Phát hiện một thiên thể bí ẩn, khổng lồ 'nhấp nháy' gần trung tâm hệ Ngân Hà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một cái gì đó bí ẩn đang ở gần trung tâm thiên hà của chúng ta. Tại vị trí cách Trái đất 25.000 năm ánh sáng, các nhà thiên văn học đã tìm thấy một ngôi sao kỳ lạ khi nó gần như che lấp trong vài tháng trước khi xuất hiện trở lại, theo Science Alert.

Các nhà thiên văn học tin rằng ngôi sao, được đặt tên là VVV-WIT-08, có thể thuộc một lớp sao đôi mới mà trong đó ngôi sao kích thước khổng lồ, lớn gấp 100 lần Mặt trời, bị che khuất vài thập kỷ một lần bởi một thiên thể đồng hành bí ẩn.

Những ngôi sao với những dấu hiệu mờ đi kỳ dị là một niềm đam mê bất tận đối với các nhà khoa học. Mặc dù không gian vũ trụ chủ yếu trống rỗng, nhưng có lý do rằng, một số rất nhiều ngôi sao ngoài kia sẽ sắp xếp theo cách mà các ngôi sao bị mờ đi khi nhìn từ Trái đất.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng biết được thứ làm mờ các ngôi sao là gì. Nó có phải là một hành tinh khổng lồ, các đám bụi không gian, hay các mảnh vỡ từ một vụ nổ thiên thể?.

Trường hợp của VVV-WIT-08 là một sự khác thường. Mặc dù các ngôi sao tương tự khác đã thể hiện độ mờ trong ánh sáng, nhưng không ngôi sao nào mờ nhiều như nó. Các nhà thiên văn học cho rằng một ngôi sao hoặc hành tinh đồng hành khác được bao quanh bởi một đĩa bụi dày, mờ đục đã bao phủ hoàn toàn VVV-WIT-08 khi nó đi qua trước tầm nhìn của chúng ta.

Nhà thiên văn học Sergey Koposov từ Đại học Edinburgh ở Scotland cho biết: “Thật ngạc nhiên khi chúng tôi vừa quan sát thấy một vật thể tối, lớn và dài đi qua giữa chúng ta và ngôi sao xa xôi và chúng tôi chỉ có thể suy đoán nguồn gốc của nó là gì” .

Mô hình thiên thể đồng hành với một đĩa bụi khổng lồ không phải là không có tiền lệ. Một ví dụ nổi tiếng được nhiều người biết đến là ngôi sao khổng lồ Epsilon Aurigae bị che lấp 27 năm một lần bởi thiên thể đồng hành bao bọc bằng đĩa bụi, làm mờ ngôi sao khoảng 50% trong vòng tối đa 730 ngày.

Tiếp đó là hệ thống TYC 2505-672-1, một ngôi sao khổng lồ đỏ và thiên thể đồng hành đầy bụi. Thiên thể bí ẩn di chuyển trên quỹ đạo 69 năm làm lu mờ ngôi sao trong khoảng thời gian 3,5 năm.

VVV-WIT-08 được VISTA Variables tìm thấy trong cuộc khảo sát Via Lactea (VVV), một dự án sử dụng kính thiên văn VISTA do Anh chế tạo ở Chile và được vận hành bởi Đài thiên văn Phía nam Châu Âu. Cuộc khảo sát đã xem xét một tỷ ngôi sao trong gần một thập kỷ để tìm kiếm các ví dụ có độ sáng khác nhau trong phần hồng ngoại của quang phổ.

Ngoài ra, phát hiện về sự phát sáng đặc biệt của ngôi sao không phải là một quan sát lỗi. Thí nghiệm Thấu kính Hấp dẫn Quang học sử dụng Kính viễn vọng Warsaw ở Chile cũng nhìn thấy sự mờ đi của nó.

Dữ liệu cho thấy sự kiện mờ đi kéo dài khoảng 200 ngày, với đường cong ánh sáng gần như đối xứng, làm giảm ánh sáng của ngôi sao tới 97 phần trăm. Mật độ của các thiên thể cần thiết trong vùng không gian đó để có sự liên kết ngẫu nhiên của hai thiên thể cao hơn nhiều so với mật độ quan sát được, vì vậy nhóm nghiên cứu tin rằng hai vật thể này bị ràng buộc bởi lực hấp dẫn.

Theo mô hình toán học, chu kỳ quỹ đạo của thiên thể quay quanh ngôi sao vẫn chưa được xác định, nhưng nó phải kéo dài ít nhất vài thập kỷ.

Nhà thiên văn học Leigh Smith của Đại học Cambridge cho biết: “Chắc chắn còn nhiều điều hơn nữa cần được tìm thấy, nhưng thách thức bây giờ là tìm ra những thiên thể đồng hành ẩn là gì, và làm thế nào chúng được bao quanh bởi các đĩa bụi, mặc dù quay quanh rất xa ngôi sao khổng lồ”.

"Khi tìm ra được nó là gì, chúng ta có thể học được điều gì đó mới về cách các loại hệ thống này phát triển”.

Nghiên cứu đã được xuất bản trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện một thiên thể bí ẩn, khổng lồ 'nhấp nháy' gần trung tâm hệ Ngân Hà