Phân tích: Nhằm chống lại Mỹ và phương Tây, Bắc Kinh ngầm ủng hộ các tổ chức khủng bố

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi tổ chức khủng bố Hamas khai hỏa hàng nghìn quả tên lửa vào Israel, Washington đã ngay lập tức tuyên bố ủng hộ Israel, trong khi đó Bắc Kinh lại đưa ra những tuyên bố mập mờ. Phân tích chỉ ra rằng, điều này xuất phát từ lập trường nhất quán từ xưa tới nay của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là chống Mỹ và chống phương Tây.

Ngày 7/10, hàng trăm phần tử vũ trang Hamas đã vượt qua hàng rào biên giới và đột kích Israel, thực hiện các vụ thảm sát đẫm máu ở hơn 20 thị trấn và cộng đồng dân cư, tấn công và đốt cháy nhà cửa, giết chết dân làng, trong đó có cả trẻ sơ sinh. Trong thời gian này, hơn 1.300 binh sĩ và dân thường Israel đã thiệt mạng.

Mỹ và Trung Quốc có thái độ khác nhau rõ ràng

Ngày 10/10, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu: “Chúng tôi phải nói rõ: Chúng tôi sát cánh với Israel… Chúng tôi đảm bảo rằng Israel sẽ có được các nguồn lực cần thiết để chăm sóc công dân của mình, tự vệ và ứng phó với cuộc tấn công này”.

Mỹ cũng thực hiện 3 đợt triển khai quân sự lớn: Thứ nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ra lệnh cho nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford tới Đông Địa Trung Hải vào ngày 8/10 để chuẩn bị hỗ trợ Israel.

Thứ hai, Hoa Kỳ đang tăng cường hỗ trợ quân sự ngoài định mức cho Israel, bao gồm đạn dược và thiết bị đánh chặn để bổ sung cho hệ thống chống tên lửa Iron Dome, nhằm đảm bảo rằng Israel sẽ không bị hao tốn những vũ khí quan trọng.

Thứ ba, sau khi xảy ra vụ đột kích, ông Austin đã điều chỉnh thế trận quân sự của quân đội Mỹ ở Trung Đông. “Mỹ duy trì tư thế sẵn sàng trên toàn cầu để tăng cường hơn nữa mức độ răn đe trong thời điểm cần thiết”, ông nói trong một tuyên bố.

USS Gerald R. Ford, 'tàu chiến lớn nhất thế giới', được nhìn thấy đang thả neo ở Vịnh Faliro, Athens, Hy Lạp vào ngày 28/7/2023 (NIKOS LIBERTAS/SOOC/AFP via Getty Images)

Ngược lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại đưa ra một tuyên bố mơ hồ: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan giữ bình tĩnh và kiềm chế, ngay lập tức chấm dứt hành động thù địch, bảo vệ dân thường và tránh làm tình hình xấu thêm”.

Tuyên bố này khiến Israel bất mãn. Ông Yuval Waks, quan chức cấp cao tại Đại sứ quán Israel ở Bắc Kinh, ngày 8/10 cho biết Israel mong muốn được thấy Trung Quốc "lên án mạnh mẽ hơn" đối với Hamas, vì Israel coi Trung Quốc là bạn.

Ông Waks nói: “Khi mọi người đang bị sát hại và tàn sát trên đường phố, giờ không phải là lúc để kêu gọi giải pháp hai nhà nước”. Trong một tuyên bố trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ đề cập đến "giải pháp hai nhà nước" chứ không hề nhắc đến Hamas và lại càng không lên án tổ chức đã kích động cuộc xung đột này, họ cũng không bày tỏ sự cảm thông hay ủng hộ nào đối với Israel.

Thỏa thuận ngừng bắn tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố phát triển

Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc điều hành tại Trung tâm tình báo chung thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii, nói với phóng viên The Epoch Times rằng: “Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm hài lòng các đồng minh Trung Đông sẽ khiến nước này đánh mất thiện chí và sức ảnh hưởng to lớn ở Israel. Các nhà lãnh đạo Israel nên nhớ rằng, hai 'thỏa thuận ngừng bắn và hòa bình' gần đây nhất chỉ đơn giản là cho phép Hamas sống sót và trở lại tái diễn các vụ tấn công”.

Trong cuộc bầu cử quốc hội Palestine vào tháng 1/2006, phe vũ trang Hamas đã chiến thắng. Vào tháng 6/2007, sau nhiều trận chiến ác liệt với phong trào Fatah, Hamas đã giành được quyền kiểm soát Dải Gaza. Hamas và Fatah là hai phong trào có vai trò chủ đạo ở Palestine.

Hamas được thành lập năm 1987, họ từng chủ trương “xóa sổ Israel khỏi bản đồ” và phản đối chung sống hòa bình với Israel. Hamas đã biến Gaza thành căn cứ cho các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Israel, tại Israel cũng thường xuất hiện các vụ đánh bom tự sát.

Các thành viên của Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam, cánh quân sự của phong trào Hồi giáo Palestine Hamas, xuất hiện ở thị trấn Rafah, phía nam Dải Gaza vào ngày 31/1/2017. (SAID KHATIB/AFP via Getty Images)

Trong cuộc tấn công vào Israel lần này, Hamas đã thảm sát người dân tại lễ hội âm nhạc, hãm hiếp phụ nữ và bắt trẻ sơ sinh cũng như người già làm con tin. Đối mặt với cuộc tấn công của một tổ chức khủng bố như vậy, ĐCSTQ lại yêu cầu Israel “bình tĩnh, kiềm chế” và chấm dứt “các hành động thù địch”.

Ông Anders Corr, người sáng lập công ty phân tích Corr Analytics và Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk), nói với The Epoch Times vào ngày 8/10 rằng: “Thật sai lầm khi Trung Quốc yêu cầu những kẻ khủng bố nhượng bộ sau khi thực hiện cuộc tấn công khủng bố”; “Israel nên nhận thức được rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) không phải là một người bạn thực sự”.

ĐCSTQ luôn chống lại phương Tây

Ông Carl Schuster cho rằng, chính sách Trung Đông của ĐCSTQ được xây dựng dựa trên chính sách phản đối phương Tây của họ, đặc biệt là chính sách đối với Mỹ. Kể từ khi thành lập chính quyền, ĐCSTQ vẫn luôn là một “thế lực có chủ trương ngược lại (với phương Tây)”.

Đúng lúc phương Tây đang trừng phạt Iran vì phát triển vũ khí hạt nhân, vào tháng 2/2023, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tiếp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Bắc Kinh và bày tỏ sự ủng hộ đối với Iran. Lãnh đạo hai nước đã cùng tham dự sự kiện ký kết 20 thỏa thuận hợp tác về thương mại, du lịch… và nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như dầu khí, công nghiệp, v.v.

Tháng trước, chính quyền Trung Quốc đã tiếp đón Tổng thống Syria Bashar Assad theo nghi thức cao dành cho nguyên thủ quốc gia và tuyên bố rằng “việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Syria sẽ trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ song phương”.

Chính phủ Syria đã bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cáo buộc phạm các tội ác bao gồm giết người phi pháp, tra tấn, bắt giữ tùy tiện, bạo lực tình dục, tấn công bừa bãi, cướp bóc và phá hủy tài sản cũng như sử dụng vũ khí hóa học. Vào tháng 3/2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã soạn thảo một nghị quyết để áp đặt các biện pháp trừng phạt với chính quyền ông Assad.

Ngày 7/10, Hamas đã bắn hàng nghìn quả rocket vào Israel và thực hiện các vụ thảm sát tại các ngôi làng, giết chết hàng nghìn người Israel và công dân nhiều nước. Đối mặt với đợt tấn công đẫm máu nhất trong 50 năm, quân đội Israel đã mở đợt phản công quyết liệt nhằm vào Hamas. Song trong các bản tin của mình, truyền thông nhà nước Trung Quốc thường nhấn mạnh vào việc Israel ném bom Gaza hơn là các cuộc tấn công khủng bố của Hamas. Truyền thông của ĐCSTQ thậm chí còn cáo buộc Washington là can thiệp ác ý vào Trung Đông.

Tên lửa của Israel phóng từ hệ thống phòng thủ Iron Dome đang cố gắng đánh chặn tên lửa bắn từ Dải Gaza của phiến quân Hamas khi đi qua thành phố Netivot ở miền Nam Israel vào ngày 8/10/2023. (MAHMUD HAMS/AFP via Getty Images)

Ông Schuster nói: "Tôi thấy [chính quyền] Trung Quốc đã tiến gần hơn đến lập trường của Palestine. Họ kêu gọi ngừng bắn, nhưng họ không còn giả vờ trung lập nữa. Họ dùng chiến tranh để lên án Hoa Kỳ và đổ lỗi cho Hoa Kỳ về xung đột này. Tốc độ thiên lệch của họ đang diễn ra nhanh hơn tôi dự kiến. Họ lại đang lợi dụng vấn đề Palestine như một công cụ để chống lại phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Trung Quốc muốn tách Riyadh (thủ đô của Arab Saudi) và Ai Cập khỏi Hoa Kỳ, và họ coi việc ủng hộ Palestine như một thủ đoạn để đạt được mục tiêu này”.

Mỹ và Israel có mối quan hệ sâu sắc

Ông Carl Schuster cho rằng lập trường ủng hộ Israel của Mỹ ban đầu là dựa trên sự ủng hộ của người dân Mỹ đối với việc thành lập nhà nước Israel. Khi Israel tuyên bố độc lập vào năm 1948, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên công nhận tư cách nhà nước của Israel.

Ông Anders Corr cũng chỉ ra: "Sau và trước cuộc thảm sát Holocaust, người Do Thái hy vọng có được vùng đất của riêng mình ở Israel. Điều này có vẻ hợp lý và được hầu hết các nước trong hệ thống quốc tế hậu Thế chiến II ủng hộ”.

Chính quyền các đời tổng thống Mỹ đều tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ kiên quyết ủng hộ Israel.

Ngày 12/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thăm Israel và hứa rằng sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel sẽ không bao giờ dao động.

Trước đó, vào ngày 30/1/2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ban hành một văn bản nêu rõ mối quan hệ đối tác 75 năm giữa Hoa Kỳ và Israel “ngay từ đầu đã được xây dựng dựa trên cơ sở lợi ích chung và các giá trị dân chủ chung”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Nhằm chống lại Mỹ và phương Tây, Bắc Kinh ngầm ủng hộ các tổ chức khủng bố