cuối tháng Ba, số dư cung tiền M2 là 281,46 nghìn tỷ nhân dân tệ (40,85 nghìn tỷ USD), tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cung tiền M2 chỉ lượng cung cấp tiền tệ trong nền kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu mua hàng hóa, dịch vụ, tài sản, v.v. của các cá nhân và doanh nghiệp. Cung tiền M2 quá lớn thường gây ra lạm phát (do in tiền quá mức). Nhưng khi cung tiền quá mạnh mà không tạo ra lạm phát thì có 3 lý do: (i) tiền chảy vào các tài sản đầu cơ, giá cả các tài sản này không có trọng số đáng kể trong rổ tính lạm phát của quốc gia đó; (ii) tiền đổ vào hỗ trợ thanh khoản cho nợ xấu, các tài sản xấu trong hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản; (iii) người dân không chi tiêu vì không có thu nhập đủ tốt hoặc không có niềm tin với tăng trưởng và tiêu dùng.

Vấn đề cung tiền M2 của Trung Quốc rất lớn trong khi CPI suy giảm, có thể thấy là do nền kinh tế nước này xuất hiện cả 3 nguyên nhân đề cập ở trên.

Tờ nhật báo kinh tế Hong Kong Economic Journal đăng bài ngày 17/4 và đặt câu hỏi rằng, các dữ liệu kinh tế trong tháng Ba dường như đang "đánh nhau". Trong tháng Ba, cả chỉ số sản xuất công nghiệp (PPI) và mức độ mở rộng đơn hàng PMI đều giảm, điều này cho thấy sự suy thoái trong ngành sản xuất, nhưng đáng ngạc nhiên là tổng lượng xuất khẩu bất ngờ tăng vọt 14,8%. Nếu xuất khẩu tăng mạnh như vậy, tại sao PPI và PMI lại yếu như thế? Ngoài ra, việc cung tiền M2 tăng vọt 12,7% trong tháng cũng cho thấy khoản chi rất mạnh, trong khi chỉ số giá CPI đã giảm hai tháng liên tiếp, nó đang phản ánh cuộc khủng hoảng giảm phát.

Bức ảnh này được chụp vào ngày 24/10/2018 cho thấy những chiếc xe tải không người lái đang chuyển container tại một cầu cảng chở hàng tự động ở Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông nằm ở phía đông Trung Quốc. (STR/AFP via Getty Images)

Chuyên gia giải thích nguyên nhân số liệu xuất khẩu của Trung Quốc tăng đột biến

Ông Vương Hách (Wang He), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 17/4 rằng, đó là điều kỳ lạ khi lượng xuất khẩu của Trung Quốc gia tăng đột biến trong tháng Ba.

Ông Vương nói, mặc dù thông thường rất khó để làm sai lệch dữ liệu ngoại thương, nhưng trong những năm gần đây Trung Quốc cũng từng bị vạch trần việc làm giả dữ liệu này. Ví dụ, dữ liệu ngoại thương của Trung Quốc Đại lục và Hong Kong không khớp nhau, dữ liệu xuất nhập khẩu của Trung - Mỹ cũng có khoảng cách rất lớn.

Vào tháng 6/2019, Hoa Kỳ đã xác nhận các số liệu do họ tự hạch toán, cụ thể là thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc trong năm 2018 là gần 420 tỷ USD, gây thiệt hại lớn cho công nhân, nông dân, chủ trang trại và doanh nghiệp của Mỹ. Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại chỉ ra số liệu thâm hụt thương mại này chỉ hơn 150 tỷ USD. Sự khác biệt giữa hai con số của Hoa Kỳ và Trung Quốc rất lớn, tới 270 tỷ USD.

Phó giáo sư Tôn Quốc Tường (Sun Guoxiang) tại Khoa Doanh nghiệp và Sự vụ Quốc tế của Đại học Nam Hoa (Nanhua University), Đài Loan nói với The Epoch Times vào ngày 17/4 rằng có tồn tại khả năng dữ liệu của ĐCSTQ bị làm sai lệch. Ví dụ, khi các tỉnh, thành của Đại lục báo cáo số liệu, thường xảy ra trường hợp không thể khớp với tổng số của chính quyền trung ương. Ngoài ra, có lúc còn xảy ra trường hợp trung ương đã thông báo số liệu thống kê nhưng một số tỉnh lại chưa có.

Ông Tôn Quốc Tường cho biết, nếu không tính đến trường hợp làm giả, những thay đổi trong các chỉ số này sẽ liên quan đến yếu tố địa kinh tế. "Vốn dĩ trong thời đại toàn cầu hóa, sự liên kết giữa những số liệu này rất chính xác, nếu là tỷ lệ dương thì nó sẽ đồng thời xuất hiện, nếu là tỷ lệ âm thì nó cũng sẽ đồng thời xuất hiện. Nhưng bây giờ nó thường bị ảnh hưởng bởi địa chính trị và kinh tế, nên sẽ có những tình huống không đồng nhất. Ví dụ, nếu khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc gia tăng, vậy phải xem những quốc gia hoặc những khu vực nào có sự tăng trưởng đáng kể về nhập khẩu từ Trung Quốc".

Theo dữ liệu chính thức được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố vào tháng Ba, xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, Châu Phi và Nga lần lượt tăng 35,4%, 46,5% và 136,4%. Ngược lại, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm 7,7% và sang Nhật Bản cũng giảm 5%; xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng trưởng dương đầu tiên trong 5 tháng qua.

Kênh truyền thông tư nhân Caijing Lengyan phân tích trong chương trình ngày 15/4 rằng, trong tháng Ba, mức tăng trưởng xuất khẩu sang Nga là lớn nhất, điều này phản ánh sự hỗ trợ của ĐCSTQ đối với Nga trong Chiến tranh Nga - Ukraine, trong đó không loại trừ một số vật tư chiến lược. Còn về việc xuất khẩu sang ASEAN tăng mạnh, rất có thể là do các sản phẩm của Trung Quốc được tái xuất sang Hoa Kỳ và Châu Âu thông qua ASEAN.

"Nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang ASEAN là bán thành phẩm. Họ mượn tàu ra khơi để tránh các hạn chế của Châu Âu và Hoa Kỳ. Đó là một thủ thuật. Đây là lý do tại sao xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN đã liên tục tăng trong ba năm qua, trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ lại sụt giảm”.

Nhưng Caijing Lengyan cho rằng về lâu dài đây là mô hình không có lợi cho Trung Quốc. Vì nếu năng lực sản xuất của ASEAN tăng lên, họ sẽ thay thế thị phần của Trung Quốc và sẽ không cần tái xuất cho Trung Quốc. Hơn nữa sẽ có giá chênh lệch giữa các sản phẩm đi qua ASEAN, do đó giá trị các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc chắc chắn sẽ thấp đi.

Công nhân xây dựng Myanmar đi ngang qua một bãi container tại một cảng ở Yangon vào ngày 9/5/2014. (Soe Than WIN/AFP via Getty Images)

Caijing Lengyan cũng cho biết, trong quý đầu tiên, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận của Tập đoàn Vận tải biển Trung Quốc (COSCO) đã giảm 74%. Mặc dù lợi nhuận và lượng xuất khẩu không thể đặt trên cùng một bàn cân, nhưng trong tình huống xuất nhập khẩu tăng trưởng 4,8% mà lợi nhuận của ông lớn ngành vận tải biển Trung Quốc giảm mạnh, cũng có thể thấy được rằng: Một mặt, giá trị các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc liên tục bị giảm, không kiếm được tiền; Hai là, có thể cho thấy Cục Thống kê Trung Quốc đang làm giả số liệu.

Ngoài ra, lượng lớn hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Châu Phi và Nga được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, điều đó có nghĩa là họ không thể kiếm được ngoại hối. Caijing Lengyan nói rằng, "Đây là với điều kiện Cục Thống kê ĐCSTQ không làm giả số liệu; nếu họ làm sai lệch, ngoại thương của Trung Quốc trong quý đầu tiên sẽ sụp đổ".

Ông Vương Hách cho biết, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã giảm trong suốt quý đầu tiên, đồng thời xuất khẩu sang Đài Loan và Hàn Quốc cũng giảm. ĐCSTQ vốn thiết lập chu trình ngoại thương quốc tế như sau: nhập khẩu một số bộ phận và linh kiện từ Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc, sau đó lắp ráp chúng và bán cho Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, tình hình hiện nay tương đối căng thẳng, sau khi ĐCSTQ đe dọa quân sự Đài Loan, quan hệ thương mại Trung - Đài, Trung - Nhật đang có những thay đổi mạnh mẽ, Âu - Mỹ cũng thiết lập hạn chế về mặt nhập khẩu, chu trình thương mại truyền thống của Trung Quốc đang bị lung lay.

“Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hiện nay của Trung Quốc sang Châu Phi và ASEAN tương đối lớn. Do sự chuyển hướng thương mại giữa Âu - Mỹ và Trung Quốc dẫn đến việc một lượng lớn doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Trung Quốc, một số nguồn vốn nội địa Trung Quốc cũng muốn tránh mức thuế cao của Mỹ, cho nên họ đang dịch chuyển nguồn vốn và chuỗi cung ứng sang Châu Phi và ASEAN", ông Vương nói.

Tờ Financial Times ngày 16/4 đưa tin, không chỉ các công ty nước ngoài mà cả các công ty Trung Quốc cũng phải di dời chuỗi cung ứng của họ. Quảng Đông Vanward New Electric, nhà sản xuất máy nước nóng lớn nhất Trung Quốc, cho biết họ đã được khách hàng Hoa Kỳ yêu cầu chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để đối phó với căng thẳng địa chính trị gia tăng. Vanward đã quyết định chuyển một số nhà máy của mình từ các khu công nghiệp ở miền nam Trung Quốc sang Ai Cập và Thái Lan. Ngoài ra, việc Hoa Kỳ tăng thuế quan đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất cũng là một nguyên nhân.

Tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng Toàn cầu (Global Sources Consumer Electronics) gần đây ở Hong Kong, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đã treo biển phía trên gian hàng của họ để quảng cáo với người mua rằng họ có nhà máy ở Việt Nam hoặc các nước khác.

Bức ảnh này được chụp vào ngày 16/7/2022, cho thấy các nhân viên đang làm việc trên dây chuyền sản xuất máy điều hòa không khí tại một nhà máy Midea ở Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. (JADE GAO/AFP via Getty Images)

Có phải ĐCSTQ đang thúc đẩy ‘Kế hoạch Marshall phiên bản Trung Quốc’?

“Kế hoạch Marshall” là một sáng kiến của Mỹ được ban hành vào năm 1948 nhằm cung cấp viện trợ nước ngoài cho Tây Âu. Hoa Kỳ đã chuyển 13,3 tỷ USD trong các chương trình phục hồi kinh tế cho các nền kinh tế Tây Âu sau khi Thế chiến II kết thúc.

Bài bình luận trên tờ Hong Kong Economic Journal chỉ ra rằng, hiện tượng dữ liệu kinh tế "đánh nhau" có thể liên quan đến việc chính quyền Bắc Kinh đang thúc đẩy "Kế hoạch Marshall phiên bản Trung Quốc" nhằm vượt qua vòng vây của Hoa Kỳ. Có nghĩa là ngân hàng trung ương sẽ chi khoản lớn, chủ yếu là cho các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân lớn để họ có được nguồn tài chính mới; nhưng sau khi nhận được tiền, phần lớn số tiền này sẽ không được sử dụng để tăng đầu tư và mở rộng năng lực sản xuất trong nước, mà là để phát triển cơ sở hạ tầng và xây nhà máy ở Đông Nam Á, Châu Phi và các khu vực mới nổi khác. Một là để xuất khẩu năng lực sản xuất dư thừa, hai là giúp tránh hành động "bao vây" của Mỹ và các đồng minh.

Phó giáo sư Tôn Quốc Tường cho rằng, cái gọi là “Kế hoạch Marshall phiên bản Trung Quốc” là để giúp chính quyền ĐCSTQ biện minh cho dữ liệu của họ, thực tế là chúng không giống nhau.

Ông Tôn nói: "Sau Thế chiến II, Kế hoạch Marshall phiên bản thực tế của Hoa Kỳ là hy vọng có thể hỗ trợ phục hồi kinh tế cho các quốc gia sau chiến tranh, và nó đòi hỏi một lượng lớn đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhưng khoản đầu tư cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc hiện đang đổ vào các quốc gia thông qua cái gọi là “Sáng kiến Vành đai và Con đường” đã gây ra tham nhũng và tạo ra các công trình tồi tệ ở các nước đó, v.v.”.

Tuy nhiên, ông Tôn cho rằng cái gọi là “Kế hoạch Marshall phiên bản Trung Quốc” thực sự có thể được sử dụng làm lời giải thích cho các số liệu thống kê mâu thuẫn và khó hiểu của ĐCSTQ.

Ông Tôn Quốc Tường nói rằng, khi ĐCSTQ cung cấp những dữ liệu này, có thể họ chỉ sử dụng một phần dữ liệu để chèo chống, bởi vì ĐCSTQ có một số giao dịch ngoại giao kín trong quan hệ đối ngoại và cũng có thể dùng đến dự trữ ngoại hối, chỉ là không dễ mà tìm những thấy dữ liệu liên quan. Nhưng khi đọc dữ liệu của ĐCSTQ, "chúng ta có thể phải tự động cắt giảm một phần đáng kể, một nửa hoặc thậm chí hơn một nửa”.

Nhà bình luận Vương Hách cũng cho rằng, bản thân cái gọi là “Kế hoạch Marshall phiên bản Trung Quốc” đã gây hiểu lầm, “Sáng kiến ​​​​Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ là chủ nghĩa thực dân mới, hoàn toàn trái ngược với kế hoạch ban đầu của Hoa Kỳ nhằm giúp đỡ các quốc gia Châu Âu nhanh chóng phục hồi kinh tế sau Thế chiến II. "ĐCSTQ đã vung tiền cho Sáng kiến ​​​​Vành đai và Con đường, nhưng trên thực tế, nó đã gây ra một cuộc khủng hoảng nợ khổng lồ và tham nhũng ở quốc gia liên quan".

Kế hoạch thôn tính toàn cầu BRI của Trung Quốc đang mất dần sức mạnh
Một đoạn của tuyến đường sắt đầu tiên nối Trung Quốc với Lào, một phần quan trọng trong dự án Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh qua sông Mekong ở Luang Prabang, Lào, ảnh chụp hôm 08/02/2020. (Ảnh: Aidan Jones / AFP via Getty Images)

Chuyên gia: Vốn sản xuất tháo chạy khỏi Trung Quốc, ‘công xưởng thế giới’ đang lụi tàn

Trong kỳ họp Lưỡng Hội năm nay, Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng sẽ ủng hộ mạnh mẽ để ngành chế tạo cao cấp phát triển. Ông nói, “bất cứ lúc nào Trung Quốc cũng không thể thiếu đi ngành chế tạo”.

Tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã đến Hồ Nam từ ngày 21-22/3 để tiến hành nghiên cứu về ngành sản xuất và chủ trì một hội nghị chuyên đề về ngành. Ông Lý đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của nền kinh tế thực và thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo cao cấp.

Nhưng việc hiện nay các doanh nghiệp Trung Quốc dịch chuyển ra nước ngoài lại trái ngược với khẩu hiệu của các nhà lãnh đạo cấp cao trong ĐCSTQ. Ông Vương Hách cho rằng, động thái đẩy nhanh quá trình di dời năng lực sản xuất sẽ khiến dòng vốn của ngành sản xuất trong nước trở nên rỗng tuếch, vì vậy ông Tập Cận Bình và ông Lý Cường chỉ đang hô khẩu hiệu suông.

Ông Lý Cường làm Thủ tướng Trung Quốc, có 3 phiếu chống và 8 phiếu trắng
Ông Tập Cận Bình bắt tay với tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào sáng ngày 11/3/2023. (GREG BAKER/POOL/AFP via Getty Images)

"Phần lớn bên đầu tư vào ngành sản xuất là các doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp tư nhân không lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc. ĐCSTQ muốn tránh tình trạng dòng vốn ngành sản xuất tháo chạy nhưng lại không thể ngăn chặn nguồn vốn tư nhân tháo chạy. Toàn bộ môi trường kinh tế trong nước Trung Quốc đã xấu đi. Mọi người mất niềm tin vào chính quyền ĐCSTQ và bi quan về tương lai, cho nên hiện nay nếu có thể chạy được thì đều mau chóng tháo chạy, nếu không chạy được thì cố gắng chuẩn bị trên mọi phương diện. Chảy máu dòng vốn là điều không thể tránh khỏi”, ông Vương Hách nói.

Ông còn đề cập rằng, mặc dù ĐCSTQ đã tăng cường kiểm soát ngoại hối, rất khó để chuyển tiền ra ngoài, nhưng nhiều doanh nghiệp ngoại thương, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, đã không đưa tiền về sau khi xuất khẩu sản phẩm mà trực tiếp tái đầu tư hoặc thực hiện các giao dịch khác ở nước ngoài.

Phó giáo sư Tôn Quốc Tường nói với The Epoch Times rằng, khi các nước phương Tây cho rằng “chúng tôi không chỉ muốn thương mại tự do mà còn muốn thương mại công bằng”, thì vai trò của Trung Quốc Đại lục – công xưởng của thế giới – cũng gặp vấn đề. Trước việc Việt Nam có khả năng thay thế Trung Quốc, địa vị “công xưởng thế giới” của Trung Quốc đang ngày một lu mờ.

Ông Tôn còn chỉ ra, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc Đại lục đang gia tăng, nếu dây chuyền sản xuất bị chuyển ra ngoài thì tình hình việc làm trong nước hoặc tình hình kinh tế nói chung sẽ càng tồi tệ hơn.

Còn ông Vương Hách thì cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang rối loạn và hoàn toàn không thể cứu vãn. Ông cho hay, có ý kiến ​​​​cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ thụt lùi 20 năm và có vẻ như nó đang dần đi theo hướng này.

M2 tăng vọt, CPI tiếp tục giảm, phân tích chỉ ra rằng người dân bi quan về tương lai

Liên quan đến việc M2 của Trung Quốc tăng 12,7% trong tháng Ba, trong khi vật giá CPI lại trượt dốc trong hai tháng liên tiếp, bài báo trên Hong Kong Economic Journal chỉ ra lo ngại rằng điều này có thể phản ánh động lực kinh tế yếu, sức tiêu dùng yếu và dù cho ngân hàng trung ương in tiền thì cũng không thể thúc đẩy giá cả.

Ông Tôn Quốc Tường nói rằng, giả sử dữ liệu do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố là chính xác, nó thực sự có vấn đề.

Ông nói, vì vấn đề xuất khẩu xuất hiện vấn đề nên Trung Quốc Đại lục muốn thúc đẩy nền kinh tế thông qua nhu cầu trong nước, nhưng vấn đề cơ bản nhất hiện nay là người tiêu dùng thiếu niềm tin. Mặc dù lưu thông tiền tệ trên thị trường đã tăng lên, nhưng khi tiền chảy vào túi thì người dân không sẵn sàng tiêu dùng nó.

Ông Tôn Quốc Tường nói, “Cũng có nghĩa là nó đã đi vào một nghịch lý, dù nới lỏng các hạn chế về tiền tệ nhưng lại không có cách nào để tăng sức tiêu dùng”. Điều này phản ánh rằng, người dân Trung Quốc khá dè dặt, thậm chí là bi quan trước triển vọng kinh tế của Trung Quốc trong tương lai.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

‘Mâu thuẫn' đằng sau dữ liệu kinh tế tháng 3 quá tốt của Trung Quốc