Trẻ em nhiễm virus RSV gia tăng, làm thế nào để nhận biết và phòng ngừa bệnh?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủng virus RSV đặc biệt nguy hiểm khi nó là nguyên nhân quan trọng gây tử vong cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo số liệu ước tính vào năm 2015, trên toàn thế giới có hơn 33 triệu lượt nhiễm trùng do virus RSV. Trong số này, hơn 3 triệu ca nhập viện và gần 60.000 trường hợp trẻ dưới 5 tuổi tử vong.

Bước vào giai đoạn chuyển mùa, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) ghi nhận sự gia tăng về số lượng trẻ nhập viện do các bệnh liên quan đến hô hấp.

Hiện tại, Khoa Nhi và đơn nguyên sơ sinh đang điều trị cho khoảng 80 trẻ, các giường bệnh ở đây đều kín chỗ. Trong số này, những ca nhiễm do virus hợp bào hô hấp (RSV) chiếm nhiều nhất với 1/4 tổng số bệnh nhi, (theo Zing).

RSV nguy hiểm như thế nào?

Virus RSV (viết tắt của: respiratory syncytial virus) thuộc giống Orthopneumovirus, họ Pneumoviridae và bộ Mononegavirales. Nó là nhân tố gây bệnh hàng đầu cho trẻ nhỏ, đồng thời là căn nguyên gây nhiễm trùng hô hấp dưới cho mọi nhóm tuổi trên toàn cầu.

Thống kê cho thấy, khoảng 60% trường hợp trẻ nhiễm virus khi dưới một tuổi, 80% trường hợp trẻ đã mắc bệnh khi lên hai.

Chủng virus RSV đặc biệt nguy hiểm khi nó là nguyên nhân quan trọng gây tử vong cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Dữ liệu thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy, mỗi năm có khoảng 58.000 trường hợp trẻ dưới 5 tuổi nhập viện, trong đó có 100-500 ca tử vong.

Theo số liệu ước tính vào năm 2015, trên toàn thế giới có hơn 33 triệu lượt nhiễm trùng do virus RSV. Trong số này, hơn 3 triệu ca nhập viện và gần 60.000 trường hợp trẻ dưới 5 tuổi tử vong.

Thống kê trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh từ 0-27 ngày tuổi do virus này là 2.3%; đối với trẻ sơ sinh từ 28-364 ngày tuổi là 6.7% và 1.6% ở trẻ em từ 1-4 tuổi.

Virus RSV bùng phát theo mùa trên khắp thế giới. Ở Bắc bán cầu, nó thường xuất hiện vào tháng 10, 11 đến tháng 4, 5. Trong đó, đỉnh điểm của các đợt bùng phát thường diễn ra vào tháng 1 hoặc tháng 2, (theo báo Sức khỏe & Đời sống).

Con đường lây nhiễm của virus RSV

RSV chủ yếu lây lan qua các giọt bắn có chứa virus, vốn được thải ra từ người bệnh thông qua ho, hắt hơi…

Trẻ tiếp xúc với các bề mặt nhiễm bẩn có chứa virus, sau đó đưa tay lên mắt, mũi và miệng. Các vật dụng như quần áo, khăn, gối, chăn… cho đến bàn tay của bệnh nhân cũng có thể là nhân tố chứa mầm bệnh cần lưu ý.

Người nhiễm virus thơm, hôn hoặc mớm thức ăn cho trẻ, khiến trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của bệnh nhân, (theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương).

Người nhiễm virus RSV có biểu hiện gì?

Người nhiễm virus RSV có thời gian ủ bệnh từ 2-8 ngày, trung bình từ 4-6 ngày.

Các triệu chứng do virus gây ra khá giống cảm lạnh trong 1-3 ngày đầu, sau đó nặng dần. Chúng không đến cùng lúc mà xuất hiện theo từng giai đoạn.

Thông thường, trẻ nhiễm bệnh có biểu hiện khó thở (thở nhanh đi kèm triệu chứng rút lõm lồng ngực), thở khò khè và chảy nước mũi, ho nhiều, sốt cao, đau họng nhẹ, đau tai, quấy khóc, không nhanh nhẹn, mệt mỏi, ngủ không ngon giấc.

Khi tiến triển nặng, trẻ sinh non có thể bú kém, khó chịu, ngưng thở hoặc hôn mê.

Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như thiếu nước nghiêm trọng, khóc không ra nước mắt, không tiểu tiện suốt 6 tiếng, mắt trũng, da nhăn.

Đối với trẻ lớn hơn và người trưởng thành khi nhiễm virus sẽ có các triệu chứng giống cảm lạnh gồm nghẹt mũi, ho và sốt. Người lớn mắc bệnh thường có biểu hiện thở khò khè và chảy nước mũi liên tục.

Các biểu hiện do virus RSV gây ra thường rầm rộ vào khoảng ngày thứ 5, cải thiện sau 7-10 ngày.

Trong trường hợp trẻ có biểu hiện khó thở, sốt cao, môi và móng chuyển xanh tím, phụ huynh cần đưa trẻ nhập viện cấp cứu càng sớm càng tốt.

Biến chứng do virus RSV

Nếu các triệu chứng tiếp tục kéo dài và nặng hơn, chúng có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, hen suyễn hoặc các biến chứng nguy hiểm khác về đường hô hấp như suy phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi… (trích nguồn từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)

Ai dễ mắc bệnh nghiêm trọng?

  • Trẻ sinh non, tuổi thai dưới 37 tuần.
  • Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng.
  • Trẻ dưới hai tuổi bị bệnh phổi mạn tính hoặc mắc bệnh tim bẩm sinh
  • Trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch
  • Trẻ bị rối loạn thần kinh cơ, kể cả trường hợp trẻ khó nuốt hoặc khó tiết dịch nhầy.

Do virus có thể lây nhiễm ở mọi lứa tuổi, nên người già trên 65 tuổi, người trưởng thành mắc bệnh tim hoặc phổi mạn tính, người có hệ thống miễn dịch kém đều có thể trở thành đối tượng mắc bệnh, thậm chí bệnh nặng, (theo báo Sức khỏe & Đời sống).

Làm gì để phòng ngừa nguy cơ nhiễm virus RSV?

Là một bệnh liên quan đến đường hô hấp, tỷ lệ mắc bệnh do lây nhiễm trực tiếp cao hơn so với lây nhiễm qua không khí, trẻ em và những người trưởng thành có hệ miễn dịch suy yếu, người già và những người có bệnh nền cần tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu nhiễm virus như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi…

Tránh đến những nơi đông người.

Môi trường sống cần được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, tránh khói bếp hay thuốc lá.

Các vật dụng cần được làm sạch và vô trùng bề mặt.

Khi tiếp xúc với trẻ cần rửa tay sạch bằng xà phòng, hoặc các dung dịch diệt khuẩn chứa cồn, (theo Vinmec).

Cho đến nay vẫn chưa có vaccine đặc hiệu dành cho loại bệnh này. Do đó, việc phòng ngừa một cách chủ động là điều hết sức cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa đông sang xuân và từ xuân sang hè.

(*) Ảnh chủ đề: NIAID Flickr - CC BY 2.0

Chấn Hưng tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Trẻ em nhiễm virus RSV gia tăng, làm thế nào để nhận biết và phòng ngừa bệnh?