Nhiều công ty khởi nghiệp AI hàng đầu Trung Quốc thua lỗ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc báo cáo thua lỗ nặng nề do tác động bởi đại dịch COVID-19, lệnh cấm chip và lệnh trừng phạt của Mỹ do vai trò của họ trong các vụ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu của Trung Quốc đã có một năm 2022 đầy căng thẳng.

iFlytek

Vào ngày 20/04, iFlytek (thành lập năm 1999), công ty hàng đầu về giọng nói máy tính của Trung Quốc, đã báo cáo doanh thu kinh doanh cho năm 2022 là 18,82 tỷ CNY (nhân dân tệ) (2,73 tỷ USD). Lợi nhuận ròng của công ty giảm gần 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo của công ty, sự sụt giảm là do các lệnh trừng phạt của Mỹ vào năm 2019 và 2022, ảnh hưởng đến hoạt động của công ty, từ chuỗi cung ứng đến việc nhận hợp đồng.

Vào năm 2019, iFlytek và bảy công ty khác đã bị đưa vào danh sách đen về thương mại của Mỹ do vai trò của họ trong việc hỗ trợ hoạt động giám sát và vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Vào năm 2022, công ty một lần nữa được đưa vào danh sách thực thể đặc biệt của Mỹ. Điều này hạn chế khả năng công ty có thể mua được các công nghệ quan trọng được sử dụng trong siêu máy tính và vũ khí dẫn đường, cùng những sản phẩm khác.

Bốn con hổ AI Trung Quốc

Bốn công ty khởi nghiệp điện toán hàng đầu của Trung Quốc - SenseTime, Megevii, CloudWalk và Yitu Technology - được công nhận là “bốn con hổ AI”.

Tất cả bốn công ty đều nằm trong danh sách đen về thương mại của Mỹ.

SenseTime và CloudWalk gần đây đã công bố báo cáo của họ, cho thấy các khoản lỗ cho năm 2022.

SenseTime đã báo cáo mức doanh thu kinh doanh là 3,8 tỷ CNY (khoảng 550 triệu USD) cho năm 2022, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước; khoản lỗ hàng năm là 6,09 tỷ CNY (khoảng 880 triệu USD) và lỗ lũy kế là 43,8 tỷ CNY (khoảng 6,35 tỷ USD) kể từ năm 2018.

Theo nhiều báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, hoạt động kinh doanh cốt lõi của SenseTime tại “thành phố thông minh” đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do tác động của đại dịch.

Các sản phẩm “Thành phố thông minh” bao gồm các sản phẩm giám sát và an ninh của SenseTime được sử dụng trong cơ sở hạ tầng của các thành phố.

SenseTime đã phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt và ứng dụng của nó trong phân tích video, lái xe tự động và viễn thám.

Công ty đã được đưa vào danh sách thực thể thương mại đặc biệt của Mỹ vì bị cáo buộc sử dụng công nghệ của mình để hỗ trợ việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giám sát người Duy Ngô Nhĩ.

CloudWalk là nhà sản xuất thiết bị nhận dạng khuôn mặt lớn nhất thế giới, theo một báo cáo năm 2018 từ Gen Market Insights.

Dự báo kết quả kinh doanh năm 2022 của công ty đã báo cáo lợi nhuận ròng thuộc về công ty mẹ là -785 triệu CNY đến -934 triệu CNY (khoảng -113,87 triệu USD đến -135,49 triệu USD). Mức lỗ đã tăng từ 24,18% đến 47,75% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều công ty khởi nghiệp AI hàng đầu Trung Quốc thua lỗ
Camera an ninh AI với công nghệ nhận dạng khuôn mặt được trưng bày tại Triển lãm Quốc tế Trung Quốc về An toàn và An ninh Công cộng lần thứ 14 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 24/10/2018. (Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP qua Getty Images)

CloudWalk nằm trong danh sách đặc biệt của Bộ Quốc phòng Mỹ. Danh sách này bao gồm các công ty phục vụ nghiên cứu và phát triển (R&D) quân sự của Trung Quốc như một phần của cái gọi là chiến lược hợp nhất quân sự - dân sự của ĐCSTQ.

Công nghệ tái nhận dạng (ReID) của công ty—có thể theo dõi mọi người theo quần áo, kiểu tóc và tư thế - là sự bổ sung cho tính năng nhận dạng khuôn mặt để phục vụ giám sát công khai.

Theo báo cáo, công nghệ ReID theo dõi xuyên gương của CloudWalk đã hỗ trợ chính quyền Trung Quốc bắt giữ hơn 10.000 người từ năm 2016 đến năm 2019. Đặc biệt, công nghệ này bị cáo buộc đã trở thành một công cụ đàn áp được sử dụng rộng rãi trên khắp Trung Quốc nhằm nhắm mục tiêu vào các nhóm sắc tộc và tôn giáo cụ thể.

Công ty chip AI

Cambricon, công ty khởi nghiệp chip AI hàng đầu của Trung Quốc, đã báo cáo lợi nhuận vận hành là 729 triệu CNY (khoảng 105 triệu USD) vào năm 2022, tăng 1,11% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ròng thuộc về công ty mẹ là -1,1 tỷ CNY (khoảng -160 triệu USD), mức lỗ cao hơn 41,40% so với cùng kỳ năm 2021.

Công ty cho biết khoản lỗ đáng kể là do chi phí R&D tăng, tổn thất do sụt giảm giá trị tài sản và tổn thất do tín dụng.

Công ty vẫn chưa tạo ra lợi nhuận, chủ yếu là do các chip điện toán phức tạp đòi hỏi đầu tư R&D nhiều và liên tục.

Cambricon đã được liệt kê trong danh sách đen thương mại của Mỹ vào tháng 12 năm ngoái.

Vào ngày 16/12/2022, chính phủ Mỹ đã thêm 21 thực thể chip AI của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại của mình và chặn quyền truy cập của họ vào công nghệ được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới bằng thiết bị của Mỹ.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhiều công ty khởi nghiệp AI hàng đầu Trung Quốc thua lỗ