Tiêu chảy do lo lắng: Nguyên nhân và cách chữa trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhận tin không vui rồi phải chạy ngay vào nhà vệ sinh, bạn sẽ hiểu rõ lo lắng hoặc hồi hộp có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa của mình.

Tiêu chảy do lo lắng là một chủ đề tế nhị, nhưng không vì thế mà bỏ qua, bởi bạn có thể thực hiện một số bước tương đối đơn giản để cải thiện tình hình của mình.

Đầu tiên, chúng ta hãy xem điều gì đang xảy ra khi cảm xúc ảnh hưởng đến đường ruột. Ngày càng có nhiều bằng chứng về mối liên hệ trực tiếp giữa ruột và não, và việc giải quyết vấn đề sức khỏe đường ruột là một cách tuyệt vời để đối phó với các triệu chứng lo âu. Chúng tôi sẽ điều tra liên kết này và khám phá một số cách để giải quyết cả vấn đề tiêu hóa và lo lắng tiềm ẩn.

Điều gì gây ra tiêu chảy lo lắng?

Mặc dù không hoàn toàn chắc chắn tại sao sự lo lắng lại dẫn đến nhu cầu đi ngoài đột ngột, nhưng một giả thuyết cho rằng đó là kết quả của phản ứng tăng cao đối với các hormone phản ứng chiến hay chạy (chẳng hạn như adrenaline) được tạo ra khi chúng ta cảm thấy bị đe dọa đột ngột.

Nhu động ruột gia tăng đã được ghi nhận ở những người mắc chứng lo âu mãn tính. Họ có khả năng bị tiêu chảy cao gấp đôi so với người khác. Điều này cũng có liên quan đến tiêu chảy mãn tính ở những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS-D), nhưng cũng gặp ở những người không bị IBS-D.

Một cách khác, các tình huống căng thẳng và lo lắng có thể gây ra tiêu chảy và các triệu chứng tiêu hóa khác thông qua kích thích tế bào mast (tế bào miễn dịch sản xuất histamine). Điều này có nghĩa là, sự lo lắng có thể tạo ra các triệu chứng tiêu hóa thông qua cùng một lộ trình hệ thống miễn dịch mà các chất gây dị ứng thực phẩm gây ra [6].

Đối với một số người, mức độ adrenaline kéo dài và mãn tính có thể có tác dụng ngược lại làm giảm nhu động ruột, khiến nhu động ruột chậm chạp hơn.

Điểm mấu chốt là sự lo lắng và các yếu tố gây căng thẳng khác có thể ảnh hưởng đến thói quen đại tiện theo cả hai hướng (ví dụ: tiêu chảy hoặc táo bón).

Kết nối ruột - não

The gut-brain connection. (Inkoly/Shutterstock)
Kết nối ruột-não. (Inkoly/Shutterstock)

Chúng ta biết rằng hệ vi sinh vật đường ruột - tập hợp hàng nghìn tỷ vi sinh vật trong ruột của chúng ta - có tác động mạnh mẽ đến não và ngược lại.

Mặc dù không phải lúc nào cũng rõ liệu sự lo lắng hay mất cân bằng đường ruột có xuất hiện trước hay không, nhưng có khả năng nhiều triệu chứng đường ruột, chẳng hạn như tiêu chảy liên quan đến lo lắng, được kích hoạt bởi sự giao tiếp hai chiều giữa hệ vi sinh vật đường ruột và não bộ. Cái gọi là trục ruột - não kết nối hệ thần kinh trung ương của bạn với hệ thần kinh ruột thông qua dây thần kinh phế vị.

Nếu hệ vi sinh vật đường ruột không lành mạnh, kết nối ruột - não có thể bị gián đoạn và bạn có thể tăng mức độ lo lắng. Một số đánh giá/phân tích tổng hợp có hệ thống đã phát hiện ra rằng, lo lắng thường cùng tồn tại với hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh viêm ruột (IBD) và bệnh celiac.

Thật không may, những nghiên cứu về mức độ phổ biến này không thể chỉ ra liệu chứng rối loạn lo âu và đường ruột có quan hệ nhân quả hay không, cũng như không thể xác định điều gì xảy ra trước. Nó chỉ cho thấy những người bị rối loạn chức năng đường ruột có nhiều khả năng lo lắng hơn những người khỏe mạnh, đồng thời sự mất cân bằng đường ruột có thể góp phần gây ra lo lắng và ngược lại.

Ví dụ, nghiên cứu thú vị ở chuột đã chỉ ra rằng, một chất hóa học do vi khuẩn sống trong ruột tạo ra có thể thay đổi chức năng não và khiến chuột thể hiện những hành vi lo lắng hơn.

Đổi lại, căng thẳng và lo lắng có thể làm mất cân bằng vi khuẩn trong ruột, bắt đầu một loạt phản ứng sinh hóa tác động đến hệ thần kinh trung ương.

Hiểu được đường ruột ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của chúng ta (và ngược lại) mở ra khả năng cải thiện sức khỏe đường ruột. Đồng thời, nó cũng có thể giúp chống lại các triệu chứng lo âu, chẳng hạn như tiêu chảy do lo lắng.

Trên thực tế, chúng tôi phát hiện nhiều bệnh nhân có vấn đề về đường ruột gia tăng chứng lo âu, và việc chữa lành đường ruột thường dẫn đến cải thiện tình trạng lo lắng.

Dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách chữa lành đường ruột để giảm bớt lo lắng.

3 bước ảnh hưởng đến ruột để đánh bại chứng tiêu chảy do lo âu

Mặc dù có thể không có đơn thuốc nào “hoàn hảo” để kiểm soát bệnh tiêu chảy do lo lắng, nhưng ba bước tự chăm sóc sau đây sẽ cải thiện sức khỏe đường ruột của bạn. Điều này có thể giúp bạn giảm bớt chứng rối loạn lo âu và tiêu chảy do lo lắng.

Bước 1: Loại bỏ những thực phẩm không phù hợp với bạn

Nghiên cứu cho thấy những người nhạy cảm với một số đồ ăn uống, chẳng hạn như nhạy cảm với gluten, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng lo lắng, bao gồm cả tiêu chảy do lo lắng. Loại bỏ những tác nhân này khỏi chế độ ăn của bạn, ít nhất tạm thời giúp đường ruột của bạn có cơ hội được chữa lành và các triệu chứng lo lắng được cải thiện.

Ví dụ: một nghiên cứu thí điểm năm 2016 đã khám phá tác động của chế độ ăn không có gluten (GFD) trong 6 tuần ở 41 đối tượng được chẩn đoán mắc IBS-D (hội chứng ruột kích thích với triệu chứng chính là tiêu chảy). Một nửa số đối tượng này cho kết quả dương tính với một gen làm tăng nguy cơ dị ứng gluten, trong khi nửa còn lại âm tính với cùng một gen. Kết quả cho thấy:

  • Loại bỏ gluten không chỉ làm giảm đáng kể các triệu chứng đường ruột như tiêu chảy mà còn giảm lo lắng và trầm cảm ở cả hai nhóm.
  • Những người có kết quả xét nghiệm dương tính với gen dị ứng gluten có sự cải thiện nhiều hơn về chứng trầm cảm, sức sống, cảm xúc và sự mệt mỏi.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu muốn xem liệu chế độ ăn kiêng loại bỏ FODMAP thấp có cải thiện tình trạng lo lắng, trầm cảm và chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân mắc IBS và tiêu chảy hay không.

Tổng cộng có 92 bệnh nhân được chỉ định ngẫu nhiên để áp dụng chế độ ăn ít FODMAP hoặc chế độ ăn kiêng dựa trên các khuyến nghị IBS tiêu chuẩn. Sau 4 tuần, kết quả cho thấy:

  • Chế độ ăn ít FODMAP cải thiện đáng kể sự lo lắng, tính nhất quán của phân và sự cấp bách.
  • Các lợi ích khác được thấy ở nhóm FODMAP thấp bao gồm những cải thiện đáng kể về đau bụng, đầy hơi, chất lượng cuộc sống, suy giảm hoạt động, hình ảnh cơ thể và trầm cảm so với chế độ ăn IBS tiêu chuẩn.

Bắt đầu trên FODMAP

Chế độ ăn kiêng FODMAP thấp không nhất thiết phải là chế độ ăn kiêng đầu tiên bạn thực hiện. Để giải quyết các vấn đề về lo lắng và đường ruột, nhiều bệnh nhân thực hiện chế độ ăn kiêng kiểu Paleo, loại bỏ thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm mà chúng ta thường không dung nạp hoặc nhạy cảm (như lúa mì và gluten). Kết quả khá khả quan.

Điều đó nói rằng, chế độ ăn ít FODMAP có lẽ phù hợp hơn với các triệu chứng không đáp ứng với chế độ ăn kiêng Paleo, bao gồm tiêu chảy do lo lắng nghiêm trọng hơn, đầy hơi và rối loạn tiêu hóa. Chìa khóa của chế độ ăn kiêng này là tìm ra khả năng chịu đựng cụ thể của riêng bạn đối với một nhóm carbohydrate và prebiotic (FODMAP) có thể nuôi dưỡng sự phát triển quá mức của vi khuẩn hiện có.

Những người khác nhau sẽ có thích ứng khác nhau đối với FODMAP và theo thời gian sẽ có sự thay đổi. Điều này có nghĩa là khi đường ruột của bạn lành lại, bạn có thể ăn nhiều carbohydrate và prebiotic hơn, trong khi vẫn còn các triệu chứng đường tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy do lo lắng.

Bước 2: Uống men vi sinh

Do tác dụng cân bằng của chúng đối với hệ vi sinh vật, sử dụng men vi sinh có thể là một chiến lược khác để giúp đối phó với chứng lo âu và tiêu chảy.

Trong một nghiên cứu sơ bộ, tổng cộng 83 bệnh nhân mắc chứng lo âu và trầm cảm (8 người cũng mắc IBS) đã được cung cấp men vi sinh Lacto/Bifido đa chủng trong hai tháng. Kết quả cho thấy những cải thiện đáng kể về trầm cảm và lo lắng, chất lượng cuộc sống và các triệu chứng tiêu hóa, bao gồm cả tiêu chảy.

Một đánh giá có hệ thống năm 2021 cũng xác định 5 nghiên cứu cho thấy men vi sinh có hiệu quả trong việc cải thiện bệnh tiêu chảy và một nghiên cứu cho thấy men vi sinh giúp cải thiện tình trạng lo lắng.

Men vi sinh cũng hỗ trợ khá tốt trong việc giảm bớt các triệu chứng lo âu, và điều này đặc biệt xảy ra ở những người lo lắng về mặt lâm sàng. Tuy nhiên, các biện pháp can thiệp bằng chế độ ăn uống thậm chí còn hiệu quả hơn. Vì vậy, nó nên là lựa chọn đầu tiên để kiểm soát lo âu.

Một lý do có thể giải thích cho tác dụng có lợi của men vi sinh là chúng giúp chữa lành ruột bị rò rỉ. Hiện tượng tăng tính thấm của ruột cho phép độc tố vi khuẩn rò rỉ vào máu và góp phần gây lo lắng.

Probiotic nào hoạt động tốt nhất?

Hầu hết các nghiên cứu về men vi sinh giúp cải thiện tâm trạng và lo lắng đều sử dụng men vi sinh thuộc nhóm Lactobacillus/Bifidobacterium. Vì vậy, dựa trên điều này, bạn có thể chọn hỗn hợp Lactobacillus/Bifidobacterium đa chủng loại, chất lượng cao.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là một loại lợi khuẩn khác sẽ không hữu ích đối với chứng tiêu chảy do lo lắng. Và có lẽ bạn không cần phải tìm kiếm một loại vi khuẩn siêu đặc hiệu để điều trị chứng lo âu. Trên thực tế, từ kinh nghiệm lâm sàng của tôi, sự pha trộn giữa các loài có lẽ là tốt nhất để bao phủ toàn bộ đường ruột.

Tại phòng khám, chúng tôi đã tìm thấy hỗn hợp Lactobacillus/Bifidobacterium, kết hợp với Saccharomyces boulardii, là một sự kết hợp hiệu quả và dung nạp tốt.

Bước 3: Khai thác kháng sinh thảo dược

Herbal antimicrobials benefits. (Dr. Ruscio)
Lợi ích kháng khuẩn thảo dược. (Tiến sĩ Ruscio)

Kháng sinh thảo dược, như berberine, đôi khi được khuyên dùng như một phần của chương trình chữa bệnh đường ruột nếu thay đổi chế độ ăn uống và dùng chế phẩm sinh học không mang lại hiệu quả. Đối với những người bị tiêu chảy lo lắng, chúng có thể đặc biệt có lợi.

Một thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát năm 2015 trên các bệnh nhân IBS bị tiêu chảy là triệu chứng chính. Các nhà nghiên cứu đã chỉ định ngẫu nhiên 400 miligam berberine hydrochloride hoặc giả dược mỗi ngày trong 8 tuần cho bệnh nhân. Kết quả cho thấy bổ sung berberine làm giảm đáng kể tần suất tiêu chảy và lo lắng sau 8 tuần điều trị so với giả dược.

Đau bụng, trầm cảm và chất lượng cuộc sống cũng được cải thiện đáng kể ở nhóm dùng berberine so với nhóm dùng giả dược. Những kết quả này giúp củng cố mối liên hệ ruột - não và gợi ý rằng, sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột tiềm ẩn có thể xảy ra ở những người mắc chứng lo âu.

Các phương pháp thay thế

(Cliff Booth/Pexels)
(Cliff Booth/Pexels)

Mặc dù không có nghiên cứu nào đề cập trực tiếp đến tác dụng của các liệu pháp thay thế hoặc bổ sung đối với bệnh tiêu chảy do lo lắng, nhưng một số nghiên cứu đã tìm thấy lợi ích cho những người mắc IBS-D và các triệu chứng lo lắng cùng một lúc. Ví dụ:

  • Thiền mang lại lợi ích trong một thử nghiệm nhỏ liên quan đến 16 bệnh nhân IBS thực hành thiền phản ứng thư giãn (RRM) trong 6 tuần. Kết quả cho thấy cải thiện đáng kể các triệu chứng IBS (tiêu chảy, đầy hơi, ợ hơi, chướng bụng) so với nhóm đối chứng. Trong khi 39% đối tượng cho biết đã cải thiện tình trạng lo lắng [33].
  • Yoga cộng với các bài tập hít thở sâu hiệu quả hơn loperamid (Imodium) ở bệnh nhân IBS sau 2 tháng tập 2 lần mỗi ngày. Cho dù những người trong nghiên cứu dùng loperamid hay tập yoga, họ đều thấy những cải thiện đáng kể về các triệu chứng IBS-D và lo lắng. Nhưng nhóm tập yoga cho thấy các triệu chứng đường ruột cải thiện nhiều hơn [34].
  • Trung y (cụ thể hơn là cứu ngải các huyệt) đã cải thiện các triệu chứng IBS-D hiệu quả hơn so với nhóm điều trị giả dược. Sau 6 tuần, kết quả cho thấy nhóm điều trị Trung y đã cải thiện đáng kể tần suất tiêu chảy và nhu động ruột [35].

Nhiều kỹ thuật tâm trí - cơ thể, bao gồm cả những kỹ thuật được đề cập ở trên, an toàn, dễ thực hiện tại nhà, ít hoặc không tốn chi phí. Chúng có thể được thực hiện cùng với những thay đổi về chế độ ăn uống. Đây là lựa chọn tuyệt vời để giải quyết các triệu chứng liên quan đến lo âu.

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) cho chứng lo âu

CBT có thể giúp giảm lo lắng và nó cũng có thể hữu ích đối với chứng IBS. Vì, vậy, đây là một phương pháp điều trị khác đáng để xem xét đối với bệnh tiêu chảy do lo lắng [36].

Một nghiên cứu cho thấy CBT kết hợp với điều trị bằng thuốc đã cải thiện đáng kể các triệu chứng IBS-D và chất lượng cuộc sống so với chỉ điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, các triệu chứng dường như quay trở lại sau khi ngừng CBT.

Một nghiên cứu khác cho thấy CBT cộng với tập thể dục đã cải thiện đáng kể các triệu chứng IBS-D so với nhóm đối chứng sau 6, 12 và 24 tuần. Ngoài ra, CBT dường như cải thiện đáng kể kiểu suy nghĩ và cách đối phó của những người có triệu chứng tiêu chảy .

Thuốc chống trầm cảm thông thường có thể giúp ích?

Một nghiên cứu tổng quan và phân tích tổng hợp đã gợi ý rằng thuốc chống trầm cảm truyền thống, bao gồm thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-noradrenaline (SNRI), giúp dập tắt các triệu chứng đường ruột (đặc biệt là tiêu chảy), cũng như giảm trầm cảm và lo lắng nói chung.

Tuy nhiên, thuốc chống trầm cảm có thể có tác dụng phụ, bao gồm sự gián đoạn đáng kể hệ vi sinh đường ruột. Vì lý do này, tôi không khuyên dùng thuốc chống trầm cảm truyền thống như một lựa chọn hàng đầu cho bệnh tiêu chảy do lo âu.

Dù vậy, nếu bạn đang dùng những loại thuốc này hoặc tạm thời cần chúng để vượt qua khoảng thời gian tồi tệ, đừng quá lo lắng. Uống men vi sinh và cải thiện chế độ ăn uống của bạn sẽ giúp giảm thiểu những tác dụng phụ.

Nói lời tạm biệt với tiêu chảy lo âu

Tiêu chảy là điều tồi tệ đối với nhiều người mắc chứng lo âu. Để vượt qua chu kỳ lo lắng - đau bụng - lo lắng nhiều hơn, bạn cần tăng cường sức khỏe đường ruột của mình, giúp bình thường hóa kết nối ruột - não.

Chế độ ăn kiêng Paleo hoặc ít FODMAP kết hợp với men vi sinh là một cách hiệu quả để giải quyết chứng bệnh này đối với hầu hết mọi người. Nhưng nếu sự kết hợp này không đủ hiệu quả, thuốc kháng sinh thảo dược, CBT, thiền hoặc các liệu pháp thư giãn khác như yoga cũng có thể giúp ích.

Tái bản từ DrRuscio.com

Theo DrRuscio-The Epoch Times

Thiện Tâm biên dịch

  • Bạn có thể thử tham gia lớp thiền định online miễn phí tại đây.



BÀI CHỌN LỌC

Tiêu chảy do lo lắng: Nguyên nhân và cách chữa trị