Vì sao bạn không nên dùng cốc giấy để đựng nước nóng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đã đến lúc bạn suy nghĩ lại về việc sử dụng cốc giấy dùng một lần tại các quán cà phê, và thay chúng bằng cốc kim loại hoặc gốm sứ.

Nghiên cứu mới cho thấy, cốc giấy cà phê có chứa hàng nghìn tỷ hạt nhựa từ lớp lót bên trong. Theo đó, ly giấy sử dụng một lần được lót một màng nhựa mỏng giúp giữ nóng chất lỏng và ngăn chúng rò rỉ qua bìa cứng bên ngoài.

Kết quả được công bố gần đây trên tạp chí Environmental Science & Technology cho thấy, lớp lót này giải phóng hơn 5 nghìn tỷ hạt nano nhựa mỗi lít khi rót chất lỏng nóng vào cốc giấy có trọng lượng 340g.

Trưởng nhóm nghiên cứu Christopher Zangmeister tại Phòng thí nghiệm Đo lường Vật liệu của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (bang Maryland, Hoa Kỳ) cho biết:

“Để dễ hình dung về kích thước của những hạt này, [bạn hãy tưởng tượng] 1.000 hạt nhựa có đường kính 100 nanomet có thể nằm gọn trên một sợi tóc của con người. Đây là những hạt rất nhỏ".

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng khi bạn uống 13 tách cà phê hoặc trà nóng bằng cốc giấy, bạn đã tiêu thụ một lượng hạt nano nhựa tương đương với bảy tế bào trong cơ thể của chính mình.

Thực tế, họ nhận ra chất lỏng cũng không cần phải quá nóng để thúc đẩy quá trình giải phóng các hạt nhựa này.

Ông Zangmeister cho biết: “Số lượng các hạt được giải phóng vào nước tăng lên nhanh chóng tùy thuộc vào nhiệt độ nước từ nhiệt độ phòng lên đến khoảng 37.7°C, sau đó nó giảm dần và không đổi”.

Trong khi đó, đồ uống nóng ở các quán cà phê thường được phục vụ ở nhiệt độ khoảng 54-71°C, theo một đánh giá vào năm 2019 trên tạp chí Journal of Food Science.

Ông David Andrews, một nhà khoa học cấp cao tại Nhóm Công tác Môi trường (Hoa Kỳ), nói rằng:

“Chúng ta dễ dàng nhận thấy ô nhiễm nhựa đang gây ra một cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu. Tuy nhiên, nghiên cứu mới này chỉ ra rằng, các hạt nano nhựa giải phóng vào thực phẩm và đồ uống từ các loại nhựa thông thường đang ngấm ngầm gây hại cho sức khỏe".

Ông Andrews nói thêm:

“Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA (Hoa Kỳ) nên khẩn trương yêu cầu kiểm tra và công bố về các hóa chất và hạt nano giải phóng từ các vật liệu nhựa tiếp xúc với thực phẩm. Đồng thời, họ cần thực hiện các hành động cần thiết để đảm bảo rằng những vật liệu này không gây hại cho sức khỏe con người”.

Rolf Halden, giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Sức khỏe Môi trường tại Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ) cho biết, những hạt nano này đủ nhỏ để đi vào mạch máu và tích tụ trong các mô cũng như cơ quan trên khắp cơ thể.

Ông Halden nói:

“Chúng tôi thực sự không biết tác động của những hạt này là gì. Mức độ phơi nhiễm của con người ngày càng tăng, và chúng ta thiếu các công cụ để đo lường những gì đang xảy ra trong cơ thể, nơi chúng lắng đọng và cách chúng hoạt động ở đó”.

Giám đốc Halden lưu ý rằng, amiăng gây hại vì con người hít các hạt nhỏ của nó vào phổi và tích tụ dần qua thời gian, gây ra chứng viêm có thể dẫn đến sẹo và ung thư.

Ông giải thích: “Bản thân amiăng tương đối lành tính. Nhưng điều khiến nó trở nên độc hại và có thể giết chết 90.000 người mỗi năm là vì có các hạt nằm trong mô người”.

Đối với nghiên cứu này, ông Zangmeister và các đồng nghiệp đã đổ nước có độ tinh khiết cực cao vào các túi nồi nấu chậm bằng nylon (nylon slow-cooker bags) và cốc giấy có lót polyethylene, tất cả đều được lấy từ các nhà bán lẻ khác nhau.

Túi nhựa nấu ăn được sử dụng để giữ ẩm thực phẩm trong lò, và giúp việc dọn dẹp trở nên dễ dàng hơn đối với những người nấu chậm.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, giữ nóng chiếc túi nylon nấu chậm khoảng một giờ đã rửa trôi khoảng 35 nghìn tỷ hạt nano nhựa trên một lít nước.

Tương tự, đổ nước nóng vào cốc giấy có trọng lượng 340g trong 20 phút, sau đó để nguội dần đã rửa trôi 5.1 nghìn tỷ hạt nano nhựa mỗi lít.

Ông Halden và Christopher Reddy, một nhà khoa học cấp cao về hóa học biển và địa hóa học tại Viện Hải dương học Woods Hole ở Woods Hole (bang Massachusetts, Hoa Kỳ) đều ca ngợi nghiên cứu, gọi đây là nghiên cứu mang tính bước ngoặt do sự tỉ mỉ trong cách thực hiện của các nhà khoa học.

Những người lo lắng giờ đây có thể cân nhắc mang một chiếc cốc bằng kim loại hoặc gốm sứ đến quán cà phê [thay vì cốc giấy], ông Zangmeister nói.

Ông cho hay:

“Trên phương diện cá nhân, tôi đã cố gắng giảm sự tiếp xúc của thực phẩm và nước với đồ nhựa trong cuộc sống của mình. Phần lớn hệ thống ống nước trong xã hội hiện đại là nhựa, các bộ lọc nước được làm từ vật liệu polyme [nhựa], vì vậy việc loại bỏ sự tiếp xúc với nhựa có thể là một thách thức thực sự”.

Ông Reddy cho biết thêm, các nhà sản xuất cốc giấy có thể thay đổi đơn giản quy trình công nghiệp của họ để ngăn chặn sự tiếp xúc của con người với các hạt này.

“Liệu ngành công nghiệp có thể xử lý nước nóng trên những chiếc cốc này trước khi đưa chúng ra ngoài cho người tiêu dùng và rửa sạch những hạt này trước không?

Tôi nhìn vào [kết quả nghiên cứu] này và tự hỏi, liệu có cách khắc phục dễ dàng cho vấn đề này không? Nếu chúng ta cho tất cả các cốc vào một lần tráng cuối cùng, chúng ta sẽ loại bỏ được rất nhiều hạt này”, ông nói.

Hoàng Tuấn
Theo The Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao bạn không nên dùng cốc giấy để đựng nước nóng?