Thổ Nhĩ Kỳ: Phát hiện mỹ phẩm và đồ trang sức từ thời La Mã cổ đại vẫn được bảo quản tốt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tàn tích của thành phố cổ Aizanoi ở phía tây Thổ Nhĩ Kỳ có niên đại từ thời kỳ Hy Lạp cổ đại khoảng 3.000 năm trước Công nguyên, trong đó có Đền thờ thần Zeus 2.300 năm tuổi. Thành phố này đã bị Đế chế La Mã chinh phục vào năm 133 trước Công nguyên. Trong khảo cổ học gần đây, người ta đã phát hiện ra nhiều loại mỹ phẩm, đồ trang sức và một số chữ khắc quan trọng từ thời La Mã cổ đại cách đây 2.000 năm, và nhiều trong số đó vẫn được bảo quản tốt.

Nhóm khảo cổ của Đại học Kütahya Dumlupınar của Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện ra nhiều mỹ phẩm và đồ trang sức từ thời La Mã cổ đại khi khai quật tàn tích khu chợ phía đông Đền thờ thần Zeus ở thành phố cổ Aizanoi. Trong số những loại mỹ phẩm này có nước hoa, đồ trang điểm và những món đồ tương tự như phấn phủ được phụ nữ thời đó sử dụng, nhiều loại vẫn được bảo quản tốt.

Nhóm khảo cổ còn phát hiện nhiều dòng chữ khắc ghi lại hoạt động buôn bán và đời sống của con người thời bấy giờ, cung cấp cho con người hiện nay những thông tin bổ ích về việc thành lập và hoạt động của các cửa hàng thời cổ đại. Một số chữ khắc cũng tiết lộ cấu trúc thương mại và xã hội của thành phố thời đó, khiến nhóm các nhà khảo cổ rất phấn khích.

Gokhan Coskun, một nhà khảo cổ học và giám đốc khai quật tại trường, đã nói với hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 9 năm nay rằng: “Hầu hết công việc khai quật khảo cổ được thực hiện tại một khu chợ cổ ở phía đông Đền thờ thần Zeus. Công việc khảo cổ này không chỉ giới hạn ở bên trong cửa hàng mà còn được thực hiện xung quanh cửa hàng”.

Ông cũng cho biết: "Chúng tôi tin chắc rằng nơi chúng tôi khai quật là một cửa hàng bán nước hoa, trang sức, đồ trang điểm và các loại mỹ phẩm khác. Trong quá trình khai quật, chúng tôi thấy một số lượng lớn các chai nước hoa. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm thấy đồ trang sức bao gồm nhiều loại hạt, những chiếc kẹp tóc và vòng cổ được phụ nữ sử dụng”.

Coskun cũng trình bày chi tiết về các mẫu vật được tìm thấy. Ông cho biết: “Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất là trong mỹ phẩm, chúng tôi tìm thấy các loại phấn trang điểm tương tự như loại mà phụ nữ ngày nay sử dụng. Chúng được sử dụng làm phấn má hồng và phấn mắt cho phụ nữ. Dù không được bảo quản nguyên vẹn hoàn toàn nhưng hầu hết là các mảnh 1 hoặc 2 mm (0,04 inch), tuy nhiên vẫn còn nhiều mảnh vỡ được bảo quản tốt và đang được tìm thấy trong quá trình khai quật".

Vậy những mỹ phẩm này được bảo quản như thế nào vào thời điểm đó? Ông nói: "Trong thời Đế chế Hy Lạp-La Mã, các loại mỹ phẩm như phấn má hồng và phấn mắt thường được bảo quản trong vỏ hàu, giống như hộp bông phấn hữu cơ thường được sử dụng ở Địa Trung Hải. Các loại mỹ phẩm này có 10 sắc thái khác nhau, chủ yếu là màu đỏ và màu hồng”.

Nguồn gốc của thành phố cổ Aizanoi và đền thờ thần Zeus

Theo Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố cổ Aizanoi ở Anatolia nổi tiếng với ngôi đền thờ thần Zeus được bảo tồn tốt, thành phố cổ này cách trung tâm Tahiya ngày nay khoảng 35 dặm (57 km). Nơi đây được cho là đã đạt đến thời kỳ hoàng kim thực sự vào thế kỷ thứ 2 và thứ 3 sau Công nguyên, trở thành "Trung tâm giám mục của thời đại Byzantine", và bắt đầu suy tàn dần sau thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên.

Khi cánh cửa dẫn vào Đền thờ thần Zeus được phát hiện vào tháng 9 năm 2021, nhà khảo cổ học Görkem Kökdemir của Ankara Üniversitesi nói với hãng thông tấn Anadolu Ajansı của Thổ Nhĩ Kỳ rằng đây là một "chợ tôn giáo" rộng 26.000 mét vuông.

Ông nói: "Thành phố này là một thành phố lớn vào thời cổ đại. Vào thời điểm đó, nhiều lễ hội tôn giáo sẽ được tổ chức tại các đền chùa và thánh đường ở đây, giống như một số người tôn thờ Artemis, nữ thần săn bắn của Hy Lạp. Chúng ta có thể gọi thành phố này là 'Thành phố của các vị thần'. Người dân thời đó thờ cả thần nam lẫn thần nữ, vì vậy đây là một thành phố rất quan trọng".

Kökdemir cũng mô tả về lịch sử khảo cổ của nơi này: “Đây là ngôi đền dành riêng cho thần Zeus. Nó đã được người Đức khai quật trước đây. Khi đó, họ đã vận chuyển những mảnh vỡ của ngôi đền này sang Đức, sao chép và lắp ráp các mảnh vỡ, và được trưng bày tại Bảo tàng Pergamon ở Berlin”.

Ông tiếp tục chia sẻ thêm: “Nhiều người đến thăm Bảo tàng Pergamon để xem bản sao của ngôi đền, nhưng hiện tại chúng tôi đang tiết lộ vị trí thật sự ban đầu của nó, đồng thời đang bảo tồn các phần kiến ​​trúc ban sơ thật sự của ngôi đền, điều này là rất quan trọng đối với khảo cổ học”.

Thành phố cổ Aizanoi không được người châu Âu khám phá lại cho đến năm 1824. Vào đầu những năm 1890, nhà khảo cổ học người Đức Karl Humann đã khai quật một phần của nó, nhưng nó tạm thời bị đình chỉ cho đến năm 1970 khi công việc khảo cổ được tiếp tục. Đức đã chuyển giao công việc khảo cổ cho một nhóm khảo cổ Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2011 và địa điểm này đã được đưa vào Danh sách dự kiến ​​Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 2012.

Trong quá trình Đức khảo cổ, một nhà hát, một sân vận động, hai nhà tắm công cộng, năm cây cầu, một tòa nhà thương mại, một hang động bí ẩn, 80 bức tượng và nhiều đồ vật khác nhau đã được khai quật, được xác định là xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên.​

Theo Liên Thư Hoa - Epochtimes

Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thổ Nhĩ Kỳ: Phát hiện mỹ phẩm và đồ trang sức từ thời La Mã cổ đại vẫn được bảo quản tốt