Nhẫn nhục không tranh cãi, tri túc dũng cảm lui

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lý Tĩnh vốn là bề tôi nhà Tùy, Đường Cao Tổ Lý Uyên khi dấy binh ở Thái Nguyên đã bắt sống được Lý Tĩnh, và muốn giết đi. Đường Thái Tông yêu quý tài của Lý Tĩnh nên ra sức cứu, nên ông được xá tội. Lý Tĩnh là nhà quân sự trứ danh văn võ song toàn của triều Đường, được ca ngợi là Thần quân sự của Đại Đường. Sau này ông được phong làm Vệ Quốc Công, người đời gọi ông là Lý Vệ Công.

Văn võ song toàn

Lý Tĩnh (571 - 649), tự Dược Sư, người Tam Nguyên, Hán Ung (nay là huyện Tam Nguyên, Thiểm Tây). Ông là tướng lĩnh vào cuối triều Tùy, đầu triều Đường, xuất thân gia đình thế gia nhiều đời làm quan. Ông cũng là nhà quân sự nổi tiếng văn võ song toàn, được ca ngợi là Thần quân sự Đại Đường. Sau này ông được phong làm Vệ Quốc Công, thế nhân gọi ông là Lý Vệ Công.

Ông nội Lý Tĩnh là Lý Sùng Nghĩa, đảm nhiệm Thứ sử Ân Châu thời Bắc Ngụy. Phụ thân của ông là Lý Thuyên, làm Thái thú quận Triệu, triều Tùy. Anh trai là Lý Đoan và người cậu là Hàn Cầm Hổ đều là danh tướng triều Tùy.

Lý Tĩnh từ nhỏ đã đọc nhiều sách, đặc biệt thích binh pháp. Ông giỏi dùng binh, sở trường mưu lược, và đã viết nhiều sách binh thư như “Lý Tĩnh lục quân kính”, đại bộ phận đều đã thất truyền. Người đời sau thu thập biên tập thành sách “Đường Thái Tông Lý Vệ Công vấn đối”, đến thời Bắc Tống được đưa vào sách “Vũ kinh thất thư”, là một trước tác tiêu biểu của binh gia cổ đại.

Lý Tĩnh vốn là bề tôi triều Tùy. Khi Đường Cao Tổ Lý Uyên dấy binh ở Thái Nguyên, đã bắt sống được Lý Tĩnh, và muốn giết đi. Đường Thái Tông yêu thích tài năng của Lý Tĩnh nên dốc sức cứu giúp, nên ông được xá tội. Sau khi chấp chính, Đường Thái Tông trọng dụng Lý Tĩnh. Lý tĨnh cũng dốc tâm báo đáp, dẹp yên biên thùy, khiến Đột Quyết và Thổ Dục Hồn thần phục, lập công cái thế.

Lý Tĩnh không chỉ có những chiến công vĩ đại như dẹp yên Lĩnh Nam, bình định Giang Nam, diệt Đột Quyết, thu phục Thổ Dục Hồn, hơn nữa về đạo làm người, làm tướng, làm soái, làm quan, ông đã thể hiện ra ưu điểm của văn hóa truyền thống.

Về quân sự, lục chiến, thủy chiến, trận chiến, kỵ binh chiến, sa mạc chiến, ông đều có sáng tạo, đều có chiến công. Về chính trị, ông không kết bè phái, dốc sức hợp tác, giỏi tiến thoái, lại chăm lo quan tâm dân tình. Ông làm cho quân đội tinh nhuệ, đơn giản chính sự, phát triển thương mại, cung cấp cho Lý Thế Dân rất nhiều đề xuất để khai mở ra thời thịnh thế.

Chân dung Lý Tĩnh. (Wikipedia)

Năm Thượng Nguyên thứ nhất triều Đường (năm 760), Đường Túc Tông đưa Lý Tĩnh vào danh sách 1 trong 10 đại danh tướng trong lịch sử, đồng thời được thờ trong miếu Vũ Thành Vương (tức Khương Thái Công). Ông văn võ song toàn, ra ngoài làm tướng quân, vào triều làm tể tướng, lập chiến công hiển hách thống nhất và củng cố triều Đường. Đệ tử của ông là Tô Định Phương, đồ tôn của ông là Bùi Hành Kiệm, đã kế thừa y bát của ông, 3 đại danh tướng này đã tạo ra một thần thoại quân sự bách chiến bách thắng trong lịch sử Trung Quốc cổ đại. Đường Thái Tông đã từng đánh giá ông rất cao rằng: “Thượng thư Bộc xạ Đại Quốc Công Lý Tĩnh có kiến thức và khí độ mênh mang, phong độ khiêm nhường, sớm tối dốc lòng trung, công lao chiến tích khắp biên thùy, Nam bình định Kinh Dương, Bắc dẹp yên Sa Tái, khiến uy triều đình vang xa, thành tựu sự nghiệp”.

Xuất kỳ chế thắng tiêu diệt Đông Đột Quyết

Tháng Giêng năm Trinh Quán thứ 4, gió bắc căm căm, Lý Tĩnh dẫn 3000 kỵ binh tinh nhuệ, không quản giá rét, xuất phát từ Mã Ấp (huyện Sóc Tây Sơn ngày nay), tiến về phía núi Ác Dương Lĩnh. Hiệt Lợi Khả Hãn của Đông Đột Quyết không thể nào ngờ rằng, quân đội nhà Đường lại đột ngột xuất hiện, quân tướng nhìn nhau, ai nấy đều kinh hoàng thất sắc. Họ nhận định rằng: Nếu quân nhà Đường không dốc hết binh lực quốc gia tấn công, thì Lý Tĩnh quyết không thể một cánh quân nhỏ thâm nhập sâu, thế là họ “trong 1 ngày bị mấy lần kinh hoàng”.

Lý Tĩnh thám thính được tin tức này, mật lệnh cho gián điệp ly gián những người tâm phúc của Hiệt Lợi Khả Hãn, thân tín của Khả Hãn là Khang Tô Mật đến đầu hàng. Lý Tĩnh lập tức tấn công Định Tương, được màn đêm yểm hộ, đã tấn công vào trong thành, bắt được con trai của Tùy Tề Vương là Dương Chính Đạo và Tiêu Hoàng hậu của Tùy Dạng Đế. Hiệt Lợi Khả Hãn cuống cuồng chạy trốn về phía Thích Khẩu (phía tây nam Nhị Liên Hạo Đặc, Nội Mông ngày nay).

Lý Tĩnh sau khi lập được chiến công này, được phong làm Đại Quốc Công, được ban thưởng 600 tấm lụa, ngựa tốt, và đồ châu báu. Đường Thái Tông vui mừng nói với các đại thần rằng: “Lý Lăng với 5000 quân bình định vùng Sa mạc, hàng phục Hung Nô, công này còn phải được ghi chép trong sử sách. Với 3000 quân, Lý Tĩnh bắt sống triều đình Đông Đột Quyết, lấy được Định Tương, xưa nay chưa từng có, đủ rửa sạch nỗi nhục Vị Thủy của ta rồi”.

(Chú thích: Sau sự kiện Huyền Vũ môn, Lý Thế Dân liên minh với hai Khả Hán Hiệt Lợi và Đột Lợi của Đông Đột Quyết, đến khi Lý Thế Dân mới lên ngôi thì hai Khả Hãn này tiến đánh nhà Đường, khiến Lý Thế Dân phải vét hết của cải trong kho trao cho họ để họ rút quân. Đó chính là nỗi nhục Vị Thủy).

Khả Hãn Hiệt Lợi trong hoàn cảnh sơn cùng thủy tận, thế là sai Chấp Thất Tư Lực vào triều Đường nhận tội, thỉnh cầu xin làm nội thuộc, và nguyện ý vào chầu. Thực ra, trong tâm ông ta vẫn còn do dự chưa quyết, ý muốn kéo dài thời gian, đợi đến khi có điều kiện sẽ trốn chạy về sa mạc, và làm lại sự nghiệp. Đường Thái Tông sai Hồng Lư Khanh, Đường Kiệm đến phủ dụ, và chiếu mệnh cho Lý Tĩnh dẫn quân đón Khả Hãn Hiệt Lợi vào triều.

Lý Tĩnh dẫn quân đến Bạch Đạo, bàn với Lý Tích rằng: “Hiệt Lợi tuy thất bại nhưng quân vẫn còn mạnh, nếu để hắn chạy đến phía bắc của sa mạc, đường xá xa xôi, đuổi theo cũng không kịp. Nay chiếu ở chỗ hắn, nếu bắt cũng sẽ được khoan hồng, nếu chọn 1 vạn kỵ binh tinh nhuệ, đem theo lương thực 20 ngày và tập kích, thì có thể bắt sống được”.

Sau khi bàn bạc xong, Lý Tĩnh liền dẫn quân xuất phát ngay trong đêm, Lý Tích tiếp theo tiến quân.

Lý Tĩnh dẫn quân tiến đến núi Âm Sơn, gặp trên 1000 lều của quân trinh sát của Đột Quyết, Lý Tĩnh đánh một trận bắt được toàn bộ, lệnh cho chúng đi cùng quân Đường. Lúc này, Khả Hãn Hiệt Lợi gặp sứ thần triều Đường, buông lỏng phòng bị. Tiên phong của Lý Tĩnh là Tô Định Phương dẫn trên 200 quân kỵ nhân lúc có sương mù lớn, lặng lẽ hành quân, đến cách Nha Trướng 7 dặm mới bị phát hiện.

Khả Hãn Hiệt Lợi như con chim bị thương sợ cung tên, cuống quýt cưỡi ngựa chạy trốn, quân Đột Quyết tháo chạy tán loạn. Đại quân của Lý Tĩnh đuổi kịp đến, giết hơn một vạn quân địch, bắt sống mười mấy vạn quân, thu được mấy chục vạn con bò và dê, và giết chết Công chúa Tùy Nghĩa Thành.

Khả Hãn Hiệt Lợi dẫn hơn vạn người muốn vượt qua sa mạc về phía bắc, bị Lý Tích ngăn chặn ở Thích Khẩu, không thể trốn chạy lên phía bắc, các đại tù trưởng của Khả Hãn đều dẫn mọi người ra đầu hàng. Không lâu sau, Khả Hãn Hiệt Lợi bị Nhiệm Thành Vương Lý Đạo Tông bắt sống, đưa về kinh sư. Từ đó Đông Đột Quyết bị diệt vong.

Hành quân đường dài đánh bại Thổ Dục Hồn

Tháng 12 năm Trinh Quán thứ 8 (năm 634), quân Thổ Dục Hồn xâm phạm Lương Châu. Đường Thái Tông quyết định đem quân phản kích, bổ nhiệm Lý Tĩnh làm Tây Hải Đạo Hành quân Đại tổng quản.

Khi Lý Tĩnh phụng mệnh đi nhậm chức, đúng thời tiết tháng Chạp đông hàn. Ông đạp băng tuyết, ăn gió nằm sương, chịu đủ gian khổ. Tháng 4 nhuận năm sau, quân Đường giao chiến với quân Thổ Dục Hồn ở Khố Sơn (Thiên Lĩnh, Thanh Hải ngày nay). Lý Đạo Tông đánh bại Thổ Dục Hồn, quân Đường ra quân trận đầu đại thắng.

Lý Tĩnh. (Tranh Tố Tố - Epochtimes)

Khả Hãn Thổ Dục Hồn là Phục Doãn xảo trá, một mặt lui về phía Tây, một mặt sai người đốt hết cỏ, để hủy nguồn thức ăn ngựa của quân Đường. Cỏ khô đã bị đốt hết, cỏ xuân còn chưa mọc, các tướng đều cho rằng, chiến mã gầy yếu, không thể hành quân đường dài truy kích được.

Hành quân Tổng quản Hầu Quân Tập cho rằng, Thổ Dục Hồn đã “chuột chạy chim bay, quân trinh sát đã hết, quân thần phản bội, cha con kẻ còn người mất, đánh thắng dễ như nhặt cỏ, lúc này mà không thừa cơ đánh, sau này ắt sẽ hối hận”.

Lý Tĩnh hoàn toàn tán đồng, quyết định không có quân địch có cơ hội dừng lại thở. Thế là phân binh 2 lộ.

Lý Tĩnh và Tiết Vạn Quân, Lý Đại Lượng dẫn quân đi theo đường phía bắc. Hầu Quân Tập, Lý Đạo Tông dẫn quân theo đường phía nam. Hai lộ quân nhất tề tiến quân. Lý Tĩnh đích thân dẫn quân tiến theo đường phía bắc thuận lợi.

Chỉ vài ngày, bộ tướng của ông là Tiết Cô Nhi đã đánh bại quân Thổ Dục Hồn ở núi Mạn Đầu (Thanh Hải ngày nay), giết được một vương của quân địch, bắt được lượng lớn dê bò làm quân lương. Tiếp theo, quân chủ lực của Lý Tĩnh cũng lần lượt 2 lần đánh bại quân Thổ Dục Hồn ở gò Ngưu Tâm, và suối Xích Thủy.

Hầu Quân Tập, Lý Đạo Tông dẫn quân theo đường phía nam cũng tiến quân nhanh chóng, đi sâu vào trong hoang mạc hơn 2000 dặm. Ở đó hoang vu không một bóng người, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn. Có lúc nóng nực khó chịu nổi, có lúc lạnh giá khiến người ta rét run. Có lúc không có nước, chỉ có thể giết ngựa uống máu giải khát.

Quân Đường khắc phục đủ loại khó khăn, rượt đuổi đường dài, đến tháng 5, cuối cùng đến Ô Hải (Hưng Hải, Thanh Hải ngày nay), thì đuổi kịp Khả Hãn Phục Doãn, và lại đánh bại quân địch, bắt sống một vương.

Ở Xích Hải, Tiết Vạn Quân cũng đánh bại quân Thiên Trụ Vương của Thổ Dục Hồn. Lý Tĩnh lệnh cho các cánh quân tiếp tục tấn công, lại liên tiếp chiến thắng.

Quân của Lý Đại Lượng đánh bại quân Thổ Dục Hồn ở núi Thục Hồn, bắt được 20 vương. Bộ tướng Chấp Thất Tư Lực cũng đánh bại quân Thổ Dục Hồn ở Cư Như Xuyên. Quân Đường thừa thắng tiến công, vượt qua sông Tích Thạch Sơn, một mạch đánh đến Tây Thùy Thả Mạt của Thổ Dục Hồn (Thả Mạt, Tân Cương ngày nay).

Bộ tướng Khiết Bật Khả Lực truy kích Khả Hãn Phục Doãn, phá lều trại, giết mấy nghìn quân, bắt được hơn 20 vạn con dê bò, và bắt sống vợ Khả Hãn. Khả Hãn Phục Doãn dẫn hơn nghìn kỵ binh chạy đến Thích Trung, đã đến bước sơn cùng thủy tận rồi, thuộc hạ tới tấp bỏ trốn. Không lâu sau, Khả Hãn Phục Doãn bị thuộc hạ giết chết.

Con trai trưởng của Khả Hãn là Đại Ninh Vương Mộ Dung Thuận giết chết Thiên Trụ Vương, dẫn quân đầu hàng quân Đường. Lý Tĩnh dẫn quân trải qua hơn 2 tháng chiến đấu đẫm máu, đã bình định được Thổ Dục Hồn, và báo tin chiến thắng về kinh sư.

Nhẫn nhục không biện giải, tri túc dũng cảm lùi

Lý Tĩnh trên chiến trường dũng mãnh thiện chiến, hô mây gọi gió, nhưng tính tình lại rất trầm tĩnh đôn hậu. Ngự sử Đại phu Tiêu Vũ cuồng vọng dâng tấu nói Lý Tĩnh không biết quản lý quân đội, khi đột phá lều trại của Khả Hãn Hiệt Lợi của Đột Quyết, những châu báu và văn vật đã bị binh sĩ cướp hết sạch, thỉnh cầu Bộ tư pháp thẩm tra.

Đường Thái Tông tuy nhất thời không rõ nguyên do, đã đặc xá không thẩm tra. Nhưng khi Lý Tĩnh vào triều kiến, Hoàng đế vẫn nghiêm khắc khiển trách. Lý Tĩnh lại không biện bạch, chỉ cúi đầu nhận tội.

Thái Tông cho rằng, Lý Tĩnh công lao lớn, gia phong làm Tả quang lộc Đại phu, ban cho 1000 súc lụa, gia phong hộ, cùng với trước đó là lên đến 500 hộ. Sau này, Đường Thái Tông biết Lý Tĩnh bị vu cáo hãm hại, lại thưởng cho ông 2000 súc lụa, và thăng từ Binh bộ Thượng thư lên Hữu bộc xạ (tương đương tể tướng), trở thành Thái phụ.

Lý Tĩnh từ tuổi thanh thiếu niên đã có chí tiến thủ, nhưng khi thân hiển quý, ông lại rất lo sợ đầy tràn, và có thể tri túc mà lui bước. Năm Trinh Quán thứ 8 (năm 634) Đại Đường, Lý Tĩnh mới đảm đương chức tể tướng vừa tròn 4 năm, ông lấy cớ chân bị tật từ chức, hơn nữa ngôn từ rất khẩn thiết. Đường Thái Tông biết rõ tâm ý của Lý Tĩnh, và vô cùng tán thưởng nhân cách của ông.

Khi tấn công đánh Thổ Dục Hồn, Thứ sử Lợi Châu Cao Tằng Sinh làm Tổng quản Giám trạch đạo, không đến theo thời gian quy định, làm lỡ việc quân cơ, bị Lý Tĩnh khiển trách, trong lòng bất mãn. Sau khi chiến sự kết thúc, Cao Tằng Sinh liên kết với Đường Phụ Nghĩ, Trưởng sử Đô đốc phủ Quảng Châu, vu cáo Lý Tĩnh mưu phản.

Đường Thái Tông lệnh điều tra việc này, làm rõ chân tướng sự thật, phán quyết Cao Tằng Sinh tội vu cáo, miễn cho tội chết, lưu đày biên cương. Sau đó, Lý Tĩnh lập công được tấn phong làm Vệ Quốc Công.

Năm Trinh Quán thứ 17 (năm 643), Lý Tĩnh cùng với Trưởng Tôn Vô Kỵ và những người khác, tổng cộng 24 người, được vẽ chân dung ở Lăng Yên Các, được tôn thờ làm công thần, và được thăng làm Khai phủ nghi Đồng tam ty.

Trung Hòa
Theo Vân Trung Quân - Visiontimes

Tài liệu tham khảo:
Cựu Đường Thư; Trinh Quán Chính Yếu; Tấn Thư; Tùy Thư; Đường Hội Yếu; Tân Đường Thư

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Nhẫn nhục không tranh cãi, tri túc dũng cảm lui