Mỹ buộc tội 7 người cưỡng ép cư dân Mỹ trở về Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 20/10, 7 cá nhân - gồm 2 cư dân New York - đã bị Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội giúp Bắc Kinh sách nhiễu, cưỡng ép một nhà bất đồng chính kiến ​​đang sống tại Hoa Kỳ phải trở về Trung Quốc.

Ông An Quanzhong (55 tuổi) và con gái của ông là bà An Guangyang (34 tuổi), sống ở làng Roslyn, New York, đã bị bắt vào sáng ngày 20/10. Họ phải trình diện trước Tòa án Quận Đông của New York trong một phiên điều trần luận tội vào buổi chiều, theo thông tin từ Bộ Tư pháp Mỹ. Năm bị cáo còn lại đều đang tự do ở Trung Quốc; và Washington không có hiệp ước dẫn độ với Bắc Kinh.

6 trong số các bị cáo bị buộc tội làm đặc vụ bất hợp pháp cho Trung Quốc.

Các bị cáo bị cáo buộc đã làm việc theo lệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi cưỡng ép một công dân Trung Quốc đang sống ở Hoa Kỳ trở về nước theo cách bất hợp pháp, theo bản cáo trạng được công bố ngày 20/10.

Bị cáo đứng đầu nhóm, ông An Quanzhong, bị cáo buộc đã hành động theo lệnh trực tiếp từ nhiều quan chức ĐCSTQ để tiến hành giám sát công dân Trung Quốc. Ông An đã tham gia vào chuỗi hoạt động quấy rối và ép buộc người này trở về Trung Quốc - một phần của nỗ lực phi pháp được gọi là “Chiến dịch Săn Cáo”.

Ông Breon Peace - Chưởng lý Mỹ của Quận Đông New York - nói trong bản cáo trạng: “Như đã cáo buộc, các bị cáo đã tham gia vào một hoạt động thực thi pháp luật đơn phương và không phối hợp với Mỹ trên đất Mỹ, dưới danh nghĩa chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; hoạt động này có mục đích khiến một người đang sống tại Mỹ buộc phải hồi hương về Trung Quốc”.

“Hoa Kỳ sẽ kiên quyết chống lại những vi phạm như thế này đối với chủ quyền quốc gia, đồng thời sẽ truy tố những cá nhân hoạt động như những đặc vụ bất hợp pháp của các quốc gia nước ngoài”.

Chiến dịch Săn Cáo là một nỗ lực quy mô lớn của ĐCSTQ nhằm xác định vị trí và ép buộc những người đào tẩu và bất đồng chính kiến ​​đã rời Trung Quốc phải hồi hương. Bắc Kinh thường xuyên sử dụng các biện pháp phi pháp, bao gồm sách nhiễu và giam giữ các thành viên trong gia đình, với mục đích cưỡng chế những người này trở về Trung Quốc - nơi họ phải đối mặt với trừng phạt.

Các hành động của ĐCSTQ được thực hiện đơn phương, thường là bất hợp pháp và không có bất kỳ sự liên lạc hay hỗ trợ nào từ chính phủ Mỹ.

Một đại diện FBI liên quan đến vụ án cho biết các mục tiêu gần đây nhất của Chiến dịch Săn Cáo đã trốn chạy khỏi sự đàn áp của ĐCSTQ.

“Các nạn nhân trong vụ án này đã tìm cách chạy trốn khỏi một chính phủ độc tài, bỏ lại cuộc sống và gia đình của họ, với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở đây”, Trợ lý Giám đốc FBI Michael Driscoll cho biết trong một tuyên bố.

“Chính ĐCSTQ đã cử các đặc vụ đến Hoa Kỳ để quấy rối, đe dọa và buộc họ trở lại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Những hành động này là bất hợp pháp; FBI sẽ không cho phép các địch thủ của Mỹ vi phạm pháp luật vốn được thiết kế để bảo vệ quốc gia và sự tự do của chúng tôi”.

Bản cáo trạng nói rằng ít nhất là từ năm 2017 và vào đầu những năm 2020, ĐCSTQ đã tiến xa đến mức đưa một người thân của các nạn nhân đến Mỹ để đích thân truyền đạt những lời đe dọa của Bắc Kinh.

Năm 2018, hai trong số các bị cáo đã bay từ Trung Quốc đến thành phố New York để theo dõi nạn nhân, các công tố viên cho biết. Video giám sát ghi lại được cảnh họ nhìn qua cửa sổ, kiểm tra thư từ và cố gắng vào nhà của nạn nhân, Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ.

Ông An Quanzhong bị cáo buộc đã nói với các nạn nhân rằng ĐCSTQ sẽ “tiếp tục quấy rầy bạn [và] khiến cuộc sống thường ngày của bạn trở nên khổ sở” và rằng “tất cả người thân của bạn chắc chắn sẽ bị kéo vào”, theo cáo trạng.

Ông An Quanzhong cũng đã thực hiện vài vụ kiện nhỏ, hoàn toàn tào lao đối với nạn nhân ở New York - đây là một phần trong nỗ lực của ĐCSTQ nhằm khiến cuộc sống của nạn nhân trở nên khốn khổ, qua đó buộc họ phải trở về Trung Quốc, theo cáo trạng. Trong một cuộc trò chuyện được ghi âm lại, ông An Quanzhong nói rõ ràng với nạn nhân rằng các vụ kiện mà ông ta khởi kiện là tào lao và ĐCSTQ có thể chi 1 tỷ USD để quấy rối họ, khiến họ hồi hương.

Cáo trạng cũng cáo buộc ông An Quanzhong và bà An Guangyang đã tham gia một âm mưu rửa tiền. Các công tố viên cáo buộc rằng kế hoạch này đã sử dụng một khách sạn ở Queens, New York, để rửa hàng triệu USD từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ nhằm tài trợ cho các hoạt động bất hợp pháp của ĐCSTQ.

Tội hoạt động như một đặc vụ của ĐCSTQ phải chịu mức án tối đa là 10 năm tù. Tội âm mưu rửa tiền có mức án tối đa là 20 năm tù. Các tội danh còn lại, bao gồm hành vi theo dõi người xuyên quốc gia, chịu mức án tối đa là 5 năm tù.

Xuân Hoa

Theo Andrew Thornebrooke - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ buộc tội 7 người cưỡng ép cư dân Mỹ trở về Trung Quốc