Trung Quốc bổ nhiệm tân Bộ trưởng Quốc phòng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, nước này đã bổ nhiệm cựu tư lệnh hải quân, ông Đổng Quân (Dong Jun), làm tân Bộ trưởng Quốc phòng, chấm dứt nhiều tháng đồn đoán về việc thay thế nhà ngoại giao hàng đầu của quân đội, trong bối cảnh đang diễn ra bất ổn trong hàng ngũ cấp cao của chế độ này.

Theo Tân Hoa xã, ngày 29/12, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) khóa 14 Trung Quốc đã phê chuẩn bổ nhiệm ông Đổng Quân làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Ông Đổng Quân, 62 tuổi, là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), giữ chức Tư lệnh Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Cựu tư lệnh hải quân này sẽ kế nhiệm ông Lý Thượng Phúc, người bị sa thải vào tháng 10 vừa qua, sau hai tháng mất tích mà không rõ lý do.

Không giống như những người tiền nhiệm, ông Đổng không phải là thành viên của Quân ủy Trung ương (CMC), cơ quan gồm 7 thành viên điều hành Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Trong hệ thống chính trị không rõ ràng của chế độ này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc có rất ít ảnh hưởng đối với quân đội. Lực lượng vũ trang là một nhánh của ĐCSTQ chứ không phải là lực lượng quân sự quốc gia. Ông Tập Cận Bình là Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ.

Những tác động tiềm tàng đối với mối quan hệ Mỹ - Trung

Ông Đổng Quân thăng cấp trong lực lượng hải quân. Trước khi trở thành Tư lệnh Hải quân PLA vào năm 2021, ông từng là phó chỉ huy của Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ, đơn vị chịu trách nhiệm tiến hành các cuộc tập trận trên biển và trên không gần Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà ĐCSTQ đã tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình. Ông Tập đã tuyên bố rằng ông sẽ “không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực” để chiếm Đài Loan.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng có kinh nghiệm chỉ huy một đơn vị khác của PLA, Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ. Đơn vị này chịu trách nhiệm hoạt động trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Căng thẳng về Đài Loan và Biển Đông là một trong những điểm nóng trong mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Sau chuyến công du của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8/2022, Bắc Kinh đã đóng băng các tương tác quân sự và những tương tác quan trọng khác với Washington. Tuy nhiên, ngày 21/12 vừa qua, lãnh đạo quân sự hai nước đã nối lại liên lạc sau gần hai năm.

Trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, ông này đã không có cuộc gặp chính thức nào với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Bắc Kinh đã ra điều kiện rằng, để đi đến các cuộc đàm phán, thì Washington phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt đối với ông Lý vào năm 2018 vì vai trò của ông này trong việc bị cáo buộc mua máy bay chiến đấu và thiết bị từ nhà xuất khẩu vũ khí chính của Nga, Rosoboronexport. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ yêu cầu này.

Sự bất ổn trong giới lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh

Lý lịch công khai của tân Bộ trưởng Quốc phòng Đổng Quân có ý nghĩa quan trọng vì ông này không có quan hệ trực tiếp với ông Tập. Mặt khác, ông Lý Thượng Phúc được biết đến rộng rãi với tư cách là một thành viên trong giới chính trị của ông Tập - "Hồng nhị đại", hay còn gọi là ‘thế hệ Đỏ thứ hai’.

Thuật ngữ "Hồng nhị đại" chỉ đời con cái của những công thần xây dựng ĐCSTQ từ thời kỳ đầu. Đây là một tầng lớp đặc quyền khổng lồ của ĐCSTQ. Những “công thần” này đã giúp Mao Trạch Đông giành quyền kiểm soát đất nước vào năm 1949. Cha của ông Lý Thượng Phúc là ông Lý Thiệu Châu, một cựu chiến binh Hồng quân, cựu Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tây Nam Thiết đạo binh PLA, tức binh chủng đường sắt PLA.

Việc bổ nhiệm ông Đổng diễn ra trong bối cảnh có vẻ như ĐCSTQ đang tiến hành một cuộc thanh trừng quân sự. Bắc Kinh không đưa ra lý giải nào về việc sa thải cựu bộ trưởng quốc phòng nước này, sự việc xảy ra chỉ 7 tháng sau khi ông Lý Thượng Phúc được bổ nhiệm vào vị trí này. Nhiều nguồn tin từ các phương tiện truyền thông cho biết ông Lý đã bị chính phủ Trung Quốc điều tra vì nghi ngờ tham nhũng liên quan đến việc mua sắm thiết bị quân sự.

ĐCSTQ sẽ không bình luận về những nguồn tin như vậy. Tại cuộc họp giao ban hàng tháng vào tháng 10, khi được hỏi liệu việc sa thải ông Lý có liên quan đến cuộc điều tra chống tham nhũng hay không, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ đáp rằng ông “không có thông tin nào để tiết lộ”.

Trong 4 tháng qua, cựu bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã không được nhắc đến một cách công khai. Lần xuất hiện trước công chúng gần đây nhất của ông Lý là vào hôm 29/8, khi ông này phát biểu tại một sự kiện an ninh và gặp gỡ các bộ trưởng quốc phòng từ Ghana, Zambia và nhiều nước châu Phi khác.

Việc sa thải ông Lý cũng kéo theo một loạt vụ mất tích và thay thế bí ẩn của các tướng lĩnh và quan chức cấp cao, làm dấy lên nghi ngờ về tình trạng bất ổn tiềm ẩn trong giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ dưới thời ông Tập. Vào tháng 8, Trung Quốc đột ngột thay thế hai chỉ huy cấp cao phụ trách đơn vị kho vũ khí hạt nhân của nước này, điều mà giới quan sát bên ngoài gọi là cuộc cải tổ lớn nhất trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao nhất của quân đội ĐCSTQ trong những năm gần đây.

Động thái mới nhất về tình trạng bất ổn trong quân đội Trung Quốc diễn ra vào hôm thứ Tư (27/12). Theo đó, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (cơ quan cố vấn chính trị của nước này) đã bãi nhiệm 3 lãnh đạo cấp cao của các công ty thuộc lĩnh vực quốc phòng nước này.

Theo đó, 3 lãnh đạo bị bãi nhiệm gồm ông Ngô Yên Sinh (Wu Yansheng), ông Lưu Thạch Tuyền (Liu Shiquan) và ông Vương Trường Thanh (Wang Changqing). Ba nhân vật này đều là ủy viên của Ủy ban Toàn quốc Chính hiệp khóa 14.

Theo trang Thepaper.cn, ông Ngô Yên Sinh là chủ tịch Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC). Đây là công ty theo dõi việc phát triển các hệ thống tên lửa và tàu vũ trụ của Trung Quốc.

Ông Lưu Thạch Tuyền là chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp binh khí Trung Quốc (Norinco), nhà sản xuất thiết bị quân sự hàng đầu nước này.

Ông Vương Trường Thanh giữ chức phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC).

Trong buổi họp báo hôm thứ Năm (28/12), phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm không nói lý do của việc bãi nhiệm. Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh rằng quân đội Trung Quốc luôn duy trì sự quản lý nghiêm ngặt theo pháp luật, đồng thời không khoan nhượng với tham nhũng.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc bổ nhiệm tân Bộ trưởng Quốc phòng