Những vấn đề đằng sau con số tăng trưởng GDP quý I mạnh mẽ của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Con số tăng trưởng GDP quý I tốt hơn kỳ vọng có vẻ đang tạo được nhiều sự phấn khích. Tuy nhiên, bản thân sự tăng trưởng là không đồng đều, thiếu bền vững và tồn tại những điểm bất thường.

Bắc Kinh đã tuyên bố rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực [sau khi điều chỉnh theo lạm phát] của nước này đã tăng 4,5% trong quý đầu tiên của năm nay so với quý đầu tiên của năm 2022. Đó đúng là một sự cải thiện lớn so với mức tăng trưởng 2,9% được báo cáo trong quý IV năm ngoái. Bắc Kinh đã hủy bỏ chính sách zero-COVID hà khắc của mình vào tháng 1 năm ngoái. Do đó, hầu hết các nhà dự báo đều kỳ vọng về một sự cải thiện. Tuy nhiên, con số tăng trưởng mới này đã vượt quá kỳ vọng đồng thuận là 4,0%.

Thông tin tăng trưởng đã khơi dậy được một số phấn khích của các hãng truyền thông và một số tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, các nghi vấn về sức khỏe nền kinh tế của Trung Quốc vẫn còn đó.

Ví dụ, sự tăng trưởng đột biến là đặc biệt không đồng đều và tồn tại một số điểm kỳ lạ về mặt thống kê. Nhìn chung, nó khiến ta nghi ngờ về tính vững bền của tăng trưởng kinh tế. Ngay cả cơ quan thống kê của chính quyền Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo đi kèm về số liệu GDP. “Chúng ta phải nhận thức được rằng", cơ quan này cho biết, "tình hình ở nước ngoài vẫn phức tạp và biến động, nhu cầu trong nước vẫn thiếu hụt một cách đáng chú ý, và nền tảng cho sự phục hồi kinh tế vẫn chưa vững chắc”.

Những điểm đáng chú ý

Điểm đáng để ý đầu tiên bắt nguồn từ cách tính số liệu thống kê. Không giống như Mỹ và các nước phát triển khác, những nước so sánh mức tăng trưởng giữa các quý liên tiếp, Trung Quốc so sánh mức tăng trưởng của mỗi quý so với cùng kỳ năm trước. Bởi vì năm 2021 và 2022 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đợt phong tỏa và cách ly zero-COVID, con số GDP quý đầu tiên dễ dàng nổi bật khi so sánh với cùng kỳ năm trước. Khi so sánh mức tăng trưởng trong các quý liên tiếp, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đưa ra mức tăng trưởng hàng năm kém ấn tượng hơn nhiều là 2,2% từ quý IV năm ngoái đến quý đầu tiên của năm nay.

Một vấn đề đáng quan tâm khác nằm ở sự thiên lệch trong gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng. Mặc dù các nhà thống kê của Bắc Kinh ghi nhận mức tăng 10,6% trong tổng chi tiêu của người tiêu dùng - chiếm 2/3 mức tăng tổng GDP của quý đầu tiên - sức mạnh tiêu dùng tập trung nhiều vào các mặt hàng xa xỉ, nhà hàng cao cấp, du lịch, khách sạn, dịch vụ tiêu dùng cao cấp và trang sức. Ngược lại, chi tiêu cho các thiết bị gia dụng, hàng hóa lâu bền [xe cộ, tivi, nội thất…] và các mặt hàng có giá thành thấp tăng với tốc độ kém ấn tượng hơn nhiều. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì các cuộc khảo sát do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thực hiện cho thấy phần lớn người tiêu dùng Trung Quốc thiếu tự tin một cách rõ rệt. Sự thiếu tự tin này được phản ánh qua sự gia tăng tiết kiệm của những người Trung Quốc có thu nhập thấp. Sự chênh lệch cực độ giữa các tầng lớp thu nhập đặt ra những câu hỏi có cơ sở về mức độ tác động của “chi tiêu trả thù” (cách gọi khác của đợt bùng nổ sau Covid).

Những vấn đề đằng sau con số tăng trưởng GDP quý I mạnh mẽ của Trung Quốc
Thanh niên tham dự một hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/08/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Cũng có những câu hỏi xoay quanh những con số có vẻ là tích cực trong xuất khẩu. Theo số liệu của cục thống kê, xuất khẩu của cả quý đã tăng đột biến vào tháng 3, tăng 14,8% [khi tính giá trị theo đồng USD] sau 5 tháng sụt giảm liên tiếp. Cho dù bản thân con số này có thể chính xác, nhưng những bước nhảy vọt hàng tháng kiểu này hiếm khi tồn tại lâu. Nhiều khả năng, sự gia tăng phản ánh việc đột ngột phải thực hiện các đơn đặt hàng bị chặn trong đợt phong tỏa năm ngoái. Tháng 3 cũng chứng kiến lượng mua hàng lớn từ Nga. Nhu cầu từ Nga chắc chắn sẽ kéo dài, nhưng các đơn đặt hàng tồn đọng nói chung hiện đã được đáp ứng phần lớn. Tăng trưởng trong tương lai sẽ yếu hơn.

Trong khi đó, các thước đo thay thế cho thấy một bức tranh xuất khẩu kém mạnh mẽ hơn nhiều. Chúng cho thấy rằng xuất khẩu của các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã bị giảm 5,4% trong quý đầu tiên và tổng xuất khẩu chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái [khi tính giá trị theo đồng USD].

Điều đáng chú ý là xuất khẩu từ các cơ sở sản xuất có trụ sở công ty ở nước ngoài tại Trung Quốc thực tế đã giảm 16,3% trong quý I. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về tính bền vững của tăng trưởng xuất khẩu. Nó đồng thời cho thấy rằng các công ty nước ngoài đang đẩy nhanh quá trình di dời chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc. Ngay cả khi những con số mâu thuẫn như vậy có thể được dung hòa, lãi suất tăng ở Mỹ và châu Âu chắc chắn sẽ làm chậm lại các nền kinh tế này và theo đó, hạn chế hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong khi đó, hoạt động công nghiệp chỉ phản ứng nhẹ trước sự gia tăng tiêu dùng và con số xuất khẩu được cho là tăng vọt. Giá trị gia tăng thực tế của công nghiệp chỉ tăng 3,0% trong quý đầu tiên và tất cả giá trị này dường như tập trung vào tháng 1. Đây có thể là phản ứng tức thì đối với việc nới lỏng các quy định hạn chế do COVID-19. Trong tháng 2 và tháng 3, hoạt động công nghiệp về cơ bản không thay đổi. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) độc lập của Caixin đạt mức 50 vào tháng 3, nằm trên đường phân chia giữa tăng trưởng và thu hẹp. Các chỉ số phụ phản ánh việc cắt giảm nhân sự trong các nhà sản xuất Trung Quốc vào tháng 3. Hơn nữa, việc tận dụng công suất công nghiệp vẫn còn thấp so với mức tiêu chuẩn trong lịch sử. Có lẽ điều đáng nói nhất là lợi nhuận công nghiệp đã giảm 23% trong vòng một năm tính đến tháng 2 - mức giảm lớn nhất kể từ năm 2020.

Vấn đề lớn nhất

Có lẽ dấu hiệu đáng lo ngại nhất của nền kinh tế Trung Quốc là sự miễn cưỡng rõ ràng của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc trong việc đầu tư. Hoạt động đầu tư do nhà nước dẫn dắt nhận được sự hỗ trợ đáng kể và đã tăng khoảng 10% so với thời điểm này năm ngoái. Ngược lại, đầu tư do tư nhân dẫn dắt chỉ tăng 0,6%. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi xét đến thái độ thù địch của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đối với các doanh nghiệp tư nhân thành công.

Ông Tập Cận Bình đã cố gắng xây dựng lại niềm tin trong giới doanh nghiệp tư nhân bằng cách coi các doanh nhân Trung Quốc là “người của chúng tôi”. Nhưng cho đến nay, sự cảnh giác vẫn còn trong giới doanh nhân, thể hiện rõ qua dòng vốn đầu tư yếu ớt. Sự cảnh giác này hầu như không gây ngạc nhiên. Chẳng hạn, các doanh nhân đã nghe được từ chính quyền tỉnh Hải Nam rằng Bắc Kinh không có ý định giam giữ hoặc truy tố các doanh nhân “một cách không cần thiết”. Những tuyên bố như vậy cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc mất kết nối với giới doanh nghiệp tư nhân như thế nào, cũng như lý do tại sao họ đang đạt được không mấy thành công trong việc xây dựng lại niềm tin kinh doanh.

Bất chấp sự tăng trưởng bất ngờ, bức tranh tổng thể về kinh tế Trung Quốc cảnh báo ta không nên quá lạc quan. Thật vậy, có vẻ như Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,0% mà Bắc Kinh đã đặt ra cho năm 2023, cho dù đây là mức đã được điều chỉnh giảm.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Những vấn đề đằng sau con số tăng trưởng GDP quý I mạnh mẽ của Trung Quốc