Quý đầu tiên sau 'Zero-Covid': Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tích cực hơn kỳ vọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay sau khi mở cửa trở lại nền kinh tế, tăng trưởng GDP quý 1/2023 của Trung Quốc đã khởi sắc và tốt hơn kỳ vọng thị trường. Điều này có thể thúc đẩy nhu cầu dầu toàn cầu cao hơn trong bối cảnh cung dầu thắt chặt. Tuy nhiên, tăng trưởng còn thiếu bền vững khi dựa trên nới lỏng tiền tệ quá mức, rủi ro vỡ nợ công và tư ngày một lớn.

Theo Trading Economics, trích dẫn nguồn số liệu công bố bởi Tổng Cục thống kê Trung Quốc, tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu đạt 4,5% vào quý 1/2023, tăng tốc từ mức tăng 2,9% trong quý 4/2022, cao hơn ước tính của thị trường là 4%.

Kết quả tăng trưởng GDP quý 1/2023 là mức tốt nhất trong 1 năm qua. Kết quả này có được sau khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách kiểm soát virus cực đoan tới mức khó hiểu "zero-Covid".

Sản lượng sản xuất công nghiệp tại tháng 3/2023 đã tăng mạnh nhất trong 5 tháng gần đây, đạt mức tăng 3,9% so cùng kỳ. Tăng trưởng doanh số bán lẻ ở mức cao nhất trong 19 tháng và tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn ở mức khoảng 5% cho năm 2023. Năm ngoái, nền kinh tế này tăng trưởng 3%, thấp hơn mục tiêu của chính phủ là 5,5%.

Sản lượng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tại tháng 3/2023 đã tăng cao nhất trong 5 tháng gần đây (Nguồn: Trading Economics)

Kỳ vọng Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy cầu dầu thô đang thúc đẩy giá dầu tăng trong bối cảnh OPEC+ và cả Nga cắt nguồn cung dầu lên tới 3,36 triệu thùng/ngày; tương đương với 3,6% tổng cung dầu thô. Giá dầu thô WTI đã tăng thêm 20% trong tháng vừa qua.

Tuy nhiên, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chưa có dấu hiệu bền vững khi dựa trên chính sách tiền tệ mở rộng. Hôm qua, ngày 17/4, PBOC đã bơm thêm 25 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng trong khi duy trì lãi suất điều hành không đổi. Trong suốt năm 2022 và quý 1/2023, Trung Quốc cũng liên tiếp cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để giải phóng nhiều tiền mặt vào hệ thống NHTM. Đây là công cụ mở rộng tiền tệ rất mạnh mà Trung Quốc còn nhiều dư địa.

Mở rộng cung tiền để thúc tăng trưởng và đồng thời hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng do thị trường BĐS của Trung Quốc vẫn tiếp tục suy thoái trong năm 2023. Nguy cơ vỡ nợ công và nợ tư, đặc biệt nợ công của chính quyền địa phương ngày một lớn đe doạ ổn định hệ thống tài chính của nền kinh tế này.

Quang Nhật tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Quý đầu tiên sau 'Zero-Covid': Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tích cực hơn kỳ vọng