Tại sao da bị ngứa vào mùa đông?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Da bị ngứa vào mùa đông do nhiều yếu tố tác động từ bên trong lẫn bên ngoài. Tuy nhiên, không phải lúc nào ngứa da cũng là biểu hiện bình thường của cơ thể. Khi tình trạng kéo dài bất thường, bạn nên đến thăm khám các cơ sở chuyên khoa y tế để tìm hiểu nguyên nhân.

Vào mùa đông, nhiều vị trí trên cơ thể có khả năng bị ngứa, có người ngứa lưng, có người lại ngứa ngực, trong khi cũng có người ngứa cả tay chân. Đặc biệt, nhóm người cao tuổi thường gặp hiện tượng này nhất.

Vậy, tại sao da bị ngứa vào mùa đông?

Khi bước vào tuổi cao niên, da người bị lão hóa và giảm bài tiết chất nhờn do tuyến bã hoạt động kém hiệu quả; từ đó làm khô da, thoái hóa teo da và gây ngứa.

Tắm thường xuyên, nhiệt độ nước quá cao hoặc sử dụng xà phòng có tính kiềm mạnh cũng gây khô da và ngứa.

Mặt khác, không khí quá hanh khô vào mùa thu đông cũng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này. Điều đó giải thích tại sao có những người từ bên ngoài trở về nhà cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu.

Ngứa da thông thường xảy ra vào cuối mùa thu và khi nhiệt độ thay đổi mạnh vào mùa đông; khi bạn đột ngột bước vào phòng ấm hoặc cởi quần áo trước khi ngủ.

Chủ yếu là do nhiệt độ lạnh vào mùa đông dễ làm tuyến bã nhờn tiết ra ít dầu hơn, từ đó làm tổn thương hàng rào bảo vệ da.

Ngứa tuổi già và ngứa mùa đông thuộc chứng ngứa toàn thân.

Ngứa toàn thân cũng bao gồm ngứa mùa hè và ngứa khi mang thai. Ngoài ra còn có các biểu hiện ngứa khu trú, chủ yếu là ngứa tại chỗ như ngứa hậu môn, ngứa âm hộ.

Tiếp theo, hãy xem xét các yếu tố bên trong gây ngứa da

Yếu tố tâm thần kinh

Nhiều người bị ngứa khắp người không rõ nguyên nhân trước và sau các biến cố lớn; chủ yếu là do tinh thần căng thẳng, lo lắng, hưng phấn, sợ hãi, trầm cảm, rối loạn chức năng thần kinh hoặc do bệnh lý thay đổi.

Các bệnh toàn thân và các bệnh khác

Bệnh thận, nhiễm độc niệu, cường giáp hoặc suy giáp, tiểu đường, ung thư hạch, bệnh bạch cầu, bệnh gan mật tắc nghẽn, hội chứng Sjogren, bệnh đa hồng cầu, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV), bệnh mô liên kết, các khối u ác tính khác, v.v. đều có khả năng gây ngứa toàn thân.

Ngoài ra còn có nhiễm nấm âm đạo, bệnh lậu và ung thư cổ tử cung có thể gây ngứa âm hộ; bệnh trĩ, nứt hậu môn, polyp... thường gây ngứa quanh hậu môn.

Rối loạn nội tiết

Phụ nữ mang thai thường bị ngứa da, rối loạn kinh nguyệt cũng có thể gây ngứa âm hộ.

Nhiễm ký sinh trùng

Chẳng hạn như nhiễm giun kim, bệnh ghẻ...

Yếu tố kích thích bên trong

Morphine, thuốc ức chế men chuyển, thuốc giảm đau, vitamin B, chloroquine và sulfonamide đều có thể gây ngứa.

Yếu tố dị ứng

Tiếp xúc với thực vật dễ gây dị ứng, phấn hoa… có thể gây ngứa da cục bộ.

Yếu tố bên ngoài làm da bị ngứa bất thường

Thay đổi nhiệt độ đột ngột

Bước vào một căn phòng ấm áp từ cái lạnh của môi trường bên ngoài có thể gây ra ngứa ngáy khó chịu. Chăn ga gối đệm quá nóng, sự thay đổi nóng hoặc lạnh đột ngột này cũng có thể gây ngứa.

Chất kích thích bên ngoài

Tiếp xúc với chất khử trùng, thuốc diệt côn trùng, chất khử mùi, thuốc nhuộm và các chất gây kích ứng khác, sử dụng xà phòng quá kiềm và một số mỹ phẩm không phù hợp cũng có thể kích ứng da và gây ngứa.

Chất liệu đồ lót

Những người thường xuyên mặc quần áo bó sát bằng vải cotton rất dễ bị ngứa. Mặc quần áo bằng sợi hóa học và vải len cũng tương tự.

Phải làm gì nếu da bị ngứa vào mùa đông?

Khi da bị ngứa, phản xạ tự nhiên của chúng ta là gãi. Đây cũng là cách giảm ngứa đơn giản và dễ thực hiện nhất!

Nhưng gãi không chữa được ngứa, gãi nhiều lần da có thể đỏ, sần sùi, sưng, gây tổn thương da, hình thành vảy máu, mất sắc tố, chảy máu nặng thậm chí có thể nhiễm trùng thứ phát như nhọt, viêm nang lông, viêm ống bạch huyết, để lại sẹo.

Để giảm ngứa, bạn có thể bắt đầu từ các hành vi trong cuộc sống hàng ngày:

  • Điều trị dưỡng ẩm, thoa kem dưỡng ẩm phù hợp để sửa chữa hiệu quả hàng rào bảo vệ da tại chỗ;
  • Không tắm quá thường xuyên vào mùa lạnh, tránh rửa bằng nước nóng để giảm ngứa;
  • Nên thoải mái tinh thần, sinh hoạt điều độ;
  • Đồ lót nên mềm mại, chọn vải cotton nguyên chất, vải lanh, lụa và các chất liệu khác;
  • Kiêng uống rượu, không uống trà đậm, không ăn hoặc ăn ít đồ cay như ớt, tiêu, mù tạt;
  • Thay đổi môi trường sống nếu xung quanh có nhiều yếu tố tác động gây ngứa.

Tìm ra nguyên nhân gây ngứa và tránh các yếu tố tác động là chìa khóa để phòng ngừa và điều trị!

Bị ngứa như thế nào thì cần đi khám và điều trị sớm?

  • Ngứa không thể thuyên giảm và kéo dài hơn hai tuần.
  • Ngứa dữ dội đến mức không thể sinh hoạt, làm việc, thậm chí ngủ bình thường.
  • Ngứa đột ngột nhưng không tự tìm ra được nguyên nhân.
  • Ngứa tái phát toàn thân.
  • Trong khi ngứa da, có các triệu chứng khác như cực kỳ mệt mỏi, sụt cân, thay đổi thói quen đi tiêu, đi tiểu nhiều hơn, sốt hoặc da đỏ bừng.

Vậy nếu đi khám, thì đi đến bộ phận nào?

  • Đối với những trường hợp ngứa da đơn thuần, hoặc mẩn đỏ, đóng vảy máu, mất sắc tố… sau khi gãi, hãy chọn bác sĩ da liễu;
  • Ngứa do bệnh thận thì chọn khám chuyên khoa thận để điều trị;
  • Ngứa và bệnh lý gan mật thì chọn khoa tiêu hóa hoặc phẫu thuật gan mật;
  • Bệnh nhân đái tháo đường có biểu hiện ngứa ngoài da, chọn khoa nội tiết để điều trị.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao da bị ngứa vào mùa đông?