Người trẻ tuổi Trung Quốc khát việc làm, ghét đại dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tỷ lệ thất nghiệp trong những người trẻ tuổi tại Trung Quốc đang tăng cao, giữa lúc kinh tế Trung Quốc suy giảm do Covid-19 và các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt. Bất ổn xuất hiện trong nhiều ngành công nghiệp. Sinh viên mới tốt nghiệp có xu hướng tìm kiếm sự ổn định trong khu vực nhà nước và tỏ ra chán ghét đại dịch vì đã gây ra khó khăn cho họ.

Khát việc làm

Cô Liu Qian, vốn đang tìm việc tại Trung Quốc khi mới đạt được bằng thạc sĩ, cho biết hai nhà tuyển dụng đã phỏng vấn cô và sau đó nói rằng các vị trí đã bị hủy. Những người khác đề nghị cô nhận mức lương thấp hơn.

Cô Liu là một trong số 11 triệu sinh viên mới tốt nghiệp tại Trung Quốc đang khao khát có việc làm trong một thị trường việc làm ảm đạm. Các biện pháp kiểm soát virus của chính quyền buộc các nhà máy, nhà hàng và các nhà tuyển dụng khác phải đóng cửa. Những công ty còn tồn tại đang cắt giảm việc làm và tiền lương.

"Tôi không xứng đáng ư?", cô Liu đặt câu hỏi. “Ngay từ khi tôi bắt đầu tìm việc, tôi đã cảm thấy như thể tương lai của mình bị một cỗ máy phá nát, và tôi không biết liệu mình có thể ghép các mảnh lại với nhau hay không”.

Cô Liu, 26 tuổi, cho biết một số nhà tuyển dụng đã lùi bước khi cô yêu cầu mức lương hàng tháng là 8.000 nhân CNY (nhân dân tệ), tương đương 1.200 USD. Theo Liepin, một nền tảng tìm việc làm, sinh viên mới tốt nghiệp năm ngoái tại Trung Quốc trung bình được trả tương đương 9.800 CNY (1.500 USD) mỗi tháng.

Theo Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc và Zhaopin.com, một trang web tìm việc làm khác, có gần hai sinh viên tốt nghiệp cạnh tranh cho mọi vị trí công việc đăng tuyển trong ba tháng tính đến tháng 6, tăng so với mức 1,4 vào quý trước.

Tình trạng khát việc làm của Trung Quốc phản ánh khó khăn của những người trẻ tuổi trên toàn thế giới để tìm việc làm trong các nền kinh tế gặp khủng hoảng. Nhưng điều này đặc biệt nhạy cảm về mặt chính trị trong năm mà nhà lãnh đạo của Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ cố gắng kéo dài thời gian nắm quyền của mình.

May mắn thay, một nhà xuất bản đã thuê cô Liu vào cuối tháng 7, hai tháng sau khi cô tốt nghiệp.

Kinh tế suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp trong người trẻ tăng cao

Tỷ lệ thất nghiệp chính thức tại Trung Quốc trong tháng 6 đối với những người từ 16 đến 24 tuổi là gần 20%, so với mức 5,5% tính trên mọi lứa tuổi. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên một khi những sinh viên vừa mới tốt nghiệp được tính đến.

Người trẻ tuổi Trung Quốc khát việc làm, ghét đại dịch
Sinh viên tham dự buổi lễ tốt nghiệp tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung vào ngày 22/06/2022 ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Thủ tướng Lý Khắc Cường, quan chức kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, phát biểu vào tháng 3 rằng, các nhà chức trách hy vọng sẽ tạo ra 13 triệu việc làm mới trong năm nay nhưng không nói rõ có thể sẽ mất bao nhiêu việc làm do các công ty đóng cửa. Ông Lý cho biết ​​có 16 triệu người được dự kiến đang tìm việc làm.

Ông Lý đã hứa hẹn về "các chính sách hỗ trợ việc làm" bao gồm cắt giảm thuế và phí với tổng trị giá 2,5 nghìn tỷ CNY (400 tỷ USD) cho người sử dụng lao động.

Theo Liepin, một phần ba các công ty được khảo sát trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 vừa qua cho biết họ có kế hoạch thuê ít sinh viên mới tốt nghiệp hơn. Liepin cho biết 27%, hầu hết thuộc sở hữu nhà nước, sẽ thuê nhiều hơn và 18% không có kế hoạch thay đổi hướng đi.

Cách tiếp cận khắc nghiệt bất thường của chính quyền Trung Quốc đối với COVID-19 đã giữ cho con số lây nhiễm chính thức ở mức thấp, nhưng các thiệt hại đang tăng vọt.

Nền kinh tế Trung Quốc đã suy giảm trong ba tháng kết thúc vào tháng 6 so với quý trước do hoạt động của nhà máy và chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ngừng nói về việc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức 5,5% trong năm nay.

Ông Zhang Chenggang thuộc Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô cho biết, các đợt phong tỏa lặp lại, mỗi đợt khiến các nhà máy và văn phòng ở Thượng Hải và các trung tâm công nghiệp khác đóng cửa trong nhiều tuần, đã làm gián đoạn thị trường lao động thông thường.

Các công ty đang “cắt giảm nhu cầu tuyển dụng” do “tư duy sinh tồn”, ông Zhang nói.

“Trong tương lai, chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức của công nghệ", ông nói. “Sự bất ổn trên thị trường lao động thậm chí có thể tăng lên. Vì vậy, đối với sinh viên đại học, điều quan trọng nhất là khả năng thích ứng”.

Bất ổn về việc làm trong nhiều ngành công nghiệp

Sự bất ổn xuất hiện trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau tại Trung Quốc. Các công ty Internet đang cắt giảm việc làm sau khi ĐCSTQ thắt chặt kiểm soát bằng cách tiến hành các cuộc điều tra bảo mật dữ liệu và chống độc quyền. Bất động sản đang lao dốc sau khi các cơ quan quản lý thắt chặt việc vay nợ.

Người trẻ tuổi Trung Quốc khát việc làm, ghét đại dịch
Một người đàn ông đeo khẩu trang khi đi qua khu nhà Changqing Evergrande vào ngày 24/09/2021 tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Cô Tao Yinxue, sinh viên tốt nghiệp năm 2021, đã rời bỏ kỳ thực tập trong một học viện giáo dục trước khi tốt nghiệp, lo lắng về cuộc đàn áp đối với ngành công nghiệp này, điều đã xóa sổ hàng chục nghìn việc làm.

Vào tháng 4, cô đã nghỉ việc tại một công ty tài chính khi nhận ra rằng công ty này đang quảng cáo tiền ảo, thứ “thực ra không hợp pháp ở đất nước chúng tôi”.

Tìm kiếm sự ổn định từ khu vực công

“Các sinh viên có xu hướng tìm kiếm sự ổn định”, ông Xing Zhenkai, một nhà nghiên cứu của Liepin cho biết.

Ông Xing cho biết, hai trong số năm sinh viên tốt nghiệp được khảo sát tại Trung Quốc muốn làm việc cho các doanh nghiệp nhà nước, vốn được coi là an toàn hơn và được ủng hộ bởi ĐCSTQ.

Cô Tao đang chuẩn bị cho kỳ thi công chức tỉnh An Huy, phía tây Thượng Hải, đồng thời cũng tìm kiếm các công việc khác. Cô đã gửi hơn 120 hồ sơ xin việc và liên hệ trực tuyến với gần 2.000 nhà tuyển dụng.

Với ít vị trí đăng tuyển hơn và nhiều người tìm việc hơn, “các công ty có thể kén chọn hơn”, cô Tao nói. "Họ muốn những người có kinh nghiệm hơn là một người thiếu kinh nghiệm như tôi".

Các sinh viên tốt nghiệp khác đang trì hoãn công việc, lựa chọn ở lại trường học hoặc tham gia các bài thi tuyển nhân sự của nhà nước. Khu vực công thường trả ít tiền hơn khu vực tư nhân nhưng đem lại sự ổn định và địa vị xã hội cao hơn, ông Zhang nói.

Sự chán nản đối với việc cạnh tranh gay gắt cho các công việc cho nhà nước đã bùng nổ thành làn sóng phản đối kịch liệt trên mạng khi ngôi sao nhạc pop Jackson Yee, còn được gọi là Yi Yangqianxi, xuất hiện trong danh sách rút gọn các ứng cử viên biểu diễn tại Nhà hát Quốc gia Trung Quốc.

Công chúng Trung Quốc trên phương tiện truyền thông mạng xã hội, bao gồm cả người hâm mộ của anh Yee, đã đặt câu hỏi liệu anh ta có lạm dụng đặc quyền người nổi tiếng của mình trong quá trình tuyển dụng để có được một vị trí chỉ mang tính là một phần thưởng cho anh ta nhưng sẽ khiến các ứng cử viên khác phải thực sự nghỉ việc hay không.

Anh Yee phủ nhận việc được đối xử đặc biệt nhưng tuyên bố sẽ từ bỏ vị trí này.

Ghét đại dịch mãi mãi

Các biện pháp kiểm soát chống virus đã đóng cửa các hội chợ việc làm trực tiếp và hoãn các kỳ thi công chức, những sự kiện mang tới việc làm cho hàng trăm nghìn người mỗi năm tại Trung Quốc.

Cô Fang Zhiyou, một sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán ở tỉnh Hồ Bắc, nằm ở khu vực trung tâm Trung Quốc, cho biết việc hoãn kỳ thi công chức từ tháng 3 đến tháng 7 đã làm gián đoạn quá trình tìm việc của cô. Cô ấy đang chờ đợi để biết kết quả.

“Nếu không phải vì đại dịch, kỳ thi của tôi đã không bị trì hoãn và tôi đã không phải vật lộn lâu như vậy”, cô Fang nói. "Tôi ghét đại dịch này mãi mãi".

Cô Fang muốn làm việc cho chính quyền nhưng cho biết cô có thể chấp nhận làm kế toán cho một nhà sản xuất.

Số lượng sinh viên tốt nghiệp đã tăng mạnh kể từ năm 2019. Dự kiến ​​sẽ có nhiều người tìm việc tham gia thị trường lao động hơn trong những năm tới.

“Nếu tôi không có việc làm trong năm nay, chắc chắn năm sau sẽ khó khăn hơn”, cô Fang nói.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Người trẻ tuổi Trung Quốc khát việc làm, ghét đại dịch