Một số ứng viên thủ tướng Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ nhật tuần này (16/10) là ngày khai mạc Đại hội 20 của Trung Quốc. Cuộc tranh giành quyền lực ở cấp cao nhất đang đi đến hồi kết và các ứng cử viên cho ban lãnh đạo mới đang thu hút sự chú ý. Một trong số đó là người kế nhiệm chức vị thủ tướng của ông Lý Khắc Cường.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sắp khai mạc vào ngày 16/10. Trong cuộc họp, ĐCSTQ sẽ công bố ban lãnh đạo mới. Hãng truyền thông Mỹ CNBC nói rằng thành phần ban lãnh đạo mới sẽ phản ánh mức ảnh hưởng chính trị của ông Tập Cận Bình và các đồng minh của ông.

Ông Tập, 69 tuổi, được cho là sẽ tiếp tục củng cố quyền lực sau 10 năm làm lãnh đạo cấp cao nhất và sẽ phá lệ với nhiệm kỳ thứ ba tại Đại hội 20. Ngoại giới vẫn đang suy đoán về các vị trí lãnh đạo khác.

CNBC dẫn lời ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao về kinh tế và kinh doanh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: "Nền chính trị của Trung Quốc luôn mờ mịt, và dường như không có ánh sáng nào lọt ra khỏi chiếc hộp đen này".

"Vì vậy, hiện có ít suy đoán hơn hẳn so với những lần chuyển đổi lãnh đạo trước đây", ông cho hay.

Ông nói thêm, "Có một điều châm biếm là các quan chức Trung Quốc thường nói người nước ngoài biết quá ít về Trung Quốc, nhưng một phần của vấn đề là, trên thực tế những thông tin chúng tôi có thể thu thập được là quá ít".

Ông Tập Cận Bình hiện nắm giữ 3 chức vụ chủ chốt: Tổng Bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch nước Trung Quốc. Các chuyên gia dự đoán ông ​​Tập sẽ giữ nguyên hai chức vụ đầu tại Đại hội 20 sắp tới; còn các chức vụ nhà nước như chủ tịch nước và thủ tướng sẽ phải đợi đến mùa xuân năm sau mới được chính thức xác nhận, thường là vào tháng 3, tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc.

Kinh tế: Ai sẽ kế nhiệm ông Lý Khắc Cường?

Một trong những nhân vật được chú ý nhất trong quá trình cải tổ chính trị của ĐCSTQ là Thủ tướng Lý Khắc Cường, 67 tuổi. Ông từng tuyên bố vào tháng 3 năm nay rằng sẽ từ chức thủ tướng khi hết nhiệm kỳ.

Kịch bản 1

Tuy vậy, CNBC đưa tin, các nhà phân tích của JPMorgan cho rằng ông Lý Khắc Cường có thể vẫn ở lại Ban thường vụ Bộ Chính trị.

Mặc dù các chính sách kinh tế cấp cao của ĐCSTQ phần lớn là do các thành viên Bộ Chính trị đề ra, nhưng ông Lý Khắc Cường luôn là người lãnh đạo trong việc thực thi chính sách kinh tế trong nhiệm kỳ thủ tướng của mình.

Trong một thập kỷ qua, ông Lý thường xuyên gặp gỡ các công ty nước ngoài để xúc tiến đầu tư vào Trung Quốc. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, ông đã kiên quyết yêu cầu giảm thuế và phí cho các công ty.

Các nhà phân tích tại JPMorgan chỉ ra rằng, tất cả các thủ tướng của Trung Quốc hiện đại, ngoại trừ người thứ nhất, đều từng là phó thủ tướng. Các phó thủ tướng hiện tại của ĐCSTQ là ông Hàn Chính, ông Hồ Xuân Hoa, ông Lưu Hạc và bà Tôn Xuân Lan.

Các phó thủ tướng hiện tại của ĐCSTQ, lần lượt từ trái sang là ông Hàn Chính, ông Hồ Xuân Hoa, ông Lưu Hạc và bà Tôn Xuân Lan. (Getty Images)

Kịch bản 2

Ông Lý Thành (Cheng Li), Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton của Viện Brookings, cho biết tại một sự kiện hôm 4/10 rằng, bất cứ ai trở thành thủ tướng cũng sẽ cho thấy ưu tiên hàng đầu của ông Tập Cận Bình hoặc những cân nhắc về chính trị và chính sách của ông ấy.

Ông Lý Thành đã nêu bốn cái tên có cơ hội kế nhiệm ông Lý Khắc Cường làm thủ tướng:

  • Hàn Chính: hiện là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Theo ông Lý, nếu ông Hàn trở thành thủ tướng sẽ phản ánh "tính liên tục của chính sách".
  • Hồ Xuân Hoa: ông này có quan hệ mật thiết với ông Hồ Cẩm Đào – người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình, là đại tướng của phe Hồ. Ông Lý nói rằng, việc Hồ Xuân Hoa được thăng chức tương đương với việc ông Tập bổ nhiệm người ngoài phe mình, sẽ là mốc đánh dấu "sự đoàn kết của các lãnh đạo".
  • Lưu Hạc: ông Lưu theo học trường Harvard Kennedy vào những năm 1990. Trong những năm gần đây, ông đã dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ và đã nói chuyện nhiều lần với bà Janet Yellen – Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ đương nhiệm. Ông Lý Thành nói, nếu ông Lưu trở thành thủ tướng, đó sẽ là vì "độ nổi tiếng trên quốc tế” của ông ấy.
  • Uông Dương: ông Uông là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và từng là phó thủ tướng từ năm 2013-2018. Ông Lý Thành nói rằng, ông Uông nổi tiếng vì chủ trương theo định hướng thị trường, việc chọn ông Uông làm thủ tướng sẽ phản ánh "những thay đổi chính sách dữ dội".
Ông Uông Dương. (Lintao Zhang/Getty Images)

Kịch bản 3

Các nhà phân tích tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á (ASPI) lại đưa ra một kịch bản khác. Đó là Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường, người ủng hộ trung thành của ông Tập, có thể trở thành thủ tướng.

Các nhà phân tích ASPI cũng nêu tên các đồng minh trung thành khác của ông Tập Cận Bình, bao gồm:

  • Đinh Tiết Tường: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ. Báo cáo của ASPI cho biết, ông Đinh "về cơ bản là trợ tá trưởng của ông Tập và cũng phụ trách an toàn cá nhân cho ông Tập, có nghĩa ông ta là một trong những người được ông Tập tín nhiệm nhất”.
  • Trần Mẫn Nhĩ: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Ông Trần là đồng minh thân cận của ông Tập Cận Bình và có thể được đề bạt vào Ban Thường vụ.
  • Hoàng Khôn Minh: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ. Ông Hoàng từng hợp tác chặt chẽ với ông Tập khi công tác ở hai tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang.
Từ trái sang: ông Lý Cường, ông Đinh Tiết Tường, ông Trần Mẫn Nhĩ, ông Hoàng Khôn Minh. (Ảnh 1 và 3: Getty Images; Ảnh 2: Public Domain; Ảnh 4: Wikimedia/CC BY-SA 2.0)

Ngoại giao: Ai sẽ là nhà ngoại giao cấp cao nhất của ĐCSTQ?

Trong thể chế của ĐCSTQ, chức quan ngoại giao cao nhất không phải là Bộ trưởng Ngoại giao, mà là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương ĐCSTQ. Các nhà quan sát cũng đang theo dõi vị trí nhân sự này.

Ngoại giới cho rằng, ông Dương Khiết Trì, 72 tuổi, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương, sẽ nghỉ hưu.

Ông Neil Thomas, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc tại Eurasia Group, cho biết trong một bản báo cáo rằng, ông Lưu Kết Nhất "dường như là người có nhiều khả năng nhất để kế nhiệm ông Dương Khiết Trì làm Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương".

Ông Lưu Kết Nhất là Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Đài Loan (Taiwan Affairs Office) thuộc Quốc vụ viện ĐCSTQ, từng là Đại diện thường trực của ĐCSTQ tại Liên Hợp Quốc. Ông Thomas nói rằng việc đề bạt Lưu Kết Nhất "báo hiệu rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường tập trung ngoại giao vào việc cải cách quản trị toàn cầu và ngăn chặn ‘Đài Loan độc lập'”.

Eurasia Group cho biết trong một báo cáo, ông Lưu Kết Nhất, 64 tuổi, hiện là nhà ngoại giao cấp cao nhất chưa có dấu hiệu sẽ nghỉ hưu; đồng thời chỉ ra "tin đồn" rằng Ngoại trưởng Vương Nghị có thể kế nhiệm ông Dương Khiết Trì làm quan ngoại giao cấp cao nhất. Nhưng ông Vương Nghị đã bước sang tuổi 69 vào tháng 10 này.

Từ trái sang: ông Dương Khiết Trì, ông Lưu Kết Nhất, ông Vương Nghị. (Ảnh 1 và 3: Getty Images; Ảnh 2: Wikimedi/CC BY 2.0)

ĐCSTQ có một quy tắc nghỉ hưu bất thành văn là "bảy lên tám xuống", tức là những người đến 68 tuổi phải rời nhiệm sở, những người 67 tuổi vẫn có thể tại vị. Nhưng ông Tập, 69 tuổi, được cho là sẽ phá vỡ quy tắc này và tiếp tục nhiệm kỳ ba, nhưng có thể vẫn áp đặt hạn chế này đối với những người khác.

Trong một bài bình luận đăng hồi tháng 9, Giáo sư Tony Saich của Trường Harvard Kennedy nói rằng, “Nếu ông Vương Nghị thay thế ông Dương Khiết Trì trong Bộ Chính trị và trở thành quan giám sát chính sách đối ngoại cấp cao nhất (của ĐCSTQ), dự đoán các chính sách đối ngoại cứng rắn hơn sẽ tiếp tục được áp dụng”.

Đông Phương

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Một số ứng viên thủ tướng Trung Quốc