NASA chúc mừng Ấn Độ trở thành nước đầu tiên đến được cực nam Mặt trăng, Nga và Trung Quốc giữ im lặng

Giúp NTDVN sửa lỗi

NASA chúc mừng Ấn Độ đã làm nên lịch sử sau khi trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu thám hiểm hạ cánh thành công tại cực nam Mặt trăng, trong khi Nga và Trung Quốc giữ im lặng, theo Daily Mail.

Ấn Độ đã đạt được điều mà những quốc gia khác thất bại - Nga đã cố gắng thực hiện một kỳ tích tương tự trước đó một tuần, nhưng tàu vũ trụ của nước này đã đâm vào bề mặt Mặt trăng, còn NASA và Trung Quốc thì phải mất vài năm nữa.

Tàu Chandrayann-3 của quốc gia Đông Nam Á đã thực hiện một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng xuống cực nam Mặt trăng vào lúc 19:34 tối thứ Tư ngày 23/8/2023 theo giờ Việt Nam, trong tiếng reo hò và vỗ tay của các nhà khoa học vũ trụ ở thành phố Bengaluru phía nam Ấn Độ.

Con tàu, có nghĩa là “tàu Mặt trăng” trong tiếng Hindi và tiếng Phạn, đã hạ cánh xuống cực nam Mặt trăng. Điều ngày giúp Ấn Độ vượt qua Mỹ, Trung Quốc và Nga để trở thành quốc gia đầu tiên đến được khu vực chưa được lập bản đồ trên vệ tinh của Trái đất. Cực nam Mặt trăng là vùng lãnh thổ chưa được khám phá mà các nhà khoa học tin rằng có thể chứa trữ lượng nước đóng băng quan trọng và các nguyên tố quý giá.

Sứ mệnh thành công của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đánh dấu sự nổi lên của quốc gia đông dân nhất thế giới như một cường quốc vũ trụ khi chính phủ nước này tìm cách thúc đẩy đầu tư cho các vụ phóng vào không gian của tư nhân và các hoạt động kinh doanh dựa trên vệ tinh có liên quan.

Chandrayaan-3 dự kiến ​​​​sẽ duy trì hoạt động trong hai tuần, thực hiện một loạt thí nghiệm, bao gồm phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất của bề mặt Mặt trăng để xác định xem tại đó có nước đóng băng hay không.

IRSO cho biết trong một tuyên bố trước đó: “Việc khám phá không gian của Ấn Độ đạt đến một cột mốc đáng chú ý với Sứ mệnh Chandrayaan-3 sắp đạt được một vụ hạ cánh nhẹ nhàng trên bề mặt Mặt trăng. Thành tựu này đánh dấu một bước tiến đáng kể đối với Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Công nghiệp Ấn Độ, tượng trưng cho sự tiến bộ của quốc gia chúng tôi trong việc khám phá không gian”.

Ấn Độ đã cố gắng hạ cánh lên Mặt trăng bốn năm trước bằng tàu đổ bộ Chandrayaan 2. Nhưng do một lỗi phần mềm, tàu vũ trụ đã đâm vào bề mặt Mặt trăng, làm hỏng cả tàu đổ bộ và tàu thăm dò.

Nỗ lực thứ hai của Ấn Độ, thành công hơn, diễn ra chưa đầy một tuần sau khi sứ mệnh Luna-25 của Nga thất bại trong việc hạ cánh xuống cực nam Mặt trăng.

Chương trình Artemis của NASA nhằm mục đích đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng và dự định sẽ hạ cánh sứ mệnh Artemis III ở vùng cực nam vào năm 2025. Và Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một tiền đồn Mặt trăng trong khu vực này vào một thời điểm nào đó.

Carla Filotico, đối tác và giám đốc điều hành của công ty tư vấn SpaceTec Partners, cho biết: “Việc hạ cánh xuống cực nam (của Mặt trăng) thực sự sẽ cho phép Ấn Độ khám phá xem có nước đóng băng trên Mặt trăng hay không. Và điều này rất quan trọng đối với dữ liệu tích lũy và khoa học về địa chất của Mặt trăng”.

Filotico nói thêm: “Với sự thúc đẩy của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã có các lần phóng tàu vũ trụ vào không gian và đang tìm cách mở cửa lĩnh vực này cho đầu tư nước ngoài vì nước này đặt mục tiêu tăng gấp 5 lần thị phần của mình trên thị trường phóng toàn cầu trong thập kỷ tới”.

Trong buổi phát trực tiếp, người ta nhìn thấy ông Modi vào phòng điều khiển của ISRO, mỉm cười và vẫy cờ Ấn Độ khi Chandrayaan-3 hạ cánh.

Tiến sĩ Ian Whittaker, chuyên gia vật lý vũ trụ tại Đại học Nottingham Trent, cho biết: “Cuộc hạ cánh thành công có nghĩa là tàu thám hiểm và trạm sẽ cung cấp cho chúng ta khả năng xác định chính xác hơn về thành phần lớp vỏ Mặt trăng. Đặc biệt là xung quanh cực nam Mặt trăng, địa điểm được đề xuất xây dựng một căn cứ trên Mặt trăng do khả năng có ánh sáng Mặt trời liên tục để cung cấp năng lượng. Các thiết bị trên tàu thăm dò sẽ hữu ích nếu chúng ta muốn xây dựng các công trình bằng vật liệu địa phương”.

Whittaker nói thêm: “Học sinh Ấn Độ đã xem ​​cuộc đổ bộ trong các trường học. Nó thực sự cho thấy ​​cách khoa học hoạt động và sẽ truyền cảm hứng cho một thế hệ các nhà khoa học và nghiên cứu vũ trụ mới”.

Sứ mệnh này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với Ấn Độ, quốc gia từng được coi là thuộc thế giới thứ ba nhưng hiện đang phát triển để trở thành một cường quốc công nghiệp.

Ấn Độ được coi là “đối tác quốc phòng lớn” của Mỹ và đã nhận được hàng tỷ USD viện trợ an ninh của Mỹ. Trong 20 năm qua, viện trợ nước ngoài của Mỹ cho Ấn Độ đã vượt quá 2,8 tỷ USD, trong đó có hơn 1,4 tỷ USD dành cho chăm sóc sức khỏe.

Cuộc đổ bộ đã gây một cơn sốt tại Ấn Độ, với các tiêu đề biểu ngữ trên các tờ báo và kênh tin tức của nước này chạy đếm ngược đến lúc hạ cánh. Trẻ em tụ tập bên bờ sông Ganga, nơi được người theo đạo Hindu coi là thánh địa, để cầu nguyện cho một cuộc hạ cánh an toàn, và các nhà thờ Hồi giáo ở một số nơi cũng tổ chức cầu nguyện.

Tại một ngôi đền của đạo Sikh, được gọi là gurduwara, ở thủ đô New Delhi, Bộ trưởng Dầu khí Hardeep Singh Puri cũng cầu nguyện cho Chandrayaan.

Puri nói với các phóng viên: “Không chỉ kinh tế, mà Ấn Độ cũng đang đạt được tiến bộ trong khoa học và công nghệ”.

Theo Daily Mail

Văn Thiện biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

NASA chúc mừng Ấn Độ trở thành nước đầu tiên đến được cực nam Mặt trăng, Nga và Trung Quốc giữ im lặng