Thiết lập múi giờ riêng cho Mặt trăng và ảnh hưởng đến Lịch Âm của Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo dự tính của NASA và ESA, trong thập kỳ tới sẽ có những căn cứ nghiên cứu khoa học của con người trên Mặt trăng. Vì vậy việc thúc đẩy dự án thiết lập múi giờ riêng cho Mặt trăng từ bây giờ là cần thiết, vì công nghệ này không hề đơn giản.

NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đặt mục tiêu đổ bộ lên mặt trăng vào năm 2025 và thiết lập một căn cứ lâu dài quay quanh mặt trăng trong vòng vài năm tới. Trung Quốc và Nga cũng đang hợp tác để thiết lập một căn cứ mặt trăng riêng biệt, với các cuộc đổ bộ của phi hành đoàn được ấn định vào năm 2036.

Đề xuất thiết lập múi giờ riêng cho Mặt trăng

Mới đây, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã chính thức đề xuất thiết lập một múi giờ riêng để sử dụng trên Mặt trăng, theo AP. Mục đích lập múi giờ này là để các tàu vũ trụ của tất cả các quốc gia đều có thể sử dụng chung để trao đổi thông tin và điều hướng thuận tiện.

Hiện tại, mỗi sứ mệnh Mặt trăng đều đang sử dụng múi giờ riêng của quốc gia thực hiện nó. Sau đó tất cả đều được liên kết với giờ quốc tế trên Trái đất (UTC). Nhưng phương pháp này không phải lúc nào cũng chính xác và còn mất thời gian, điều đó cũng có nghĩa là các tàu vũ trụ được vận hành từ những nơi khác nhau sẽ không đồng bộ với nhau.

Vì vậy, vào tối ngày 27/2, ESA đã công bố một kế hoạch thiết lập múi giờ mới trên Mặt trăng; mặc dù ý tưởng này đã được đưa ra vào cuối năm ngoái. Pietro Giordano, kỹ sư hệ thống định vị của ESA cho biết: “Chúng tôi đã nhất trí về tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc xác định thời gian tham chiếu chung trên Mặt trăng. Ý kiến này đã được quốc tế chấp nhận và đang hướng đến việc thực thi nó để mọi người dùng để có thể tham khảo sử dụng. Đây được xem như một nỗ lực quốc tế mà các nước phối hợp cùng nhau triển khai vì các mục đích chung trong tương lai."

Giờ Mặt trăng tiêu chuẩn không chỉ giúp việc giao tiếp trở nên dễ dàng hơn mà còn giúp các phi hành gia định hướng tốt hơn. Các cơ quan vũ trụ có kế hoạch lắp đặt hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GNSS) trên Mặt trăng bắt đầu từ khoảng năm 2030, theo một nghiên cứu đăng trên trang Nature. Điều này sẽ tương tự như cách GPS hoạt động trên Trái đất, sử dụng các vệ tinh mang đồng hồ nguyên tử để tính toán vị trí.

Lựa chọn nguyên lý tính toán thời gian thế nào?

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc tìm ra nguyên lý hoạt động của thời gian trên Mặt trăng. Bởi đồng hồ trên Mặt trăng sẽ di chuyển nhanh hơn so với trên Trái đất do lực hấp dẫn có khả năng làm cong thời gian. Đồng hồ Mặt trăng tăng khoảng 56 micro giấy sau mỗi 24 giờ. Điều này sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào vị trí đặt đồng hồ trên Mặt trăng.

Các chuyên gia có thể chọn đồng bộ hoá giờ Mặt trăng với giờ quốc tế UTC hoặc đó có thể là 1 hệ thống tính giờ hoàn toàn khác so với những gì chúng ta đã biết. Giống như trên Trái đất, họ có thể chia Mặt trăng thành các múi giờ riêng biệt, điều này là hợp lý nếu con người có kế hoạch thiết lập các dự án lâu dài trên Mặt trăng.

Mặt trăng sắp có múi giờ riêng, ngày Âm lịch có bị ảnh hưởng?

Âm lịch (lịch Âm), hay còn gọi là lịch vạn niên được nhiều nền văn hóa sử dụng, trong đó có Việt Nam. Loại lịch này được tính dựa trên các chu kỳ của tuần trăng.

Do thời lượng của chu kỳ/quỹ đạo mặt trăng không cố định và dao động ít nhiều nên độ dài của một tháng sẽ là 29 hoặc 30 ngày luân phiên. Nếu tính chính xác, con số này ở chu kỳ giao hội là 29,530588... ngày.

Cách tính lịch Âm dựa trên chuyển động của mặt trăng có thể sẽ càng phức tạp hơn trong tương lai, nếu như các cơ quan hàng không quốc tế thiết lập múi giờ mới dành cho Mặt trăng.

Theo Smithsonian



BÀI CHỌN LỌC

Thiết lập múi giờ riêng cho Mặt trăng và ảnh hưởng đến Lịch Âm của Việt Nam