Sau khi cán đích tăng trưởng tín dụng năm 2023, tín dụng lập tức giảm tháng kế tiếp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong những giai đoạn doanh nghiệp khó khăn, cầu tín dụng bị thu hẹp do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, việc ngân hàng nhà nước (NHNN) đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vào tháng 12/2023 là bất ngờ. Nhưng chỉ tháng kế tiếp, tín dụng đã bị thu hẹp, phản ánh tình trạng khó khăn của doanh nghiệp.

Tín dụng bị thu hẹp ngay trong tháng đầu năm 2024

Tăng trưởng tín dụng luôn là một trong những mục tiêu mà NHNN hoàn thành để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước. Năm 2023, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN ở mức 14%; một mục tiêu hết sức khó khăn khi tăng trưởng tín dụng thấp trong hầu hết cả năm 2023. NHNN tuyên bố rằng tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2023 đạt 13,71% (trước đó ước tính vào khoảng 13,5%); một con số sát nút với chỉ tiêu được giao là 14%. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú tuyên bố rằng "đây là con số rất tích cực và là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và cả ngành ngân hàng trong năm vừa qua, đặc biệt là giai đoạn cuối năm."

Kết quả tăng trưởng tín dụng 2023 nhờ "kỳ tích" vào mấy tuần cuối cùng của năm. Tín dụng đã bật tăng mạnh trong những tuần cuối năm 2023. Tính riêng trong tháng 12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 4,56% (tương đương hơn 540.000 tỷ đồng), chiếm 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023.

Nhưng chỉ một tháng sau đó, dù vẫn là tháng "mùa vụ", sản xuất và tiêu dùng phục vụ Tết Nguyên đán, tín dụng "bất ngờ" bị thu hẹp.

Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 01/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023, theo CafeF. Trong công bố của mình, NHNN cho biết rủi ro tín dụng (nợ xấu) nằm trong tầm kiểm soát, các chính sách ưu đãi tín dụng cho nhà ở xã hội, tín dụng tiêu dùng,... vẫn đang được triển khai tích cực.

Năm 2024, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4-4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế và ngày 31/12/2023, cơ quan này đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD, thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam là Mỹ, EU, Trung Quốc. Cả ba khu vực kinh tế này đều đang chìm trong suy thoái (Anh, Đức, EU) hoặc tăng trưởng chậm lại (Mỹ, Trung Quốc). Điều này đang tác động tiêu cực tới đơn hàng của doanh nghiệp trong nước, cả FDI và doanh nghiệp nội.

72,8% doanh nghiệp Việt dự kiến giảm quy mô 2024

Khi cả thế giới ngừng tăng trưởng và tiêu dùng bị thu hẹp, các thị trường xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Biểu hiện rõ nhất là các đơn hàng ít hơn, cạnh tranh giá cả khốc liệt hơn.
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), đã có khảo sát doanh nghiệp vào tháng 12/2023, trước đó tháng 4/2023, Ban IV đã có cuộc khảo sát tương tự.
Kết quả khảo sát phản ánh kết quả rất tiêu cực. Trong tổng số 2.734 doanh nghiệp tham gia khảo sát, vẫn có 82,4% doanh nghiệp đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2023; 69,1% đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024.

Về sức mạnh nội tại và dự kiến kinh doanh, có 72,8% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong năm 2024. Trong đó: Tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 11.8%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh chiếm 12,2%; dự kiến giảm mạnh quy mô: 28,2% và dự kiến giảm nhẹ quy mô: 20,6%.

Đặc biệt, so với khảo sát tháng 4/2023, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể và tạm ngừng kinh doanh trong khảo sát tháng 12 không có xu hướng giảm như hầu hết các chỉ báo khác. Thực trạng này cũng cùng xu hướng so với số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê công bố tháng 4 và tháng 12/2023.

Số liệu khảo sát và thống kê cho thấy rằng doanh nghiệp Việt đang dần kiệt sức, đặc biệt sau 2 năm Covid 19 và 2 năm phải đối mặt với những bất ổn của kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới kéo dài, bất định.

Quang Nhật (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Sau khi cán đích tăng trưởng tín dụng năm 2023, tín dụng lập tức giảm tháng kế tiếp