Món nợ ‘đẫm máu’ và thế kẹt của Campuchia trong cuộc xung đột Mỹ - Trung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giữa Mỹ và Campuchia vẫn còn một "món nợ lịch sử" chưa được giải quyết: Đó là khoản vay 278 triệu USD từ thời chính quyền Tướng Lon Nol, nay tiền lãi đã vượt quá nợ gốc, tổng cộng cả gốc và lãi đã lên đến gần 700 triệu USD.

Số tiền 278 triệu USD là do chính quyền Lon Nol vay từ chính phủ Mỹ sau khi lật đổ Hoàng thân Sihanouk.

Tuy nhiên, chính quyền Lon Nol của Cộng hòa Khmer đã sụp đổ năm 1975 do nạn tham nhũng, quản trị yếu kém. Khi Khmer Đỏ lên nắm quyền, Mỹ đã liên tục dội bom xuống Campuchia. 4 năm tiếp theo đó là cuộc diệt chủng kéo kinh hoàng mà lịch sử loài người có lẽ không bao giờ quên được.

Campuchia cho rằng Mỹ nên xóa nợ cho Campuchia vì lý do đạo đức, vì Mỹ từng giội bom Campuchia vào đầu thập niên 1970.

Những đồng tiền ‘bẩn thỉu và đẫm máu’?

"Tôi coi khoản nợ của Campuchia với Mỹ dưới thời chính quyền Lon Nol là nợ 'bẩn', vì Campuchia đã bị ép phải mua bom Mỹ rồi giội lên đầu chính người dân Campuchia, gây ra rất nhiều thương vong. Mỗi lần nhớ đến câu chuyện này, tôi đều cảm thấy đau xót cho tất cả người dân Campuchia", Thủ tướng Hun Sen hồi tháng 4 đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden xóa nợ cho Campuchia.

Trong một bài xã luận được đăng tải gần đây, báo Khmer Times cho biết: "Mỹ vẫn đòi Campuchia trả món nợ thời chế độ Lon Nol, như thể 2 triệu tấn bom vẫn là chưa đủ."

Chính quyền Campuchia coi đó là những đồng tiền "bẩn thỉu và đẫm máu", là khoản nợ bất hợp pháp. Nhưng đối với Mỹ, đó chỉ đơn giản là một món nợ mà Campuchia phải trả cho họ trên tư cách là một quốc gia có chủ quyền.

Ngoài ra, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện của Washington coi khoản vay này là dành cho "hàng hóa nông nghiệp" chứ không phải là bom đạn.

Bên cạnh đó, một số quan chức ở Washington cho rằng việc xóa món nợ lịch sử của Campuchia sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho các quốc gia đã từng vay nợ Mỹ, dù Mỹ đã từng xóa một số khoản nợ nước ngoài.

Năm 2008, ông Scot Marciel, khi đó là Phó trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đã lưu ý rằng: "Họ không muốn trả nợ, chứ không phải là không thể".

Thực tế, số tiền 700 triệu USD này cũng chỉ bằng 7% tổng nợ nước ngoài của Campuchia. Đồng thời, trong khi chây ì trả nợ Mỹ thì nước này vẫn tiếp tục trả nợ cho các quốc gia khác. Theo Ngân hàng thế giới, Campuchia hiện đang nợ Trung Quốc 3,9 tỷ USD - tương đương 44% tổng nợ công của nước này - và phần lớn số tiền này đã được Phnom Penh vay Bắc Kinh từ đầu thập niên 2010.

Mỹ sẽ sử dụng khoản nợ này làm ‘đòn bẩy’ ngoại giao?

Đầu tháng 6 vừa qua, khi Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã đến Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen đã đề nghị Mỹ cho Campuchia trả nợ chậm và cắt giảm lãi suất cho vay xuống còn 1%, hoặc chuyển đổi 70% khoản nợ này thành tiền hỗ trợ Campuchia phát triển lĩnh vực giáo dục và y tế.

Điều này có vẻ như là một bước lùi của Campuchia: Thay vì phủ nhận sạch trơn khoản nợ này, giờ họ đã thừa nhận món nợ kếch xù kia và xin được trả chậm.

Có lẽ một phần vì Phnom Penh hiểu rằng: Nếu Mỹ quyết định cứng rắn và nghiêm túc bắt Campuchia trả nợ, thì danh tiếng của Campuchia đối với các tổ chức cho vay quốc tế - bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - có thể bị đe dọa.

Nhưng Mỹ cũng không phải “tay mơ” trong thương thuyết quốc tế vậy, nếu Campuchia muốn được xóa nợ, thì họ phải cho Mỹ một điều gì đó.

Hơn nữa, nếu như Mỹ xóa nợ, thì Campuchia lại tiếp tục bắt tay với Trung Quốc - hẳn là Washington không thích điều này.

Và Mỹ cũng không phải không có lý khi lo ngại như vậy, vì gần đây ông Hun Sen đã tuyên bố: “Không dựa vào Trung Quốc thì dựa vào ai?” khi bị chỉ trích là quá phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Sau chuyến thăm Phnom Penh của bà Sherman, chính phủ Campuchia đã cho phép tùy viên quân sự của Đại sứ quán Mỹ Marcus M Ferrara thăm căn cứ hải quân Ream, nơi các quan chức Mỹ từ năm 2018 đã nghi ngờ rằng căn cứ này có liên quan đến Trung Quốc. Nhưng khi đến nơi, ông Ferrara mới nhận được thông báo chỉ được thăm một phần của căn cứ. Phnom Penh không sai và có quyền làm như vậy, nhưng hành động của họ lại không thể giải trừ mối lo ngại của Mỹ rằng Campuchia có thể đang "che giấu" một bí mật gì đó.

Sau sự việc này, Mỹ đã cắt học bổng quân nhân dành cho học viên Campuchia hiện đang theo học tại các học viện quân sự Mỹ. Ông Arend Zwartjes, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh, nói rằng Campuchia đã mất tư cách tham gia chương trình "sau khi Campuchia cắt giảm hợp tác trong một số lĩnh vực hợp tác quân sự song phương truyền thống". Campuchia đã ngay lập tức “vỗ mặt” Washington, chi ngay 1 triệu USD để các học viên này hoàn thành khóa học, đồng thời kêu gọi các sinh viên muốn đi du học hãy tìm đến các nước khác - theo The Phnom Penh Post đưa tin.

Điều này cho thấy, Phnom Penh không hề nghèo khó, cũng không hề tiết kiệm. Họ cũng không có thái độ cần thiết của kẻ muốn xin người khác xóa nợ cho mình.

Vậy thì, có lẽ lựa chọn của Mỹ trong trường hợp này sẽ là tiếp tục chờ khoản nợ này tăng lên tạo thành vết nhơ khó rửa đối với quốc thể của Campuchia.

Ngọc Minh

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Món nợ ‘đẫm máu’ và thế kẹt của Campuchia trong cuộc xung đột Mỹ - Trung