Nhật Bản bất ngờ tăng chi tiêu quân sự lên mức kỷ lục trước mối đe dọa từ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nội các Nhật Bản hôm thứ Sáu (23/12) đã thông qua ngân sách kỷ lục 114,5 nghìn tỷ yên (khoảng 862 tỷ USD) cho năm tài khóa 2023, trong đó Tokyo dành một phần lớn cho chi tiêu phúc lợi và quốc phòng trước các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Ngân sách Nhật Bản bao gồm 36,9 nghìn tỷ Yên (277,6 tỷ USD) cho an sinh xã hội và 6,8 nghìn tỷ Yên (51 tỷ USD) cho quốc phòng, tăng 26,3% so với 5,4 nghìn tỷ Yên (40,6 tỷ USD) trong ngân sách quốc phòng hiện tại, tờ Kyodo News đưa tin.

Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản cho năm tài khóa 2023 bao gồm chi tiêu cho việc cải tiến và sản xuất hàng loạt tên lửa đất đối đất có điều khiển của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất. Loại tên lửa này được cho là yếu tố then chốt trong khả năng phản công của Nhật Bản.

Các hạng mục khác trong danh sách chi tiêu quân sự của Nhật Bản trong 5 năm tới bao gồm vũ khí lượn tốc độ cao, tên lửa siêu thanh, máy bay giám sát không người lái và tên lửa "thiện chiến" Tomahawk do Mỹ sản xuất.

Ngân sách này cũng bao gồm các chi phí liên quan đến việc tổ chức các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, theo các nguồn tin địa phương.

Hình ảnh tư liệu này do Hải quân Hoa Kỳ phát hành cho thấy, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG 52) của Hải quân Hoa Kỳ phóng một tên lửa hành trình Tomahawk để hỗ trợ cho Chiến dịch Bình minh Odyssey ở Biển Địa Trung Hải vào ngày 29/3/2011. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ/Getty Images)

Việc tăng ngân sách quốc phòng được đưa ra khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội trong 5 năm tới để củng cố khả năng phòng thủ của Nhật Bản.

Để tài trợ chi tiêu cho quân sự của Nhật Bản, chính phủ đã lên kế hoạch thực hiện tăng thuế doanh nghiệp, thuốc lá và thuế thu nhập nhưng vẫn chưa quyết định khi nào các biện pháp này sẽ có hiệu lực.

Doanh thu thuế của Nhật Bản ước tính đạt 69,4 nghìn tỷ Yên (522 tỷ USD). Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ phát hành 434,3 tỷ yên (khoảng 3,3 tỷ USD) trái phiếu xây dựng để tài trợ chi tiêu cho các căn cứ quân sự.

Nhật Bản nâng cao cảnh giác với Trung Quốc

Nhật Bản đang tìm cách nâng cao khả năng phản công khi đối phó với các thách thức an ninh trong khu vực từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Chính phủ của Thủ tướng Kishida tuần trước đã phê duyệt ba tài liệu quốc phòng quan trọng, bao gồm Chiến lược An ninh Quốc gia, trong đó đề cập đến Trung Quốc là “thách thức lớn nhất” của Nhật Bản.

Động thái này được giới quan sát coi là có sự khác biệt so với hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản, trong đó đề cập đến việc từ bỏ chiến tranh hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Nhưng ông Kishida cho biết, Nhật Bản sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách chỉ tập trung vào phòng thủ, trong đó nêu rõ rằng, các lực lượng phòng thủ Nhật Bản chỉ nên triển khai trong trường hợp bị tấn công.

“Trong Chiến lược An ninh Quốc gia, chúng tôi đã mô tả chi tiết về các năng lực phản công mà chúng tôi sở hữu, bao gồm định nghĩa và các trường hợp có thể sử dụng”, ông Kishida nói với các phóng viên vào ngày 16/12.

Nhật Bản lo ngại rằng, nước này dễ bị tổn thương khi Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự gần Đài Loan và Biển Hoa Đông. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không loại trừ việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.

Các quốc gia khác, trong đó có Philippines, cũng bày tỏ lo ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Philippines đã kêu gọi quân đội nước này tăng cường sự hiện diện quân sự để ngăn chặn chính quyền Bắc Kinh xâm phạm lãnh thổ của họ ở khu vực Biển Đông. Đây là khu vực đang tranh chấp giữa Philipines và Trung Quốc.

Mỹ, Úc yêu cầu sự hợp tác của Nhật Bản

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod Austin hôm 6/12 cho biết, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện luân phiên của các lực lượng đặc nhiệm máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, cũng như hải quân và lục quân nước này tại Úc, trong bối cảnh bị Trung Quốc đe dọa.

(Từ trái sang) Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles, Ngoại trưởng Úc Penny Wong, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tham gia một cuộc họp báo chung sau Hội nghị cấp trưởng Úc - Mỹ thường niên lần thứ 32 tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Washington, DC, hôm 6/12/2022 (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

“Mỹ và Úc chia sẻ tầm nhìn về một khu vực, nơi mà các quốc gia có thể tự quyết định tương lai của chính mình và họ có thể tìm kiếm an ninh, thịnh vượng mà không bị cưỡng bức – và thịnh vượng không bị ép buộc và đe dọa”, ông Austin cho biết tại một hội nghị chung.

“Thật không may, ngày nay tầm nhìn đó đang bị thách thức. Các hành động nguy hiểm và mang tính cưỡng ép của Trung Quốc đang đe dọa hòa bình và ổn định khu vực trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, xung quanh Đài Loan, cùng các quốc đảo ở Thái Bình Dương, cũng như trên Biển Hoa Đông và Biển Đông".

Ngoại trưởng Mỹ cũng nhắc lại phát ngôn của Tổng thống Joe Biden rằng, Hoa Kỳ “sẽ không để Úc chiến đấu một mình”.

Ông Blinken nói: “Khi đề cập đến sự cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc, Úc đã làm được một điều phi thường là trụ vững trước sự cưỡng ép đó và trở nên tốt hơn và mạnh mẽ hơn".

Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết, Úc và Mỹ đang hướng tới Nhật Bản để tăng cường hợp tác quân sự trong khu vực hơn nữa.

Ông nói: “Chúng tôi đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng ba bên và mời Nhật Bản tham gia vào các sáng kiến ​​bố trí lực lượng của chúng tôi tại Úc".

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc, ông Richard Marles, tuyên bố rằng, vị thế phòng thủ được tăng cường của Úc sẽ thắt chặt hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, cũng như tăng cường hợp tác và nâng cao vị thế của các căn cứ quân sự của nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marles nói: “Chúng tôi mong muốn có thể tương tác nhiều hơn với Nhật Bản".

Các Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Úc và Nhật Bản đã tổ chức cuộc đàm phán "2+2" tại Tokyo vào ngày 9/12. Theo đó, các Bộ trưởng nhất trí tăng cường hợp tác ba bên với Hoa Kỳ vì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhật Bản bất ngờ tăng chi tiêu quân sự lên mức kỷ lục trước mối đe dọa từ Trung Quốc